24 tháng 6, 2013

NHỊP SỐNG IRS: ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN - NGHỀ KIẾM TIỀN HƯNG PHẤN TỘT ĐỈNH, MẠO HIỂM VÀ RỦI RO TỘT CÙNG! (KỲ CUỐI)

"Suốt trong quãng thời gian thăng hoa của TTCK như vậy, chúng tôi sống như trên mây. Tiền kiếm được sao dễ và nhanh đến thế? Ai cũng nghĩ là mình giỏi và may mắn, riêng tôi thì tôi nghĩ là mình gặp may chứ không giỏi. Gặp may là vì chả biết gì cả, chả có tý kiến thức gì cả về chứng khoán nhưng vẫn được hưởng lợi từ thị trường".

Anh Lê Trọng Nghĩa trong một chuyến đi từ thiện cùng IRS. 

Trên sàn niêm yết thì như vậy, thị trường giao dịch các loại cổ phiếu OTC (nghĩa là chưa niêm yết) cũng sôi động không kém. Tôi còn nhớ hồi đó sàn SSI ở Trần Bình Trọng là một sàn nhỏ nhưng lại vô cùng sôi động, có thể coi là cái nôi của dân GDCK nói chung, giao dịch CP OTC nói riêng.

Hàng ngày, do thị trường niêm yết chỉ giao dịch buổi sáng, chiều trên sàn OTC ở SSI lại đông nghịt người. Kẻ mua người bán các loại CP OTC. Lúc đó cổ phiếu của SSI là được giao dịch sôi động và nhiều nhất vì các thủ tục chuyển nhượng vô cùng dễ dàng và thuận tiện. Có thể nói hồi đó cứ 100 người thì đến 99 người có CP SSI và đại đa số các nhà ĐTCK đều được hưởng lợi từ việc nắm giữ và chuyển nhượng SSI. Thị giá và giá trị cổ phiếu SSI tăng hàng chục lần kể từ khi phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 2003-2006 (đó là lúc tăng vốn lần thứ 2 hay 3 gì đó thì phải).

Lúc đó tôi chỉ giữ có khoảng 10 ngàn CP SSI với giá trị ban đầu là 300 triệu thôi, nhưng chỉ 1 năm sau giá trị của số cổ phiếu đó đã lên đến hàng tỷ VNĐ khi thị giá của SSI có lúc chạm mốc 300 ngàn/cp từ giá 30 ngàn (chưa kể đã chia tách nhiều lần). Sàn SSI và các quán cafe xung quanh trở thành nơi hội họp, giao lưu, trao đổi mua bán và thanh toán các CP OTC đa phần trực tiếp bằng tiền mặt. Hàng chục, hàng trăm tỷ VNĐ và giá trị cổ phiếu được trao đổi mua bán hàng ngày cứ diễn ra như vậy ngày này qua ngày khác khoảng 2 năm liền 2006 và 2007 xung quanh các sàn giao dịch chứng khoán và sôi động nhất có lẽ là ở sàn SSI – Trần Bình Trọng. Qua đó, các bạn có thể hình dung sự sôi động trong việc mua bán giao dịch các cổ phiếu OTC diễn ra như thế nào.

Suốt trong quãng thời gian thăng hoa của TTCK như vậy, chúng tôi sống như trên mây. Tiền kiếm được sao dễ và nhanh đến thế? Ai cũng nghĩ là mình giỏi và may mắn, riêng tôi thì tôi nghĩ là mình gặp may chứ không giỏi. Gặp may là vì chả biết gì cả, chả có tý kiến thức gì cả về chứng khoán nhưng vẫn được hưởng lợi từ thị trường.

Một điều trớ trêu là hồi đó những ai biết quá nhiều, kiến thức quá nhiều hay những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chứng khoán chính thống thì lại không được hưởng lợi nhiều bởi vì họ không thể hiểu nổi sự điên rồ của thị trường. Họ không dám chấp nhận mua và nắm giữ những cổ phiếu của các công ty khi biết giá trị thực của các công ty, hay những nền tảng cơ bản hiện tại và sự tăng trưởng trong tương lai đều không xứng đáng với một mức thị giá như vậy. Không chấp nhận, phủ nhận hay làm khác đi những kiến thức cơ bản mà họ đã được dạy và nghe trong nhà trường, hay những sách vở lý thuyết kinh điển mà họ đã đọc và nghiên cứu, nên họ đành chấp nhận không tham gia hay rời bỏ cuộc chơi đầu tư rất sớm, khi giá cả của tất cả các loại cổ phiếu chỉ tăng khoảng 50-100% là cùng.

Họ đã bỏ lỡ cơ hội kiếm một khoản lời lãi khổng lồ khi không biết đâu là điểm dừng của giá cả các cổ phiếu trên thị trường. Tất cả những chuyên gia đó không nhận được gì nhiều trong giai đoạn thị trường tăng điểm điên loạn, nhưng họ cũng không mất gì nhiều khi thị trường giảm điểm không phanh. Kết thúc chu kỳ tăng điểm điên loạn của TT đó, tôi cũng đã mất đi nhiều khi thị trường lao dốc không phanh những năm 2008 – đầu 2009. Dù vậy, tôi và nhiều nhà đầu tư vẫn giữ được khoản lời lãi nào đó mà nếu so với lương bổng của cán bộ công chức nhà nước hồi đó thì vẫn là những con số trong mơ.

Giai đoạn đáy của khủng hoảng thị trường – tháng 2/2009 (235 điểm) mọi người đã gần như mất hết hy vọng khi suốt hơn 1 năm trời các sàn giao dịch CK lại vắng như chùa bà đanh. Chả có ai đến sàn giao dịch nữa khi ngày nào nhìn lên bảng giao dịch cũng là trắng bên mua, dư bên bán hàng triệu CP của tất cả các loại cổ phiếu giá sàn. Khi giá chứng khoán đã giảm sâu đến một mức độ nào đó, phong trào giải chấp chứng khoán lại diễn ra vô cùng mãnh liệt – nghĩa là các cổ phiếu được các nhà đầu tư thế chấp để vay tiền ngân hàng bị các công ty chứng khoán, ngân hàng hay các tổ chức nhận thế chấp bán ra quyết liệt hòng gỡ gạc được ít nào hay ít đó để bù đắp vào các khoản nợ mà các nhà đầu tư đã vay và hoàn toàn không có khả năng trả nợ trong thị trường chứng khoán mất thanh khoản như thế này. Thật bi thảm khi nghĩ lại thời gian đó. Rất nhiều người đã mất rất nhiều tiền không thể đếm xuể. Những ai được hưởng lợi khi thị trường đi lên thì còn đỡ, dù sao cũng chỉ mất một phần lãi đã nhận được từ giai đoạn trước đó. Những ai mới tham gia thị trường thì mới thật là cơ cực và sầu thảm, không những mất hết vốn mà còn bị nợ nần khi đã chót vay tiền để đầu tư mua đúng đỉnh và không có cơ hội để thoát hàng dù là cắt lỗ.

Tôi biết có những người khi thấy TTCK quá hấp dẫn đã bỏ hết cả công ty, kể cả do mình làm chủ và gây dựng bao nhiêu năm hay công việc của mình và dồn hết vốn liếng vào thị trường và đã tay trắng, thậm chí nợ nần không có khả năng thanh toán, nay người ta gọi là vỡ nợ. Những câu chuyện đại gia thua lỗ hay vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng khi trước đó là những đại gia bất động sản hay sản xuất kinh doanh có số vốn hay giá trị tài sản hàng trăm tỷ đồng là câu chuyện thường ngày trên thị trường chứng khoán trong các buổi cafe, giao lưu. 

Giai đoạn 2006-2007 và 2008-2009 chỉ có 4 năm thôi nhưng phải nói là giai đoạn thăng hoa và giảm giá khốc liệt nhất của TTCK Việt Nam vì qui mô của thị trường, qui mô của số lượng các công ty niêm yết, qui mô của số tiền được và mất của các nhà đầu tư, của các công ty chứng khoán, các tổ chức hay quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Một giai đoạn đáng nhớ vô cùng!

Kể từ thời điểm đó đến tận ngày nay, thị trường chứng khoán cũng có những giai đoạn lên và xuống rất đáng nhớ nhưng không có giai đoạn nào khốc liệt như giai đoạn đó. Tuy nhiên, mức độ được và mất cũng không thua kém giai đoạn đó vì lòng tham và sự sợ hãi của con người luôn luôn lặp lại có tính chất chu kỳ. Mất mát nhiều đấy nhưng khi có cơ hội các nhà đầu tư lại bất chấp tất cả và lại lao vào đầu tư kinh doanh, chỉ có khác là thận trọng hơn, đỡ quyết liệt hơn và ra vào nhanh hơn mà thôi. Chỉ còn một số người đã mất hết và dẫn đến nợ nần quá nhiều thì buộc phải rời bỏ thị trường, rời bỏ cuộc chơi, đó là những người không có khả năng làm lại.

Thời gian gần đây khi nghe thấy những thông tin như bầu Kiên bị bắt, vụ Huyền Như lừa đảo đến 4 ngàn tỷ đồng, hay rất nhiều người này người khác ở các tổ chức, ngân hàng, công ty bị bắt giữ, truy tố, tù tội do lừa đảo, thua lỗ hay làm giá chứng khoán tôi càng thấy sự khốc liệt của thị trường tài chính chứng khoán. Bản thân tôi cũng như rất nhiều người xung quanh tôi đã rút ra rất nhiều bài học bổ ích cho mình trong suốt quãng đời đầu tư còn lại sau này. Nghiêm túc mà nói, chứng khoán vẫn là một kênh kiếm tiền tốt và rất hấp dẫn, ai đã chót đắm đuối và chịu được nhiệt trên thị trường này tôi nghĩ không có gì phải hối tiếc cả. Rồi thành công sẽ đến với những người kiên trì và có tính kỷ luật trong đầu tư, không tham lam và biết dừng đúng lúc, đúng chỗ trên thị trường chứng khoán. 

Tôi chân thành chúc toàn thể các nhà đầu tư trên thị trường đầu tư và kinh doanh chứng khoán thắng lợi và rút ra được nhiều bài học bổ ích cho mình. 

Lê Trọng Nghĩa


0 comments: