12 tháng 9, 2013

GÓC LÃNG ĐÃNG: KÝ ỨC MỘT THỜI


“Hôm ấy, mẹ tôi dậy rất sớm để đi xếp hàng mua thực phẩm. Trời mùa hè, nắng và oi bức, mãi gần 12 giờ trưa bố con tôi vẫn chưa thấy mẹ về. Cả nhà sốt ruột vì đã đến giờ cơm trưa, nhà có khách mà thức ăn chưa thấy đâu. Rồi mẹ cũng về, run rẩy dắt xe đạp vào nhà với cái làn không. Tôi không bao giờ quên khuôn mặt mẹ lúc ấy: nước mắt còn đọng trên mi, mặt trắng bệch và thất thần. Mẹ chỉ nói được câu: ‘Mất hết rồi…’ rồi òa lên nức nở. Thì ra, mẹ đã bị kẻ gian móc túi lấy sạch tem phiếu khi xếp hàng mua thịt. Vậy là, cả nhà phải nhịn ăn cả tháng. Mẹ tiếc của quá không thể đi nổi xe đạp về nhà, cứ dắt xe, vừa đi vừa khóc...”.



Vâng, đó là những ký ức sâu đậm về một ‘thời bao cấp’ không thể nào quên! Thời của nhu yếu phẩm được phân phối qua tem phiếu cùng với xếp hàng rồng rắn tại cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Thời của những nghèo đói và túng thiếu quẩn quanh.

Hồi đó, mọi thứ gạo củi, mắm muối đều được phân phối theo công tác, chức danh. Trên mỗi bìa sổ gạo hay tem phiếu mua thực phẩm, chất đốt đều có ghi loại và tiêu chuẩn khác nhau. Nhưng khổ nỗi, hàng hóa khan hiếm, không phải thích mua lúc nào cũng được. Có sổ, có tem đấy nhưng cũng phải xếp hàng đợi mậu dịch viên phân phát cho. 

Người thì đông, các cửa hàng mậu dịch lại ít. Bởi vậy mà trước cửa hàng, lúc nào người mua cũng xếp hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc như chơi trò rồng rắn. Có những người nhà lỡ hết gạo hoặc có giỗ chạp, muốn mua được sớm phải đến đứng từ 3-4h sáng, thậm chí lúc nửa đêm. Khi trời còn tối thui, đã thấy những bóng người xếp hàng đứng, ngồi vật vờ trước cửa hàng mậu dịch như những bóng ma.

Rồi thì xếp hàng không phải bằng người mà bằng nón lá, dép quai su và đặt gạch. 

Xếp hàng sau, đến lượt có khi gặp biển ‘hết hàng’, cô nhân viên mậu dịch dõng dạc tuyên bố rồi đóng sập cửa xuống. Tất cả đành lủi thủi quay lưng ra về trong sự mệt mỏi rã rời. Và ngày mai, họ lại ra xếp hàng...

Nhà nào có người làm mậu dịch viên thì cả họ được nhờ, hàng xóm thân tình cũng được lộc lây. Mua thịt không ôi, cá không ươn, gạo không mốc và quan trọng nhất là không phải xếp hàng.

Câu “có tiền mua tiên cũng được” ít nhất là không thể đúng ở thời bao cấp. Thời bao cấp, sổ gạo mới là thứ quan trọng nhất. Nếu lỡ “bảo bối” này thất lạc thì cả gia đình chỉ còn nước nhịn đói. Mà nhịn đói không phải một ngày hay một tháng mà có khi đến dăm ba tháng. Bởi hành trình xin cấp lại cuốn sổ này khổ sở vô cùng. Suốt những ngày còn lại cứ thế mà chạy vạy, vay mượn bạn bè, làng xóm cố sống cho qua. Bởi vậy, thời đó mới có câu “mặt buồn như mất sổ gạo”.

Cũng bởi cuộc sống thiếu thốn nên ước mơ thời đó cũng giản dị và thiết thực hơn bao giờ hết. Mong sao xếp hàng mua gạo không phải gạo mốc, được ăn bữa cơm không độn bo bo, khoai sắn, được tắm xà phòng thơm. Xịn hơn là được đi xe đạp Trung Quốc, trong nhà có cái quạt tai voi thay cho quạt con cóc để chống nóng mùa hè hay có chiếc ti vi đen trắng để cả khu tập thể xem cùng.

Người ta vẫn truyền nhau câu hát một thời “Một yêu anh có may ô, hai yêu anh có cá khô ăn dần, ba yêu rửa mặt bằng khăn, bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa”. 

Những mơ ước của người Hà Nội thời bao cấp sao mà giản dị.

Thời đó, các gia đình Hà Nội phải dùng nước công cộng, nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí, nhiều nhà trong phố cổ, ở ngõ sâu còn dùng chung bếp và cầu thang. 

Bởi thế, chuyện 1 dãy phố chỉ có 1 - 2 vòi nước công cộng là chuyện không có gì xa lạ. Nhiều gia đình phải thay phiên nhau xếp hàng nhằm hứng từng xô nước, xách về dự trữ để sử dụng trong việc nấu nướng, tắm giặt. Họ cũng thường rủ nhau mang quần áo ra vòi nước công cộng để vừa giặt giũ, vừa chuyện trò, tâm sự.

Những đám hỏi, đám cưới thời bao cấp vô cùng giản dị nhưng tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng cười đùa vui của hai họ cùng lời chúc phúc của làng xóm đủ khiến vang rộn một góc đường. Cô dâu, chú rể sẽ cùng chở nhau về "tổ ấm" với chiếc xe đạp. Những đám rước dâu bằng xe đạp là một trong những dấu ấn không thể mờ phai của thời bao cấp.

Vật lộn với cuộc sống khó khăn, con người thời đó càng thêm sáng tạo. Nhà nhà, người người đều tăng gia sản xuất bằng cách nuôi lợn, nuôi gà, may vá, nấu rượu. Có những nghề rất thịnh hành thời bao cấp như may lộn quần áo, hàn dép, sửa xe đạp, bơm mực bút bi… nay thực sự đã trở thành ký ức xưa.

Thế nhưng, để bước tiếp trong cuộc sống khốn khó đấy là những sự hy sinh thầm lặng. Vợ nhường chồng, cha mẹ nhường con từ miếng cơm, manh áo, quả cà...

Thiếu thốn là vậy mà ngày Tết cũng như ngày thường, cuộc sống thời đó vẫn thật đầm ấm và luôn tràn ngập tiếng cười.

Tại sao một số người sống qua thời bao cấp vẫn có cảm giác hạnh phúc khi nhắc lại thời kỳ này, dù họ thừa hiểu những vất vả của nó?

Phải chăng, chính trong sự khó khăn ấy, người ta lại nhận ra rằng chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương yêu, tình nghĩa xóm giềng, tinh thần đoàn kết như thế để có thể cùng nhau vượt qua tình cảnh gian khó chung của đất nước, của mỗi gia đình, mỗi con người?


NTH (Nguồn: tổng hợp)

0 comments: