Tác phẩm dự thi "IRS TRONG TÔI": Tâm sự của một nhà đầu tư chứng khoán thời khủng khoảng tài chính toàn cầu
Tác giả: Lê Trọng Nghĩa
"Tôi luôn tâm niệm rằng, từ khi đầu tư chứng khoán, tôi chỉ có được chứ chưa mất bao giờ. Nếu ai đó chỉ quan niệm rằng, đầu tư chứng khoán là được tiền hay mất tiền thì quá hạn hẹp. Tôi thì lại cho rằng, khi mình đầu tư lỗ thì mình được kinh nghiệm, còn khi lãi thì mình vừa được tiền vừa được kinh nghiệm..."
******************************
Sở dĩ tôi có thể trụ lại được ở một công ty chứng khoán còn non trẻ vừa mới kỷ niệm 1 năm ra đời này vì sự trẻ trung, năng động, hiểu biết và nhiệt tình của đội ngũ nhân viên ở đây. Vì là một công ty mới ra đời nên lãnh đạo và nhân viên được tập trung lại chủ yếu từ các công ty lớn, các ngân hàng trong nước và nước ngoài có tên tuổi ở Việt Nam và trên thế giới, chính vì vậy các bạn trẻ đó đã đem lại những tư duy sáng tạo, khác biệt, tập trung chủ yếu vào chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng để công ty chứng khoán tồn tại và phát triển vững vàng trong cơn sóng gió của thị trường chứng khoán trong suốt hơn một năm qua. Ở đây, ngoài các dịch vụ thông thường như ở mọi công ty chứng khoán khác, các nhà đầu tư chúng tôi được tư vấn hàng ngày vào buổi chiều sau giờ làm việc và qua mỗii buổi tư vấn về thị trường như vậy, chúng tôi lại như được tiếp thêm kiến thức, sự tự tin vững vàng cho các phiên giao dịch ngày hôm sau. Trong giai đoạn thăng trầm của thị trường chứng khoán vừa qua (đặc biệt trong năm 2008), có lẽ phần lớn các nhà đầu tư ở Việt Nam không loại trừ các tổ chức và quỹ đầu tư lớn đã bị thua lỗ, nhưng theo tôi được biết các nhà đầu tư cá nhân ở IRS bị thua lỗ ít hơn và nhiều người trong số đó vẫn có một tỷ lệ lãi đáng kinh ngạc nếu tính từ trung tuần tháng 6 khi thị trường bắt đầu hồi phục đến nay… Tôi có cảm giác Công ty như gia đình thứ 2 của mình và ở đây hầu như không có sự cách biệt giữa khách hàng và nhân viên của Công ty, đặc biệt qua những buổi giao lưu thân mật, đi dã ngoại du lịch, tham quan….
Tôi tin chắc rằng ít nhất 50% các nhà đầu tư thực sự đã từng đọc qua cuốn sách “Cha giàu, Cha Nghèo” hay dịch sang tiếng Việt là “Dạy con làm giàu” tập 1-2 của tác giả Kiyosaki và Sharon Lechter (Mỹ). Nếu ai đã từng đọc cuốn sách đó đều sẽ chung một nhận định với tác giả rằng đầu tư là lĩnh vực kiếm tiền cao cấp nhất trong tất cả các lĩnh vực kiếm tiền hợp pháp trong xã hội thời đại ngày nay và nhà đầu tư cũng được đánh giá thuộc nhóm có cuộc sống tự do, dễ chịu nhất so với các nhóm khác như nhóm người làm công ăn lương, nhóm người làm tư hay nhóm chủ doanh nghiệp khi mà vốn liếng và kinh nghiệm đầu tư của họ đã đạt đến một mức độ nhất định. Theo quan điểm cá nhân tôi, một người đã từng trải qua ba nhóm làm công ăn lương, chủ doanh nghiệp và đầu tư, tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của các tác giả nói trên và bằng chứng là tôi đã từ bỏ nhóm làm công ăn lương và nhóm chủ doanh nghiệp chuyển sang lĩnh vực đầu tư. Tôi đã, đang và sẽ theo đuổi lĩnh vực đầu tư chứng khoán chưa biết đến bao giờ. Có lẽ cho đến khi nào hết thị trường chứng khoán chăng.?
Nói vậy cho vui thôi chứ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hay ở bất kỳ nước nào khác trên thế giới cũng không hoàn toàn dễ dàng gì. Tuy có thể ít vất vả về sức khoẻ, thể xác, không phải đi sớm về khuya, không phải đi công tác xa hay nghe lệnh của sếp trên bất cứ lúc nào, làm bất cứ việc gì sếp giao, không phải bị động về thời gian dành cho gia đình, bạn bè nhưng lại có cái khó riêng về suy nghĩ, đầu óc tính toán làm thế nào để đầu tư cho hiệu quả, cũng phải nát óc nghĩ ngợi, tiếc nuối khi thị trường xuống dốc, các khoản đầu tư bị thua lỗ triền miên hay cũng phải mất rất nhiều thời gian đọc sách, báo, nghiên cứu về kiến thức chứng khoán hay kinh tế vĩ mô của thế giới, trong nước, về ngành nghề hay các công ty mình định đầu tư, đặc biệt những lúc thị trường đảo điên lên xuống thất thường như những năm qua. Những lúc ngồi tán gẫu với nhau, hội đầu tư chứng khoán chúng tôi thường đùa nhau là không có một lĩnh vực nào kiếm được nhiều tiền cũng như mất nhiều tiền trong một khoảng thời gian ngắn như trên thị trường chứng khoán. Trong khi các doanh nghiệp hàng năm chỉ mơ ước một mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân khoảng 30-40% thì chứng khoán có thể cho các nhà đầu tư một mức tăng trưởng vốn gấp 10 lần như vậy chỉ trong 2 -3 tháng, đem lại gấp 10-20 lần vốn và cũng có thể lấy đi 90% vốn của một nhà đầu tư trong không đầy một năm nếu ai đã từng trải qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm từ 2006 đến 2008, qua đó mọi người cũng có thể hình dung mức độ khốc liệt của việc đầu tư chứng khoán và cũng chính vì vậy những người đã trụ được vài ba năm qua trên thị trường chứng khoán như tôi cũng thật sự có nhiều điều đáng nói.
Làm sao chúng tôi có thể quên được những ngày tháng tưng bừng của thị trường chứng khoán trong năm 2006, đầu 2007 khi hết mỗi phiên giao dịch của một ngày cũng là lúc chúng tôi có thể nhẩm tính giá trị danh mục tài sản chứng khoán của mình được thêm nhiều tỉ đồng (nghĩa là lãi một ngày bằng hàng chục năm lĩnh lương với một mức lương tương đối khá trong xã hội) và cũng không ai có thể quên những tháng đầu của năm 2008 muốn cắt lỗ mà thị trường cũng không cho lỗ, phải chung thân với những chứng khoán mà mình đã chót mua không biết đến khi nào mới thoát được. Đặc biệt là khi các nghiệp vụ cho vay cầm cố, repo chứng khoán trong thời gian đó của tất cả các công ty chứng khoán, các ngân hàng nở rộ. Cho vay quá dễ dàng tức là những người đầu tư chứng khoán như tôi có thể vay mượn đến 70%, thậm chí gấp nhiều lần giá trị của một loại chứng khoán nếu tính từ lúc mua đầu tiên khi repo chứng khoán qua 3-4 vòng, nghĩa là chúng tôi dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, quá rủi ro, nên khi thị trường tăng điểm cũng được rất nhiều và mất cũng thê thảm như vậy khi thị trường xuống, mất thanh khoản, hơn nữa, lúc đó biên độ ở sàn HOSE là 5%, HASTC là 10% và OTC là không biên độ. Khi thị trường lao dốc không phanh đầu năm 2008, nhiều người đầu cơ lướt sóng bất đắc dĩ trở thành những cổ đông dài hạn của nhiều công ty và dù không muốn vẫn được mời (hay đúng hơn là bị mời) phải đi họp đại hội cổ đông của các công ty mà mình đã “chót dại” đầu tư. Và đến khi họp, nhiều cổ đông bất đắc dĩ cũng quá bức xúc có những lời lẽ thiếu khiếm nhã dành cho ban lãnh đạo các công ty mà đâu có biết rằng họ đâu có gây nên tội lỗi gì khi giá cổ phiếu xuống dốc, đó là do thị trường đấy chứ. Theo tôi, đáng trách phải trách chính chúng ta, những người đầu tư khi chúng ta đã như những con thiêu thân lao vào một cuộc chơi với rất ít hiểu biết, kinh nghiệm và đã đẩy giá của các chứng khoán lên gấp quá nhiều lần giá trị thực của chính bản thân các công ty đó. Sau này khi nghĩ lại chúng tôi thường nói đùa, mua bán chứng khoán lúc đó không khác gì hình ảnh một người nhận được một cục than nóng bỏng (khi mua chứng khoán) để nhanh chóng chuyền ngay sang tay người khác (lúc bán chứng khoán) trong khi mình chưa kịp bỏng tay, đã có lãi lớn và cứ tiếp tục chuyền tay nhau như vậy. Thị giá chứng khoán tăng không ngừng, hòn than nóng bỏng vẫn cứ chuyền tay hết người này qua người khác cho đến lúc tất cả thị trường cùng nhận ra bong bóng chứng khoán đã phồng căng, thị giá đã vượt quá xa giá trị thực của chứng khoán và vỡ tung (khi VnIndex lên đến 1170 điểm) thì bắt đầu sợ và tất cả cùng dừng lại, hoảng sợ và bắt đầu bán tháo cổ phiếu. Lúc đó, đương nhiên ai còn cầm hòn than thì phải chịu bỏng thôi, nghĩa là ai còn cầm chứng khoán chắc chắn phải chịu lỗ và làm sao bán được đây, bán cho ai khi chỉ có người bán, không ai mua như thời kỳ tháng 3-4-5/2008? Lúc đó nhìn trên bảng giao dịch trực tuyến hàng tháng trời lúc nào cũng thấy trắng tinh nửa bên mua, trong khi nửa bên bán chất đầy chứng khoán. Thị trường OTC thì đúng là như chùa bà đanh, cổ phiếu lúc đó không có giá trị hơn tờ giấy vì có đổi được thành tiền đâu. Trên sàn chứng khoán của IRS thời kỳ khủng hoảng đó thường xuyên không có người đầu tư. Đôi khi, có một nhà đầu tư mang con đến, để con nằm dài trên ghế khi thị trường đang trong giờ giao dịch, hưởng không khí mát lạnh của điều hoà nhiệt độ. Nhân viên của công ty chứng khoán ngồi rỗi rãi, ngáp vặt, đọc sách báo hay tán gẫu với nhau chờ đến 10h30 rủ nhau đi ăn trưa và 4 giờ đã lục tục kéo nhau ra về do không có việc gì để làm vì có ai giao dịch đâu. Nếu tôi nhớ không lầm thì trị giá giao dịch toàn thị trường lúc đó thường xuyên chỉ khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng với hơn 200 công ty đang niêm yết trên cả 2 sàn Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Tôi vẫn còn nhớ như in, vào thời kỳ tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán cuối năm 2005, cuối năm 2006, đầu năm 2007, bất cứ ai có dịp đến các sàn giao dịch chứng khoán tại Hà nội, kể cả những sàn giao dịch lớn rộng đến cả ngàn m2 sẽ thấy một cảnh tượng “hãi hùng” khi hàng trăm người chen vai thích cánh xem bảng giao dịch trực tuyến và xếp hang đặt lệnh mua bán, chủ yếu là mua. Vào những ngày đó, chỉ cần đến đúng giờ giao dịch nghĩa là đã muộn, lệnh mua đã được xếp thành chồng dày trước mặt các nhân viên nhập lệnh và chỉ chờ đến khi sàn chứng khoán phát lệnh mở cửa là đua nhau đọc lệnh vào đại diện sàn giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà nội. Khổ nhất là các nhân viên duyệt và đọc lệnh. Vì quá nhiều lệnh, cách đọc lệnh lại thủ công nên có nhiều xô xát đã xảy ra khi một số nhà đầu tư quá bức xúc đã đôi co cãi cọ, thậm chí chửi bới một cách thiếu văn hoá với nhân viên công ty chứng khoán vì cứ một phiên trôi qua không mua được đồng nghĩa với việc mất 5-10% lợi nhuận lẽ ra sẽ được, nghĩa là nếu nhà đầu tư đó định mua một chứng khoán nào đó mà không mua được với trị giá 1 tỷ thì tức là sẽ tuột mất từ 50-100 triệu đồng/ ngày, vậy thì ai mà không bức xúc. Tuy nhiên với phương thức nhập lệnh, duyệt lệnh quá thủ công như thời kỳ đó cộng với số lượng các công ty chứng khoán có hạn (chỉ khoảng dưới 10 công ty) thì có trách thế chứ trách nữa nhân viên nhập lệnh họ cũng đành bó tay. Thời kỳ khó khăn đó nhiều người đã phải nghĩ ra những cách thức khôn khéo để có thể được nhập lệnh nhanh ngoài việc đến sớm xếp hang đặt lệnh, đặt lệnh từ hôm trước qua người quen tại công ty chứng khoán, nhiều người còn tìm cách thay vì mua nhiều loại chứng khoán tập hợp lại thành một lệnh mua một loại có giá trị lớn hay móc nối, đi đêm với nhân viên nhập lệnh, chi phí ngầm… nghĩa là mọi cách thức có thể được để có thể nhập lệnh nhanh nhất. Cũng trong thời kỳ nóng bỏng đó, nhiều công ty chứng khoán đã quá tải đến mức phải ra một số qui định không ở đâu có như qui định giá trị lệnh tối thiểu, qui định ký quỹ trên 100 triệu đồng thì mới được mở tài khoản... vì nếu không hạn chế như vậy hệ thống mạng có thể quá tải và sập bất kỳ lúc nào.
Tôi còn nhớ lúc đó trên thị trường OTC việc giao dịch các cổ phiếu hot sôi động vô cùng, đặc biệt những cổ phiếu nóng như SSI, BVS. Lúc đó, sàn giao dịch chứng khoán SSI ở phố Trần Bình Trọng trở thành nơi tụ tập của dân đầu tư OTC. Buổi chiều trên sàn SSI nhiều khi đông hơn buổi sáng, vui như hội. Các nhà đầu tư đến đây để giao dịch tất cả các loại cổ phiếu OTC, việc giao dịch diễn ra rất đơn giản dễ dàng, tiền mặt trả cho nhau chất như núi trên bàn tại sàn SSI hay ở các quán cà phê xung quanh. Hầu như không ai nghĩ đến việc phải đếm hay kiểm tiền bằng máy hay bằng tay mà chủ yếu chỉ nhận từng cọc tiền với nhau dựa trên sự tin tưởng tuyệt đối. Vậy nhưng, ngày đó lại rất ít các vụ việc lừa đảo, mâu thuẫn xung đột giữa các nhà đầu tư xảy ra, có lẽ do lúc đó đồng tiền được kiếm quá nhanh và dễ dàng. Ngày nay thị trường OTC đã thu hẹp bớt do sàn giao dịch chính thức phát triển mạnh và giao dịch chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu ngân hàng như MB, Eximbank... tại sàn của ngân hàng quân đôi ở phố Liễu Giai. Việc thu hẹp thị trường OTC cũng do việc giao dịch tự do quá rủi ro mà các nhà đầu tư hiện nay đã biết sợ, biết quý đồng tiền xương máu của mình kiếm được một cách khó khăn, nhọc nhằn hơn trước nhiều lần.
Bản thân tôi sau khi rời bỏ công việc làm công ăn lương gần 20 năm ở doanh nghiệp nhà nước thuộc một ngành có thu nhập vào loại cao nhất nhì trong xã hội, tích luỹ được một số vốn ít ỏi tôi bắt đầu bước vào thị trường chứng khoán với một con số gần như bằng 0 về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Bước vào thị trường lúc, VnIndex gần về đáy 130 điểm (tháng 10/2003) nhưng vì không có một chút kiến thức và kinh nghiệm nào và cũng không có nhiều người có đủ trình độ và kinh nghiệm về thị trường chứng khoán Việt Nam tư vấn, sau hơn 2 năm mò mẫm đầu tư, số vốn đầu tư của tôi là một con số âm to tướng trên 30%, mặc dù thời gian đó thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những lúc tăng trưởng tốt, đặc biệt trong các năm 2004, 2005. Tuy vậy, vì đã đọc cuốn sách Cha giàu, Cha nghèo và hơn nữa lúc đó tôi không làm ở đâu nữa nên tôi rất quyết tâm và tin tưởng mình có thể tồn tại và phát triển được trong lĩnh vực đầu tư đầy thử thách này. Và rồi cơ hội cũng đã đến khi sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán những năm 2006, 2007 đã đem đến cho tôi và những nhà đầu tư khác những thành quả bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Nhiều người đã trở thành tỷ phú, đã mua xe ôtô, mua nhà, đi du lịch và cũng chính nhờ đó mà chúng tôi có thể tồn tại để đầu tư đến ngày nay dù thị trường chứng khoán đã có một năm 2008 khủng hoảng đến tận cùng đã làm nhiều người gần như trắng tay. Phải nói thật rằng, riêng trong năm 2008, lượng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân tôi thu nhận được hơn gấp nhiều lần cả 4 năm trước đó cộng lại và điều đó làm tôi rất vững tin vào tương lai của lĩnh vực đầu tư chứng khoán.
Tôi luôn tâm niệm rằng, từ khi đầu tư chứng khoán, tôi chỉ có được chứ chưa mất bao giờ. Nếu ai đó chỉ quan niệm rằng, đầu tư chứng khoán là được tiền hay mất tiền thì quá hạn hẹp. Tôi thì lại cho rằng, khi mình đầu tư lỗ thì mình được kinh nghiệm, còn khi lãi thì mình vừa được tiền vừa được kinh nghiệm. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư, tôi còn tìm được rất nhiều bạn bè, các mối quan hệ tốt và thu nhận được rất nhiều kiến thức đầu tư chứng khoán lẫn kinh tế vĩ mô trong, ngoài nước vì muốn đạt hiệu quả cao trong đầu tư, tôi thường phải đọc rất nhiều sách, báo để tìm hiểu thông tin và kiến thức đầu tư. Cũng nhờ có thị trường chứng khoán mà tôi mới biết được Warrant Buffet là nhà tỷ phú và là một nhà đầu tư giá trị lớn nhất mọi thời đại, hay tôi mới biết được các chỉ số chứng khoán của Mỹ, Châu âu hay Nhật Bản như chỉ số DOW JONES, S&P 500, NIKKEI 200 hay sự liên quan mật thiết giữa lãi suất của FED đến giá dầu, giá vàng, chỉ số chứng khoán và nền kinh tế thế giới nói chung … Và do đó, khi thị trường tài chính khủng hoảng, tôi mới hiểu được nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng đó. Nghĩa là, đầu tư chứng khoán không đơn thuần chỉ có được tiền hay mất tiền mà còn được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, những điều đó sẽ làm cho nhà đầu tư lớn lên trong bão táp thương trường và giành được những thành quả trong tương lai chứ không đơn thuần chỉ trong ngắn hạn.
Năm 2008 đầy biến động, thăng trầm đã sắp qua đi, để lại bao kỷ niệm buồn, vui cho mỗi người đầu tư. Một năm mới 2009 sắp đến với rất nhiều điều xấu có, tốt có đang chờ đợi nhưng tôi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã, đang và sẽ phát triển rất tốt, các nhà đầu tư hãy vững tin vào tương lai của thị trường chứng khoán, của nền kinh tế Việt Nam, hãy có những chiến lược đầu tư nhất quán, đúng đắn chắc chắn sẽ thành công.
Lê Trọng Nghĩa
0 comments:
Đăng nhận xét