Trong căn nhà nhỏ gần như trống hoác ấy không lúc nào vơi bớt những âm thanh “rộn rã” của những tiếng la hét, rên rỉ. Ba người con lần lượt đổ bệnh khiến cho anh chị rơi vào hoàn cảnh bế tắc.
Cám cảnh gia đình chỉ toàn nghe rên rỉ, la hét
Đến Thuận Mỹ, Nam Đàn, Nghệ An vào một buổi sáng nắng nhẹ và lắc rắc mưa, chúng tôi không quá khó để tìm ra gia đình anh chị. Đó là một ngôi nhà nhỏ, nằm lọt thỏm bên những căn nhà khang trang, rộng rãi khác. Và sau cánh cổng sắt lúc nào cũng im ỉm đóng ấy có 3 đứa trẻ đang rên rỉ, cười hềnh hệch mỗi ngày.
Hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi nói đến là của vợ chồng anh Nguyễn Duy Khương (SN 1966), chị Nguyễn Thị Hải (SN 1968), ở xóm Thuận Mỹ, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ba đứa con bất hạnh của anh chị là Nguyễn Thị Thanh (SN 1991), Nguyễn Thị Xuân (SN 1993) và Nguyễn Văn Linh (SN 1998). Không gian của ba đứa trẻ tội nghiệp chỉ gói gọn trong bốn bức tường vôi lạnh ngắt và chưa một lần các em biết đến màu sắc của thế giới bên ngoài do mắc phải căn bệnh tâm thần.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, là người phụ nữ gầy gò ốm yếu, tàn tạ. Chị Hải tâm sự, năm 1990, chị nên duyên với anh Khương cùng xã. Hạnh phúc được đơm hoa kết trái khi đứa con gái đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Cuộc sống tuy túng thiếu đủ đường, còn khó khăn, vất vả nhưng trong căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Những tưởng cuộc sống từ đây sẽ thuận buồm xuôi gió thế nhưng tạo hóa giường như thích trêu ngươi với số phận anh chị. Đến năm lên một tuổi, sau một trận ốm, Nguyễn Thị Xuân thường xuyên lên cơn co giật và đưa đi bệnh viện. Và rồi anh chị chết điếng người khi bác sĩ kết luận Xuân mắc chứng động kinh.
Từ khi con bị bệnh, vợ chồng anh chị chạy vạy vay mượn xóm làng, anh em, cô bác. Có bao nhiêu đồ đạc trong nhà mang ra bán hết lấy tiền để đưa con đi chữa bệnh, nghe đâu có thầy hay thuốc giỏi vợ chồng chị đều tìm đến với mong ước con mình được khỏi bệnh. Thế nhưng mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa. Bệnh tình của Xuân chẳng những không khỏi mà có phần nặng hơn. Những lúc trái gió trở trời Xuân lại lên cơn co giật, la hét. “Ngày cháu nó sinh ra như bao đứa trẻ khác ai cũng vui mừng khôn xiết. Và đến 1 tuổi thì cháu nó bị bệnh, giờ thì không thể cứu được nó nữa rồi. Thấy con như vậy mà tôi như đứt từng khúc ruột”, chị Hải nghẹn ngào.
Niềm hi vọng của anh chị được nhen nhóm trở lại khi bé Nguyễn Thị Thanh (1993) - đứa con gái thứ hai chào đời. Tiếng cười trở lại, vợ chồng anh chị đã có nghị lực để sống tiếp, để hi vọng vào một tương lai sáng sủa hơn. Thế nhưng tai họa lại một lần nữa chọn họ. Đến năm 3 tuổi, Thanh cũng có những biểu hiện của bệnh tâm thần.
Và rồi cậu con trai thứ ba chào đời trong niềm hạnh phúc khôn tả của anh chị và mọi người. Cháu Nguyễn Văn Linh (SN 1998) là niềm hi vọng cuối cùng, là điểm tựa để anh chị còn bấu víu vào cuộc sống và hơn nữa là cái để họ còn tin vào sự công bằng của tạo hóa.
Linh lớn lên trong sự đùm bọc của bố mẹ và tất cả mọi người. Đến tuổi đi học em cũng được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ khác. Khi Linh học lớp 4, em bắt đầu trốn học và hay bỏ nhà đi. Nước mắt lại rơi trên khuôn mặt của những con người dày dặn đau khổ. Linh cũng mắc bệnh như hai chị nó. Cánh cửa cuộc sống có lẽ đã quá vô tình với họ, tương lai phía trước của cả 5 con người giờ đây chỉ là một dấu chấm hỏi to tướng. Còn trẻ, còn đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân nhưng liệu họ có đủ sức để chống chọi với sự nghiệt ngã của số phận.
Được biết, trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, ông nội anh Khương từng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và bị thương trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau này, vì thất lạc giấy tờ nên bản thân ông không được hưởng chính sách gì và mất năm 2010. Bà nội cũng tham gia nuôi quân trong kháng chiến chống Mỹ. Hiện tại bà đang bị tai biến, nằm một chỗ, không ở chung nhà với anh Khương vì các cháu nó phá dữ quá và đành phải đưa bà sang nhờ đến sự chăm sóc của người con dâu thứ. Hồi năm 2010, người con trai thứ của bà cũng mất ở Angola để lại vợ trẻ và ba đứa con thơ dại ở quê nhà.
Cuộc chiến với số phận không có hy vọng
Gia đình anh Khương thuộc diện hộ nghèo nhất cái xã khó khăn này, mẹ già bị tai biến, vợ bị ung thư tử cung, cả ba con đều bị tâm thần. Gia cảnh đã khốn khó lại chồng chất những bệnh tật, anh Khương như rơi vào ngõ cụt của cuộc sống, anh như không còn một tia hy vọng, hoàn cảnh anh bây giờ như bế tắc. Anh đau đớn lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Anh bảo cuộc đời sao mà khốn khổ đến thế là cùng.
Ở cái tuổi ngoài 20 lẽ ra Xuân và Thanh đã có thể làm được nhiều việc cho bố mẹ. Thế nhưng ngay cả việc vệ sinh cho bản thân chúng cũng không tự làm được. Ánh mắt ngơ ngác, tiếng rên la ú ớ, khuôn mặt ngờ nghệch như những nhát giao đang cứa vào lòng người làm cha làm mẹ. Mặc dù có đến ba đứa con nhưng có lẽ cả anh Khương và chị Hải chưa một lần được nghe tiếng gọi cha, gọi mẹ trọn vẹn.
Hàng ngày ngoài làm ruộng, anh Khương còn làm bất cứ việc gì mà người ta thuê. Từ cày ruộng, chặt củi đến vác gạo ở ga tàu với hi vọng có thể trang trải phần nào cho cuộc sống nhưng cái nghèo cái bất hạnh cứ bám riết quanh quẩn.
Mỗi lần ra ngoài chị lại ngậm ngùi khóa cửa đế các con trong nhà. Căn buồng chưa đầy 4m vuông có một cánh cửa sổ nhỏ thó không bao giờ mở là nơi các em ngủ. Hai chiếc giường được kê song song, nan giường và chiếc chiếu cũng không còn lành lặn, bị các em phá rách rưới trong những lần lên cơn.
Trong căn nhà trống huơ trống hoác không có đến một đồ vật gì giá trị. Đồ đạc nằm ngổn ngang, cốc chén trong nhà ít cái còn nguyên vẹn vì mỗi lần lên cơn cả ba đứa đều lấy ném như một trò tiêu khiển. Không ít những đêm anh chị và cả hàng xóm không thể ngủ được vì ba đứa hùa vào la hét, đánh nhau. Nếu trốn được ra ngoài Xuân lại nhổ hết cây cối trong vườn, mở hết nước trong bể.
Nói đến đây trong đôi mắt thâm quầng của chị Hải nước đã chực trào ra. Bản thân chị Hải không thể đi làm được, chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn để trông ba đứa con ngây dại luôn chực bỏ đi. Mấy năm gần đây chị lại phát hiện mình bị căn bệnh ung thư tử cung. Vì không có tiền nên không đi viện điều trị mà chỉ uống thuốc miễn phí của một ngôi chùa trong vùng. Không biết liệu cứ tiếp tục tình trạng này chị Hải có đủ sức để chăm sóc cho ba đứa con điên dại của mình hay không.
Khi được hỏi về hoàn cảnh của gia đình anh Khương chị Thanh, bác Dương Thị Thiên (70 tuổi) - người hàng xóm thở dài ngán ngẩm: “Nhà nó khổ nhất vùng này đấy cháu. Đời đời đi viện, hết thuốc con lại đến thuốc mẹ. Mẹ nó cũng ngất lên ngất xuống suốt, cũng không làm được gì nhiều. Mong sao ông trời có mắt cho ba đứa con đừng phá phách nữa, không thì con Hải quỵ ngày nào không biết”.
Một năm trở lại đây, hàng tháng chị Hải được nhận trợ cấp 360 ngàn/tháng. Hai con gái đầu lòng được nhận trợ cấp 250 ngàn/tháng, con trai thứ 3 chưa đủ tuổi nên chưa được hưởng chế độ. Tiền thuốc thang, tiền ăn uống hàng ngày, tiền thuốc cho bà nội, mọi chi phí sinh hoạt chỉ dựa vào đồng tiền ít ỏi ấy.
Chia tay gia đình anh Khương mà lòng chúng tôi cứ nặng trĩu, liệu rằng trong những ngày tới gia đình anh Khương, chị Hải sẽ sống như thế nào khi mà cả gia đình và mẹ già đau ốm chỉ biết trông chờ vào 5 sào ruộng, đồng lương ít ỏi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 1072: Anh Nguyễn Duy Khương, ở xóm Thuận Mỹ, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
ĐT: 01689.576.682
|
(Dantri)
0 comments:
Đăng nhận xét