6 tháng 6, 2013

NHỊP SỐNG IRS: ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN - NGHỀ KIẾM TIỀN HƯNG PHẤN TỘT ĐỈNH MẠO HIỂM VÀ RỦI RO TỘT CÙNG! (Kỳ II)

"Thật đúng là may hơn khôn! Cho dù phải mua bắt buộc nhưng chính số CP này sau đó lại đem đến lợi nhuận lớn cho tôi, cũng như những người đã buộc phải mua VIPCO hôm đó. Ai bán khéo có thể được số lãi gấp 5-6 lần (giá 50 đến 60.000 đ/cp). Ai ăn non cũng được gấp 2 lần khi bán trao tay trên thị trường OTC. Còn những ai can đảm giữ được và bán khi VIPCO lên niêm yết trên sàn GD có thể được gấp mười mấy lần...".


Nhìn trên biểu đồ, quãng thời gian từ 3/2004 đến khoảng tháng 1/2006 chỉ là một quãng thời gian ngắn ngủi bằng độ hơn một đốt ngón tay trên tờ giấy A4 nhưng xét về thời gian cũng gần 2 năm (24 tháng) đó các bạn ạ. Quãng thời gian đó, thị trường tích lũy và đi ngang trong sự chán chường vô tận của các nhà đầu tư và của tất cả các sàn GDCK. Lúc bấy giờ, tôi nhớ không nhầm chỉ có mấy sàn GD của các CTCK như SSI, Bảo việt, VCB, Nông nghiệp, Công Thương, BIDV... Bản thân tôi lúc đó mở tài khoản giao dịch lần đầu tiên tại VCB trên tầng 18 hay 20 gì đó ở tòa nhà VCB Trần Quang Khải. 

Tôi còn nhớ trong quãng thời gian dài lê thê đó, các nhà đầu tư chả biết làm gì cả. Suốt ngày chỉ sáng đi café, sau đó lên sàn ngồi thờ ơ theo dõi diễn biến chậm chạp lờ đờ với thanh khoản yếu kém của thị trường. Mãi mà chả khớp đươc 1 lệnh. Số cổ phiếu niêm yết thì ít ỏi, khoảng hơn chục CP gì đó. Một không khí vô cùng ảm đạm, tẻ nhạt, không biết dùng lời nào để diễn tả về thị trường. Tôi cũng không biết lúc đó các nhà đầu tư nếu chuyên về CK thì sống như thế nào và các CTCK thì tồn tại ra sao khi hàng ngày với doanh số GD ít ỏi, khoàng vài chục tỷ VNĐ toàn thị trường và phí thu được chỉ khoảng 0,2-0,4 % trên doanh số GD ít ỏi đó. 

Bản thân tôi khi ấy đã rời bỏ công việc nhà nước, không làm ở bất kỳ đâu, cũng không kiếm ăn được gì trên TTCK như bao người khác, nhưng cũng rất may là thị trường nhà đất và BĐS, đặc biệt là chung cư, lại rất sôi động. Tôi còn nhớ hồi đó tôi và nhiều người khác hay đi săn lùng mua căn hộ chung cư trên giấy của các dự án. Đó cũng là một hình thức kinh doanh mới mẻ xuất phát từ dự án chung cư Trung Hòa Nhân Chính đã thành công. 

Cũng phải nói rằng hồi đó mua căn hộ chung cư giá gốc từ các chủ đầu tư không phải là 1 việc dễ dàng, hay nói đúng ra là không bao giờ có thể mua được. Khi một dự án chung cư được công bố bán ra bên ngoài, điều đó cũng có nghĩa là chả còn căn hộ nào để bán nữa. Một khách hàng nào đó (dù là mua để ở hay mua để đầu tư) muốn mua chỉ có thể mua lại được từ nhân viên trong công ty hay từ những người đã được mua từ những suất ngoại giao với chủ đầu tư với chênh lệch từ vài chục, trăm triệu, tới cả tỷ đồng VN, tùy theo thời gian dự án đó đã triển khai được bao lâu. Hình thức mua bán đó ngày nay người ta hay nói nôm na là mua nhà trên giấy. Nghĩa là chủ yếu chuyển nhượng bằng giấy viết tay hay sang tên hợp đồng (nếu chủ đầu tư dễ dãi cho sang tên hợp đồng với mức phí khoảng 2-5% tổng trị giá hợp đồng tùy dự án). 

Sau này khi đã đầu tư lâu năm trên TTCK, tôi mới hiểu ra 1 điều là mua bán BĐS hay chung cư của các dự án qua hình thức giấy viết tay hay chuyển nhượng hợp đồng thực chất cũng là 1 hình thức của mua bán giao dịch chứng khoán. Chỉ khác là, CK ở đây là các bản hợp đồng, những bản giấy viết tay chuyển nhượng giữa các bên mà không phải là một loại hàng hóa nào cụ thể cả. Đó là CK của các căn hộ, mảnh đất hay các dự án BĐS hình thành trong tương lai mà thôi. 

Thị trường mua bán căn hộ thời gian đó quả thật rất đáng nhớ. Vui có, buồn có, hưng phấn cũng có và mạo hiểm cũng có, chả kém gì CK. Nhưng hồi đó cho đến mãi những năm cuối 2010, đầu tư và kinh doanh BĐS chủ yếu là được chứ không mất và được rất nhiều, chỉ có điều không nhanh và rõ ràng như chứng khoán mà thôi. 

Lúc đó chúng tôi hay nói đùa với nhau, các đại gia trên TT BĐS mới là những đại gia lớn, còn đại gia trên TTCK nhỏ bé tí tẹo ấy mà. Ít ra vào thời điểm đó những điều chúng tôi nói là đúng. Nhưng chỉ sau đó khoảng 2 năm (khi TTCK đạt 1170 điểm) nó lại không hoàn toàn chính xác nữa. Và có lẽ cũng chính do cái tâm lý chỉ được, chứ không mất trên TT BĐS kéo dài hàng chục năm như vậy nên các nhà đầu tư BĐS mới trở nên chủ quan và dẫn tới hậu quả thua lỗ mất mát như hiện nay thì phải?! (Tâm lý chủ quan của các đại gia BĐS không chỉ có trên chính TT BĐS mà cả trên TTCK dẫn đến những thua lỗ đau đớn của họ. Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong giai đoạn sau của bài viết). Hậu quả thua lỗ và giảm sút trên TT BĐS có lẽ còn phải kéo dài nhiều năm nữa mới tương xứng với quãng thời gian và sự thăng hoa của nó trong hàng chục năm trời.

Trở lại TTCK, bắt đầu từ năm 2006, các nhà ĐTCK như chúng tôi đã bắt đầu cảm nhận thấy sự tăng trưởng của TTCK, dù lúc đó chưa thực sự rõ ràng lắm. Bằng chứng là đại đa số các cổ phiếu mà chúng tôi mua trên thị trường OTC lúc đó như Vinamilk, Eximbank, Sacombank... đều đã được thị trường định giá cao hơn rất nhiều, đến vài chục % so với giá mua gốc. 

Cũng vào thời gian đó, phong trào bán cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng của các công ty nhà nước chuyển sang công ty cổ phần (chúng tôi hay gọi là IPO) bắt đầu khuấy động TTCK. Kể lại một câu chuyện vui, hài của tôi hồi đó: Lần đầu tiên sàn HNX tổ chức đấu giá bán IPO lần đầu cổ phiếu của CTCP Giao nhận và Vận tải Biển VIPCO – Hải Phòng. Nhận thấy đây là một hình thức bán CP mới lạ và lại là lần đầu tiên, tôi cũng đăng ký tham gia mua 5.000 CP với giá đấu khởi điểm là 10.000 đồng. Nhưng càng đến ngày đấu giá, tôi càng trở nên lo ngại. Một sự lo ngại vô hình nào đó mà tôi không diễn tả nổi. Lúc đó, tôi vẫn hay tự hỏi công ty đó có tốt không, mua sau này liệu có bán được không... Cộng với việc ngay sau đó nhà nước lại chuẩn bị tổ chức bán IPO lần đầu của CTCP Vận tải Biển VITACO, mà theo như tôi biết VITACO to và hấp dẫn hơn nhiều VIPCO. Thị phần vận tải xăng dầu của nó lớn gấp 3-4 lần VIPCO, lại có trụ sở ở TP HCM - một nơi theo chúng tôi đánh giá làm ăn năng động, hiệu quả hơn rất nhiều so với Hải phòng. Mang tâm lý đó đi tham gia đấu giá CP của VIPCO, thực tình tôi không muốn trúng đấu giá chút nào. Nhưng vì đã trót đặt cọc 10% rồi nên bỏ là mất, chỉ có 1 cách duy nhất là mua, nhưng đặt mua ở giá tối thiểu là 10.000 đồng. Thật buồn cười khi nghe kết quả đấu giá, tôi vẫn trúng, vẫn phải mua nhưng vì số lượng đăng ký với giá tối thiểu nhiều hơn số cổ phiếu đem ra đấu giá nên tôi được mua với số lượng ít hơn 1 chút. Tôi nhớ không nhầm khoảng 4.500 CP thì phải. Thật đúng là may hơn khôn! Cho dù phải mua bắt buộc nhưng chính số CP này sau đó lại đem đến lợi nhuận lớn cho tôi, cũng như những người đã buộc phải mua VIPCO hôm đó. Ai bán khéo có thể được số lãi gấp 5-6 lần (giá 50 đến 60.000 đ/cp). Ai ăn non cũng được gấp 2 lần khi bán trao tay trên thị trường OTC. Còn những ai can đảm giữ được và bán khi VIPCO lên niêm yết trên sàn GD có thể được gấp mười mấy lần. (Còn nữa).
Lê Trọng Nghĩa

0 comments: