31 tháng 7, 2013

NHỊP SỐNG IRS: Mr MARKET - ĐIỂM NÓNG THỊ TRƯỜNG CHÍNH THỨC QUAY TRỞ LẠI


Chương trình nhận định thị trường MỚI với tên gọi Mr MARKET - ĐIỂM NÓNG THỊ TRƯỜNG đã chính thức quay trở lại phục vụ các Nhà đầu tư Chứng khoán !




Chương trình được thực hiện vào các BUỔI CHIỂU từ Thứ 2 đến Thứ 6 trong tuần tại sàn Giao dịch IRS 30 Nguyễn Du.

Mr MARKET - ĐIỂM NÓNG THỊ TRƯỜNG buổi đầu tiên sẽ được IRS tổ chức vào 17h30 Thứ 6, 2/8 với sự tham gia của chuyên gia tư vấn đầu tư Nguyễn Khắc Duẩn.

IRS trân trọng kính mời Quý NĐT tham dự chương trình.

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Lúa chín rực rỡ trong thung lũng Bắc Sơn

Một màu vàng rực rỡ của buổi sáng ban mai trải dài các bản làng. Những con kênh xen kẽ thửa ruộng vàng đẹp như tranh vẽ. Sau những dãy núi nhấp nhô nối dài là ngôi nhà nằm ven bên sườn núi… 

Đó là những hình ảnh thiên nhiên tại thung lũng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nằm trên quốc lộc 1B cách tỉnh Thái Nguyên 75Km về phía đông bắc. 

 Sau khi đến thung lũng, chúng tôi mất 1 giờ mới leo lên được đỉnh núi. Khi đó toàn cảnh trước mắt chúng tôi là một màu vàng rực rỡ của buổi sáng ban mai trải dài các bản làng. Những con kênh xen kẽ thửa ruộng vàng đẹp như tranh vẽ. Sau những dãy núi nhấp nhô nối dài là các ngôi nhà nằm ven bên sườn núi…

10-1374290971_500x0.jpg
7-1374291244_500x0.jpg
 
6-1374291244_500x0.jpg
5-1374291245_500x0.jpg
4-1374291245_500x0.jpg
8-1374291245_500x0.jpg
1-1374291245_500x0.jpg
2-1374291245_500x0.jpg
3-1374291246_500x0.jpg
11-1374291246_500x0.jpg
9-1374291246_500x0.jpg
(Ngọc Ánh)

30 tháng 7, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Chuyện đời bất hạnh của tôi (Kỳ I)

Cuộc đời tôi là một chuỗi ngày chịu đựng đẫm nước mắt. Người ta nói, sự chịu đựng có giới hạn nhưng với riêng tôi, sự chịu đựng là vô giới hạn. Tôi yêu một người nhưng lại làm vợ một người. Chuyện quá xưa, cũ nhưng nó lại quá đặc biệt trong tình huống của tôi. Tôi bị chính người tôi yêu, người tôi định lấy làm chồng giăng bẫy lừa gạt. Chao ôi, nói ra thì chua chát nhưng phía sau luỹ tre làng, cuộc đời của những người phụ nữ nông thôn chúng tôi mới khổ và cay đắng đến chừng nào.


Tôi là thôn nữ, chỉ học đến lớp 10 thôi rồi về nhà quanh năm lo việc đồng áng nuôi tằm dệt lụa. Duyên phận kỳ lạ, tôi gặp người tôi yêu một lần tình cờ trong buổi chiều tà. Khi tôi vừa đi hái dâu trên nương về, trời đã nhá nhem tối, tôi gặp một thanh niên bị hỏng xe đạp. Trời sắp tối, các hàng quán sửa xe đã đóng cửa, anh dắt xe đạp bộ cùng tôi đồng hành trên quãng đường về làng.

Anh bắt chuyện và qua câu chuyện, tôi đưa anh về nhà nhờ bố tôi vá hộ xe giúp anh, vì nhà anh ở xa, cách làng tôi mười mấy cây số. Anh ở khác huyện với tôi. Chúng tôi quen nhau ngẫu nhiên như vậy. Từ đó, thi thoảng mỗi chiều, người con trai đó đạp xe qua cánh đồng dâu thăm tôi, giúp tôi hái dâu và chở hộ tôi những gánh dâu trĩu vai về nhà. Anh ít nói, hiền, mặt mũi thanh tú. Tôi thầm yêu người con trai ấy lúc nào không hay…

Chúng tôi yêu nhau sáng trong và đẹp như cổ tích. Hai đứa chỉ hò hẹn nhau, gặp gỡ nhau ở nương dâu. Anh chưa một lần cầm tay tôi ngỏ lời yêu, nhưng tình cảm của hai đứa thì đã cháy bỏng trong ánh nhìn, khóe mắt và trái tim.

Mặc dù anh không chính thức ngỏ lời cầu hôn tôi hay tỏ tình với tôi, nhưng việc chúng tôi có tình cảm với nhau thì đã cả hai đều cảm nhận được. Anh nói, anh về thưa bố mẹ qua nói chuyện người lớn với bố mẹ tôi. Bố mẹ anh lại qua nhà tìm hiểu gia đình tôi thật và ngay sau đó xin phép đặt vấn đề với bố mẹ tôi xin tôi về làm dâu. Nhà tôi nghèo, bố mẹ tôi cả đời chưa bước qua khỏi luỹ tre làng.

Thấy gia đình nhà người yêu tôi phương trưởng. Bố của anh làm nghề bác sỹ thú y, công việc phát đạt, có cả cửa hàng bán thuốc trong nhà, gia đình bề thế, có của ăn của để nên bố mẹ tôi trong bụng rất ưng ý thuận tình, mừng thầm cho con gái có nơi chốn đàng hoàng để gả con về làm dâu.

Đám cưới sau đó được xúc tiến mau lẹ. Thật kỳ lạ, khi tiến hành các thủ tục chạm ngõ, gặp gỡ họ hàng hai bên và bàn thủ tục ăn hỏi rồi tiến hành lễ cưới. tôi không thấy có sự xuất hiện của anh, người yêu của tôi, người tôi đã phải lòng và ưng thuận lấy làm chồng. Thoáng có chút phân vân trong tôi nhưng tôi cũng không dám nói ra. Ai lại chưa cưới mà đã  hỏi thăm nhau như vợ chồng ngại lắm.

Đám cưới diễn ra, họ trai đến rước dâu không thấy chồng tôi, chỉ thấy các cụ, các trưởng lão, bô lão. Tôi và bố mẹ tôi, họ hàng phân vân lắm. Về nhà chồng, lúc này tôi mới té ngửa ra, người chồng mà tôi cưới hôm nay không phải là người con trai vẫn thường gặp tôi, vẫn thường hái dâu cho tôi, vẫn thường chở hộ tôi những gánh dâu nặng trĩu trở về nhà trong những buổi chiều tà; người đã gieo vào lòng tôi thương nhớ, mong ngóng, chờ đợi và thổn thức; người đã lấy đi những đêm mất ngủ thời con gái của tôi.

Người đã đong chật khoảng trời bên khung cửi nhà tôi giúp tôi dệt nên những mơ ước về một mái ấm gia đình và những đứa con thơ… Trong đám cưới, khi nhận ra người ngồi bên cạnh không phải là anh, tôi sốc và chỉ chực ngã lăn ra đất vì choáng váng.

Người ngồi bên cạnh tôi trong vai trò là chú rể có gương mặt giống người tôi định lấy làm chồng như hai giọt nước. Chỉ có tôi, chỉ có bố mẹ tôi, những người trong cuộc gần gũi nhất mới nhận ra đó không phải là người tôi đã yêu thương và ưng thuận lấy làm chồng. Một đám cưới xảy ra cách đây có đến mấy chục năm, thời ấy, con cái vẫn con thấm đẫm giáo lý cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Trong nhà có việc, có khách, nếu có chuyện gì xảy ra, hiểu lầm gì, dù nhỏ hay lớn đến đâu cũng phải nhịn lại rồi lát nữa khách khứa ra về mới được đóng cửa bảo nhau chứ tuyệt đối không thể làm rùm beng lên, mất mặt hai họ, gia đình, mất mặt cô dâu chú rể, mất sỹ diện của bố mẹ nhà gái lẫn nhà trai. Cái thời của tôi là như vậy, con người chưa dám bứt phá ra trước mọi hoàn cảnh tình huống trớ trêu. Tất cả cứ phải dằn lòng, bấm bụng, chịu đựng cái đã rồi nói chuyện sau, lúc ấy mới tính đến cách xử lý.

Suốt đám cưới, ruột tôi như có lửa đốt. Cái người trong vai chú rể ngồi bên cạnh tôi gương mặt và ngoại hình giống anh như đúc nhưng trên gương mặt ấy, rỗng không… không khái niệm, không tinh thần, không cảm xúc, không ý nghĩ… Tôi hoảng loạn và lo lắng điên đảo. Suốt cả đám cưới, hai họ ăn uống chuyện trò rôm rả, trong khung cảnh ấy, không còn ai để ý đến cô dâu chú rể sắc mặt thế nào.

Đám trẻ con bu kín hàng rào chỉ trỏ vào đám cưới. Chúng nó bàn tán xì xào… và người lớn lại ra khua gậy đuổi chúng đi. Ngày xưa, cứ nhà nào có đám cưới, trẻ con tò mò kéo nhau đi xem, bu kín cả hàng rào vườn nhà để ghé mắt xem cô dâu chú rể, mà chủ yếu là xem mặt cô dâu, xem đám cưới, xem văn nghệ và thỉnh thoảng thò tay nhón trộm những chiếc kẹo xanh đỏ.

Cỗ cưới rồi cũng tàn, mọi người kéo nhau lục đục ra về. Tôi kéo tay bố tôi và hoảng hốt nghẹn ngào nói với bố: “Bố ơi, người này không phải là anh K. con định lấy làm chồng. Không phải đâu bố ạ. Con bị lừa rồi”. Bố tôi biến sắc mặt. Nước mắt tôi lúc ấy không ngăn nổi tuôn dài. Phần vì nhớ nhà, tâm trạng của con gái đi lấy chồng, phần vì bấn loạn tinh thần trước những sự việc diễn ra, tôi chẳng biết làm gì hơn là khóc.

Bố tôi an ủi tôi. “Mọi việc đâu còn có đó. Con cứ vào nhà đi, dẫu sao bây giờ con cũng là gái có chồng rồi. Ngày kia về làm lễ lại mặt bố mẹ vợ, bố sẽ hỏi cho ra nhẽ việc này. Con yên tâm”.  Nhà chồng thấy tôi khóc, mặt buồn rượi, mẹ chồng và bố chồng tôi bèn chạy ra ríu rít đon đả chào bố tôi. Cái người là chồng tôi mặt nghệt, đứng như trời trồng khi thấy tôi khóc.

Bà mẹ chồng ngoắc tay làm ký hiệu gì đó với chồng tôi ý là ra và đến bắt tay chào bố vợ đi con, để ông còn về. Nói mãi, giục mãi, cái người thanh niên đần độn trong vai chú rể mới hiểu ra vấn đề, mới chạy ra hềnh hệch bắt tay chào bố tôi. Đến bây giờ cả tôi và bố tôi mới sững người như chết đứng.

Người thanh niên trong vai chú rể sẽ là chồng tôi đó bị chứng câm điếc bẩm sinh. Anh ta khỏe mạnh, đẹp trai và giống người tôi đã đồng ý lấy làm chồng như hai giọt nước. Chỉ có điều anh ta bị câm điếc bẩm sinh nên gương mặt không được khôn mà hơi lơ láo, dài dại do không có phản xạ âm thanh… Bố tôi lúc ấy không thể ra về nổi nữa. Ông bảo mọi người cáo lui về trước. Ông quyết định ở lại hỏi cho ra nhẽ.

Ông nói với bố mẹ chồng tôi: “Tại sao lại có chuyện như thế này. K đâu? Con gái tôi yêu K và đồng ý lấy K làm chồng cơ mà. Tại sao mọi chuyện lại như thế này. Xin ông bà giải thích cho tôi hiểu. Gia đình tôi đang bị ông bà lừa gạt, thật quá đau lòng”. Đến lượt bố mẹ chồng tôi lúng túng không kém, Cả hai ông bà nhìn nhau ngơ ngác! “Ơ thế thằng K chưa nói gì với nhà ông bà đây à?”

Một cuộc chuyện trò đẫm nước mắt ngay sau đám cưới ở trong gian 7 ngôi nhà gỗ lim của bố mẹ chồng tôi. Cuộc họp kín, chỉ đôi bên thông gia gồm bố mẹ chồng tôi, người chồng bất đắc dĩ của tôi và bố con tôi. Suốt cuộc trò chuyện tôi chỉ biết khóc và khóc. Bà thông gia là mẹ chồng tôi cũng thút thít khóc.

Những lời của bố chồng tôi như những nhát dao giết chết bố con tôi lúc ấy: “Chẳng giấu gì nhà ông bà đằng ấy, nhà được 7 anh chị em nhưng có tới 5 đứa con gái. Vợ chồng tôi có được hai mụn con trai là hai anh em song sinh. Thằng em thì bình thường như bao đứa trẻ khác, thông minh lanh lợi, nhưng thằng anh thì lại mắc chứng câm điếc bẩm sinh, nên cháu phát triển chậm không được như bạn cùng trang lứa.

Cháu vì thiệt thòi khiếm khuyết nên mặc cảm, ít ra khỏi nhà. Cháu cũng ngoan ngoãn hiền lành, ở nhà giúp bố mẹ việc nhà lặt vặt. Cháu bị khiếm khuyết vậy nhưng chân tay khéo léo, đặc biệt là cháu phụ giúp tôi trong việc chữa bệnh cho súc vật ở thôn trên xóm dưới. Đến tuổi lấy vợ, bảo cháu nhưng cháu không chịu. Ông thấy đó, sinh con ai nỡ sinh lòng, số phận cháu như vậy nhà tôi cũng rất thương con và buồn tủi.

Nhìn bạn bè cùng trang lứa của cháu đã thành thân, lập gia đình hết rồi, đứa có con có cái cả rồi, vợ chồng tôi cũng buồn lắm. Thằng K. nghỉ hè, vì cháu đang học bấm huyệt và bốc thuốc ở Viện Đông y của tỉnh, tôi mới bàn với thằng em là K. bảo mày đi kiếm vợ cho anh mày đi.

Nếu có ai đó thương anh mày, thương gia đình nhà mình thì về báo để bố mẹ sang nhà người ta thưa chuyện.  Mày nhớ phải nói rõ hoàn cảnh anh mày, nhà người ta ưng thuận thì mới được. Đừng có giấu giếm gì, lựa lời mà nói cho tế nhị, cũng đừng nói nhiều nói sâu quá mà  nhà người ta không đồng ý.

Thế rồi được một thời gian, thằng K. về nói với vợ chồng tôi nó không làm được việc kiếm vợ cho anh trai nó mà nó xin phép được cưới vợ trước. Tôi mắng cho nó một trận, bảo rằng mày ích kỷ, mày lấy vợ lúc nào chẳng được. Mày phải giúp anh mày trước chứ, anh em như thể tay chân huống hồ gì anh mày lại thiệt thòi như vậy.

Từ đó tôi không thấy thằng K. nói gì thêm. Được một thời gian nó về và bảo vợ chồng tôi sang nhà ông bà thưa chuyện. Xong nó lên trường đi học luôn. Đám cưới thằng anh, nhắn nó về mà không thấy cháu nó về. Ngày vui trọng đại của anh trai nó mà nó cũng không có mặt. Vợ chồng tôi cũng không hiểu vì sao.

Còn chuyện vợ chồng tôi sang nhà thưa chuyện với ông bà, thì tôi cứ nghĩ thằng K. đã có lời trước với ông bà về anh trai nó rồi và được ông bà chấp thuận thì gia đình tôi mới được phép đến thưa chuyện để xin hỏi cưới cháu đây cho con trai chúng tôi. Chúng tôi cũng không dám nhắc đến khuyết tật của thằng N. nhiều, lỡ ông bà lại đổi ý. Ai ngờ thằng K. chưa nói gì với cháu đây và ông bà cả. Gia đình tôi thật có lỗi với nhà bên đó. Tội lỗi này thật là lớn, không biết nói sao cho vừa được. Tôi chỉ xin cháu đây, xin ông và nhà bên ấy tha tội cho gia đình họ mạc nhà chúng tôi”…

Nói đến đây, bố chồng tôi quỳ sụp xuống chân cha con tôi mà vái lấy, vái để. Nước mắt ông thông gia cũng trào ra. Bố tôi giơ hai tay lên trời cay đắng thốt lên. “Ông trời ơi! Tôi phải làm gì đây, Sao ông trời lại trao cho con gái tôi một số phận khốn khổ thế này”.
(còn nữa)
Quỳnh Nga- Sơn Tây

Lời  BBT
Bạn đọc yêu quý! Câu chuyện đời của bà Quỳnh Nga còn rất dài. Đó là cả một chuỗi những sự kiện, những bi kịch nối tiếp nhau mà cả đời bà Nga phải chịu đựng. Một câu chuyện đời quá xót xa cho tất cả những ai được chia sẻ trên chuyên mục thân thuộc này của độc giả An ninh thế giới cuối tháng. Chúng tôi mới chỉ trích đăng phần đầu của cuộc đời bà Nga, nơi bắt đầu khởi nguồn của những trái khoáy mà số phận đã run rủi đưa đẩy rồi cuốn hút bà vào cái vực xoáy dâu bể này.
Mặc dù câu chuyện của bà Nga xảy ra đã mấy chục năm rồi, nó thuộc về đời sống xưa, thế nhưng chúng tôi nghĩ nó không hề là câu chuyện cũ. Bởi trong thực tại hiện nay, ở phía sau những lũy tre làng, nơi chốn thâm sơn cùng cốc, đâu đó trong người dân vẫn đang còn tồn tại và diễn ra những hủ tục lạc hậu, những quan niệm sai lệch như tìm vợ tìm chồng cho những đứa con tàn tật của mình mà không phải là do đôi trẻ tự nguyện yêu nhau, để rồi cha mẹ có thể vô tình đẩy con cái mình vào những bất hạnh. Hằng ngày chúng ta vẫn đọc thấy đâu đó trên các trang báo những mẩu tin, những câu chuyện xảy ra phi lý, lạ lùng trong đời thực.
Chính vì thế, khi câu chuyện này đăng lên, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho độc giả bài học bổ ích, đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ trước những ngã rẽ cuộc đời của con cái. Đồng thời, câu chuyện cũng mang lại cho các bạn trẻ những thông điệp sâu sắc về tình yêu, cuộc sống. Các bạn hãy tự tìm hiểu và lựa chọn tương lai cho mình. Chớ thụ động, chớ rụt rè, chớ yếu đuối, các bạn sẽ bị những xô đẩy của cuộc sống cuốn mình vào mà mình không dám thoát ra. Bà Nga sẽ sống một đời sống như thế nào với người chồng bị đánh tráo? Mỗi thù hận giữa bà và người đàn ông bà yêu thương nhất đời sẽ được giải quyết ra sao, mời các bạn đón đọc số tới kỳ tiếp theo của câu chuyện này.

(CAND)

29 tháng 7, 2013

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Mẹ nằm liệt giường, 4 con thơ chỉ biết ăn cơm với rau luộc

Đó là hoàn cảnh ngặt nghèo đầy bất hạnh của gia đình chị Đinh Thị Quỳnh Ngọc Bích Âu (SN 1984, ở xóm 1, thôn Công Thạnh xã Tam Quan Bắc, Huyện Hoài Nhơn, Bình Định), bị đột quỵ tổn thương trong bán cầu đại não dẫn đến bại liệt nằm bất động một chỗ.



Giữa cái nắng trưa hè oi ả hơn của miền Trung, trong ngôi nhà nhỏ thấp tè chật hẹp càng tăng thêm không khí ngột ngạt. Trên chiếc phản, tài sản đáng giá nhất của gia đình được kê bằng mấy miếng ván gỗ dừa ghép lại, chị Âu, vợ anh Ngô Văn Kiểm (SN 1971) đang nằm bất động. Thoáng nghe có người lạ vào nhà, chị cố gượng chút sức lực yếu đuối còn lại của thân thể tiều tụy, quay đầu sang nhìn khách với ánh mắt vô hồn, giọng ú ớ trong chuổi âm thanh khàn khàn đứt quãng như chào chúng tôi rồi đôi mắt thẩn thờ ấy từ từ nhắm lại trong nỗi đau buồn tuyệt vọng.
Trở lại những năm tháng rong ruổi theo tàu cá làm công trên biển anh Kiểm gặp chị Âu, một cô gái mồ côi chuyên gánh cá thuê ở cảng cá Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh hòa). Anh chị gặp nhau như một duyên phận hẹn trước, rồi thương nhau rồi nên duyên chồng vợ. Anh chị đưa nhau về quê ra mắt cha mẹ, bà con bè bạn xóm làng bằng một nghi lễ đạm bạc đơn giản.
Sau ngày cưới, do hoàn cảnh gia đình vốn dĩ nghèo rớt mùng tơi nên anh chị xin cha mẹ nới thêm mái hiên ra sau nhà ở tạm. Anh Kiểm tiếp tục đi biển, chị ở nhà, bà con trong vùng ai thuê việc gì chị đều nhận làm. Hai vợ chồng chí thú cố gắng làm ăn dành dụm cốt là để sau này tìm nơi ở mới và lo cho con cái. Thế nhưng, từ sau khi 4 đứa con anh chị lần lượt nối tiếp nhau ra đời, cháu lớn nhất sinh năm 2001, cháu nhỏ nhất sinh năm 2008.
Cái nghèo đói bắt đầu bám riết số phận vợ chồng anh tư đó như một định mệnh khắc nghiệt đã an bài. Năm 2005 trong một lần kéo lưới trên biển anh bị trượt chân cả thân người đập mạnh vào thành hầm cá gây chấn thương cột sống phải đành từ giả nghề. Trở về nhà, anh không thể làm được việc nặng, mọi công việc thường ngày trong gia đình từ việc đi làm thuê đến chăm lo dạy bảo các con đều do một tay chị Âu tảo tần sớm hôm gánh vác.

Nhìn vợ và con trai lớn cực khổ làm việc, anh bắt đầu theo mọi người trong xóm hàng đêm ra ven đầm và bờ bãi ở nơi cửa sông chờ con nước thủy triều rút để tìm mà đào trùn biển (Hải Sâm) bán giúp thêm mắm muối cho gia đình. “Ban đầu do vết thương cột sống chưa bình phục, mà công việc thì phải luôn khom người dán mắt dưới mặt cát để tìm kiếm, phải nhanh nhạy mới phát hiện được hang trùn nên có khi vất vã hàng đêm quần đảo đi hàng chục cây số mà không kiếm được lạng nào… Lúc đó, vết thương cũ luôn nhói lên từng hồi nhưng vì vợ con, gia đình tôi phải gắng gượng” anh Kiểm tâm sự.
Nhờ chịu khó nên thu nhập từ việc đào bán trùn biển của anh ngày một khá lên. Tuy không giúp thoát nghèo nhưng cũng giúp cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình đỡ đi phần nào khốn khó, thiếu trước, hụt sau. Những tưởng như thế cuộc sống sẽ dần cải thiện dần nhưng ai ngờ tai ương cứ đeo bám mãi phận nghèo.
Giữa năm 2011 trong lúc đang đi chặt thuê Lác, chị Âu bất ngờ ngã sấp trên ruộng, khi bà con phát hiện đưa đi cấp cứu thì chị đã rơi vào trình trạng hôn mê. Sau khi vay mượn được ít tiền, anh Kiểm gửi các con lại cho ông bà và hàng xóm trông coi dùm đưa vợ vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định chữa trị. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị Âu bị đột quỵ tổn thương trong bán cầu đại não, nếu không can thiệp kịp thời có thể gây biến chứng: liệt đối bên, khởi đầu là liệt mềm, dần dần diễn tiến đến liệt cứng; giảm cảm giác đối bên; giảm thị lực cùng bên; nói khó.
Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh tình chị Âu không những thuyên giảm mà bắt đầu biến chứng nặng: giọng nói lắp bắp không rõ ràng, đôi chân không còn cử động theo phản xạ tự nhiên được nửa. Các bác sĩ gợi ý cho gia đình chuyển chị Âu vào bệnh viện chuyên khoa tâm thần Khánh Hòa để chữa trị. Nhưng ngặt nỗi, nhà quá nghèo không còn biết mượn ai được tiền nữa để chạy chữa cho vợ, phần thì các con ở nhà nheo nhóc do thiếu ăn, thiếu uống và sự cưu mang chăm sóc của cha mẹ. Anh đành ngậm ngùi trong tuyệt vọng đưa vợ về nhà điều trị thuốc nam.
Đến nay, để lo tiền thuốc thang cho vợ anh phải vay mượn bà con trong xóm số tiền cả chục triệu đồng nhưng không còn khả năng chi trả.
Giờ đây chị như người tàn phế, nằm bẹp trên chiếc phản gỗ thô cứng, đôi chân bây giờ gần như bất động hoàn toàn…mọi công việc lo cho mẹ và các em hàng ngày đều do đứa con trai đầu của anh chị là cháu Ngô Văn Hữu (2001) xoay xở cáng đáng. Còn anh Kiểm, gắng lao động kiếm sống suốt cả ngày lẫn đêm ngoài bờ bãi. Với nét mặt khắc khổ, già đi trước tuổi anh mủi lòng chia sẻ: “Nghề này trước đây ít người làm nên thu nhập hàng ngày cũng đủ trang trải cho gia đình nay nhiều người đổ xô vào khai thác nên có cố gắng lắm ngày đêm cũng chỉ kiếm được từ 80 đến 100 ngàn, vậy sao lo nổi hả các anh…”.
Anh Trần Thanh Hải, một người hàng xóm tâm sự: “Gia đình nhà anh Kiểm là một trong những hộ nghèo truyền kiếp nhất ở vùng này. Không hiểu làm sao mà nhà ấy gặp hết tai ương này đến tai ương nọ. Không biết rồi đây lấy hoàn cảnh gia đình anh sẽ như thế nào khi vợ nằm liệt giường, 4 đứa nhỏ còn ăn học”.
Ông Trần Văn Tiện Phó chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc chia sẻ: “Vợ chồng anh Kiểm là hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình hoàn cảnh bất hạnh, rất khó khăn. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, cấp đất ở vận động bà con hỗ trợ ngày công chứ xã kinh phí hạn hẹp nên chỉ hỗ trợ một phần nhỏ nào trong điều kiện cho phép và tình người. Vào dịp lễ tết, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chứ không thể giúp gì được nhiều hơn được. Qua đây rất mong cơ bản báo đài nhất là bạn đọc báo Dân trí nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ hoàn cảnh gia đình chị Âu và các cháu vượt qua khó khăn này”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 1097: Chị Đinh Thị Quỳnh Ngọc Bích Âu (29 tuổi, ở xóm 1, thôn Công Thạnh xã Tam Quan Bắc, Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
ĐT:01697-012-682 (anh Ngô Văn Kiểm - chồng chị Âu)

26 tháng 7, 2013

NHỊP SỐNG IRS: Nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn - Kiếp người chỉ là một phần nhỏ của chu trình bất tận

Hướng tới ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Công ty Chứng khoán IRS đã tổ chức chương trình giao lưu với Nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn với chủ đề “Nhịp cầu nối hai cõi âm dương” vào ngày 23/7 tại Sàn Giao dịch Công ty, 30 Nguyễn Du, Hà Nội. Tham gia buổi nói chuyện còn có sự góp mặt của Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Cố vấn Thủ tướng Đỗ Trung Tá; Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Phan – Phó Giám đốc Trung tâm Trắc nghiệm – Viện Nghiên cứu Tiềm năng Con người, cùng rất nhiều nhà đầu tư là khách hàng đang giao dịch tại sàn IRS và các khán giả quan tâm đến chương trình.


 
Đây là lần thứ hai IRS tổ chức chương trình giao lưu về chủ đề tâm linh sau thành công của chương trình đầu tiên “Có một thế giới tâm linh?” được tổ chức vào tháng 5/2013.  Buổi nói chuyện thực sự đã trở thành một diễn đàn để mọi người cùng nhau lắng nghe, chia sẻ và gửi gắm những tâm sự, nỗi niềm về cuộc sống thường nhật.

Làm hết sức mình để hài cốt các liệt sĩ được trở về quê hương
Nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn vẫn được người ta biết đến nhiều nhất trong vai trò người tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm rất thành công. Anh cho biết, ngay sau thời khắc cái chết, thể phách của các liệt sĩ sẽ là cầu nối đưa linh hồn qua các cảnh giới khác nhau thuộc cõi Trung giới. Tùy theo thể vía nhẹ nhàng, thanh cao hay nặng nề, u ám mà linh hồn các liệt sĩ sẽ được đưa tới một cảnh giới tương ứng. Việc đến một cảnh giới nào đó phụ thuộc vào nghiệp của vô lượng kiếp sống mà liệt sĩ trải qua.

Ở những cảnh giới thấp, các vong hồn liệt sĩ còn u mê, ngoan cố và rất khó thuyết phục vì các nghiệp xấu mà họ đã tạo dựng. Bản tính hung dữ, kiêu ngạo, mang nặng tham, sân, si sẽ khiến họ bất hợp tác, đưa ra những thông tin sai lệch và đòi hỏi gia đình các lễ lạt linh đình, tốn kém.

Ở những cảnh giới cao hơn, các vong hồn đã bớt đi chấp ngã rất nhiều. Đó là những liệt sĩ chấp nhận xả thân vì Lý tưởng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Sự hi sinh của họ không khác nào các vị Thánh tử vì đạo. Các liệt sĩ ở cảnh giới này sẽ hướng dẫn cho gia đình họ hoàn toàn chính xác. Khi liên hệ với họ, các nhà ngoại cảm có thể nhìn thấy, nghe thấy trong tâm tưởng những hình ảnh và âm thanh hoàn toàn chính xác.

Cảnh giới cao nhất là cảnh giới của các đấng thần linh. Đó là các bậc minh triết, những tu sĩ thành tâm đã đạt chính quả, hay các thần linh lưu lại để cứu giúp những vong linh lầm than, lạc lối. Họ không còn chấp ngã, và luôn hướng tới các mục đích hành thiện, giúp đời.

Việc tìm mộ liệt sĩ dễ hay khó sẽ tùy thuộc vào các cảnh giới mà linh hồn liệt sĩ đang cư ngụ. Anh tâm niệm, dù có khó khăn thế nào vẫn sẽ cố gắng làm hết sức mình để hài cốt các liệt sĩ được trở về quê hương.

Anh rất tâm đắc với những câu thơ của nhà thơ Victor Hugo “Nắp quan tài đóng lại/ Vòm trời xanh hiện ra/ Tưởng chết là hết chuyện/ Ngờ đâu một sự sống bắt đầu”. Anh giãi bày, mỗi một kiếp người chỉ là một phần nhỏ của một chu trình bất tận. Cuộc sống hay cái chết… chỉ là sự chuyển đổi liên tục giữa cõi Dương hữu hình với cõi Âm vô hình. Chu trình này là một vòng tròn không xác định được điểm đầu, điểm cuối.

Sống tốt đời đẹp đạo và ban phát lòng từ bi
Bên cạnh việc chia sẻ về hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ, trong buổi giao lưu, nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn còn đóng vai trò là người dẫn dắt, kết nối mọi người đến với những điều tốt đẹp; là người bạn tin cậy để khán giả gửi gắm những nỗi niềm, trăn trở.

Những câu hỏi thắc mắc được gửi đến đều pha lẫn trong những câu chuyện rất đời thường. Một khán giả chia sẻ “Gia đình em có một người thân bị hiện tượng áp vong. Người ấy thường xuyên bị nhập vào và đi uống rượu bia triền miên không mệt mỏi. Gia đình em cũng có người nhìn thấy người đó bị nhập. Có cách nào để tránh cho người thân của em không bị áp vong không?”

Cô Nguyễn Thị Minh Sang (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) gửi đến nhà ngoại cảm một câu hỏi rất gần gũi với đời thường: “Vào những ngày lễ trong năm, chúng ta nên cúng mặn hay cúng chay? Có nên cúng bái, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho mình không? Có nên đốt quần áo, xe cộ, tiền vàng để gửi cho người âm hay không?”

Một nhà đầu tư tại sàn IRS lại thắc mắc: “Liệu dưới âm có các quan thần linh cai quản và các vị Thổ Công, Thổ Địa không?”, hay “Người chết liệu có bị đày xuống 9 tầng địa ngục? Người mắc tội có bị quỷ dữ ném vào vạc dầu sôi?”…

Suốt buổi giao lưu, các khán giả chăm chú lắng nghe những phân tích của nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn và đều rất tâm đắc. Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động, thắc mắc khác, từ cuộc sống đến cái chết, hay cả những chuyện đời thường như khấn nguyện, cúng giỗ, số mệnh đều được chia sẻ. Những khúc mắc về tâm linh tưởng chừng như đơn giản nhưng là sự trăn trở của hầu hết mọi người lần lượt được tháo gỡ.

Khi khán giả Phùng Lan Yên (Trần Khát Chân, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Làm thế nào để mỗi người chúng ta khi chết đi sẽ đến được với những cảnh giới cao?”. Anh điềm tĩnh trả lời: “Rất đơn giản, hãy sống tốt đời đẹp đạo và ban phát lòng từ bi”.

Anh cho biết, mỗi con người chúng ta ai cũng mang một hoặc nhiều món nợ, không vật chất thì tinh thần. Có hóa giải được hay không trước khi rời thế giới này đều do ở phúc phần ta tạo ra khi sống. Con người sống chan hòa, nhân ái thì thần thức, cả khi sống hay khi chết, đều nhẹ nhõm, thanh thoát.

 “Cảm ơn Công ty và nhà ngoại cảm đã cho chúng tôi một trải nghiệp rất ý nghĩa”- Anh Trần Quốc An (Hoàng Mai, Hà Nội) xúc động nói- “Nhờ chương trình, chúng tôi đã thấu hiểu hơn về hành trình tìm mộ liệt sĩ gian nan, thầm lặng của các nhà ngoại cảm; thấu hiểu hơn về “sự sống sau cái chết”, chứ không còn mông lung, mơ hồ như trước nữa”. Anh nói với một nụ cười rất mãn nguyện.


Còn tôi lại mỉm cười khi nhớ đến lời mẹ ru năm nào: “Dù đời sóng gió điêu linh/ Chữ Tâm cứu rỗi hành trình con đi” và bất chợt cảm thấy thế giới tâm linh thật gần gũi với đời thường, chứ không huyền bí, đáng sợ như những gì người ta mường tượng. 

GÓC LÃNG ĐÃNG: Tóc đen ngày xưa


Mình vốn thích một mái tóc đen huyền, dài thẳng mượt hơn những kiểu tóc hợp thời. Ngày xưa, khi còn học phổ thông, mình cũng từng nuôi tóc dài quá lưng, từng nâng niu chăm sóc như một phần yêu thương của cơ thể.



Mái tóc khi ấy đẫm hương lá bưởi, bồ kết, thoang thoảng cả vị chanh thanh thanh nồng nồng. Cứ hai ba ngày, ngoại lại hái cho mình một nắm lá bưởi, vài trái chanh bảo nấu nước mà gội. Ngoại dặn, gội nước này, tóc vừa đen, vừa bóng, lại không lo rụng bởi những hóa chất như bây giờ.

Ngoại bảo là con gái, chỉ cần nhìn thấy một mái tóc đen dài chấm lưng người ta đã mến bởi cái nết Á Đông hiền thục. Tóc dài được ví như dòng suối trong trẻo, mượt mà.
Nhớ một lần, mình chở một mệ đi nhờ xe. Mệ ngồi sau, vuốt ve rồi tấm tắc khen mái tóc khi ấy, còn dặn đi dặn lại đừng cắt tóc nghe con. Mệ bảo, cháu mệ đứa nào cũng tóc ngắn hết, chẳng chịu để tóc dài như mấy mệ ngày xưa.
Những năm cấp ba, mùa hè nắng nóng, đường đi học lại xa, mình đan tít vừa gọn, vừa đỡ bị rối trong cơn gió Lào. Có khi nóng quá thì búi lên cao như mấy mệ, chẳng có khi nào buông thả thảnh thơi như sau này. Cộng thêm cái nết khó tính nên bị hội bạn đặt biệt danh là “bà già”.
Gần năm năm học đại học, mình vẫn giữ nguyên mái tóc đen dài. Đến lúc ra trường, đi làm rồi, chẳng có thời gian để chăm sóc nó. Ai cũng bảo cắt ngắn đi cho trẻ trung, hiện đại, nhuộm màu, uốn xoăn đi cho sang trọng, quyến rũ.
Có cô bạn, cứ mỗi lần buồn bực chuyện gì lại đi xén bớt mái tóc. Dần dà, tóc cô nàng chẳng bao giờ dài quá vai. Mà con gái hình như ai cũng như ai, cứ buồn bực, thất tình, thất vọng là muốn đi làm mới đầu tóc.
Như mình, có những lúc buồn lắm, lại nghĩ đến việc cắt mái tóc dài rồi đổi kiểu như những cô nàng khác. Dẫu biết rằng, thay đổi kiểu tóc chẳng thể làm tan đi nỗi buồn nhưng ít nhất nó làm mình nghĩ nỗi buồn đã theo mớ tóc cũ kỹ ấy ra đi.
Mình nghe bạn, cắt tóc, nhuộm màu để mong chờ sự thay đổi mới mẻ chỉ trong mường tượng. Những nhát kéo đầu tiên, tóc mình dần dà rớt xuống sàn nhà lạnh tanh, cảm giác như mất đi điều gì lớn lao lắm. Nhìn vào gương, thấy con bé lạ hoắc với mái tóc mà theo anh thợ là đã chọn màu nhạt nhất theo ý khách hàng. Lúc ấy, tự nhiên bỗng muốn òa khóc vì điều gì mơ hồ chả rõ.
Đầu óc cảm giác nhẹ bẫng đi cứ như vứt bỏ được khối nặng lâu nay, bởi tóc mình vốn dày. Thế mà, con tim lại nặng trĩu, chẳng biết sự thay đổi choáng ngợp này có đem đến cho mình những đổi thay tốt đẹp hơn.
Mái tóc bây giờ mang màu nắng nhạt, ngắn chỉ vừa vai. Đúng là trông mình trẻ ra hơn nhiều. Bạn hỏi, mình vừa ý không, rồi xem chừng vẻ mặt mình lúc đó, nó an ủi, xấu gì chứ xấu tóc thì mấy hồi, lại dài, lại đen giờ đó mà.
Mình bật cười cái kiểu ba phải của nó, khuyên răn người ta thay màu tóc để thay đổi bản thân, thay đổi cuộc đời rồi lại đi nói những lời nghe buồn rười rượi thế kia.
Sau bao ngày, mình thấy chẳng có gì thay đổi kể từ khi tóc màu đen chuyển qua màu nắng như bây giờ. Lâu lắm, tóc mình cũng chẳng đọng lại hương bưởi lẫn bồ kết. Ngoại thẫn thờ, lá bưởi đầy ra đó mà chẳng đứa nào buồn hái gội.
Cô em gái vừa tốt nghiệp cấp ba xong, lại ao ước vào phố để cắt phăng mái tóc dài, nhuộm màu nâu đỏ, uốn xoăn kiểu này kiểu kia. Mình nhớ hôm tổng kết ở trường, nó buông thả mái tóc dài rồi đằm thắm với bộ áo dài trắng tinh khiết, trông đẹp hơn bất cứ lúc nào hết.
Suy cho cùng, mái tóc cũng chẳng làm nên một nhân cách hay tâm hồn, nhưng với mình, nó tựa như một điều gì yêu thương giàu ý nghĩa.
Bỗng nhiên lại thấy ngẩn ngơ, hẫng hụt như vừa vụt mất đi một điều đẹp đẽ của ngày xưa cũ. Tự nhủ, thôi, đây là lần đầu, lần cuối ta mang màu tóc của nắng, bận sau sẽ lại trở về với tóc đen huyền của ngày xưa mà thôi.
(Diệu Ái)

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Làm dâu nhà giàu

Nhà chồng tôi ở ngay mặt đường lớn, trong nhà có đầy đủ các thiết bị tiện nghi. Mẹ chồng tôi là người ham làm, tiết kiệm nên ngay sau khi về hưu bà đã dồn tiền tích góp được để mua và đứng tên 2 mảnh đất.



Ngoài ngôi nhà chúng tôi đang sống, bà còn có một ngôi nhà cho thuê mặt bằng kinh doanh. Ở quê, một gia đình như thế được coi là hàng có “của ăn của để”.
Phải nói ngay từ đầu rằng, tôi không được lòng mẹ chồng. Bà luôn cho rằng tôi chỉ học trung cấp, nhà lại không khá giả, không thể xứng với chồng tôi (anh đã tốt nghiệp đại học, hiện đang có một công việc tốt ở ngân hàng).
Từ ngày còn trẻ, sau khi lấy chồng, mẹ chồng tôi đã một lúc làm 2, 3 việc. Sáng đi dạy học ở trường, chiều về buôn bán kinh doanh ở chợ. Tối bà còn nhận thêm việc về làm. Cả gia đình chồng đều phải thừa nhận bà là người năng động, tham công tiếc việc.
Bố chồng mất sớm, một mình bà nuôi 3 con trai ăn học lại dựng lên khối tài sản không nhỏ nên bà cũng muốn con dâu (là tôi) cũng phải được giỏi giang, mạnh mẽ như bà.
Thấy tôi đi làm kế toán cho một công ty với mức lương khiêm tốn bà rất không vừa lòng. Bà thường xuyên trách móc, than “hờ” là thương chồng tôi số vất vả, phải nuôi “báo cô” vợ.
Khi bóng gió không có tác dụng bà thường xuyên thúc ép tôi nghỉ việc ở công ty đang làm để xin việc lương cao hơn hoặc đi làm thêm để tăng thu nhập. Với tấm bằng trung cấp lại ở thời buổi thất nghiệp nhan nhản tôi không dám dũng cảm làm theo lời mẹ chồng nên bà rất giận.
Trong chuyện chi tiêu cho việc ăn uống bà rất chặt chẽ. Mỗi sáng trước khi tôi đi chợ bà ghi ra giấy các món tôi cần phải mua, sau đó bà ước lượng số tiền rồi đưa cho tôi không thừa một xu. Vì chuyện này mà nhiều lần tôi và mẹ chồng đã xảy ra mâu thuẫn.
Có hôm giá rau, củ tăng tôi phải bỏ tiền túi ra để bù vào (mặc dù 2 vợ chồng đều đã đóng góp sinh hoạt phí đầy đủ cho bà). Nhiều lần tôi bảo với bà giá cả tăng, bà đều gạt đi: “Do mày mua đắt đấy, chứ từng ấy tao thừa mua được lại còn xin được thêm nhúm hành, quả quất”.
Một lần buổi sáng tôi chở bà đi chợ, tôi gửi xe ở cổng chợ (3.000 đồng/xe máy). Bà không vừa lòng, bà bắt tôi đẩy xe vào trong chợ để tiết kiệm tiền gửi.
Tôi đi xe máy cồng kềnh, chợ lại đông đúc, khi đi xe vào chợ, mấy bà bán hàng gắt gỏng: “Chợ đã chật còn cố chen xe vào”. Nghe thấy, nhìn thấy đấy nhưng bà vẫn kiên quyết thực hiện chính sách tiết kiệm đến cùng.
Vào mùa đông, dù nhà có máy giặt nhưng bà vẫn kiên quyết bắt con dâu đang mang bầu phải giặt quần áo bằng tay. Bà lấy lý do là giặt máy quần áo dễ hỏng nhưng thực chất là để tiết kiệm tiền điện.
Nhìn con dâu bụng bầu to vượt mặt ngồi lọ mọ giặt đồ cho cả nhà bà vẫn mặc kệ. Trong nhà lắp đầy đủ các thiết bị như máy nóng lạnh, điều hòa nhưng bà ra chỉ thị là cấm không được dùng.
Khi chồng tôi bật máy nóng lạnh cho vợ tắm, thì bà càu nhàu: “Xưa tao mang bầu cũng nước nóng, nước lạnh gì đâu, chúng mày giờ sướng quá hóa lắm chuyện”.
Mẹ chồng tôi cũng có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mặc dù bà cũng là một người phụ nữ”. Có lần bà mua một con gà đã cho vào nồi chuẩn bị luộc thì thấy chồng tôi gọi điện bảo trưa không về nhà ăn cơm.
Bà ngay lập tức vớt con gà ra cho vào tủ lạnh để “Tối thằng T. (tên chồng tôi) về ăn luôn, nhà ít người ăn không hết”. Nếu người thông báo trưa không ăn cơm ở nhà là tôi thì bà sẽ không bao giờ làm thế.
Mặc dù lối sống, quan điểm của bà khác hẳn tôi nhưng tôi thường tự nhủ: “Bà không thương mình nhưng bà lại thương chồng mình chứ thương ai đâu mà thiệt”. Nhưng từ khi có con gái đầu lòng, tôi càng khó chấp nhận cách cư xử của bà.
Khỏi phải nói là mẹ chồng tôi rất mong có cháu trai. Lúc tôi mang thai bà vui vẻ lắm. Dù chưa siêu âm nhưng bà luôn miệng nhắc “Ăn đủ chất cho thằng cu của bà to khỏe nhé”.
Buổi sáng hôm 2 vợ chồng tôi đi siêu âm, bà đi ăn cỗ ở họ hàng xa cũng gọi điện về dặn chồng tôi: “Khi nào có tin cháu trai thì bảo tao nhé!”. Tôi hỏi đùa chồng: “Thế là con gái thì không được gọi điện à?”. Rồi đúng thế thật, cái thai trong bụng tôi là con gái.
Từ khi biết tin là cháu gái, mọi việc lớn bé từ trước đến nay trong nhà tôi vẫn phải cáng đáng như lúc chưa mang bầu. Nhiều hôm muốn mua hải sản tẩm bổ thêm cho bà bầu, 2 vợ chồng tôi lại nói dối bà để đi ra ngoài nhà hàng để ăn cua, ghẹ, mực… Tôi không dám mua về nhà (dù là tự bỏ tiền túi) vì bà tiếc của lại phàn nàn.
Cháu gái chưa kịp ra đời bà đã đe: “Đẻ đứa đầu năm nay thì năm sau cố mà săn thêm đứa nữa cho được thằng con trai”.
Bà lúc nào cũng tự hào mình “hoàn thành nghĩa vụ xuất sắc” vì đẻ được 3 đứa con trai. Một lần chị trong làng đến chơi nói với bà về trường hợp chị gái của chị ấy đẻ toàn con gái mà gia đình vẫn hạnh phúc, êm ấm. Bà khẳng định: “Không bao giờ có chuyện đó, chúng nó giả vờ để che mắt thiên hạ”. Khi đuối lý, bà lại đinh ninh: “Chắc chồng nó cũng đã kịp đi “gửi hạt giống” bên ngoài rồi chứ thằng đàn ông nào chịu thiệt”.
(St)

25 tháng 7, 2013

NHỊP SỐNG IRS: NHỮNG CÂU HỎI HAY TRONG CHƯƠNG TRÌNH "NHỊP CẦU NỐI HAI CÕI ÂM DƯƠNG" (Tiếp)




3. Các vong linh có làm hại được người sống không?
Các vong linh có khả năng làm hại được con người. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về hiện tượng bùa ngải của người dân tộc. Những thầy phù thủy đã lợi dụng những vong linh còn mang nặng tham, sân, si và bản tính hung dữ, kiêu ngạo để làm hại người sống bằng cách hứa hẹn cho họ được thụ hưởng những thứ vật chất mà họ đang thèm muốn. Nhưng khi thầy phù thủy nuốt lời, không đáp ứng được yêu cầu của họ, họ có thể quay trở lại trả thù và gây ra những hậu quả khôn lường. 

4. Theo nhà ngoại cảm, hiện tượng đầu thai có thật không?
Con người được đầu thai theo kiếp luân hồi. Thời gian và không gian mà chúng ta đang sống hiện tại chỉ là một phần nhỏ trong một chu trình bất tận. Việc chúng ta sinh ra, rồi già nua và chết đi là một sự chuyển đổi liên tục giữa cõi DƯƠNG hữu hình và cõi ÂM vô hình. Chu trình này là một vòng tròn không xác định được điểm đầu và điểm cuối. 

Và thường thì các thai nhi có xu hướng đầu thai về dòng họ hay gia đình đã chối bỏ và cướp đi quyền làm người của chúng từ kiếp trước. 

5. Liệu có trường hợp người sống hợp với người mất, nên khi chết đi, người mất sẽ kéo người sống theo không?
Tôi xin khẳng định là có trường hợp người chết kéo người sống theo. Hiện tượng trùng tang là một ví dụ. Hiện tại tôi đang dành thời gian nghiên cứu về vấn đề này. Hi vọng trong thời gian tới, tôi sẽ sớm tìm ra câu trả lời để tháo gỡ những băn khoăn của mọi người về hiện tượng này.

24 tháng 7, 2013

NHỊP SỐNG IRS: Trích đăng một số câu hỏi hay trong chương trình "Nhịp cầu nối hai cõi âm dương"

Vượt qua cả sự mong đợi, chương trình "Nhịp cầu nối hai cõi âm dương" tại Sàn Giao dịch IRS vào ngày 23/7/2013 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Rất nhiều những thắc mắc, những trăn trở của khán giả đã được Nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn giải đáp rõ ràng, thỏa đáng. BBT xin trích đăng một số câu hỏi hay nhằm giúp các khán giả quan tâm đến chương trình nhưng chưa có điều để tham gia có thể hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh huyền bí.



1.Vào những ngày lễ trong năm, chúng ta nên cúng mặn hay cúng chay? Có nên cúng bái, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho mình hay không? Có nên đốt quần áo, xe cộ, tiền vàng để gửi cho người âm hay không?

Vào những ngày lễ trong năm, tốt nhất là chúng ta chỉ nên cúng chay. Kiêng cúng mặn, kiêng sát sinh để tạo nghiệp tốt cho mình. Bởi, dù có làm cỗ mặn hay mâm cao cỗ đầy đi nữa thì cũng chỉ có người dương chúng ta hưởng thụ. 

Chúng ta cũng không nên cúng bái và cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho mình vì chúng ta càng cầu xin nhiều cũng chính là chúng ta đang vay mượn và lấy đi phúc đức của con cháu chúng ta. Cuộc sống của mỗi người là do họ tạo nên. Tốt hay xấu, được hay mất, khổ đau hay hạnh phúc đều do chúng ta quyết định. Việc cúng bái, cầu xin ông bà, tổ tiên chỉ khiến người thân của chúng ta thêm quyến luyến với trần thế và không thể siêu thoát. 

Việc chúng ta đốt quần áo, xe cộ, tiền vàng để gửi cho người âm cũng nên tránh. Quan niệm người dương đốt thứ gì thì người âm nhận lại được thứ ấy là sai lầm. Tốt hơn, chúng ta có thể cúng bằng một bộ quần áo thật, rồi sau đó có thể giặt đi mặc lại. Người âm sẽ hiểu được tấm lòng của chúng ta.

2. Con người ta có số mệnh định trước hay không?

Tôi tin là số phận của mỗi chúng ta đều đã được an bài. Nhưng người xưa có câu “đức năng thắng số”. Chỉ cần chúng ta sống tốt, làm nhiều việc thiện, từ bỏ tham sân si, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. 

Cũng giống như một dòng suối đang chảy xuôi dòng, nghiệp tốt chúng ta tạo dựng được sẽ như một tảng đá chắn ngang dòng suối, khiến dòng nước rẽ sang một hướng khác.
(Còn nữa)

KỸ NĂNG SỐNG: Nghe điện thoại khi đang sạc pin dễ cháy nổ

Gần đây liên tiếp xảy ra những tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc vừa nghe điện thoại, dẫn đến chết người.



Theo các chuyên gia, vừa sạc vừa sử dụng điện thoại di động sẽ khiến bạn dễ bị điện giật, nhất là với các máy có chất lượng kém, linh kiện của bộ sạc không đảm bảo.
Tử vong vì vừa nghe điện thoại vừa sạc
Gần đây liên tiếp xảy ra những tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc vừa nghe điện thoại, dẫn đến chết người. Mới đây nhất, một thiếu nữ Trung Quốc đã tử vong khi sử dụng iPhone 5 đang sạc pin.

Tại Việt Nam, năm 2012, anh Kiều Thế Bắc ở Lâm Đồng cũng bị điện giật chết khi vừa dùng điện thoại di động vừa sạc pin. Nguyên nhân được xác định do dây sạc pin hở mạch, quấn vào cổ tay nạn nhân.
Để tránh nguy hiểm khi sử dụng điện thoại, các chuyên gia khuyến cáo, hãy sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng phụ kiện (pin, bộ sạc…) kèm theo điện thoại có nguồn gốc rõ ràng, được chính hãng ủy quyền và đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng. Hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay (hand-held) khi đang sạc pin. Tốt nhất, người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như: Máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau.

Trước đó, một người làm trong ngành Kiểm toán ở Đà Nẵng cũng bị nổ điện thoại. Sau khi nổ, phần vỏ màn hình của điện thoại đã thủng một góc to bằng ngón tay út, màn hình tinh thể lỏng bị các tia lửa điện phóng làm cháy đen thành 2 vạch lớn. Điều này gây lo ngại cho những người sử dụng điện thoại di động khi đang sạc pin vì có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nguy cơ gây tử vong cho người sử dụng khi vừa nghe điện thoại vừa sạc pin có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Với vụ việc xảy ra ở Trung Quốc, TS Luyện phân tích, bình thường bộ chuyển đổi từ nguồn điện ngoài (220V) thành nguồn điện nuôi iPhone (3-5V) nằm sâu trong vỏ và với dòng nuôi nhỏ thì không gây ra hiện tượng điện giật chết người. Trường hợp tử vong này có thể là do khi sạc pin người nghe đã không chú ý cắm phích điện vào iPhone cẩn thận để phích cắm tiếp xúc với khung thép bao quanh iPhone và khi đó, tay  tiếp xúc với nguồn điện ngoài (220V). Chính nguồn điện ngoài này gây ra hiện tượng điện giật. Bởi vậy không nên vừa nghe điện thoại vừa sạc điện.

Theo TS Đặng Hoài Bắc – Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông), không chỉ iPhone mà bất kỳ dòng điện thoại nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách hoặc linh kiện của bộ sạc không đảm bảo, không rõ nguồn gốc. Trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và gây giật nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại.

Thông thường thì đầu vào của sạc được nối thẳng tới điện lưới (~220VAC). Do vậy, khi chất lượng của sạc không tốt, linh kiện bộ sạc bị hỏng thì mức điện áp đầu ra của sạc tới điện thoại không chỉ là 3 - 5V nữa và người sử dụng có nguy cơ điện giật do tiếp xúc với điện lưới. Việc người sử dụng máy iPhone 5 ở Trung Quốc bị điện giật có thể do hai nguyên nhân chính: Sử dụng khi tay bị ướt, vô tình tiếp xúc với điện lưới hoặc sử dụng bộ sạc không an toàn.
Nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin

Theo hướng dẫn an toàn của hãng điện thoại Nokia, cần tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng điện thoại để đảm bảo an toàn: Không nên để vật kim loại tiếp xúc với các cực âm, dương của pin. Tránh để pin trong túi lẫn lộn với chìa khoá xe, kẹp giấy, bút có vỏ kim loại... vì pin dễ chập mạch, gây cháy nổ. Để máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động máy để tránh tình trạng chập mạch điện. Không nên bỏ điện thoại trong túi quần, túi áo. Tắt điện thoại ngay khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hoá lỏng, nhà máy hoá chất...


PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho biết, việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường. Ngoài ra, do tác dụng của sóng cao tần (cỡ 1.8 GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) đã ảnh hưởng tới não người sử dụng. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu khá nhiều về ảnh hưởng của sóng cao tần phát ra khi điện thoại di động làm việc (nói hoặc nghe) lên cơ thể sống và đã thấy rõ hiện tượng này. Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động (kể cả iPhone), bạn không nên sử dụng kéo dài, không nên để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim… Đặc biệt trong thời gian đầu (khoảng 10 giây từ khi bật điện thoại) vì trong khoảng thời gian này công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép.

Theo TS Đặng Hoài Bắc, các hãng sản xuất điện thoại cũng đã tính toán đến trường hợp người sử dụng vừa sử dụng vừa sạc điện thoại đã lường trước những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Tuy nhiên, các hãng vẫn đặc biệt lưu ý khách hàng cách sử dụng như: Không tiếp xúc với điện thoại đang sạc khi tay ướt, không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách…Trong quá trình sạc nếu pin kém chất lượng có thể gây nổ.

Ngoài ra, các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, các hãng sản xuất cũng tuân thủ các quy định về mức độ phơi nhiễm của người với năng lượng sóng vô tuyến như của FCC (Mỹ), IC (Canada) và Liên minh châu Âu nhưng nghe điện thoại nhiều quá trong thời gian dài cũng khiến chúng ta bị mệt mỏi, khó chịu. Chẳng hạn, các khuyến cáo của các hãng đã chỉ ra chúng ta nên tiếp xúc điện thoại với cơ thể ở khoảng cách an toàn 1,5cm (Apple).