19 tháng 9, 2013

NHỊP SỐNG IRS: NỖI NIỀM THỜI BAO CẤP

“Nửa đêm, đang say ngủ, tôi bỗng nghe thấy tiếng chị dâu khóc thút thít. Khóc thảm thiết lắm. Sáng ra, tôi hỏi mẹ xem có chuyện gì thì mẹ bảo: Khổ lắm! Con lợn nó bỏ ăn. Ngày ấy, lợn ốm còn lo hơn cả người ốm. Người ốm thì dửng dưng, chứ lợn ốm thì cả nhà nháo nhác lo tìm bác sĩ thú y, cảnh nhà buồn thảm như có đám” – Anh Đinh Tiến Cường, NĐT thân thiết tại Sàn IRS xúc động kể lại một kỷ niệm khó quên của gia đình trong chương trình “Nỗi niềm thời bao cấp” do IRS tổ chức ngày 13/9/2013 tại Sàn Giao dịch Công ty.

Nghe anh kể, nhiều người trong chúng tôi (thuộc thế hệ 8x, 9x) cứ mắt tròn, mắt dẹt. Người thì bảo anh “chém gió”, kẻ thì cứ ôm bụng cười nắc nẻ. Nhưng đó mới chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong toàn cảnh “bức tranh bao cấp sạm màu" hôm ấy. Nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt đã được các “chứng nhân” tái hiện lại một cách sinh động, giúp chúng tôi  - những người may mắn sinh ra sau giai đoạn khó khăn ấy, có thể hiểu hơn về một thời kỳ thăng trầm trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Những ký ức không phai màu
Dù đã bước qua độ tuổi thất thập, nhưng Bác Bùi Văn Đính vẫn còn nhớ rất rõ cái thời “Tóp mỡ là đặc sản”. Bác kể, hồi ấy mỗi gia đình chỉ được khoảng 2 đến 3 lạng thịt một tháng. Nếu được thịt mỡ thì thích lắm vì có thể “dây” ra để ăn cả tháng. Giọng nói của bác có chút xót xa lẫn hài hước: "Bây giờ các bạn chắc sợ thịt mỡ lắm, thậm chí còn vứt bỏ đi. Nhưng với chúng tôi hồi ấy, có được cái bỏ đi của các bạn bây giờ thì  sung sướng lắm!”.

Bồi hồi nhớ lại cảnh xếp hàng mua nhu yếu phẩm thời bao cấp, cô Hoàng Băng Thanh hào hứng kể: “Tôi không thể quên được cảnh xếp hàng nhếch nhác ở Bách hóa Tràng Tiền. Mọi người đứng dài dằng dặc, rồng rắn từ đầu hàng đến cuối hàng. Lúc ấy tôi chỉ khoảng 26 – 27 tuổi. Xếp hàng phía sau tôi là một anh thanh niên. Anh này cứ đứng sát vào tôi và có những hành động xấu. Tôi liền đổi chỗ cho một chị phía trên và bảo chị đề phòng. Chị bảo “Mày để đấy cho tao. Để tao xử lý cái thằng này”. Thế là, khi gã thanh niên kia giở trò, chị túm lấy cổ hắn và hô hoán mọi người. Hắn sợ quá phải xin lỗi rối rít. Thế đấy, đứng xếp hàng mà nảy sinh được tình cảm với nhau thì các bạn có thể hình dung được là xếp hàng lâu đến mức độ nào?!”, cô cười.

Trong không khí rộn rã của mùa Tết Trung thu, chị Phạm Thị Minh Thu cũng xúc động hồi tưởng lại thời thơ ấu đã qua của mình. Chị kể, hồi xưa bánh Trung thu được bán phân phối. Số bánh thừa bị bỏ chỏng chơ trong tủ kính ở Bách Hóa nhưng không ai được bán và cũng chẳng ai được mua. Thèm thuồng, ngày nào chị cũng lượn đi lượn lại cái cửa hàng Bách Hóa ấy mấy lần chỉ để nhìn ngắm cho đỡ thèm, rồi lại lủi thủi ra về”.

Anh Lê Trọng Nghĩa cũng góp vui bằng câu chuyện nhà tranh vách đất. Anh kể, lúc lên 5 tuổi, anh được mẹ đưa ra Hà Nội sống ở Khu Tập thể Đại học Sư phạm I. Gia đình anh sống trong một dãy nhà lợp lá cọ, vách đất. Mỗi dãy có khoảng 10 nhà và phía trên thông thương với nhau. Nhà đầu dãy nói chuyện to thì nhà cuối dãy vẫn nghe được và có thể trèo từ nhà này sang nhà khác.  Một nhà có Ông và cô cháu gái (khoảng 5 tuổi). Ông đi làm về thay quần áo, cô cháu gái nhìn thấy vô tư hét toáng lên “Hoan hô ông cởi quần, hoan hô ông cởi quần” khiến cả dãy ai nghe thấy cũng phải buồn cười và ngượng thay cho ông già. 

Đóng vai trò MC dẫn dắt chương trình, anh Nguyễn Tiến Hoàng cũng không thể kiềm lòng khi nhớ tới những biển quảng cáo thịnh hành thời xưa. Nào là “Hôm nay bán thịt trẻ em”, hay “Xay bột khô trẻ em”, “Cửa hàng tươi sống phụ nữ”, “Cửa hàng ăn uống thanh niên”… khiến khán phòng càng thêm rộn rã.

Xuôi theo dòng chảy ngược thời gian, Bác Bùi Văn Đính cười tươi nhớ lại thời trai tráng của mình: “Hồi ấy, mẹ tôi mua được một cái xe đạp. Tôi đi đâu tán gái là mặt mũi vênh váo lắm. Sau này, chiếc xe ấy mặc dù rất cũ nhưng được phân phối lại cho thằng em trai tôi. Ngày đó, những thứ như vậy được giữ gìn cẩn thận lắm và nhượng lại cho người thân của mình chứ không bán cho đồng nát như bây giờ”.

Có chút gì đó như bùi ngùi, nuối tiếc, Bác nói thêm: "Ngày xưa đói khổ, thiếu thốn là thế, nhưng tình người nồng ấm lắm. Xã hội ít có trộm cắp, cướp giật, đâm chém như bây giờ. Nhà nào có người đau ốm hay có công có việc, hàng xóm láng giềng sẽ tận tình giúp đỡ. Trong mỗi gia đình, bên cạnh những chia sẻ, yêu thương là biết bao hy sinh thầm lặng, vợ nhường chồng, cha mẹ nhường con từ miếng cơm, manh áo, quả cà...". 

Còn nhiều và rất nhiều những câu chuyện như vậy đã được các cô, chú, anh, chị chia sẻ trong buổi tọa đàm. Mọi người như một lần được sống lại một thời kỳ lịch sử lạc hậu mà vô cùng nhân văn của dân tộc. Trong nghèo đói, thiếu thốn, tình người, lòng nhân ái được thắp sáng như một biểu tượng văn hóa cao đẹp. 

Phải chăng vì thế, một số người sống qua thời bao cấp vẫn luôn có cảm giác hạnh phúc khi nhắc lại thời kỳ này, dù họ thừa hiểu những vất vả của nó?

Phải chăng, chính trong sự khó khăn ấy, người ta lại nhận ra rằng, chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương yêu, tình nghĩa xóm giềng, tinh thần đoàn kết như thế để có thể cùng nhau vượt qua tình cảnh gian khó chung của đất nước, của mỗi gia đình, mỗi con người?

Bộ sưu tập “đồ cổ” quý giá

Tham gia chương trình, ngoài việc chia sẻ những câu chuyện dung dị, cảm động, anh Đinh Tiến Cường còn mang theo rất nhiều đồ vật thời bao cấp mà anh đã cất công thu thập và giữ gìn bao năm qua. Bộ sưu tập của anh đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ với tất cả mọi người.

Thùng đựng gạo - vật dụng quan trọng của mỗi gia đình.

Bếp dầu  - một vật dụng thân thuộc thời bao cấp.

Nồi nhôm - Ngày nay đã ít dùng, nhưng ngày xưa là vật dụng không thể thiếu và không thể thay thế. 

Cà mèn - chuyên để đựng mỡ.

Chậu rửa mặt bằng đồng.

Bát chiết yêu - Ngày xưa đói khổ nên chỗ to nhất của cái bát bị chiết lại để nhìn thì to nhưng đựng thì ít. 

Radio (Anh tếu táo "Ngày xưa ai có cái đài này để đeo vào người thì không khác gì hotboy bây giờ).

Hộp đựng kim tiêm.

Tờ tiền độc của Việt Nam - Tờ 30 đồng.

Tờ tiền ngày xưa trẻ em nào cũng thích được mừng tuổi - Tờ 1 hào.

Anh Nghĩa giới thiệu về Tờ Cụ Mượt (Tờ 10 đồng) - Tờ tiền được dùng rất lâu trong thời kỳ bao cấp (khoảng 1958 - 1976). Đây là tờ tiền quý, chỉ có cấp Trưởng Phòng, Vụ trưởng mới có được. Ngày xưa, thời trang nhất, oách nhất vẫn là mặc áo trắng và có tờ 10 đồng kẹp trong túi. 

0 comments: