4 tháng 9, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Những người lạc hậu...

Hình như một trong những niềm phấn khích nho nhỏ của mấy gã trẻ ranh nhiều tuổi là thỉnh thoảng… vợ vắng nhà vài ngày thì phải!?

 
    Cuối tuần hiu hiu gió, sắc thu nhàn nhạt càng làm cho ly bia thêm vàng, thêm sóng sánh. Thằng bạn đón tôi vồn vã, thay câu chào là một tuyên bố rất hỗn, hôm nay anh em mình ăn Tết độc lập sớm vì tao được tự do mấy hôm. Tôi hỏi, vợ đi công tác à? Hắn nói đâu, dẫn hai đứa nhóc về quê ăn lễ Quốc khánh.
    - Sao trốn được một dịp trọng đại như thế?
    - Hã hã, đấy là cơ giời. Những tưởng đã bồng bế nhau về ngoại thì bỗng nhiên Bụt hiện lên dưới lốt hai bố con ông em họ ở Sơn La đem nhau về tìm nhà nhập học. Thế là, vợ đi vắng, mình đi nhắm í a…
    Nhòm vào bếp nhà hắn. Thấy hai ông râu ria tua tủa đang chồm hỗm ngồi nhặt rau, pha thịt. Chả biết ông nào là bố, ông nào là con. Chào hỏi trống không một câu thì thấy ông râu ria tua tủa hơn dạ ran rồi chỉ ông kia đang nhiệt tình băm chặt:
    - Em cho thằng cháu về phố mua ít chữ. Gớm, Hà Nội đông đông là. Hai ông người với bốn ông vịt bị xe ôm lai dắt y như bố con ông người rừng.
    Vừa nghĩ đến bát tiết canh vịt, mình mới vừa tỏ vẻ thán phục xen lẫn cảm thương rằng, các bác ở quê vất vả mà biết đầu tư vào chữ nghĩa như thế là quý lắm. Rằng thằng cháu mới hết lớp 12 mà đã già dặn thế kia, chắc là cũng vất vả cần lao. Ông bố chép miệng bảo:
    - Cần lao thì lấy đâu mà trơn lông đỏ da. Nhưng thằng cu này thì già đời thi đi thi lại rồi bác ạ.
    Ông bác quý hóa đang khểnh chân trà vặt góp chuyện:
    - Bố con nhà này duyên nợ với bia hơi Hà Nội ông ạ. Lần thi đầu tiên, mới được một môn, đến bữa làm mấy cốc mừng công. Thức đêm mấy hôm cộng với tí men tây tây, thế là ôm nhau ngủ đến chiều tối.
    - Lần 2 tôi đã rút kinh nghiệm thi xong mới liên hoan. Cuối bữa say say nhỡ mồm bảo, bia ngon thế này sang năm bố lại xuống. Thế mà phải đưa nó đi thi lần 3 thật các bác ạ. Lần này thì đỗ cũng cạch bia hơi - ông râu tua tủa chép miệng.  
    Nhưng rồi chả cạch được. Món nhắm quê kiểng dễ vào, cả bọn lại chung gốc nông dân nên chả khách sáo gì. Gã bạn được cái nhiệt tình. Mỗi lần chạy ra đầu ngõ xách can bia mới, hắn lại nhắc, cứ uống tẹt ga, hôm nay nhà này tao là chủ, say thì cứ ở lại mai về.
    Ông bố cử nhân tương lai triết lý: thiên hạ cứ bảo tửu bất khả ép, chứ bọn em ở quê lạc hậu, thấy mâm rượu mà tòi ra một ông không uống thì khổ cả thằng uống lẫn thằng không. Thằng uống vì sợ quá chén nói gì sai thằng tỉnh nó nghe, thằng tỉnh thì cứ ngơ ngơ, nói cười nhạt nhạt, tội tội như kẻ lạc loài.
    - Quá đúng, hồi trước tôi nghi gút phải kiêng. Đôi khi điên lên, cầm vại bia hùng hùng hổ hổ, nói uống phát chết thì thôi. Chứ mấy đứa ngồi quanh, chúng nó cười đâu đâu cũng nghĩ là cười đểu mình.
    - Bác bị gút là bệnh nhà giàu rồi. Bác không nghe người ta khuyên là giàu hay nghèo mỗi ngày ít nhất phải toát mồ hôi một lần à? Bọn em toát để được ăn, các bác toát để ăn được.
    - Quá hay, thế lâu nay… tiên sinh toát mồ hôi trồng cây gì, nuôi con gì?
    - À, em trồng mía bán cho nhà máy đường. Ơn giời, các bác ấy bán chịu đầu vào, mua gom đầu ra nên cũng đỡ vất.
    - Nhất các bác. Hôm trước chuyện với ông giám đốc nhà máy ấy, thấy bảo làm ăn tốt lắm. Các bác lại còn sắp được làm chủ nhà máy rồi còn gì.
    - Em chả thích làm chủ, ông nào giỏi cho ông ấy làm, chứ nhiều chủ rồi thì lắm thầy nhiều ma. Mà có muốn cũng chẳng được.
    - Được chứ, nghe đâu các bác sắp được mua cổ phiếu để thêm phần gắn bó đấy.
    - Mua phiếu gì hả bác? Chỉ thấy bán mía thì họ bảo ký vào phiếu chi, mua chịu phân đạm, thuốc sâu, giống má… thì ký vào phiếu thu thôi chứ?
    Thằng bạn nốc hết cốc bia cười hã hã:
    - Ý tưởng đột phá. Nông dân trở thành NĐT chứng khoán. Rồi lại vừa cuốc đất vừa kháo nhau, bác ơi, ối a, cổ nay lên xuống thế nào…
    - Ông cứ dè bỉu. Ý tưởng nhân văn ra phết đấy chứ.
    - Thì tôi có bảo không đâu, nhưng nhân văn quá lại thành duy tình, trong khi thị trường nó cần duy lý. Anh là nông dân thì anh làm tốt cái việc trồng cây gì, nuôi con gì là được. Còn đèo bòng chứng cổ làm gì cho nặng đầu. Các cụ chả bảo, xay thóc thì đừng bế em.
    - Cũng phải. Nhớ cái dạo người người bám sàn, mấy ông giám đốc DN niêm yết phải ra văn bản chấn chỉnh việc cúp cua giờ làm.
    - Cũng như cái anh cờ bạc gà ấy. Được ham nhặt, xuống lại ham gỡ, chả làm ăn gì.   
    - Thì thị trường nào chả có ông gà, ông sói. Thế nên cái dự thảo văn bản xử phạt trên TTCK mới có điều khoản giảm nhẹ cho tội vi phạm do lạc hậu, do ở vùng nông thôn, xa xôi, hẻo lánh... Bố con nhà bác trồng mía yên tâm trở thành NĐT chưa? 
    - Nghe cũng… nhân văn phết nhỉ. Nhưng rồi đây ông nào vi phạm cũng bảo em lạc hậu lắm, em chả biết gì thì sao?
    Ông bố sĩ tử lẳng lặng hóng chuyện, giờ mới xen vào:
    - Nãy giờ em nghe thủng rồi. Các bác đừng có gài em mua chứng, có tiền em sẽ chia làm ba phần. Một em để đầu tư cho tương lai con em chúng ta. Nghĩa là cho cái thằng đang ngồi mút củ sả kia đi học. Phần nữa em mua vàng phòng thân. Còn lại em mua đồ nhắm, mua rượu… vỗ béo bu nó. Em là em thích phụ nữ đẫy đà. Mùa đông thì họ làm ta ấm áp, đến hè họ lại cho ta bóng mát các bác ạ.
    - Ông này chỉ được cái nói xấu vợ sau lưng. May mà là người lạc hậu, không thì phạt thêm mấy cốc bây giờ!     
    (ĐTCK)

0 comments: