18 tháng 6, 2013

NHỊP SỐNG IRS: ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN - NGHỀ KIẾM TIỀN HƯNG PHẤN TỘT ĐỈNH, MẠO HIỂM VÀ RỦI RO TỘT CÙNG! (Kỳ IV)

"Cứ một cổ phiếu nào niêm yết lên sàn là y như rằng cháy hàng. Có cầu mà không có cung dẫn đến giá cổ phiếu niêm yết mới tăng không ngừng nghỉ. Khắp mọi nơi, ai ai cũng nói đến chứng khoán. Từ những bác xe ôm, hay các bà, các chị bán rau ngoài chợ, chả biết tý tẹo gì về CK, cũng nói đến chứng khoán". 


Trở lại TTCK VN từ giai đoạn đầu 2006 đến tháng 3/2007 - thời kỳ đi lên bùng nổ của TTCK VN. Một vài con số để mọi người hình dung: Giá trị tài khoản CK của cá nhân tôi tăng gấp 20 lần kể từ đầu năm 2006 đến cuối năm 2006 và chính thức đạt gấp 40 lần cho tới cuối tháng 3/2007 khi HSX đạt đỉnh 1170 điểm (đỉnh cao muôn trượng như chúng tôi vẫn hay nói với nhau). Lúc đó tôi đầu tư cả cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu OTC. Biên độ giao dịch CP niêm yết lúc đó là 10 và 7% trên 2 sàn, còn OTC không có biên độ mà theo kỳ vọng của các nhà đầu tư, do vậy giá trị tài khoản của tôi tăng rất nhanh.

Một lý do của sự tăng nhanh giá trị tài khoản là do chúng tôi được vay đòn bẩy rất nhiều tiền lúc đó. Đòn bẩy tài chính lúc đó có thể nói được gấp hàng chục lần kể từ giá trị ban đầu khi chúng tôi mua cổ phiếu. (Lấy ví dụ khi chúng tôi mua 10 ngàn CP PVD lúc đầu với giá 10 ngàn đ/cp, chúng tôi chỉ mất có 100 triệu. Nhưng khi thị giá PVD lên đến 100 ngàn đ/cp thì giá trị số cổ phiếu PVD của chúng tôi lúc đó là 1 tỷ đồng và đương nhiên chúng tôi được vay 70% là 700 triệu. Cứ thế, thị giá CP càng tăng thì giá trị vay càng lớn, dẫn đến lãi càng nhiều. Có thể nói là tính theo cấp số nhân. Tôi nhớ không nhầm, giá PVD có lúc lên đến 300 ngàn đ/cp và cũng có nghĩa là về lý thuyết lô PVD đó, chúng tôi có thể vay đến 2,1 tỷ đồng so với 100 triệu đồng mua ban đầu. Như vậy riêng tiền vay đã gấp 20 lần giá trị gốc thì lãi gấp 40 lần giá trị ban đầu cũng không phải là điều gì khó hiểu phải không các bạn?).

Thời gian đó là thời gian tôi mở tài khoản và GDCK tại sàn GD của Chứng Khoán Nông Nghiệp - một sàn giao dịch rộng lớn và có những dịch vụ mới lạ chiều lòng các nhà đầu tư như phục vụ cafe miễn phí, wifi... đặt lệnh nhanh. Không khí trên sàn giao dịch cổ phiếu niêm yết thật vô cùng sôi động, nóng rừng rực. Hàng ngày cứ đến 8 giờ sáng, sàn giao dịch mở cửa là y như rằng hàng trăm nhà đầu tư vào sàn chuẩn bị mọi việc cho buổi giao dịch từ khâu kiểm tra tài khoản, tiền nong, chứng khoán để sẵn sàng mua, bán.

Tôi còn nhớ hồi đó do việc kiểm tra tiền nong chứng khoán rất chậm và việc đặt lệnh lại thủ công bằng cách nhà đầu tư viết phiếu lệnh mua – bán, nhân viên môi giới kiểm tra tiền nong tài khoản sau đó mới gọi điện vào đại diện sàn để nhập lệnh nên mọi việc giao dịch trở nên chậm chạp trong khi giá cả và chỉ số tăng lên từng ngày từng giờ. Lệnh mua bán của các nhà đầu tư xếp hàng chồng dày trước mặt các nhân viên môi giới và được đọc lần lượt sau khi đã được bộ phận kế toán kiểm tra số dư tiền và chứng khoán.  Nhiều hôm thị trường quá nóng nghiêng về một bên chỉ mua hoặc chỉ bán thì số lệnh trên cũng không kịp đọc hết vào cho đại diện sàn để nhập lệnh. Sự sốt ruột của các nhà đầu tư chứng khoán đã trở nên bùng nổ và xung đột với sự chậm chạp của nhân viên môi giới hay hệ thống phần mềm giao dịch thủ công dẫn đến nhiều cuộc cãi vã, xung đột đã nổ ra không khác gì cái chợ. Biết làm sao được đây ở một thị trường chứng khoán còn non trẻ, mọi thứ phải làm từ đầu và nâng cấp dần dần.

Thời kỳ đó như đã nói ở trên, giá trị tài khoản của bản thân tôi nói riêng hay nhiều nhà đầu tư CK khác nói chung đều đã tăng nhiều, lãi nhiều và thậm chí lãi rất nhanh trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Cứ thử nhẩm tính nếu trị giá danh mục của bạn khoảng 10 tỷ (hồi đó nhiều người đạt đến mức này) thì mỗi ngày tăng từ 5-10%, số tiền tăng thêm sẽ là bao nhiêu? 5 trăm triệu đến 1 tỷ vnđ/ngày? Đúng vậy và cũng có nghĩa là số tiền tăng một ngày của một danh mục chứng khoán của một nhà đầu tư bình thường bằng cả nhiều chục năm đi làm tích lũy của một công chức với mức lương rất cao (thậm chí có thể nói không bao giờ dám mơ tới). Vậy thì sao mà TTCK lại không hấp dẫn? Hơn nữa, thời điểm đó đa số phần lớn có ai biết đến thua lỗ đâu khi suốt từ năm 2003 đến 2007 thị trường và giá cả chứng khoán chỉ có đi ngang và tăng, còn những người đã chịu thua lỗ tay trắng khi rơi từ đỉnh 571 xuống 2001 thì lại quá ít ỏi, đâu có thể đại diện cho TTCK VN lúc này đây và nếu có nói thì có ai nghe?

Có thể nói TTCK VN từ đầu 2006 đến 2007 là một cơn bão, cơn bão của sự tăng trưởng giá cả và chỉ số chứng khoán. Cơn bão đó không ngắn. Nó kéo dài suốt từ 2005 đến gần cuối 2007 và chúng tôi là những người sống trong chính tâm bão đó, là những người được hưởng mọi sự thăng hoa của sự tăng trưởng cũng là những người hưng phấn nhất, hưng phấn không có điểm dừng. Sau này nghĩ lại, chúng tôi có thể lý giải được phần nào nguyên nhân của sự tăng trưởng vũ bão đó: do các sự kiện Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC, Việt Nam gia nhập vào WTO....  dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin và nghĩ rằng Việt Nam là một con rồng mới nổi, có thể coi như Thái Lan, Singapo, Hồng Kông trong tương lai. Và nếu đúng vậy thì ai đầu tư vào Việt Nam sẽ ăn đủ và là những cơ hội có một không hai.... Do vậy, dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài đổ vào như nước lũ để mua CP của các công ty ở Việt Nam mà họ coi là cơ hội và quá rẻ. Cứ như là không mua ngay sẽ không còn cơ hội thì phải.

Cuối năm 2006, để khuyến khích các công ty niêm yết lên sàn, nhà nước lại ra chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đâu 2-3 năm thì phải, dẫn đến một phong trào chạy đua gấp rút niêm yết diễn ra của các công ty cổ phần, các ngân hàng cổ phần (Tôi nhớ không nhầm cuối 2006 chỉ còn một tháng thì hết năm nhưng có lẽ đến cả trăm công ty đủ điều kiện và chạy đua được niêm yết để hưởng ưu đãi của nhà nước) ... Và cứ một cổ phiếu nào niêm yết lên sàn là y như rằng cháy hàng. Có cầu mà không có cung dẫn đến giá cổ phiếu niêm yết mới tăng không ngừng nghỉ. Khắp mọi nơi, ai ai cũng nói đến chứng khoán. Từ những bác xe ôm, hay các bà, các chị bán rau ngoài chợ, chả biết tý tẹo gì về CK, cũng nói đến chứng khoán. (Còn nữa).
Lê Trọng Nghĩa

0 comments: