30 tháng 9, 2013

NHỊP SỐNG IRS: IRS tuyển dụng Kế toán tổng hợp



Bạn có tài năng và sức trẻ? Bạn là người năng động, đam mê trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán? Bạn mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, thân thiện để phát huy hết khả năng của mình?

Hãy để IRS thắp sáng tài năng của bạn!

“Tại IRS, chúng tôi luôn được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực của mình. Văn hoá công ty và tài năng của từng thành viên được IRS trân trọng. IRS coi con người là tài sản lớn nhất và bởi vậy, chúng tôi luôn có cơ hội để phát triển tốt nhất …”.

Hiện IRS đang tìm kiếm những ứng viên năng động, am hiểu và có đam mê trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, chấp nhận thử thách và áp lực trong công việc để đồng hành cùng sự phát triển của Công ty.

VỊ TRÍ TUYỂN DỤNG
Kế toán tổng hợp 

MÔ TẢ CÔNG VIỆC
- Chịu trách nhiệm theo dõi quản lý, luân chuyển luồng tiền công ty, Nhà đầu tư đảm bảo chính xác, hiệu quả.
- Kiểm tra tổng quát các phát sinh giao dịch của Nhà đầu tư, đối chiếu hàng ngày với Phòng Giao dịch
- Quản lý chung các phát sinh, hạch toán số liệu của Kế toán.
- Lập các báo cáo tổng hợp cuối tháng định kỳ theo yêu cầu của TGĐ và các cơ quan chức năng.

YÊU CẦU CHUNG
-Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kế toán, ưu tiên các trường ĐHKTQD, Học viện tài chính.
-Có kinh nghiệm kế toán tổng hợp 2 năm trở lên.
-Ưu tiên có kinh nghiệm tương đương ở Công ty Chứng khoán.
-Khả năng phối hợp làm việc nhóm tốt.
-Chịu được áp lực công việc cao. 
-Năng động, giao tiếp tốt, ngoại hình ưa nhìn.

CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ
- Mức lương: Theo thỏa thuận
- Được đào tạo kiến thức về chứng khoán, tài chính
- Cơ hội đào tạo, rèn luyện, thăng tiến trong công việc.
- Được đảm bảo đầy đủ các chế độ theo Luật lao động
- Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thân thiện.

HỒ SƠ DỰ TUYỂN BAO GỒM
2. Đơn xin việc 
3. Bản sao Bằng đại học, Bảng điểm và các văn bằng, chứng chỉ liên quan
4. Bản sao Chứng minh thư nhân dân
5. 02 ảnh 4x6cm

Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 27/9/2013 đến 27/10/2013, ưu tiên hồ sơ nộp sớm.
Nộp hồ sơ tại: Quầy Lễ tân - Công ty Chứng khoán Quốc Tế Hoàng Gia (IRS)
Phòng 404, Tầng 4, 30 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Để tìm hiểu thêm về công ty, có thể tham khảo: 
Website: www.irs.com.vn
Hoặc Blog của công ty: http://Blog.irs.vn/

27 tháng 9, 2013

KỸ NĂNG SỐNG: Phòng và chữa bệnh đau mắt đỏ đúng cách

Khi bị đau mắt đỏ, bạn phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mắt bằng nước muối sinh lý và không dùng chung thuốc nhỏ mắt hay đồ đạc với người khác, không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...

Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
daumat-7140-1380250722.jpg
Khi bị đau mắt đỏ, không nên đắp các loại lá để tránh biến chứng. Ảnh: Nam Phương.
Triệu chứng đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt.
Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.
Đường lây bệnh
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus.
- Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối.
- Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.
- Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
- Bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay…, những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh.
Cách phòng bệnh
Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Cụ thể như sau:
Khi không có dịch:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thêm biện pháp sau:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Xử trí khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ:
Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
- Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
- Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.
- Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).
- Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.
- Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
- Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...
- Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Bác sĩ Lê Xuân Thủy
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

NHỊP SỐNG IRS: Thông báo bán đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị sở hữu và được ủy quyền chào bán tại Công ty Cổ phần Xi măng Đô Lương

Căn cứ Đơn đăng ký bán đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị sở hữu và được ủy quyền chào bán tại Công ty Cổ phần Xi măng Đô Lương, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trân trọng thông báo như sau:
 1. Tên doanh nghiệp : CÔNG TY CỔ PHẦN XI MĂNG ĐÔ LƯƠNG
Địa chỉ : Xã Bài Sơn, Huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An
Điện thoại : (038) 3 696 300 Fax: (038) 3 696 400
2. Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất, mua bán xi măng; Khai thác, mua bán nguyên, nhiên, vật liệu và các phụ gia phục vụ xi măng; Xây dựng và lắp đặt các công trình phục vụ xi măng; Mua bán vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất xi măng; Vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy.
3. Vốn điều lệ : 450.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Bốn trăm năm mươi tỷ đồng)
4. Điều kiện tham dự đấu giá: Theo Quy chế bán đấu giá cổ phần của TCT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NHÀ VÀ ĐÔ THỊ SỞ HỮU VÀ ĐƯỢC ỦY QUYỀN CHÀO BÁN TẠI CÔNG TY CP XI MĂNG ĐÔ LƯƠNG do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành.
5. Tổ chức tư vấn : CÔNG TY TNHH CHỨNG KHOÁN ACB
6. Cổ phiếu chào bán:
- Tổng số cổ phần bán đấu giá : 7.445.227 cổ phần
- Loại cổ phần chào bán : Cổ phần phổ thông
- Mệnh giá : 10.000 VND
- Giá khởi điểm : 10.000 VND
- Số lượng cổ phần mua tối thiểu : 100 cổ phần
7. Địa điểm làm thủ tục đăng ký và nộp tiền đặt cọc: tại các đại lý đấu giá của HNX
( Vui lòng xem thông báo tại website: www.acbs.com.vn; www.hnx.vn hoặc www.hud.com.vn )
8. Thời gian phát đơn, đăng ký và nộp tiền cọc: từ ngày 25/09/2013.đến ngày 14/10/2013
( Sáng từ 8h30 -11h00, chiều từ 13h30 – 15h30 các ngày làm việc )
9. Thời gian nộp Phiếu tham dự đấu giá: Chậm nhất 16h00 ngày 17/10/2013
10. Thời gian và địa điểm tổ chức đấu giá
- Thời gian : 8h30 ngày 21 tháng 10 năm 2013
- Địa điểm : Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội


Tài liệu đính kèm:
Bản Công bố thông tin
Quy chế đấu giá
Đơn đăng ký tham gia của nhà đầu tư trong nước
Đơn đăng ký tham gia của nhà đầu tư nước ngoài
Đơn đề nghị hủy
Mẫu giấy ủy quyền

26 tháng 9, 2013

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Đến với bài thơ hay "Khi nào thấy..."




Khi nào thấy trên đường dài mệt mỏi
Cần nghỉ nghơi đôi chút cạnh dòng sông
Em hãy đến tìm tôi nơi bến đợi
Tán đa tôi bóng mát vốn quen dừng.

Khi nào thấy đời buồn gặm nhấm
Cần một lời tiếp sức để đi xa
Em hãy đến tìm tôi nơi bãi vắng
Biển tôi chờ con sóng mãi ngân nga.

Khi nào đó lòng mang thương tích
Những vết thương vô ý tự gây nên
Em hãy đến tìm tôi, chiều tĩnh mịch
Tôi xin làm con suối tắm cho em

Nếu cần nữa tôi là hồ trên núi
Trong hoang vu, im lặng ngắm mây trời
Em hãy đến, chim thiên nga cánh mỏi
Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi.

Tác giả: Xuân Hoàng

25 tháng 9, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: VÌ CÓ MỘT NGƯỜI CHA ĐÃ HỨA


Năm 1989, một trận động đất 8,2 độ Richter gần như san bằng Armenia, làm hơn 30.000 người chết trong vòng 4 phút.

Trong cơn hỗn loạn, có một người đàn ông dặn vợ mình ở nhà cho an toàn, rồi chạy ào đến trường, nơi con trai của ông đang học.

Ở đó, ông nhìn thấy một đống đổ nát - ngôi trường đã sập hoàn toàn. Ngay lúc đó, người đàn ông nhớ đến lời hứa ông luôn nói với con mình: "Dù thế nào, bố cũng luôn bảo vệ con!". Và ông bật khóc khi nhìn đống gạch vụn đã từng là trường học.

Rồi ông bắt đầu cố định hướng xem lớp của con mình nằm ở vị trí nào. Góc bên phải phía sau của trường học! Ông lao đến và bắt đầu bới đống gạch đá.

Nhiều vị phụ huynh nhìn thấy người đàn ông làm như vậy, họ vừa khóc vừa kéo ông ra, kêu lên: "Quá muộn rồi!", "Anh không làm được gì đâu!", "Về nhà đi!", hoặc "Chúng ta phải chờ cứu hộ đến thôi!"...

Nhưng để đáp lại những lời đó, người đàn ông chỉ nói đúng một câu: "Giúp tôi một tay!" Và ông vẫn tiếp tục bới đống gạch, cẩn thận quẳng từng viên gạch, từng mảng tường ra ngoài.

Đội cứu hộ đến và họ cũng cố lôi ông ra khỏi đống đổ nát.
- Chúng tôi sẽ lo việc này! Ông về nhà đi!
Nhưng người cha vẫn dọn dẹp từng viên gạch, và chỉ đáp:
- Giúp tôi một tay đi!

Cảnh sát cũng có mặt. Họ cũng khuyên can người đàn ông:
- Anh đang trong trạng thái không ổn định. Anh có thể gây nguy hiểm cho mình và cho người khác, đề nghị anh về nhà!
Nhưng họ cũng chỉ được nghe một câu đáp: - Giúp tôi một tay!

Một người, rồi nhiều người bắt đầu vào "giúp một tay". Họ đào bới đống gạch suốt 8 tiếng... 12 tiếng... 24 tiếng... 36 tiếng... Và đến tiếng thứ 38, khi kéo một tảng bê-tông ra, dường như họ nghe thấy tiếng trẻ con.

- Armand? - Người đàn ông gọi to, giọng nghẹn lại.

Và ông nghe tiếng trả lời:
- Bố phải không? Con ở đây này! Con đang bảo các bạn đừng lo, vì bố sẽ đến cứu con, và cứu cả các bạn nữa! Bố đã hứa bố sẽ luôn bảo vệ con mà...

14 học sinh trong số 33 em ở lớp của Armand được cứu sống hôm đó, vì khi ngôi trường sập xuống, một tảng bê-tông to đã chèn vào tạo thành cái "hang" nhỏ và các em bị kẹt. Armand đã bảo các bạn đừng khóc, bởi vì "bố tớ sẽ đến cứu chúng ta".

Các em nhỏ hoảng sợ, đói và khát, nhưng đã được cứu sống, bởi vì có một người cha đã hứa.

(St)

24 tháng 9, 2013

Kỹ năng sống: Lời nói có thể không phải là tất cả…

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của giao tiếp bằng lời nhưng những buổi diễn thuyết, bữa tiệc hay chỉ đơn thuần là các buổi nói chuyện sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu như không có giao tiếp bằng cử chỉ.

Không phải lúc nào con người ta cũng có thể dùng lời nói để diễn đạt suy nghĩ của mình. Một chàng trai đã từng viết "chỉ cần nắm tay, hai mắt gặp nhau và một nụ hôn nhẹ là đã có ý nghĩa với anh hơn cả ngàn lời nói". 


Chỉ cần tinh tế một chút trong giao tiếp chúng ta sẽ nhận ra ngay chúng ta không chỉ giao tiếp bằng lời nói mà bằng cả ngôn ngữ của cơ thể. Martin Luther đã từng nói "đừng nghe những gì anh ta nói mà hãy nghe những gì bàn tay anh ta nói". 

Phải đến thế kỉ 20 giao tiếp phi ngôn ngữ mới được quan tâm một cách thực sự. Giao tiếp phi ngôn ngữ là giao tiếp thông qua các cử chỉ hành động của cơ thể như nét mặt, cách nhìn, điệu bộ,và khoảng cách giao tiếp. Có rất nhiều học thuyết nghiên cứu về loại hình giao tiếp này nhưng nổi bật nhất vẫn là học thuyết tâm lí tinh thần và học thuyết hành vi cư xử. 

Trong học thuyết tâm lí tinh thần các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người dù ở bất cứ một nền văn hoá nào cũng đều có sáu trạng thái tâm lí (hạnh phúc, buồn khổ, giận dữ, sợ hãi, ghét, ngạc nhiên) và tất cả các trạng thái tâm lí đó đều do sự chi phối của não tạo ra những thay đổi trên mặt nhưng theo hai dạng là tự nhiên và xã giao có mục đích. Trong một thử nghiệm về ảnh hưởng của não đến các nét mặt của con người, thực nghiệm đã cho thấy khi các cơ mặt bị tê liệt người ta không thể cười có mục đích (như để tạo sự thân mật) nhưng vẫn có thể cười một cách tự nhiên khi có điều làm họ bất ngờ. Và ngược lại cũng có trường hợp một người có thể cười một cách xã giao nhưng lại không thể cười một cách thoải mái được. Tuy nhiên, học thuyết này lại nêu ra nhiều điều tranh cãi. Trên đây chỉ là những từ ngữ được qui ước để chỉ các trạng thái tâm lí, bản thân các trạng thái tâm lí này lại không được định nghĩa một cách rõ ràng, chính thức thông qua bất cứ loại hình sách vở nào. 

Còn đối với học thuyết hành vi cư xử, các nhà khoa học lại cho thấy không có mối xúc cảm cơ bản cũng như không có các biểu hiện cơ bản mà đơn giản chỉ là những hành vi cư xử mang mục đích xã hội. Nét mặt chính là biểu hiện của những việc chúng ta muốn làm hay có ý định làm. Có thể lấy ví dụ trạng thái tức giận (như học thuyết tâm lí tinh thần đã nêu) chính là sự mô tả về hành vi sẵn sàng để tấn công đối thủ. Nhưng nói một cách khác, không phải lúc nào cử chỉ của con người cũng mang thông điệp hay chủ đích như vậy. Giả sử như chúng ta đang rất chăm chú đến chương trình biểu diễn nhưng bất chợt chúng ta ngáp, điều này lại khiến cho ban tổ chức nghĩ rằng chúng ta cảm thấy chán, buồn ngủ với nội dung chương trình. 

Giao tiếp phi ngôn ngữ mang trong mình rất nhiều thông điệp về các mối quan hệ con người. Một đứa trẻ chỉ cần nhìn cử chỉ của mẹ là đã có thể biết người đang nói chuyện với mẹ là bạn mẹ hay người lạ. Cũng như vậy trong một gia đình những nét mặt, ánh mắt của người chồng hay người vợ cũng nói lên gia đình đó có hạnh phúc hay không. Do vậy trước khi giao tiếp hay muốn tìm hiểu về những người xung quanh thì không thể bỏ qua những biểu hiện này. 

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của giao tiếp bằng lời nhưng những buổi diễn thuyết, bữa tiệc hay chỉ đơn thuần là các buổi nói chuyện sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu như không có giao tiếp bằng cử chỉ. Bạn mở đầu bài nói của mình bằng một cử chỉ hài hước thì chắc chắn không khí hội trường sẽ thay đổi và cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn. Trong một nghiên cứu mới đây, có đến 90% sự mở đầu của các bài diễn thuyết có kèm điệu bộ của cơ thể. Mỗi điệu bộ này lại có ý nghĩa rất phong phú. Riêng tư thế của đầu đã bao hàm các dấu hiệu của sự đồng thuận hay không hoặc cũng có thể thay cho các từ như rất "nhiều", "sẵn sàng", "tất cả mọi người" hay "tất cả mọi thứ". Trên thực tế, chính từ ngữ và điệu bộ đã cùng tạo nên nghĩa của câu.

Giao tiếp phi ngôn ngữ chính là một cách để những người không có khả năng nói giao tiếp với cuộc sống bên ngoài. Họ dùng tay và các hành động của cơ thể để trao đổi thông tin và tình cảm của mình. Họ không còn thấy tự ti và mở rộng lòng mình hơn với mọi người. 

Giao tiếp phi ngôn ngữ đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong cuộc sống của con người. Chúng giúp cho giao tiếp của chúng ta thêm hoàn thiện và phong phú. Nếu nắm bắt được những chi tiết của cuộc sống, sẽ chẳng có ai coi thường, phớt lờ những nét mặt, ánh mắt hay điệu bộ của người khác. Mỗi hành vi xã hội đều được dạy và được học, hãy nắm bắt nó như một kĩ năng sống. 

Cuộc sống của chúng ta là những quá trình tìm tòi và học hỏi. Không chỉ có những điều lớn lao mới nên tiếp thu mà hãy nên bắt đầu từ những điều nhỏ bé mà quan trọng. Hãy nhìn cuộc sống xung quanh một cách kĩ lưỡng hơn đi bạn sẽ nhận thấy mình biết được những gì. 



(Theo Tầm nhìn)

Không gian văn hóa: Sẽ tái hiện hình ảnh chợ nổi Cần Thơ tại Hà Nội

(HNM) - Theo tin từ BQL Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tỉnh Cần Thơ sẽ giới thiệu nhiều di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" (diễn ra từ ngày 18 đến 24-11, tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây - Hà Nội), trong đó có không gian văn hóa chợ nổi.

Chợ nổi ở Cần Thơ được du khách biết đến nhiều nhất là Phong Điền và Cái Răng. Điểm chung của các chợ nổi là người đi chợ di chuyển bằng thuyền, ghe để trao đổi, mua bán các loại nông sản, thủy sản, thưởng thức ẩm thực trên sông nước. Chợ thường họp từ sáng sớm, thưa dần về trưa và chiều. Chợ nổi gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của người dân Cần Thơ nói riêng, miền Tây Nam bộ nói chung từ nhiều năm nay.

23 tháng 9, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chia của…

Ngày xưa, ở làng nọ có một lão nông cả đời gắn bó với ruộng đồng, ông yêu quý mảnh đất của mình, trồng cây, cày cấy bấy lâu mãn nguyện. Nhưng đến đời mấy đứa con thì chán ruộng, chán vườn.
 
    Lão nông buồn lắm, nhưng cũng đành để con cái bỏ quê ra tỉnh kiếm ăn. Một ngày kia, ông bị ốm nặng, nghĩ đến ruộng đất yêu quý, rồi đây không ai cày xới thì lấy làm đau lòng. Hôm ấy, bệnh tình nặng quá, biết mình không qua khỏi, ông đành gọi hai đứa con lại mà rằng:
    - Cha nghe các cụ bảo trong đám đất nhà mình có chôn một hũ vàng. Sau khi cha mất, các con gia công chịu khó cuốc xới tìm kiếm, chắc sẽ giàu to.
    - Người cha mất rồi, anh em nhà nọ bảo nhau ra cuốc xới hết đám vườn này sang đám ruộng khác. Mỗi lần cày xới chả thấy vàng đâu, họ đành bảo nhau trồng cây trên mảnh đất đó. Năm qua tháng lại, cuốc xới đất tơi xốp, lại chăm bón tưới nước đầy đủ nên lúa tốt bời bời, ngô sai bắp, khoai sai củ. Mùa thu hoạch đến, thóc chất đầy nhà, ngô khoai nhiều vô kể, lúc ấy họ mới ngộ ra lời người quá cố…
    Những đứa con rồi cũng lấy vợ, sinh con và ra ở riêng. Con họ lớn lên và như những câu chuyện cổ tích khác, bọn trẻ nông nổi cũng chán ruộng, chán vườn. Bài học của người xưa canh cánh bên lòng, họ muốn đem ra thử lòng các con mình. Một hôm ông bác cả than mệt rồi giả giọng thều thào gọi con vào giường và nói rằng, “Cha nghe các cụ bảo…”. Nói đến từ “hũ vàng”, đã thấy cậu lớn phóng vọt ra ngoài. Trong lòng mừng thầm mưu kế thâm sâu của các cụ vẫn còn đắc sách, ông bố he hé mắt nhìn ra vườn thì thấy ông con chẳng cuốc xới gì, mà trên tay xè xè độc mỗi cái… máy dò kim loại!
    Cậu hai nghe chuyện liền biến đi đâu mất tăm mấy hôm. Về đến nhà, cậu thấy ông anh vẫn mò mẫm với cái máy dò đồng nát liền cười khẩy, rồi giơ ra cái hợp đồng kinh tế với Công ty nghiên cứu, thăm dò khai thác địa tầng Trời Ơi. Nghe quảng cáo thì công ty này đã từng tham gia thăm dò, khai thác kho báu ở núi Tàu, Bình Thuận. Sau một thời gian khảo cứu, đào xới bằng những thiết bị quan trắc rất hiện đại, kết quả là các chuyên gia đã phát hiện trong khu vườn có xuất hiện những đám dị hẹp bất thường hình khối màu vàng pha đen. Chưa rõ là hữu cơ hay vô cơ nhưng có thể khẳng định là nhân tạo. Tuy nhiên, để đi kết luận đó là hũ vàng hay… hố phân bón ruộng thì phải tiếp tục điều nghiên kỹ càng!
    Đến khi chính quyền đến lập biên bản hai ông anh về tội phá hoại đất lúa, tung tin đồn nhảm thì cậu út mới ra mặt mặc cả rằng, có mỗi mảnh vườn thừa kế, một ông thì lèn chặt như sân đất nện, một ông thì đào bới tan hoang. Có nhớ vụ kỳ án “hòn đá bị giam” ở Gia Lai thì hẵng ỉm đi chuyện đào vàng, để tôi xử lý...
    Nói rồi ông em út cóp bản kết luận thăm dò của Công ty Trời Ơi, thêm tí gia giảm biến thành thành luận chứng kinh doanh, thành lập CTCP Tư vấn đầu tư khai thác khoáng sản Bồng Lai, vốn điều lệ cực khủng, đối tác chiến lược đến xin tham gia đào vàng đông như sàn xới chứng khoán những năm lẻ sáu, lẻ bảy…  Mảnh vườn trở nên có giá như đất vàng giữa trung tâm!
    Như một lẽ tất nhiên, cổ phiếu Bồng Lai được đem ra IPO. Vào cái ngày trọng đại đó, các sàn đấu giá ngựa xe như nước. Các nhân viên CTCK nhễ nhại mồ hôi ôm hòm phiếu mà mặt mũi hể hả như… bắt được vàng. Cậu út đi Limousine ba buồng đen trũi cùng đoàn tùy tùng ghé sàn nọ mỉm cười ban phát, đến đại lý kia gật đầu độ lượng. Thật xứng với phong độ của một bậc đại gia vậy!
    Nghe đâu với lợi thế tay trong, có đến hơn 90% cổ phiếu Bồng Lai đã được các CTCK là đại lý đấu giá gom vào. Cái thời IPO trở thành “Iêu Phải Ôm” thì chuyện này thiết nghĩ cũng là chuyện bình thường. Bồng Lai được cái cũng hay công bố thông tin, toàn là sắp đào đến vỉa nọ, nghi chạm phải đống dị thường kia hoặc đã thấy mùi… khó ngửi của bụi vàng… vân vân và vân vân… Riêng có chuyện niêm yết thì luôn luôn… chưa tiết lộ thời điểm!
    Thế rồi con tạo xoay vần, OTC trở thành “Ôm Thì Chết”. Cổ phiếu ÔM Thì Chết Bồng Lai trở thành niềm đau được các CTCK chôn giấu còn kỹ hơn kho báu núi Tàu. Thôi thì muốn cho món chân gà dai nhách dễ ăn chỉ còn cách nướng lên. Nhưng nướng bằng cách nào?
    Vừa lúc thị trường rộ lên câu chuyện kền kền rỉa xác. Nghĩa là rình một công ty nào có của chìm của nổi bị coi thường, mua lấy mua để rồi xúi cho nó chết đi lấy của thừa kế. Cũng đã có vài món ngon ăn. Kiểu như cổ đông Chứng khoán Âu Việt, Sao Việt vớ bẫm vì món tiền thừa kế trước lúc công ty… ra đi, hay là “kho của” tại Cáp Sài Gòn cũng khiến cổ đông công ty này gật đầu cái rụp khi Chủ tịch đề nghị giải tán, chia tiền… Thôi thì cố sống cũng chả bằng chết ngay với cục tiền kếch xù thừa kế.
    Thế nên, vào một ngày đẹp trời, thị trường rộ lên câu chuyện rằng mũi khoan quan trắc đã tìm thấy… cửa hố chôn vàng. Chỉ có điều dãy dị hẹp bất thường này có vẻ hơi mềm và có mùi nằng nặng. Tất nhiên, những ý kiến lưu ý hay ngoại trừ thì được in với cỡ chữ li ti khó đọc. Và thế là Công ty Bồng Lai lại được thâu tóm để tiễn về nơi tiên cảnh…  Một cuộc chia của bắt đầu!    
    (ĐTCK)

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Sợ về nhà vì phải nhìn thấy vợ

Vợ cứ đi làm về đến nhà là nằm luôn, không dọn dẹp nhà cửa, quần áo nhiều khi ngâm mấy ngày không giặt. Có vài lần cãi nhau, cô ấy tự cho mình ngang bằng với chồng và không kém tôi chút nào trong từng câu nói.



Tôi và vợ xây dựng gia đình từ năm 2010 đến nay có một con và đứa thứ hai sắp ra đời. Mẹ tôi sống chung với vợ chồng tôi. Tôi làm cho vài công ty tư nhân, vợ làm cho công ty nhà nước, làm theo ca, lương hai vợ chồng đủ nuôi sống gia đình.
 
Trước đây vợ từng lập gia đình và có một con riêng, hiện tại con riêng của vợ đang ở với chồng cũ cô ấy. Tôi lập gia đình lần đầu, chấp nhận lấy dù cô ấy đã có chồng con, vợ hơn tôi 3 tuổi. Sẽ không có gì đáng bàn nếu cách sống và cách suy nghĩ giống nhau.
Trước đây khi quen nhau cô ấy đã ly dị, tôi cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh éo le của vợ, từ đó đem lòng yêu, chúng tôi rất hợp nhau. Yêu được 6 tháng cô ấy đã có bầu 3 tháng, rồi phát sinh khá nhiều khúc mắc trong chuyện tình cảm và cách sống của mỗi người, nhưng tôi bỏ qua những điều đó và bỏ qua điều tiếng của người nhà, của xã hội để tiến tới hôn nhân. Cưới xong tôi lại càng bực dọc khi biết thêm nhiều điểm của vợ, cảm giác không hài lòng.
Vợ cứ đi làm về đến nhà là nằm luôn, không dọn dẹp nhà cửa, quần áo nhiều khi ngâm mấy ngày không giặt. Có vài lần cãi nhau, cô ấy tự cho mình là ngang bằng với chồng và không kém tôi chút nào trong từng câu nói. Nhiều lần tôi nghĩ đến việc ly hôn nhưng lại thương con nhỏ quá, không muốn nó khổ khi bố mẹ ly dị.
Tôi nghe lời khuyên của mẹ, không nên nóng tính, kiềm chế bản thân, nhưng càng kiếm chế tôi càng không muốn sống chung với vợ nữa. Sau khi sinh đứa con đầu, vợ nghỉ ở nhà 6 tháng nhưng gần như trong 6 tháng ấy và các tháng sau đó tôi là người thức đêm chăm con, pha sữa, tắm rửa vệ sinh cho con phần lớn là việc của tôi. Vợ ngoài việc cơm nước cho gia đình và lâu lâu dọn dẹp nhà thì việc của cô ấy là ngủ. Mọi việc như vậy khiến tôi rất căng thẳng.
Tôi luôn bực dọc mỗi khi về đến nhà, không muốn nhìn mặt vợ. Theo cách hiểu của mọi người thì vợ tôi có gọi là “đoảng” quá không? Việc chăm con cái cô ấy gần như ít lo và ỷ lại cho tôi hết. Từ việc chăm sóc đến tiền mua bỉm, mua sữa rồi những lần đi khám, tiền thuốc men vợ đều nhường lại cho tôi. Có lần khi không mang đủ tiền viện phí tôi vay 500 nghìn của cô ấy để thanh toán tiền đi viện cho con, sau đó vợ cũng phải đòi lại. Mọi việc chi tiêu trong gia đình là của tôi, cô ấy có nghĩa vụ chi tiền ăn, cơm nước trong nhà.
Tôi không rành lắm trong các chuyện chi tiêu nhưng thấy buồn khi không có điểm chung gì với vợ, tiền ai người ấy chi. Rồi một ngày đầu năm tôi biết tin vợ có thai đứa thứ 2, nghĩ thôi bỏ qua mọi việc cố sống tiếp vậy, nhưng rồi đâu lại vào đó, mọi chuyện vẫn như cũ. Tôi chẳng muốn về nhà, lại đi chơi thể thao đến 21-22h tối mới về tắm rửa ăn uống rồi đi ngủ. Sáng dậy tôi đưa con đi học, cho nó ăn sáng rồi mới đi làm, có khi nhờ mẹ đưa cháu đi học hộ.
Tôi không muốn sống chung với vợ nữa nhưng muốn ly dị bây giờ thì phải đợi con thứ 2 của tôi ra đời và được một tuổi mới được. Từ nay đến đó mỗi lần về nhà tôi cảm tưởng chui vào nơi đầy ức chế và bực dọc. Tôi rất cần một lời khuyên của mọi người. Xin cảm ơn.
(St)

19 tháng 9, 2013

NHỊP SỐNG IRS: NỖI NIỀM THỜI BAO CẤP

“Nửa đêm, đang say ngủ, tôi bỗng nghe thấy tiếng chị dâu khóc thút thít. Khóc thảm thiết lắm. Sáng ra, tôi hỏi mẹ xem có chuyện gì thì mẹ bảo: Khổ lắm! Con lợn nó bỏ ăn. Ngày ấy, lợn ốm còn lo hơn cả người ốm. Người ốm thì dửng dưng, chứ lợn ốm thì cả nhà nháo nhác lo tìm bác sĩ thú y, cảnh nhà buồn thảm như có đám” – Anh Đinh Tiến Cường, NĐT thân thiết tại Sàn IRS xúc động kể lại một kỷ niệm khó quên của gia đình trong chương trình “Nỗi niềm thời bao cấp” do IRS tổ chức ngày 13/9/2013 tại Sàn Giao dịch Công ty.

Nghe anh kể, nhiều người trong chúng tôi (thuộc thế hệ 8x, 9x) cứ mắt tròn, mắt dẹt. Người thì bảo anh “chém gió”, kẻ thì cứ ôm bụng cười nắc nẻ. Nhưng đó mới chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong toàn cảnh “bức tranh bao cấp sạm màu" hôm ấy. Nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt đã được các “chứng nhân” tái hiện lại một cách sinh động, giúp chúng tôi  - những người may mắn sinh ra sau giai đoạn khó khăn ấy, có thể hiểu hơn về một thời kỳ thăng trầm trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Những ký ức không phai màu
Dù đã bước qua độ tuổi thất thập, nhưng Bác Bùi Văn Đính vẫn còn nhớ rất rõ cái thời “Tóp mỡ là đặc sản”. Bác kể, hồi ấy mỗi gia đình chỉ được khoảng 2 đến 3 lạng thịt một tháng. Nếu được thịt mỡ thì thích lắm vì có thể “dây” ra để ăn cả tháng. Giọng nói của bác có chút xót xa lẫn hài hước: "Bây giờ các bạn chắc sợ thịt mỡ lắm, thậm chí còn vứt bỏ đi. Nhưng với chúng tôi hồi ấy, có được cái bỏ đi của các bạn bây giờ thì  sung sướng lắm!”.

Bồi hồi nhớ lại cảnh xếp hàng mua nhu yếu phẩm thời bao cấp, cô Hoàng Băng Thanh hào hứng kể: “Tôi không thể quên được cảnh xếp hàng nhếch nhác ở Bách hóa Tràng Tiền. Mọi người đứng dài dằng dặc, rồng rắn từ đầu hàng đến cuối hàng. Lúc ấy tôi chỉ khoảng 26 – 27 tuổi. Xếp hàng phía sau tôi là một anh thanh niên. Anh này cứ đứng sát vào tôi và có những hành động xấu. Tôi liền đổi chỗ cho một chị phía trên và bảo chị đề phòng. Chị bảo “Mày để đấy cho tao. Để tao xử lý cái thằng này”. Thế là, khi gã thanh niên kia giở trò, chị túm lấy cổ hắn và hô hoán mọi người. Hắn sợ quá phải xin lỗi rối rít. Thế đấy, đứng xếp hàng mà nảy sinh được tình cảm với nhau thì các bạn có thể hình dung được là xếp hàng lâu đến mức độ nào?!”, cô cười.

Trong không khí rộn rã của mùa Tết Trung thu, chị Phạm Thị Minh Thu cũng xúc động hồi tưởng lại thời thơ ấu đã qua của mình. Chị kể, hồi xưa bánh Trung thu được bán phân phối. Số bánh thừa bị bỏ chỏng chơ trong tủ kính ở Bách Hóa nhưng không ai được bán và cũng chẳng ai được mua. Thèm thuồng, ngày nào chị cũng lượn đi lượn lại cái cửa hàng Bách Hóa ấy mấy lần chỉ để nhìn ngắm cho đỡ thèm, rồi lại lủi thủi ra về”.

Anh Lê Trọng Nghĩa cũng góp vui bằng câu chuyện nhà tranh vách đất. Anh kể, lúc lên 5 tuổi, anh được mẹ đưa ra Hà Nội sống ở Khu Tập thể Đại học Sư phạm I. Gia đình anh sống trong một dãy nhà lợp lá cọ, vách đất. Mỗi dãy có khoảng 10 nhà và phía trên thông thương với nhau. Nhà đầu dãy nói chuyện to thì nhà cuối dãy vẫn nghe được và có thể trèo từ nhà này sang nhà khác.  Một nhà có Ông và cô cháu gái (khoảng 5 tuổi). Ông đi làm về thay quần áo, cô cháu gái nhìn thấy vô tư hét toáng lên “Hoan hô ông cởi quần, hoan hô ông cởi quần” khiến cả dãy ai nghe thấy cũng phải buồn cười và ngượng thay cho ông già. 

Đóng vai trò MC dẫn dắt chương trình, anh Nguyễn Tiến Hoàng cũng không thể kiềm lòng khi nhớ tới những biển quảng cáo thịnh hành thời xưa. Nào là “Hôm nay bán thịt trẻ em”, hay “Xay bột khô trẻ em”, “Cửa hàng tươi sống phụ nữ”, “Cửa hàng ăn uống thanh niên”… khiến khán phòng càng thêm rộn rã.

Xuôi theo dòng chảy ngược thời gian, Bác Bùi Văn Đính cười tươi nhớ lại thời trai tráng của mình: “Hồi ấy, mẹ tôi mua được một cái xe đạp. Tôi đi đâu tán gái là mặt mũi vênh váo lắm. Sau này, chiếc xe ấy mặc dù rất cũ nhưng được phân phối lại cho thằng em trai tôi. Ngày đó, những thứ như vậy được giữ gìn cẩn thận lắm và nhượng lại cho người thân của mình chứ không bán cho đồng nát như bây giờ”.

Có chút gì đó như bùi ngùi, nuối tiếc, Bác nói thêm: "Ngày xưa đói khổ, thiếu thốn là thế, nhưng tình người nồng ấm lắm. Xã hội ít có trộm cắp, cướp giật, đâm chém như bây giờ. Nhà nào có người đau ốm hay có công có việc, hàng xóm láng giềng sẽ tận tình giúp đỡ. Trong mỗi gia đình, bên cạnh những chia sẻ, yêu thương là biết bao hy sinh thầm lặng, vợ nhường chồng, cha mẹ nhường con từ miếng cơm, manh áo, quả cà...". 

Còn nhiều và rất nhiều những câu chuyện như vậy đã được các cô, chú, anh, chị chia sẻ trong buổi tọa đàm. Mọi người như một lần được sống lại một thời kỳ lịch sử lạc hậu mà vô cùng nhân văn của dân tộc. Trong nghèo đói, thiếu thốn, tình người, lòng nhân ái được thắp sáng như một biểu tượng văn hóa cao đẹp. 

Phải chăng vì thế, một số người sống qua thời bao cấp vẫn luôn có cảm giác hạnh phúc khi nhắc lại thời kỳ này, dù họ thừa hiểu những vất vả của nó?

Phải chăng, chính trong sự khó khăn ấy, người ta lại nhận ra rằng, chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương yêu, tình nghĩa xóm giềng, tinh thần đoàn kết như thế để có thể cùng nhau vượt qua tình cảnh gian khó chung của đất nước, của mỗi gia đình, mỗi con người?

Bộ sưu tập “đồ cổ” quý giá

Tham gia chương trình, ngoài việc chia sẻ những câu chuyện dung dị, cảm động, anh Đinh Tiến Cường còn mang theo rất nhiều đồ vật thời bao cấp mà anh đã cất công thu thập và giữ gìn bao năm qua. Bộ sưu tập của anh đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ với tất cả mọi người.

Thùng đựng gạo - vật dụng quan trọng của mỗi gia đình.

Bếp dầu  - một vật dụng thân thuộc thời bao cấp.

Nồi nhôm - Ngày nay đã ít dùng, nhưng ngày xưa là vật dụng không thể thiếu và không thể thay thế. 

Cà mèn - chuyên để đựng mỡ.

Chậu rửa mặt bằng đồng.

Bát chiết yêu - Ngày xưa đói khổ nên chỗ to nhất của cái bát bị chiết lại để nhìn thì to nhưng đựng thì ít. 

Radio (Anh tếu táo "Ngày xưa ai có cái đài này để đeo vào người thì không khác gì hotboy bây giờ).

Hộp đựng kim tiêm.

Tờ tiền độc của Việt Nam - Tờ 30 đồng.

Tờ tiền ngày xưa trẻ em nào cũng thích được mừng tuổi - Tờ 1 hào.

Anh Nghĩa giới thiệu về Tờ Cụ Mượt (Tờ 10 đồng) - Tờ tiền được dùng rất lâu trong thời kỳ bao cấp (khoảng 1958 - 1976). Đây là tờ tiền quý, chỉ có cấp Trưởng Phòng, Vụ trưởng mới có được. Ngày xưa, thời trang nhất, oách nhất vẫn là mặc áo trắng và có tờ 10 đồng kẹp trong túi. 

16 tháng 9, 2013

NHỊP SỐNG IRS: ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM IRS 2013


Mùa Trung thu đã đến. Khắp nơi trên những phố phường, ngõ xóm, tiếng trống tùng rinh cùng với màn múa lân rồng tưng bừng, những ánh mắt hân hoan với những đám rước đèn ông sao lung linh sắc mầu và tiệc trông trăng, phá cỗ Trung thu...



Trung thu từ lâu không chỉ là sân chơi dành riêng cho các em nhỏ mà đó là nơi mà tình yêu thương từ những người lớn được thể hiện với chúng.

Trung thu năm nay tại IRS sẽ là một không gian đặc biệt dành cho toàn thể CBNV, NĐT và các em nhỏ, nơi mà tất cả mọi người được hòa mình vào một không khí của một đêm hội trăng rằm thật sự chứ không chỉ với tư cách người xem. 

Ở đó, người lớn và các em nhỏ sẽ trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian thú vị, từ rước đèn ông sao cho đến bịt mắt bắt dê, từ các trò chơi với bóng cho đến múa lân, múa rồng… 

Không chỉ có vậy, tất cả sẽ được tự do thể hiện năng khiếu múa hát, đọc thơ, kể chuyện… của mình. 

Và những phần quà ngộ nghĩnh, đáng yêu đã sẵn sàng trao tặng.

Vậy Quý vị và các em nhỏ còn chần chờ gì nữa? Hãy tham gia ‘ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM IRS 2013’ để tận hưởng trọn vẹn những giây phút tuyệt vời này.

Chương trình được tổ chức từ 17-18h Thứ 3, 17/9 tại sàn Giao dịch IRS, 30 Nguyễn Du, Hà Nội.

IRS và CLB NĐT trân trọng kính mời Quý vị NĐT, CBNV và các em nhỏ tham dự.

BTC