30 tháng 7, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Chuyện đời bất hạnh của tôi (Kỳ I)

Cuộc đời tôi là một chuỗi ngày chịu đựng đẫm nước mắt. Người ta nói, sự chịu đựng có giới hạn nhưng với riêng tôi, sự chịu đựng là vô giới hạn. Tôi yêu một người nhưng lại làm vợ một người. Chuyện quá xưa, cũ nhưng nó lại quá đặc biệt trong tình huống của tôi. Tôi bị chính người tôi yêu, người tôi định lấy làm chồng giăng bẫy lừa gạt. Chao ôi, nói ra thì chua chát nhưng phía sau luỹ tre làng, cuộc đời của những người phụ nữ nông thôn chúng tôi mới khổ và cay đắng đến chừng nào.


Tôi là thôn nữ, chỉ học đến lớp 10 thôi rồi về nhà quanh năm lo việc đồng áng nuôi tằm dệt lụa. Duyên phận kỳ lạ, tôi gặp người tôi yêu một lần tình cờ trong buổi chiều tà. Khi tôi vừa đi hái dâu trên nương về, trời đã nhá nhem tối, tôi gặp một thanh niên bị hỏng xe đạp. Trời sắp tối, các hàng quán sửa xe đã đóng cửa, anh dắt xe đạp bộ cùng tôi đồng hành trên quãng đường về làng.

Anh bắt chuyện và qua câu chuyện, tôi đưa anh về nhà nhờ bố tôi vá hộ xe giúp anh, vì nhà anh ở xa, cách làng tôi mười mấy cây số. Anh ở khác huyện với tôi. Chúng tôi quen nhau ngẫu nhiên như vậy. Từ đó, thi thoảng mỗi chiều, người con trai đó đạp xe qua cánh đồng dâu thăm tôi, giúp tôi hái dâu và chở hộ tôi những gánh dâu trĩu vai về nhà. Anh ít nói, hiền, mặt mũi thanh tú. Tôi thầm yêu người con trai ấy lúc nào không hay…

Chúng tôi yêu nhau sáng trong và đẹp như cổ tích. Hai đứa chỉ hò hẹn nhau, gặp gỡ nhau ở nương dâu. Anh chưa một lần cầm tay tôi ngỏ lời yêu, nhưng tình cảm của hai đứa thì đã cháy bỏng trong ánh nhìn, khóe mắt và trái tim.

Mặc dù anh không chính thức ngỏ lời cầu hôn tôi hay tỏ tình với tôi, nhưng việc chúng tôi có tình cảm với nhau thì đã cả hai đều cảm nhận được. Anh nói, anh về thưa bố mẹ qua nói chuyện người lớn với bố mẹ tôi. Bố mẹ anh lại qua nhà tìm hiểu gia đình tôi thật và ngay sau đó xin phép đặt vấn đề với bố mẹ tôi xin tôi về làm dâu. Nhà tôi nghèo, bố mẹ tôi cả đời chưa bước qua khỏi luỹ tre làng.

Thấy gia đình nhà người yêu tôi phương trưởng. Bố của anh làm nghề bác sỹ thú y, công việc phát đạt, có cả cửa hàng bán thuốc trong nhà, gia đình bề thế, có của ăn của để nên bố mẹ tôi trong bụng rất ưng ý thuận tình, mừng thầm cho con gái có nơi chốn đàng hoàng để gả con về làm dâu.

Đám cưới sau đó được xúc tiến mau lẹ. Thật kỳ lạ, khi tiến hành các thủ tục chạm ngõ, gặp gỡ họ hàng hai bên và bàn thủ tục ăn hỏi rồi tiến hành lễ cưới. tôi không thấy có sự xuất hiện của anh, người yêu của tôi, người tôi đã phải lòng và ưng thuận lấy làm chồng. Thoáng có chút phân vân trong tôi nhưng tôi cũng không dám nói ra. Ai lại chưa cưới mà đã  hỏi thăm nhau như vợ chồng ngại lắm.

Đám cưới diễn ra, họ trai đến rước dâu không thấy chồng tôi, chỉ thấy các cụ, các trưởng lão, bô lão. Tôi và bố mẹ tôi, họ hàng phân vân lắm. Về nhà chồng, lúc này tôi mới té ngửa ra, người chồng mà tôi cưới hôm nay không phải là người con trai vẫn thường gặp tôi, vẫn thường hái dâu cho tôi, vẫn thường chở hộ tôi những gánh dâu nặng trĩu trở về nhà trong những buổi chiều tà; người đã gieo vào lòng tôi thương nhớ, mong ngóng, chờ đợi và thổn thức; người đã lấy đi những đêm mất ngủ thời con gái của tôi.

Người đã đong chật khoảng trời bên khung cửi nhà tôi giúp tôi dệt nên những mơ ước về một mái ấm gia đình và những đứa con thơ… Trong đám cưới, khi nhận ra người ngồi bên cạnh không phải là anh, tôi sốc và chỉ chực ngã lăn ra đất vì choáng váng.

Người ngồi bên cạnh tôi trong vai trò là chú rể có gương mặt giống người tôi định lấy làm chồng như hai giọt nước. Chỉ có tôi, chỉ có bố mẹ tôi, những người trong cuộc gần gũi nhất mới nhận ra đó không phải là người tôi đã yêu thương và ưng thuận lấy làm chồng. Một đám cưới xảy ra cách đây có đến mấy chục năm, thời ấy, con cái vẫn con thấm đẫm giáo lý cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Trong nhà có việc, có khách, nếu có chuyện gì xảy ra, hiểu lầm gì, dù nhỏ hay lớn đến đâu cũng phải nhịn lại rồi lát nữa khách khứa ra về mới được đóng cửa bảo nhau chứ tuyệt đối không thể làm rùm beng lên, mất mặt hai họ, gia đình, mất mặt cô dâu chú rể, mất sỹ diện của bố mẹ nhà gái lẫn nhà trai. Cái thời của tôi là như vậy, con người chưa dám bứt phá ra trước mọi hoàn cảnh tình huống trớ trêu. Tất cả cứ phải dằn lòng, bấm bụng, chịu đựng cái đã rồi nói chuyện sau, lúc ấy mới tính đến cách xử lý.

Suốt đám cưới, ruột tôi như có lửa đốt. Cái người trong vai chú rể ngồi bên cạnh tôi gương mặt và ngoại hình giống anh như đúc nhưng trên gương mặt ấy, rỗng không… không khái niệm, không tinh thần, không cảm xúc, không ý nghĩ… Tôi hoảng loạn và lo lắng điên đảo. Suốt cả đám cưới, hai họ ăn uống chuyện trò rôm rả, trong khung cảnh ấy, không còn ai để ý đến cô dâu chú rể sắc mặt thế nào.

Đám trẻ con bu kín hàng rào chỉ trỏ vào đám cưới. Chúng nó bàn tán xì xào… và người lớn lại ra khua gậy đuổi chúng đi. Ngày xưa, cứ nhà nào có đám cưới, trẻ con tò mò kéo nhau đi xem, bu kín cả hàng rào vườn nhà để ghé mắt xem cô dâu chú rể, mà chủ yếu là xem mặt cô dâu, xem đám cưới, xem văn nghệ và thỉnh thoảng thò tay nhón trộm những chiếc kẹo xanh đỏ.

Cỗ cưới rồi cũng tàn, mọi người kéo nhau lục đục ra về. Tôi kéo tay bố tôi và hoảng hốt nghẹn ngào nói với bố: “Bố ơi, người này không phải là anh K. con định lấy làm chồng. Không phải đâu bố ạ. Con bị lừa rồi”. Bố tôi biến sắc mặt. Nước mắt tôi lúc ấy không ngăn nổi tuôn dài. Phần vì nhớ nhà, tâm trạng của con gái đi lấy chồng, phần vì bấn loạn tinh thần trước những sự việc diễn ra, tôi chẳng biết làm gì hơn là khóc.

Bố tôi an ủi tôi. “Mọi việc đâu còn có đó. Con cứ vào nhà đi, dẫu sao bây giờ con cũng là gái có chồng rồi. Ngày kia về làm lễ lại mặt bố mẹ vợ, bố sẽ hỏi cho ra nhẽ việc này. Con yên tâm”.  Nhà chồng thấy tôi khóc, mặt buồn rượi, mẹ chồng và bố chồng tôi bèn chạy ra ríu rít đon đả chào bố tôi. Cái người là chồng tôi mặt nghệt, đứng như trời trồng khi thấy tôi khóc.

Bà mẹ chồng ngoắc tay làm ký hiệu gì đó với chồng tôi ý là ra và đến bắt tay chào bố vợ đi con, để ông còn về. Nói mãi, giục mãi, cái người thanh niên đần độn trong vai chú rể mới hiểu ra vấn đề, mới chạy ra hềnh hệch bắt tay chào bố tôi. Đến bây giờ cả tôi và bố tôi mới sững người như chết đứng.

Người thanh niên trong vai chú rể sẽ là chồng tôi đó bị chứng câm điếc bẩm sinh. Anh ta khỏe mạnh, đẹp trai và giống người tôi đã đồng ý lấy làm chồng như hai giọt nước. Chỉ có điều anh ta bị câm điếc bẩm sinh nên gương mặt không được khôn mà hơi lơ láo, dài dại do không có phản xạ âm thanh… Bố tôi lúc ấy không thể ra về nổi nữa. Ông bảo mọi người cáo lui về trước. Ông quyết định ở lại hỏi cho ra nhẽ.

Ông nói với bố mẹ chồng tôi: “Tại sao lại có chuyện như thế này. K đâu? Con gái tôi yêu K và đồng ý lấy K làm chồng cơ mà. Tại sao mọi chuyện lại như thế này. Xin ông bà giải thích cho tôi hiểu. Gia đình tôi đang bị ông bà lừa gạt, thật quá đau lòng”. Đến lượt bố mẹ chồng tôi lúng túng không kém, Cả hai ông bà nhìn nhau ngơ ngác! “Ơ thế thằng K chưa nói gì với nhà ông bà đây à?”

Một cuộc chuyện trò đẫm nước mắt ngay sau đám cưới ở trong gian 7 ngôi nhà gỗ lim của bố mẹ chồng tôi. Cuộc họp kín, chỉ đôi bên thông gia gồm bố mẹ chồng tôi, người chồng bất đắc dĩ của tôi và bố con tôi. Suốt cuộc trò chuyện tôi chỉ biết khóc và khóc. Bà thông gia là mẹ chồng tôi cũng thút thít khóc.

Những lời của bố chồng tôi như những nhát dao giết chết bố con tôi lúc ấy: “Chẳng giấu gì nhà ông bà đằng ấy, nhà được 7 anh chị em nhưng có tới 5 đứa con gái. Vợ chồng tôi có được hai mụn con trai là hai anh em song sinh. Thằng em thì bình thường như bao đứa trẻ khác, thông minh lanh lợi, nhưng thằng anh thì lại mắc chứng câm điếc bẩm sinh, nên cháu phát triển chậm không được như bạn cùng trang lứa.

Cháu vì thiệt thòi khiếm khuyết nên mặc cảm, ít ra khỏi nhà. Cháu cũng ngoan ngoãn hiền lành, ở nhà giúp bố mẹ việc nhà lặt vặt. Cháu bị khiếm khuyết vậy nhưng chân tay khéo léo, đặc biệt là cháu phụ giúp tôi trong việc chữa bệnh cho súc vật ở thôn trên xóm dưới. Đến tuổi lấy vợ, bảo cháu nhưng cháu không chịu. Ông thấy đó, sinh con ai nỡ sinh lòng, số phận cháu như vậy nhà tôi cũng rất thương con và buồn tủi.

Nhìn bạn bè cùng trang lứa của cháu đã thành thân, lập gia đình hết rồi, đứa có con có cái cả rồi, vợ chồng tôi cũng buồn lắm. Thằng K. nghỉ hè, vì cháu đang học bấm huyệt và bốc thuốc ở Viện Đông y của tỉnh, tôi mới bàn với thằng em là K. bảo mày đi kiếm vợ cho anh mày đi.

Nếu có ai đó thương anh mày, thương gia đình nhà mình thì về báo để bố mẹ sang nhà người ta thưa chuyện.  Mày nhớ phải nói rõ hoàn cảnh anh mày, nhà người ta ưng thuận thì mới được. Đừng có giấu giếm gì, lựa lời mà nói cho tế nhị, cũng đừng nói nhiều nói sâu quá mà  nhà người ta không đồng ý.

Thế rồi được một thời gian, thằng K. về nói với vợ chồng tôi nó không làm được việc kiếm vợ cho anh trai nó mà nó xin phép được cưới vợ trước. Tôi mắng cho nó một trận, bảo rằng mày ích kỷ, mày lấy vợ lúc nào chẳng được. Mày phải giúp anh mày trước chứ, anh em như thể tay chân huống hồ gì anh mày lại thiệt thòi như vậy.

Từ đó tôi không thấy thằng K. nói gì thêm. Được một thời gian nó về và bảo vợ chồng tôi sang nhà ông bà thưa chuyện. Xong nó lên trường đi học luôn. Đám cưới thằng anh, nhắn nó về mà không thấy cháu nó về. Ngày vui trọng đại của anh trai nó mà nó cũng không có mặt. Vợ chồng tôi cũng không hiểu vì sao.

Còn chuyện vợ chồng tôi sang nhà thưa chuyện với ông bà, thì tôi cứ nghĩ thằng K. đã có lời trước với ông bà về anh trai nó rồi và được ông bà chấp thuận thì gia đình tôi mới được phép đến thưa chuyện để xin hỏi cưới cháu đây cho con trai chúng tôi. Chúng tôi cũng không dám nhắc đến khuyết tật của thằng N. nhiều, lỡ ông bà lại đổi ý. Ai ngờ thằng K. chưa nói gì với cháu đây và ông bà cả. Gia đình tôi thật có lỗi với nhà bên đó. Tội lỗi này thật là lớn, không biết nói sao cho vừa được. Tôi chỉ xin cháu đây, xin ông và nhà bên ấy tha tội cho gia đình họ mạc nhà chúng tôi”…

Nói đến đây, bố chồng tôi quỳ sụp xuống chân cha con tôi mà vái lấy, vái để. Nước mắt ông thông gia cũng trào ra. Bố tôi giơ hai tay lên trời cay đắng thốt lên. “Ông trời ơi! Tôi phải làm gì đây, Sao ông trời lại trao cho con gái tôi một số phận khốn khổ thế này”.
(còn nữa)
Quỳnh Nga- Sơn Tây

Lời  BBT
Bạn đọc yêu quý! Câu chuyện đời của bà Quỳnh Nga còn rất dài. Đó là cả một chuỗi những sự kiện, những bi kịch nối tiếp nhau mà cả đời bà Nga phải chịu đựng. Một câu chuyện đời quá xót xa cho tất cả những ai được chia sẻ trên chuyên mục thân thuộc này của độc giả An ninh thế giới cuối tháng. Chúng tôi mới chỉ trích đăng phần đầu của cuộc đời bà Nga, nơi bắt đầu khởi nguồn của những trái khoáy mà số phận đã run rủi đưa đẩy rồi cuốn hút bà vào cái vực xoáy dâu bể này.
Mặc dù câu chuyện của bà Nga xảy ra đã mấy chục năm rồi, nó thuộc về đời sống xưa, thế nhưng chúng tôi nghĩ nó không hề là câu chuyện cũ. Bởi trong thực tại hiện nay, ở phía sau những lũy tre làng, nơi chốn thâm sơn cùng cốc, đâu đó trong người dân vẫn đang còn tồn tại và diễn ra những hủ tục lạc hậu, những quan niệm sai lệch như tìm vợ tìm chồng cho những đứa con tàn tật của mình mà không phải là do đôi trẻ tự nguyện yêu nhau, để rồi cha mẹ có thể vô tình đẩy con cái mình vào những bất hạnh. Hằng ngày chúng ta vẫn đọc thấy đâu đó trên các trang báo những mẩu tin, những câu chuyện xảy ra phi lý, lạ lùng trong đời thực.
Chính vì thế, khi câu chuyện này đăng lên, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho độc giả bài học bổ ích, đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ trước những ngã rẽ cuộc đời của con cái. Đồng thời, câu chuyện cũng mang lại cho các bạn trẻ những thông điệp sâu sắc về tình yêu, cuộc sống. Các bạn hãy tự tìm hiểu và lựa chọn tương lai cho mình. Chớ thụ động, chớ rụt rè, chớ yếu đuối, các bạn sẽ bị những xô đẩy của cuộc sống cuốn mình vào mà mình không dám thoát ra. Bà Nga sẽ sống một đời sống như thế nào với người chồng bị đánh tráo? Mỗi thù hận giữa bà và người đàn ông bà yêu thương nhất đời sẽ được giải quyết ra sao, mời các bạn đón đọc số tới kỳ tiếp theo của câu chuyện này.

(CAND)

0 comments: