22 tháng 3, 2010

Chuyện hai con đường



Có 2 con đường, một con đường thẳng tắp băng qua những cánh đồng bằng phẳng, một con đường gồ ghề đi lên đỉnh núi, dốc dựng thẳng đứng...
Gọi con đường qua cánh đồng là con đường A, và con đường đi lên núi là con đường B.

Con đường A nói với con đường B:

"Người ta sẽ chọn tôi, thay vì bạn, vì tôi bằng phẳng hơn, dễ đi hơn. Đúng là dù có những mấp mô, nhưng ở một mức độ nào đó, tôi không bao giờ làm ai ngã cả.

Cho dù là trên con đường của tôi, người ta tạm thời chưa nhìn thấy cái đích đến cuối cùng, người ta có mệt mỏi một chút vì cảm giác chán nản. Nhưng tôi chắc chắn rằng sẽ không ai bỏ cuộc cả. Họ sẽ đi tiếp. Và họ sẽ đến được nơi họ cần đến. Cả khi đó là cả một quãng đường rất rất dài.

Trên con đường của tôi, không có nhiều chỗ cho những toan tính, ganh đua khốc liệt. Những người đi trên con đường này, chỉ cần họ có quyết tâm, niềm tin, và tình yêu thương con người, thì họ sẽ thành công.

Và từ bất kì góc độ nào, con đường của tôi luôn sáng sủa, luôn có những cảnh vật rất đẹp làm người ta quên đi sự mệt mỏi. Và quan trọng hơn, sẽ có rất nhiều người chọn con đường này. Họ không bao giờ cô đơn cả."

Cũng với những lý lẽ của mình, con đường B phản biện lại rằng:

"Con đường của tôi quá khắc nghiệt, quá chông gai, thế nên ít ai dám chọn tôi. Nhưng chỉ có những kẻ mạnh mẽ nhất mới dám chọn những con đường mạo hiểm nhất.

Người đi đường dù chỉ mới đứng từ chân núi nhưng họ đã có thể dễ dàng nhìn thấy đỉnh núi. Và vì vậy họ biết rõ ràng là quãng đường của họ bao xa, và họ cần vượt qua những gì để đến được đỉnh núi. Có như vậy thì dù suốt cuộc hành trình có vất vả đến đâu, họ cũng đã chuẩn bị tâm lý tốt để vượt qua.

Đúng là vì con đường của tôi quá hẹp, nên để lên được tới đỉnh núi, người ta phải tranh giành, chèn ép nhau mà đi. Nó chỉ là một trong những thử thách thôi. Vậy nên ai mà lên được cái đỉnh cao nhất thì người đó mới gọi là thành công.

Đường lên núi thì không có nhiều cảnh đẹp cho lắm, chỉ có cây và đá, thỉnh thoảng lại có những đoạn mà mặt trời không thể chiếu tới được. Nhưng nó rèn cho con người cái bản lĩnh, nghị lực. Nó mang đến cho con người sức mạnh, sự thành công.
***
Nếu bạn đã đọc đến cuối bài viết, có hai câu hỏi dành cho bạn:
1. Bạn sẽ chọn con đường nào?
2. Có một người đã chọn con đường thứ nhất. Nhưng một người cực kỳ quan trọng với người ấy lại chọn con đường thứ hai. Dù chỉ là đoạn đầu của cuộc hành trình nhưng người ấy không thể quay đầu lại. Có khi nào... hai người đó có thể gặp nhau không?

(St)



3 comments:

Khi bước chân lên bất kể con đường nào, câu hỏi đầu tiên sẽ là “Đi tới đâu”? Phải có đích đến. Nếu không hành trình trở nên vô nghĩa. Cho dù con đường đó là bằng phẳng, thuận lợi hay khó khăn, ghập ghềnh.

Con đường thứ nhất, ai cũng muốn. Vì nó “sáng sủa, cảnh đẹp, đông vui…”. Nhưng có ý nghĩa gì khi mà “Chưa thấy cái đích cuối cùng…”.

Không ai muốn chọn cho mình sự gian truân cả. (Trừ khi tập luyện). Nhưng nếu như số phận của họ, quả ngọt treo ở cuối đường – Nơi phải vượt qua núi cao, rừng rậm, bóng tối….Tôi nghĩ, họ không có sự lựa chọn nào khác là phải vượt qua.

Câu chuyện rất ý nghĩa, mình rất thích.
Có thể, ai cũng muốn chọn con đường thứ hai, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh, đủ thông minh để lựa chọn đường đi cho mình...

Chon ca 2
Hai duong thang song song gap nhau tai 1 diem
(Van Vo)