28 tháng 6, 2013

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Bé trai 2 tháng tuổi ngằn ngặt khóc vì khát sữa

Đã hơn 2 tháng tuổi mà bé Nguyễn Đức Trí (sinh ngày 16/4) vẫn còi cọc như mới sinh, cứ bấu chặt lấy bầu vú khô cằn của mẹ mà mút lấy, mút để. Khi mút mãi mà không có giọt sữa nào, bé lại quay qua khóc ngằn ngặt không ra tiếng…



Chồng mù dở
Được bạn đọc báo tin về hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé Đức Trí, chúng tôi hẹn gặp được cha bé là anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1990) tại ngã ba làng đại học Thủ Đức để anh dẫn đường vào nhà trọ ở sâu trong phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương.
Khi thấy anh cứ chạy rề rề tiến về con đường có rào chắn vắt ngang, chúng tôi hoảng hồn chạy vượt lên bóp còi inh ỏi và gọi anh quay lại. Lúc này, anh chàng mới nhận ra, dừng xe rồi cười e ngại trấn an khách: “Chỗ này gần nhà em lắm rồi. Đường thay đổi nhanh quá, em nhìn không ra (?!). Để em chạy quanh một lát tìm kỹ lại xem!”.
Thì ra đôi mắt anh đã mất thị lực đến 70%, muốn nhìn kỹ vật gì phải đưa đến sát tận mắt, còn mọi vật trước mắt anh chỉ là những bóng mờ. Bởi thể cho nên khi đi đường anh rất dễ bị lạc, nhất là những con đường nhỏ vắng, cảnh vật giống nhau. Phải đảo 3 vòng quanh khu dân cư mới của phường Bình An anh mới tìm ra căn nhà trọ của gia đình mình.
Tuổi thơ của anh cũng chẳng mấy tươi đẹp khi sinh ra tật nguyền thì cha mẹ ly hôn, mẹ đi bước nữa với cha dượng đã có 3 con riêng. Vừa mù dở, nhà nghèo khó, lại là con riêng, cả đời Hải chưa từng được đến lớp 1 ngày nào nên cái chữ cũng xa lạ với anh.
Cũng vì đôi mắt mù dở, cha dượng nhiều lần chửi bới Hải ăn bám, vô dụng. Tủi thân, Hải bỏ nhà ở Gia Lai để vào thành phố từ năm 16 tuổi. Hải kể: “Em dành tiền rồi gọi hỏi tổng đài 1080 xem có chỗ nào nhận dạy nghề có nuôi cơm cho người khuyết tật không, họ cho em địa chỉ 1 trung tâm ở Hóc Môn, TPHCM. Thế là khăn gói lên đường vào thành phố!”.
Ban đầu Hải học massage, nhưng nghề này khó kiếm việc. Rồi Hải chuyển sang học nghề mộc, sau 5 năm cũng làm được nhiều công đoạn đơn giản như khoan, tiện, bào, cưa xẻ… Hải tâm sự: “Học nghề xong em xin ra ngoài làm từ năm 2011, làm cho 1 xưởng gỗ ở Bình Dương, ngày công được 57.000 đồng, đủ để nuôi sống mình mà không phải dựa dẫm vào ai”.
Vợ liệt cơ
Khi đến thăm nhà Hải, chị Nguyễn Thị Nguyệt (1991), vợ anh cười đon đả đón chào khách: “Anh thông cảm, em không đứng lên được để ra đón!”.
Nhìn người phụ nữ nhỏ bé đang ôm đứa con tựa vào lòng ngồi giữa chiếc giường nhỏ mà ai cũng chạnh lòng. Đã hơn 2 tháng tuổi mà bé Đức Trí vẫn đèo đọt như mới sinh, cứ bấu chặt lấy bầu vú khô cằn của mẹ mà mút lấy, mút để. Khi mút mãi mà không có giọt sữa nào, bé lại quay qua khóc ngằn ngặt không ra tiếng…
Cả gia đình 3 con người sống tạm bợ trong căn phòng trọ chưa đầy 9m2 chỉ đủ đặt 1 cái giường nhỏ, kệ bếp và 1 tủ nước. Những vật dụng khác như áo quần, chăn nệm, đồ dùng cho trẻ sơ sinh thì chất đầy quanh giường… Mớ tả vải được giấu kín dưới gầm giường vì Nguyệt di chuyển bất tiện, không thể giặt giũ thường xuyên. Đẩy đống tả sâu vào gầm giường, Nguyệt thẹn thùng: “Dùng tả vải vừa tiện mà rẻ anh à!”.
Trên thân thể Nguyệt cũng mang đầy chứng bệnh bẩm sinh, nặng nhất là chứng liệt cơ khiến tay chân cô yếu ớt như đứa trẻ, khi đi phải bám vào tường nhà. Nếu không có chỗ bấu víu, Nguyệt đi quặt quèo như ngọn cỏ đùa trước gió. Nguyệt còn bị yếu tim, hen phế quản, suyển bẩm sinh, thường xuyên lên cơn hen đến muốn tắt thở. Bởi bệnh tật, Nguyệt chỉ học được đến lớp 3 thì phải nghỉ.
Cha Nguyệt mất sớm, mẹ 1 nách nuôi ba con nhỏ bằng tiền làm thuê công nhật và 3 sào ruộng ở Đắk Lắk. Thương mẹ, không muốn mình trở thành gánh nặng và cũng muốn mẹ dồn sức lo cho 2 em nhỏ, Nguyệt lên thành phố xin vào 1 trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Ở đây, Nguyệt gặp Hải và 2 trẻ nên đôi.
Đến ngày 16/4/2013, Đức Trí ra đời lành lặn, đem niềm vui, hạnh phúc và hy vọng cho đôi vợ chồng trẻ tật nguyền. Nhưng đồng thời, cơ cực cũng ùn ùn kéo đến.
Con thơ khát sữa
Do bệnh tật bẩm sinh kéo dài từ nhỏ mà không được chữa trị, trong thời gian thai kỳ, chứng suyển của Nguyệt liên tục trở nặng, cứ cách tháng là cô phải nhập viện cấp cứu 1 lần vì khó thở đến gần như tắt thở. Hải kể: “Cứ giữa đêm là Nguyệt lại khó thở, lúc ấy em lại mò mẫm đèo vợ đến bệnh viện cấp cứu. Hầu như tháng nào cũng đi”.
Vì bệnh tật tái phát trong thai kỳ, bao nhiêu tiền dành dụm sinh con của hai vợ chồng hầu như không còn, bạn bè xung quanh giúp đỡ hết sức mới chống chọi qua được. Nhưng chi phí sinh nở lại trở thành bài toán lớn. Bởi với bệnh tật và sức khỏe của Nguyệt, cô phải sinh mổ chứ không thể sinh thường. Mà chi phí hơn chục triệu cho ca mổ đối với 2 vợ chồng khuyết tật này là con số không thể nào tưởng nổi.
Hải bảo: “May mà mẹ vợ biết đem vợ về nhà sinh. Mẹ cắm miếng ruộng để vay tiền cho vợ em sinh”. Nghe thế, Nguyệt quay mặt đi nói chen vào: “Sinh xong hai vợ chồng em bồng con vào lại Bình Dương ở trọ tìm việc làm. Mẹ đã quá khổ rồi, lại vì em sinh nở mà mang nợ chồng chất, không lẽ cả nhà còn ở lại ăn bám mẹ!”.
Tự trọng là thế nhưng với đồng lương công nhân mộc của anh chàng mù dở thì phải chật vật lắm mới đủ cho cả nhà sống qua ngày. Hải bảo: “Em đang làm ở công ty Cường Thịnh, họ trả 75.000 đồng ngày công 8 tiếng. Nếu khi nào nhiều hàng, có tăng ca thì em kiếm được 2,1 – 2,3 triệu/tháng; không tăng ca thì được 1,8 triệu”.
Trong số tiền tròm trèm 2 triệu hàng tháng đó, trừ tiền nhà trọ, điện nước ra thì hai vợ chồng còn chừng hơn 1 triệu, chỉ đủ mua nhín nhín chút gạo, mắm cho hai vợ chồng sống qua ngày. Cảnh túng thiếu, chịu nợ hầu như đeo bám mãi cặp vợ chồng khuyết tật này.
Nguyệt bảo: “Hình như em bệnh nhiều quá nên sữa ít, phải mua sữa ngoài cho bé bú thêm, 10 ngày nó uống hết một hộp 900gr. Mà sữa sao đắt quá! Cả tháng nay nhà em phải mua chịu tiền gạo để dành tiền mua sữa cho con mà cũng chẳng đủ vào đâu…”.
Hỏi sao bé ốm yếu vậy, có bệnh tật gì không thì Nguyệt lắc đầu: “Em cũng chẳng biết nữa. Từ lúc sinh đến giờ, hai vợ chồng có dám đưa bé đi viện lần nào đâu. Sữa còn không có tiền mua nữa là…”.
Khi được hỏi tương lai tính toán thế nào, Hải nhếch miệng cười buồn: “Chồng nhín cho vợ, vợ nhín cho con. Chỉ sợ có nhín hết nước cũng không đủ lo cho thằng bé thì tội cho nó. Thôi thì bước thêm được bước nào thì hay bước đó chứ biết tính làm sao nữa hả anh?!”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 1055: Anh Nguyễn Văn Hải, phòng số 9, nhà số 403B/27 tổ 27, khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Điện thoại: 0168.665.8689 (gặp Hải hoặc Nguyệt).

(Dantri)

0 comments: