1 tháng 12, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Tôi tin hạnh phúc sẽ trở về

Tôi lại tiếp tục sống trong những ngày đau đớn và thử thách. Tôi vẫn đang trên con đường vạn dặm kiên nhẫn tìm lại quá khứ cho vợ và con gái tôi, cho cả chính tôi nữa...

Kính thưa các anh các chị quý báo!

Từ một đất nước xa xôi, tôi xin gửi tới các anh chị lời chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng và may mắn. Tôi còn nhớ cách đây mấy số báo, tôi có đọc được một câu chuyện khó tin nhưng có thật của một người phụ nữ. Câu chuyện kể rằng cô không dám trở về sinh sống ở quê hương Việt Nam bởi lẽ cô đã có một kỷ niệm đau đớn với chính bố chồng mình.

Lo sợ sự truy đuổi của quá khứ, cộng với những ám ảnh của sự thật đã khiến cho cô chọn một cuộc sống định cư ở nước ngoài nhằm có thể quên đi những kỷ niệm đau lòng trong quá khứ. Tôi tự nghĩ, bất hạnh trên đời này thật không giống ai. Tôi cũng có một hoàn cảnh tương tự như người phụ nữ trong câu chuyện kia là không dám trở về quê hương Việt Nam để sinh sống. Nhưng bất hạnh của tôi không phải là tôi đã làm điều gì đó xấu xa để không còn dám quay trở về đối diện với người thân, với quê hương mình.

Tôi không thể trở về Việt Nam sinh sống cho dù gần hai chục năm nay chưa phút nào tôi nguôi nhớ về quê hương, chưa phút nào tôi quên được mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, nơi đó còn có mẹ già, gia đình lớn của tôi.


Tôi tiếp tục sống trong những ngày đau đớn và thử thách...

Thưa các anh các chị. Mọi bất hạnh trên đời không ai giống ai, nó bất ngờ ập xuống cuộc đời của ta vào một ngày mà ta không hề ngờ tới. Mùa hè năm 1988, tôi đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2 ở Liên Xô. Do có thành tích cao trong nghiên cứu sinh, và những vấn đề mà tôi đang nghiên cứu ứng dụng thành công tại một nhà máy sản xuất điện nên tôi được thưởng kỳ nghỉ phép 1 tháng, với một khoản tiền chi phí cho kỳ nghỉ phép khá rủng rỉnh từ phía nhà máy nơi tôi đang thực tập. Thay vì trở về Việt Nam thăm vợ và các con, tôi đã gửi vé máy bay và các thủ tục về cho vợ và 3 con của tôi để vợ tôi làm hộ chiếu sang Liên Xô thăm chồng.

Những tưởng đó là mùa hè hạnh phúc nhất của gia đình tôi, ngờ đâu đó lại là mùa hè bất hạnh nhất, mở đầu cho những tai ương trong cuộc đời tôi. Chúng tôi có 3 tuần đoàn tụ bên nhau, tôi đã cố gắng đưa vợ và các con tôi đi một số danh lam thắng cảnh trên đất nước Liên Xô. Vợ tôi là một công nhân làm việc trong ngành dệt, chúng tôi cưới nhau được 5 năm, trong vòng 5 năm vợ tôi cho ra đời 3 đứa trẻ thiên thần. Hai cậu con trai sinh đôi đầu lòng lúc này đã tròn 5 tuổi, con gái út của tôi sắp tròn 3 tuổi. 

Thời gian 1 tháng nghỉ hè bay vèo trong phút chốc. Đã đến ngày vợ và các con tôi phải về nước. Tuần cuối cùng chuẩn bị chia tay, vợ tôi ao ước được tới tham quan Biển Đen, nơi mà cô từng biết đến qua những trang thơ Xôviết từ thuở học trò. Tôi đồng ý và ngay lập tức mua vé tàu đưa cả gia đình đến. Có ai biết đâu, bất hạnh đang chờ gia đình tôi ở phía trước. Ngay trong buổi chiều hôm ấy, khi vừa xuống tàu, chúng tôi đi thẳng ra bãi biển trước khi đưa cả nhà đi tìm một khách sạn thuê trọ. Chính trong buổi chiều hôm ấy, tôi đã lạc mất vợ và con gái út bé bỏng ngay trên bờ biển.

Tôi cũng không thể lý giải nổi vì sao chúng tôi lại có thể lạc nhau. Có lẽ do bọn trẻ con nhà tôi quá hiếu động. Tôi quản lý hai chú nhóc sinh đôi 5 tuổi, vợ tôi bế con gái Anh Đào mới 3 tuổi. Những đứa trẻ chỉ cần nhìn thấy biển là có thể chạy ào xuống mà bất kể phía trước là ai và điều gì đang đợi. Tôi chạy theo hai đứa trẻ và chỉ một lúc sau quay trở lại chỗ cũ thì vợ và con gái bé bỏng Anh Đào đã biến mất. Không ai có thể hình dung được tâm trạng của tôi lúc đó.

Lúc đầu tôi cố không di chuyển vì nghĩ rằng chắc chắn vợ tôi đi đâu đó thôi rồi sẽ quay lại với 3 bố con tôi. 1 tiếng rồi 2 tiếng trôi qua, vợ và con gái tôi vẫn bặt vô âm tín. Khi hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống, mọi người trên bãi biển đã về khách sạn, số người mới đến đi chơi đêm trên biển vẫn đông đúc nhộn nhịp, lúc này tôi mới choáng váng với ý nghĩ có lẽ vợ và con gái tôi sẽ không bao giờ quay trở lại đây nữa. Tôi đang tuột mất họ. Lo lắng làm cho tôi gần như phát điên, tôi chạy đến tất cả mọi nơi, mọi trạm liên lạc để có thể nhờ giúp đỡ tìm vợ và con gái bị lạc.

Mặc cho những nỗ lực gần như tuyệt vọng của tôi, vợ tôi và con gái tôi vẫn biệt tích. Tôi đã lưu lại ở thành phố Istanbul cạnh Biển Đen đúng 1 tháng cùng với hai con trai để tìm kiếm, chờ đợi và hy vọng vợ con tôi sẽ quay trở lại tìm tôi. Một tháng trôi qua trong tuyệt vọng. Tôi quyết định mang hai con quay lại Moskva nơi tôi đang làm thực tập sinh. Những năm tiếp theo, Liên Xô tan rã, tôi trôi dạt theo những biến đổi của thời cuộc. Từ đó, tôi đã trải qua một cuộc đời khác, một cuộc sống khác đầy cay đắng, mất mát và đau đớn không cùng. Tôi phải nuôi hai con trai và tích lũy tiền để đi tìm vợ và con gái. Đó là mục đích lớn nhất mà tôi phải sống.

Tôi buộc phải dừng công tác nghiên cứu sinh, làm thuê đủ mọi thứ nghề để có thể di chuyển tự do đến các vùng có đông người Việt Nam sinh sống và làm việc với một hy vọng mãnh liệt có thể vợ và con gái tôi ở đó, hoặc ở đó tôi có thể tìm được những thông tin quý giá về vợ và con.

Vợ tôi là người phụ nữ chưa bao giờ rời khỏi thành phố nơi cô ấy ở. Chuyến đi sang Liên Xô thăm chồng là chuyến đi đầu tiên xa nhất. Cô ấy lại không biết tiếng Nga, không biết thứ tiếng gì ngoài tiếng Việt, vì thế rất có thể cô ấy đã bị lạc. Thế nhưng nếu cô ấy còn sống, chừng ấy thời gian, 1 năm rồi 2 năm, thậm chí 5 năm, tại sao cô ấy không tìm mọi cách để tìm tôi, thông tin cho tôi biết cô ấy ở đâu? Nếu cô ấy gặp phải một rủi ro nào đó do cuộc đời xô đẩy, mà cô ấy buộc phải sống một đời sống khác thì tôi tin cô ấy cũng sẽ tìm cách để thông báo cho tôi biết về sự tồn tại của cô ấy và con.

Về tình cảm vợ chồng, giữa chúng tôi luôn tồn tại một tình yêu thương tha thiết, vì vậy không có lý do gì để cô ấy ôm đứa con bé bỏng của chúng tôi và bỏ tôi ra đi. Hay tâm lý của cô ấy có vấn đề, có thể thời điểm cô ấy bỏ tôi ra đi chính là lúc bệnh tình cô ấy khởi phát. Tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhiều giả thiết và chẳng có giả thiết nào, câu trả lời nào khiến tôi hài lòng.

Tôi đã ở vậy, dành toàn bộ thời gian đi làm kiếm tiền và chăm sóc hai đứa con khôn lớn với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy vợ và con gái. Nhiều đêm tôi trở về nhà trong cơn mệt mỏi rã rời, sự mất mát về mặt tinh thần khiến cho tôi dường như không thể chịu đựng hay vượt qua được. Mỗi lần nghĩ đến cái chết là mỗi lần tôi lại chạm vào gương mặt buồn rầu ngơ ngác của hai đứa con. Và câu hỏi bố ơi, bao giờ mẹ sẽ trở về làm cho trái tim tôi rỉ máu.

Kính thưa quý báo, vậy là tôi trở thành công dân nước Nga bất đắc dĩ, cho dù tôi sinh ra ở Việt Nam và là người Việt Nam, cho dù không lúc nào tôi không thương nhớ quê hương của mình. Tôi không thể quay trở về Việt Nam sinh sống bởi lẽ nơi mảnh đất phương xa này đang giữ bí mật một nửa cuộc đời của tôi, đó là vợ và con gái yêu bé nhỏ của tôi. Tôi không thể rời bỏ nơi này để trở về quê hương của mình được vì trở về Việt Nam là rời bỏ niềm tin, rời bỏ hy vọng mãnh liệt trong suốt bao nhiêu năm qua, rằng vợ và con gái tôi vẫn còn sống và đi lạc đâu đó trên nước Nga xa xôi này.

Còn sống, tôi còn phải tìm kiếm, còn hy vọng. Dẫu hy vọng bây giờ chỉ còn là một phép mầu kỳ diệu. Hai con tôi đã trưởng thành, các cháu đều đã trở thành sinh viên ưu tú trên các giảng đường đại học, các cháu đều thương bố và khuyên bố hãy từ bỏ quá khứ để tìm đến một cuộc sống mới. Cho dù vậy, các cháu vẫn âm thầm ngày đêm tiếp tục cái công việc của tôi là tìm kiếm mẹ và em gái. Có cuộc tìm kiếm nào dài hơn thế và có hy vọng nào có thể dài hơn thế. Có nỗi đau nào nhiều hơn thế để cho trái tim tôi quên đi nỗi muộn phiền.

Thế nhưng cuộc sống không lấy đi của ai tất cả, và cũng không tước đi của ai niềm hy vọng tột cùng. Cách đây đúng một năm, trong một lần đi dạo trên bờ Biển Đen (kể từ ngày tôi lạc mất vợ và con gái yêu, cứ đúng vào dịp hè năm nào mà tôi có thể, tôi đều tìm mọi cách trở lại đây để tìm kiếm có khi là để sống nốt những ngày tháng còn lại với hy vọng mỏng manh là có thể tìm thấy vợ và con tôi.

Và khi tôi đã là một người đàn ông qua tuổi ngũ tuần, mái tóc đã đốm bạc, và hy vọng tìm thấy vợ con đã ngày một vô vọng hơn, tôi bỗng nhiên gặp lại người vợ yêu quý và con gái bé nhỏ của mình. Hôm đó tôi đi dạo trên bãi biển, từ xa tôi không tin vào mắt mình nữa khi nhìn thấy một thiếu nữ trạc 20 tuổi với gương mặt vợ tôi hồi trẻ, đang đẩy xe lăn. Còn trên xe lăn, người thiếu phụ mái tóc đã điểm bạc, cặp mắt nhìn tôi vô hồn đờ đẫn ấy chính là vợ tôi.

Trời ơi! Tôi đã quỳ sụp xuống trước họ và khóc như mưa như gió khiến cho cô gái hoảng sợ. Con gái Anh Đào của tôi có tên là Natasha, cô bé không biết một từ tiếng Việt nào, và hoàn toàn không biết gì về tôi và gia đình trước đây của mình. Còn vợ tôi, bà ấy bị dư chấn thần kinh hồi còn trẻ, mới đây bà lại bị tai biến mạch máu não, bà đã sống một đời sống câm lặng như thế gần hai chục năm nay rồi, kể từ khi tai nạn xảy ra.

Cô bé tỏ ra hoảng sợ và nghi ngờ câu chuyện của tôi, rằng tôi là bố đẻ của cô gái, và người thiếu phụ đau ốm kia chính là vợ của tôi. Cho đến bây giờ, một năm đã trôi qua, cho dù tôi đã tìm mọi cách để chứng minh cho cô bé hiểu mọi chuyện, tìm cách chữa trị cho vợ tôi để cô ấy chính là chiếc chìa khóa có thể mở ra được cánh cửa bí ẩn của hạnh phúc gia đình tôi, để cả nhà tôi lại đoàn tụ sau mấy chục năm xa cách.

Thế nhưng, hình như ông trời thử thách lòng kiên nhẫn của tôi hay sao mà cho tôi tìm lại được vợ con tôi trong hoàn cảnh trớ trêu đến thế. Vợ tôi đã hoàn toàn mất trí nhớ, cô ấy không biết tôi là ai, và bản thân mình là ai nữa, cô ấy đang sống một cuộc sống của người thiểu năng trí tuệ.

Còn con gái tôi, tôi đã lạc con khi cháu chưa tròn 3 tuổi, làm sao nó nhớ được điều gì. Trong một năm qua, tôi tìm mọi cách để được gần vợ và con, nhưng vợ tôi giờ đây đã có một gia đình riêng và sự tiếp cận hòa nhập không phải dễ dàng khi người đàn ông sống cùng với vợ tôi là một người khó tính và anh ta có vẻ không muốn nghe câu chuyện nhận lại vợ con của tôi.

Tôi lại tiếp tục sống trong những ngày đau đớn và thử thách. Tôi vẫn đang trên con đường vạn dặm kiên nhẫn tìm lại quá khứ cho vợ và con gái tôi, cho cả chính tôi nữa. Tôi vẫn muốn vợ tôi sẽ nói cho tôi biết vì sao cô ấy lại bỏ tôi trong một thời gian dài lưu lạc đến thế.

Kính thư 
Nguyễn Hoàng Việt.
Moskva. LB Nga

Theo ANTG

0 comments: