6 tháng 4, 2010

Father and Daughter (Cha và con gái)


Father and Daughter (Cha và con gái) là một phim hoạt hình ngắn của đạo diễn người Hà Lan Michaël Dudok De Wit thực hiện năm 2000. Với độ dài 8 phút 08 giây, bộ phim là câu chuyện không lời về tình cha con của một cô gái với người cha đi xa lâu ngày. Bộ phim đã giành Giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn năm 2000 cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Với nền nhạc "Sóng sông Danube" (Danube Waves) của Ivanovic, cảnh phim từ nét vẽ tay rất gợi, đi vào chi tiết, những góc quay không trực diện miêu tả cận cảnh các nhân vật, bộ phim ấy đã chiếm trọn cảm tình của mọi đối tượng khán giả.


Trên đường đồi phẳng lặng, hai cha con thong dong đạp xe. Hai bên đường là hàng cây rậm rạp xanh tươi. Đến một mỏm đá, người cha bước xuống chiếc thuyền dưới bến và chèo đi. Cô bé con đứng trên đồi, nhìn theo cha, bơ vơ lạc lõng. Cha cô đã không trở về. Để rồi chiều chiều, trên con đường hun hút tưởng chừng dài vô tận, cô bé lại mải miết đạp xe.

Thời gian trôi qua và cô bé cũng dần lớn lên. Nhưng ngày qua ngày, cô bé con đạp xe lon ton lên đồi, phóng tầm mắt ra xa, rồi lại lững thững đạp xe về. Thành thiếu nữ, cô lên đồi cùng bạn bè, rồi cùng người yêu. Thành phụ nữ, cô lại đến cùng người bạn đời và những đứa con thơ.

Qua bao năm tháng, cô bé năm nào giờ đã già đi. Ngọn đồi nhỏ, con đường mênh mông, hai hàng cây qua bao mùa thay lá, chỉ có tấm lưng còng vẫn còn hiện hữu. Dưới ánh nắng và bóng cây, có một bà cụ cứ lẳng lặng đạp xe, đến rồi lại chờ, lại quay về...


Father and Daughter là một phim hoạt hình đơn giản, không nhiều màu sắc mà cũng chẳng dùng hội thoại. Tông màu chủ yếu là trắng, đen, nâu cánh gián, nâu nhạt, như màu của thời gian, của sự quên lãng. Âm nhạc lúc trầm, lúc da diết đến nao lòng, khiến cảm xúc của người xem như ùa về, rồi lại rơi xuống, thành từng giọt, từng giọt lách tách.

Cảnh vẽ không quá trau chuốt như để nhấn mạnh nét tĩnh trong chuyển động. Mọi diễn biến không chậm cũng không nhanh, mà cứ đều đều và nhịp nhàng như bánh xe đạp quay. Nghe đâu đây tiếng cọc cạch của sự cũ kĩ, vang lên đều đặn, tròn trịa và thơ mộng...

(St)

3 comments:

Một học giả Hy Lạp đã từng gọi Danube là "Dòng sông vĩ đại nhất thế giới" trong khi Napoleon đặt cho Danube "Biệt hiệu" "Vua của các dòng sông".

Một dòng sông đã mang đến cho nhân loại một Blue Danube, một Danube waves và (có lẽ) cả Father And Daughter nữa hẳn xứng đáng với cái biệt hiệu ấy lắm chứ !

Em ấn tượng và yêu thích tất cả các chi tiết trong phim: gần gũi, giản dị nhưng vô cùng tinh tế, lắng đọng sâu sắc...

Bộ phim giống như một món quà kỳ diệu, có thể xem đi, xem lại, nghe đi, nghe lại và cứ thế thấy lòng mình thư thái :).

Cuộc đời giống như một dòng sông, cứ trôi mãi, trôi mãi, bất tận, bất tận, nhiều lúc đến mệt nhoài... Và còn gì bằng khi có những con sóng, những yêu thương giúp lòng ta lắng lại... để mỉm cười...

Cha và con gái – Tại sao lại là cha, chứ không phải là mẹ? Tại sao là con gái chứ không phải là con trai? Nếu tác giả hoán đổi vị trí nhân vật, chắc chắn đoạn phim sẽ giảm đi ý nghĩa, mặc dù tất cả đều là thành viên trong gia đình.

Trong gia đình – cha là người đàn ông mạnh mẽ nhất, là trụ cột, là chỗ dựa cho cả nhà. Còn con gái thì ngược lại: tình cảm, yếu đuối, cần được che chở nhất. Do vậy, tình cảm giữa cha và con gái cũng thật đặc biệt. Nhiều khi hình tượng người cha ảnh hưởng tới con gái suốt cuộc đời, kể cả việc khi lớn lên, con chọn chồng cũng theo hình mẫu của cha.

Hình ảnh cha không thể mất được. Nó đã ăn sâu vào tuổi thơ của con gái. Cho dù sau này có trở thành người phụ nữ như thế nào, họ vẫn khắc khoải nhớ về cha, và coi mình như là con gái bé bỏng của cha vậy.