3 tháng 9, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Chuyện đời bất hạnh của tôi (Kỳ cuối)


Tóc tôi bắt đầu mọc ra và đen trở lại. Da thịt tôi đã bắt đầu lại hồng hào lên. Tôi đã khỏe và  dậy đi lại được. Cả nhà chồng tôi mừng lắm. Vậy là sau 3 tháng về làm dâu, có ai có thể thấu hiểu nổi sự tình của tôi là cô dâu vẫn còn trinh tiết. Từ ngày tôi ốm nặng, nhà chồng tôi cũng đóng kín cửa nên chẳng mấy ai biết rõ sự tình.



Tôi khỏi ốm trở lại, K. lại chính là người bảo với bố mẹ cho anh thay thế anh trai làm chồng tôi. K. quỳ lạy khóc lóc với bố mẹ anh ấy rằng đã gây nên tội lỗi với tôi, bây giờ anh ấy và bố mẹ không nên gây thêm tội lỗi cho tôi nữa. Tôi phải được lấy người tôi yêu làm chồng. Gia đình họ không thể tiếp tục màn kịch đánh tráo chú rể để buộc đời một cô gái hiền lành xinh đẹp vô tội là tôi vào cái bẫy hôn nhân độc ác này.

Tôi ngồi chết lặng lắng nghe tất cả những bão tố trong gia đình mới của mình, lòng lạnh ngắt hoang vắng trước những lời K. nói và van vỉ. Mọi chuyện rối tinh rối mù lên. Bố mẹ chồng tôi sau trận ốm của tôi thì rất lo sợ nên khi K. đề nghị được là chồng của tôi thì vội vã đồng ý ngay. Cho dù miệng lưỡi thế gian, người đời sẽ đối diện với chuyện hôn nhân của hai anh em họ ra sao thì bố mẹ chồng tôi cũng liều mình mặc kệ.

Nhưng nào ai lường trước được mọi chuyện. Sau những lũy tre xanh như thế này, sóng ngầm của những thị phi đậm đặc hủ tục, lạc hậu ở những vùng nông thôn không biết sẽ còn dai dẳng đến mấy mươi đời. Rồi con cái lớn lên, chúng sẽ mang những câu chuyện rỉ tai nhau truyền đời truyền kiếp ở trong làng rằng mẹ nó ngày xưa cưới anh nhưng rồi lại lấy em, rằng gia đình nhà nó mạt vận hay sao mà hai anh em lại lấy một vợ v.v. Tôi nghĩ đến tất cả những điều đó mà thấy rùng mình sợ hãi. Bằng mọi giá tôi phải thoát ra tất cả. Phải thoát ra tất cả thôi.

Tôi xin phép bố mẹ chồng tôi ra đi khỏi những sắp đặt cay đắng này. Tôi nói trong nước mắt: “Xin bố mẹ hãy cho con được tự quyết định cuộc đời con, cho dù con không biết phải làm lại ra sao như thế nào khi con đã bước chân về nhà đây rồi trong một lễ cưới hỏi đàng hoàng. Con biết tất cả sẽ đau đớn và thị phi lắm nhưng xin bố mẹ cho con ra đi. Con không thể ở lại với mớ bòng bong của số phận như vậy được”.

Mặc cho K. khóc lóc van xin tôi ở lại và cho K. một cơ hội, nhưng lòng tôi đã lạnh lẽo. K. làm sao hiểu được sau tất cả những gì K. đã làm với tôi thì tình yêu trong tôi dành cho K. đã chết. Chết sâu, chết tức tưởi, chết không còn dấu vết, còn chăng chỉ là một sự lạnh lẽo hoang vắng bao trùm lên trong mọi ý nghĩ tôi dành cho gia đình nhà K.

Chiều hôm ấy, tôi sửa soạn khăn gói để ra đi. Mà thực sự tôi cũng không biết sẽ đi về đâu khi trong túi không có tiền bạc. Trở về nhà bố mẹ đẻ thì đau đớn ê chề cho bố mẹ lắm. Rồi ngày mai hàng xóm láng giềng sẽ nhìn thế nào đây? Bố mẹ tôi làm sao có thể chịu đựng nổi những ánh mắt nghi hoặc, những lời nhỏ to bàn tán.

Trở về nhà ư, có ai thấu hiểu tôi là gái có chồng mà vẫn còn nguyên trinh tiết của người con gái. Có ai sẽ tin tôi, yêu thương tôi và lại cưới tôi làm vợ khi trong tâm hồn tôi đã mang một vết thương nặng như thế này??? Hàng trăm câu hỏi giày vò nhưng tôi vẫn dứt khoát phải ra đi thôi. Không có cách nào khác. Không thể còn cách nào khác hơn để cứu lấy cuộc đời tôi, số phận tôi…

Không hiểu sao, trong tất cả những câu chuyện bàn bạc của gia đình, V không bao giờ xuất hiện, thế nhưng anh ta biết được quyết định của tôi là sẽ ra đi. Buổi chiều ấy, tôi nhìn thấy gương mặt V. buồn lắm. V. luẩn quẩn qua lại trước cửa buồng tôi (thực ra buồng cưới của tôi và V.) mà không dám vào. Tôi nhìn thấy ánh mắt, gương mặt nghệt ra đờ đẫn của V, tôi hiểu anh ta dường như cũng đã linh tính được mọi chuyện chẳng lành…

Hoàng hôn nhập nhoạng, tôi xách túi từ biệt gia đình nhà chồng ra đi. V. lén lút đi theo tôi từ lúc nào. V. chạy theo tôi hết quãng đồng, tay xách theo lồng có đôi chim Hoàng Khuyên tuyệt đẹp dúi vào tay tôi. Tôi sững người trước đôi chim quý mà V. cưng như báu vật. Hằng ngày, ngoài giờ theo bố đi chữa bệnh thú y trong làng, thời gian rỗi tôi vẫn thấy V. chăm chút cho chim ăn, tắm cho chim và dạy chim những cử chỉ riêng mà chỉ V. với đôi bạn chim kia mới thấu hiểu nhau được.

Tôi dừng lại và ngồi xuống gốc cây gạo ở đồng làng cùng V. Lần đầu tiên, tôi tìm cách trò chuyện với V. Tôi không thể hiểu nổi những âm thanh V. phát ra ú ớ… nhưng tôi thấy V. đưa hai tay dâng đôi chim Hoàng Khuyên cho tôi. Tôi thấy trong mắt V. long lanh hai giọt nước mắt. V. khóc ư? Vì tôi ra đi, vì anh ta mất vợ, hay vì thương xót cho số phận và hoàn cảnh trớ trêu của tôi??? Tôi không biết. Tôi chỉ biết V. đã khóc.

Cái người đàn ông tưởng như vô tri giác, tưởng như ngớ ngẩn khờ khạo kia cũng đã biết khóc vì một người con gái bất hạnh như tôi chăng? Hay anh ta khóc vì luyến tiếc đôi chim Hoàng Khuyên quý giá? Tôi chua chát trong lòng… V. đưa đôi chim cho tôi rồi một mạch quay về làng không ngoái đầu lại. Bóng anh ta lầm lũi sậm đen trên cánh đồng đã ngập tràn bóng tối.

Tôi về ở nhà một tháng, nếm đủ điều tiếng của gái bỏ chồng về nhà mẹ đẻ. Có một chút tiền dành dụm của bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ cho, bố tôi khuyên tôi rời làng ra đi. Đừng ở làng nữa mà khổ, rồi lại mang tiếng có chồng, bỏ chồng thì không thể lấy được chồng. Tôi bỏ lại đôi chim Hoàng khuyên cho bố tôi chăm rồi lên đường đi vào Gia Lai trồng cà phê theo một người họ hàng xa để đoạn tuyệt với quá khứ.

Hai năm sau, tôi lấy chồng, một người đàn ông cục mịch, tốt bụng sinh ra ở núi rừng Gia Lai, cả đời chỉ biết có nương rẫy. Cuộc sống bình yên trôi đi. Tôi sinh được một trai một gái. Khi các con hơn 5 tuổi, tôi dắt chồng con về quê ngoại thăm bố mẹ và họ hàng, cũng là để cho các con biết mặt ông bà ngoại, biết gốc gác quê hương của mẹ. Không ngờ, lần đầu tiên sau hơn 7 năm quay trở lại quê nhà, tôi được biết K. phát bệnh trầm cảm kể từ ngày tôi ra đi.

K. bỏ học dở dang trước kỳ thi tốt nghiệp, ở lỳ trong nhà và không chịu tiếp xúc với ai. Nghe nói gia đình K đã đưa anh đi bệnh viện tâm thần chữa trị nhưng không khỏi. Giờ đây, K sống lặng lẽ trong gia đình cùng với bố mẹ, không chịu ra ngoài, không tiếp xúc với ai. Cũng còn may là K vẫn nhớ những gì đã học tại trường Đông y, biết bốc thuốc đông y chữa bệnh cho mọi người trong làng. May còn chút tỉnh táo trong công việc đã cứu phần đời còn lại của K. K. không chịu lấy vợ, không tiếp xúc chuyện trò với ai.

Cả ngày lầm lũi như cái bóng. Nhưng được cái, thuốc bắc của K khá hiệu nghiệm trong chữa bệnh nên khách đến cắt thuốc khá đông. Công việc làm cho K khuây khỏa đi nhiều. Còn V thì đã lấy vợ và có 3 đứa con. Vợ V là một cô gái câm điếc ở làng bên. Bố mẹ V đi cưới hỏi cho V. Thật may, trong ba đứa thì chỉ một đứa bị di truyền bệnh của bố mẹ, hai đứa trẻ còn lại của V lại không bị chứng câm điếc bẩm sinh. V vẫn cùng bố đi chữa bệnh thú y, còn vợ của V thì ở nhà lo cơm nước giúp gia đình.

Trong một tháng về thăm quê, không hiểu sao chồng tôi lại nghe ai đó lắm chuyện đã kể lại mà biết được câu chuyện cũ của tôi từng đã một lần lấy chồng và bỏ về nhà bố mẹ đẻ sau ba tháng làm vợ làm dâu. Rằng nguyên nhân K dở khôn dở dại là nguyên do từ việc tôi bỏ đi. Kể từ đó, cuộc hôn nhân của tôi không còn lấy một ngày nào thanh thản hạnh phúc nữa. Chồng tôi đưa cả gia đình trở về Gia Lai trong uất ức. Về đến nhà, anh ta đã lao vào đánh tôi, chửi bới tôi là một kẻ lừa đảo. Rằng đã từng lấy chồng mà giấu anh ta…

Thêm một lần nữa, cuộc đời bất hạnh của tôi đẫm trong nước mắt. Tôi cố giải thích mọi chuyện cho chồng tôi hiểu, kể hết ngọn ngành để anh ta thông cảm cho số phận hoàn cảnh trớ trêu của tôi nhưng chồng tôi dẫu nghe vợ kể mà trong lòng vẫn ấm ức hằn học vì tôi đã giấu anh ta cả một sự việc động trời.

Một người đàn ông sinh ra từ vùng đất đỏ bazan, cả đời chỉ biết có cây cà phê, nương rẫy, làm sao đủ tinh tế để nhớ cái giây phút thành chồng thành vợ đầu tiên của chúng tôi khi tôi vẫn hoàn toàn còn trinh tiết. Tôi nhắc lại chuyện đó nhưng chồng tôi vẫn hậm hực, hồ nghi. Cơn ghen cộng với cảm giác bị vợ lừa gạt về quá khứ phức tạp của vợ đã làm cho chồng tôi mù quáng. Từ đó anh ta uống rượu rất nhiều và đánh đập tôi như cơm bữa. Khi tôi mang thai đứa con thứ 3, anh đánh đập tôi  đến nỗi tôi trụy thai…

Tôi cay đắng chấp nhận tất cả. Tôi đã bỏ chồng một lần, không lẽ bây giờ bỏ chồng thêm lần nữa… Dù cay đắng ê chề đến đâu tôi vẫn phải cố chịu đựng vì giờ tôi đã có các con, tôi không thể làm gì để thay đổi cuộc đời bất hạnh của mình được. Kể từ ngày đó, chồng tôi cấm tôi không cho tôi đưa các con về quê thăm bố mẹ. Đó là điều khiến tôi đau khổ nhất. Bố mẹ tôi ốm nặng rồi lần lượt qua đời. Chồng tôi chỉ cho phép tôi dắt các con về đưa tang ông bà chứ tuyệt đối không cho tôi về chăm sóc bố mẹ tôi trong những ngày bệnh nặng. Đến đám tang bố mẹ tôi, anh ta cũng không một lần ghé về thắp cho ông bà ngoại cây hương. Tôi sống cùng với chồng con, đẻ thêm con cho anh ta mà lòng tôi chai sần bởi những vết thương chồng chéo lên nhau không bao giờ lành được. Vết thương này chưa liền sẹo, vết thương kia đã rỉ máu.

Tôi sống lầm lụi với 4 đứa con, với ông chồng thô bạo, say khướt. Một đời lầm lũi ngẩng mặt lên, quay đầu bốn phía là điệp trùng rừng cà phê vùng đất đỏ ba zan này. Nước mắt tôi bao lần mặn chát chan lên rẫy, thấm ngược vào tim. Chồng tôi giờ đã già, nghiện rượu nặng, các con tôi có đứa đã lập gia đình có con. Thế nhưng mỗi lần lên cơn say, chồng tôi vẫn lôi câu chuyện cũ năm xưa của tôi ra đay nghiến chì chiết khiến cho các con buồn bã, e ngại mỗi lần về nhà bố mẹ… Các con tôi lớn lên, dâu và rể không ai không biết chuyện buồn của đời mẹ. Câu chuyện mà tôi đã muốn chôn giấu rất sâu, chôn vĩnh viễn kể từ ngày tôi bỏ nhà bỏ quê ra đi…
Kính thư: Quỳnh Nga 
LỜI BBT:
Bà Quỳnh Nga kính mến!
Chỉ vì một mong muốn cho đứa con tật nguyền của mình bằng người mà gia đình bố mẹ chồng đầu tiên của bà đã đẩy bà một thiếu nữ xinh đẹp ngoan hiền vào một số phận đa đoan, giông bão và trải dài những bất hạnh.

Chúng tôi cũng biết rằng, không chỉ mỗi bà mà biết bao người phụ nữ sau những chốn làng quê nơi mà những định kiến, thiên kiến cộng với hủ tục lạc hậu vẫn còn ngự trị, họ đã và đang chịu những thiệt thòi của số phận như bà do các bậc làm cha làm mẹ sắp đặt. Ngay cả cuộc sống hiện đại hôm nay thì những câu chuyện đời tương tự như câu chuyện của bà chia sẻ cùng chúng tôi không phải là hy hữu.

Đâu đó trong những bệnh viện tâm thần ta vẫn thấy những ông bố bà mẹ đang cố tìm cho cậu con trai điên dại của mình một người vợ để chăm sóc. Hay trong các trung tâm người khuyết tật, chuyện chồng héo vợ lành không phải là chuyện hiếm hoi. Tất nhiên ngoại trừ những trường hợp yêu thương nhau đến với nhau tự nguyện ra thì phần lớn hiện nay do các ông bố bà mẹ quá thương con, muốn tìm cho con cái mình một chỗ dựa nên đã không từ cả những cách như nhờ anh, em đi tìm vợ cho con của mình…

Cuộc đời của bà lẽ ra đã thanh bình và hạnh phúc như bao người con gái nết na thùy mị khác. Nhưng thôi, nghĩ nhiều về điều đó chỉ càng cảm thấy buồn lòng hơn, cuộc sống hiện tại nặng nề hơn. Bà đã dũng cảm vượt qua được thử thách ban đầu để tự cứu lấy cuộc đời mình, và khi tiếp tục bị bất hạnh giáng xuống, bà đã chịu đựng đã an phận, đã cắn răng vì các con, vì không muốn thêm một sự đổ vỡ.

Chúng tôi thầm thán phục và nể trọng sức chịu đựng của bà, song chúng tôi cũng trách bà sao bà lại để cho chồng bà đối xử với bà oan ức như vậy suốt bao nhiêu năm qua. Điều duy nhất mà chúng tôi chỉ muốn bà quan tâm đến đó là cuộc sống của chính bà. Hãy mạnh mẽ như bà đã từng mạnh mẽ, hãy thương lấy đời bà, đừng quỵ lụy đắm chìm vào những cơn say, sự đay nghiến chì chiết của chồng bà với cái cảm giác bà có lỗi. Bà không có lỗi gì với người chồng hiện tại của bà hết.

Có chăng lỗi là bà sinh ra có một cuộc đời đa đoan như vậy. Bà hãy tự kiêu hãnh với lòng mình, với các con cháu của mình và kể cả với chồng mình. Hãy nói ra sự thật cho con cháu hiểu để các con thương bà và tôn trọng bà hơn. Nếu cần một lần để đối chất và lên án việc hành hạ tinh thần thể xác vô lý của chồng bà với bà thì bà cũng nên làm. Chúng tôi chúc bà sáng suốt và quan tâm đến bản thân, sống cho bản thân bà nhiều hơn.

0 comments: