Kính thưa các anh các chị trong Ban Biên tập!
Đêm tân hôn của tôi là một đêm trắng ngập nước mắt. Tôi quá hiền lành, nhút nhát, lại được cha mẹ dạy dỗ về tiết hạnh của người con gái đã bước về nhà chồng là trở thành người của nhà người ta rồi, thế nên tôi không thể vùng dậy và bỏ về nhà bố mẹ đẻ của tôi sau lễ cưới được. Bố tôi trở về trong ngậm ngùi, cay đắng. Nước mắt đàn ông của ông trong ngày hạnh phúc trăm năm của con gái đã phải nhỏ xuống chua xót.
Ông chỉ nói được với thông gia một câu: “Ông bà ác quá, cả nhà ác quá, sao nỡ lừa gạt con gái tôi, bắt con tôi phải chịu nghiệp chướng nhà ông bà”. Bố tôi gọi tôi ra và bảo với tôi: “Con trở về nhà với bố mẹ. Không được phép chịu khổ chịu nhục. Con còn cả cuộc đời con ở phía trước. Về với bố đi rồi làm lại cuộc sống con ạ”. Không hiểu sao trước những lời của bố, tôi lại đứng chôn chân. Không hiểu vì lẽ gì mà lúc đó tôi lại không xách túi theo bố tôi trở về nhà. Tôi vẫn như một người u mê, ở lại nhà chồng, ở lại với ngổn ngang một mối tơ vò như vậy.
Đêm tân hôn, người chồng câm điếc của tôi ngủ ở phòng ngoài cùng với bố. Tôi ngủ trong buồng hạnh phúc vợ chồng cùng với mẹ chồng. Đêm đó cả hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Bà mẹ chồng trải lòng cho tôi nỗi cay đắng và buồn tủi khi có đứa con trai khiếm khuyết tật nguyền. Nước mắt người mẹ chảy dài theo năm tháng, kể từ ngày sinh ra đứa con trai bị câm điếc.
Hai anh em song sinh nhưng K.lanh lợi, hoạt bát và thông minh bao nhiêu thì V.(anh trai song sinh của K. lại thiệt thòi bấy nhiêu. Sinh con không ai sinh được số phận. Nhìn thấy con lớn lên, thiệt thòi buồn bã, lòng cha mẹ xót đau. V.tuy bị câm điếc nhưng không đến nỗi khờ khạo, sức vóc cũng khỏe mạnh nên bố mẹ mới mong muốn tìm cho V. một người vợ, một cô con dâu để cho V.cũng có được một gia đình bình thường như bao gia đình khác. Để V.cũng có được một cuộc sống như bao người khác đỡ tủi phận cho V. Chính vì vậy, K. được bố mẹ giao trách nhiệm đi tìm vợ cho anh, và bây giờ mọi chuyện đã xảy ra như thế này.
Mẹ chồng tôi nói với tôi rằng: “Cả nhà mang tội với con. Chỉ tại thằng K. không rõ ràng, không nói cho con biết sự thật, thành ra con mang nỗi oan ức của một người bị chính gia đình chồng lừa đảo. Bố mẹ chỉ mong con tha thứ cho bố mẹ, tha thứ cho cả gia đình nhà bố mẹ. Bố mẹ cũng tùy con quyết định cuộc đời, con về lại nhà bố mẹ đẻ cũng được, bố mẹ không bắt con phải chấp nhận số phận, buộc cuộc đời con vào cuộc đời thằng V. đâu”.
Tôi đã dằn vặt trắng đêm tân hôn với nước mắt đau khổ. Sáng ra, V.chồng tôi tự tay lễ mễ bưng một bát canh gà thuốc bắc vào tận buồng cho tôi. V.chỉ ê a mấy tiếng và nở một nụ cười ngớ ngẩn rồi tẽn tò đi ra… Tôi đổ bệnh ngay sau sáng hôm ấy, sốt ly bì miên man và mê sảng… Trận ốm thập tử nhất sinh ấy, bệnh tôi ngày một nặng. Bố chồng tôi sau khi kê đơn bắt mạch cho tôi không đỡ đã gọi K. về để chăm sóc cho tôi may ra bệnh tình tôi mới thuyên giảm. Tôi ốm đúng ba tháng, tóc rụng xơ xác…
Suốt trong 3 tháng ấy, ngày nào K. cũng thăm bệnh cho tôi. Tự tay K.bốc thuốc sắc cho tôi uống, tự tay K. làm các món canh thuốc bắc cho tôi húp để lấy lại sức, lấy lại tinh thần. Cả 3 tháng đó, K. quỳ bên giường bệnh của tôi và sám hối. Nước mắt của K cũng nhỏ xuống tôi không biết bao nhiêu lần… K. thú nhận toàn bộ sự việc và câu chuyện đau lòng này với tôi.
K. thú nhật tất cả sự thật mà tôi cần được biết, được giải quyết thấu đáo để cho tinh thần của tôi được giải thoát dần dần. K. thú nhận rằng, đầu tiên, ngay từ cuộc gặp gỡ tình cờ nơi cánh đồng dâu với tôi K. đã yêu tôi. K. không cố tình đi tìm tôi để hỏi vợ cho người anh trai bất hạnh của mình. K. không hề nhắm vào tôi để thực hiện mục đích của bố mẹ K. giao nhiệm vụ cho K. Chỉ là tình cờ thôi, gặp gỡ rồi yêu thương nhau, rồi cảm thấy không thể thiếu nhau được nữa nên K. đã về nhà xin bố mẹ cho cưới vợ trước.
Nhưng bố mẹ K. không nghe, cho rằng K. muốn lấy vợ lúc nào mà chẳng được, phải lo cho người anh song sinh thiệt thòi trước rồi mới được phép nghĩ tới bản thân. Biết là không thể thuyết phục được bố mẹ, khi bố mẹ hỏi mày đã tìm được người con gái nào có thể thương anh mày được chưa thì K đã buột miệng nói với bố mẹ về tôi và địa chỉ nhà tôi.
K. nói: “Bố mẹ có thể sang bên ấy hỏi xem nhà người ta có đồng ý gả con về làm dâu nhà mình không? Người con gái đó có chịu lấy anh mình không. Từ nay trở đi bố mẹ phải tự lo việc này cho anh con, con không thể làm thay bố mẹ hay kiếm vợ cho anh thay anh được. Việc làm này thất đức lắm”.
Nói xong K. bỏ lên chỗ học và ở luôn tại trường không về. Ở nhà bố mẹ chồng tôi phấn khởi mang lễ vật sang đặt vấn đề với gia đình nhà tôi. Cũng vì e ngại, lại tưởng con trai đã có nói sơ qua về tình hình người anh trai tật nguyền, thế nên khi sang chơi đặt vấn đề, bố mẹ chồng tôi đã tránh không nhắc lại chuyện đó.
Bố mẹ chồng tôi chỉ sợ nói ra hoàn cảnh lần nữa gia đình tôi và cô dâu đổi ý thế nên tịnh không đả động gì đến bệnh tật khiếm khuyết của con trai. Thấy bên nhà gái vui vẻ ưng thuận, con dâu xinh đẹp dịu dàng nết na nên bố mẹ chồng tôi mừng lắm mới vội vàng tiến hành lễ cưới hỏi. Còn gia đình tôi là nông dân thật thà chất phác, bản thân tôi cũng là thiếu nữ mới lớn, hiền lành chân chất.
Khi thấy gia đình nhà người yêu đến đặt vấn đề xin cưới thì cả bố mẹ và tôi đều chấp thuận luôn mà không để ý hay thắc mắc tới những điều bất thường trong suốt cả quá trình từ hôm ra mắt, đến lễ chạm ngõ ăn hỏi đều không thấy K. đi cùng. Bố tôi có hỏi thì bố mẹ chồng tôi trả lời K. đang bận học trên trường y học cổ truyền nên không về được. Và cuối cùng, cũng chỉ vì thật thà đến mức ngốc nghếch, bố mẹ tôi, và bản thân tôi đã vướng vào câu chuyện bất hạnh này…
Trong suốt 3 tháng ốm tưởng chết, tôi nằm bệt trong buồng, mặc cho K. nói, rồi van xin, rồi khóc lóc, tôi không một lần hé răng. Trên gương mặt hốc hác của tôi chỉ có hai hàng nước mắt là không ngưng chảy. Nước mắt tôi chảy rồi lại khô, khô rồi lại đầm đìa chảy…
Cả gia đình nhà chồng tôi lo sợ hốt hoảng, mời hết thầy thuốc đông tây y về chữa trị cho tôi, còn mời cả thầy phù thủy về lập đàn cúng tế cầu xin trời đất tha tội xin cho tôi khỏi bệnh. Tôi không chịu đi viện, mà dứt khoát nằm ở nhà. Cha mẹ chồng tôi cuống quýt xin tôi tha tội cho họ. K. ngày đêm túc trực bên giường bệnh của tôi bắt mạch bốc thuốc và tự tay bón cho tôi từng thìa cháo.
K. gầy sọp đi, lúc nào cũng gục đầu bên giường bệnh của tôi và khóc vì thương tôi, vì ân hận. Có lẽ sự tận tụy của K. đã vực tôi dậy, dìu tôi trở về với cuộc sống chăng. Những ngày cấm khẩu nằm trên gường bệnh với hai hàng nước mắt chảy đầy gương mặt, K. đã sám hối rất nhiều. K. nói K. có tội với tôi, K xin tôi đừng chết, đừng bỏ K mà đi. K. nói với tôi K. đã sai lầm, K. đã thấm thía nỗi sai lầm không thể tha thứ này. K còn yêu tôi nhiều lắm, K không thể để mất tôi lần nữa. Nếu tôi mà chết, K sẽ chết theo, vì K còn yêu tôi quá nhiều…
Tất cả chỉ là một phút dại dột nghe theo lời sắp đặt của bố mẹ mà K. đã làm điều trái với lương tâm, đạo đức. Chỉ tại K. hèn quá, trẻ con và ngu ngốc quá, không biết cách giải quyết những bế tắc trong cuộc sống thế nên mới bỏ lên trường học và để lại mối tình không lối thoát của mình với tôi ở nhà.
Trong thâm tâm, K. nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ đồng ý lấy anh trai song sinh bị khuyết tật của anh ấy. Gia đình tôi cũng sẽ không thể đồng ý cho chuyện như vậy xảy ra. Và K. vì một chút hèn yếu đã chạy trốn thực tế và hoàn cảnh của mình. K. cũng không thể ngờ được mọi chuyện lại diễn ra không đúng với suy đoán giản đơn của K. Thế nên giờ với mặc cảm tội lỗi, K đã sám hối trước tôi rất nhiều, đã vô cùng đau khổ cầu xin tôi khỏi bệnh và đừng chết.
Tôi làm sao mà chết được. Cuộc đời bất hạnh của tôi mới chỉ là bắt đầu. Tôi làm sao dễ dàng đầu hàng số phận như vậy được. Hết 3 tháng, tôi bắt đầu ngồi dậy được. Mái tóc rụng xác xơ bắt đầu xanh trở lại. V. người chồng câm điếc của tôi vui ra mặt.
Anh không biết có chút nhạy cảm nào để lờ mờ hiểu và hình dung được vì số phận bất hạnh của mình mà kéo theo không biết bao nhiêu sự cố, bao nhiêu chuyện buồn, và kéo theo thêm bao cuộc đời cùng chịu chung nỗi buồn đau bất hạnh cùng với anh ta hay không. Tôi không thể hiểu được bởi mọi âm thanh với anh là số không, là vô nghĩa.
Cái cách mà anh ta tiếp nhận cuộc sống, tiếp nhận xung quanh chắc có lẽ cũng chỉ là bản năng mà thôi. Thế nên chắc chắn anh đứng ngoài mọi nỗi đau khổ của thế gian. Anh đứng ngoài mọi biến thiên của con người và vạn vật xung quanh. Thỉnh thoảng anh cũng tìm cách lại gần tôi và cười ngớ ngẩn…
Tôi không hiểu anh muốn thể hiện điều gì, anh ta có biết vì anh, tôi đang trải qua những ngày tháng tưởng không thể sống nổi vì sốc? Chịu, tôi không biết trong đầu anh nghĩ gì, chỉ biết thỉnh thoảng anh cũng tự tay bưng cho tôi bát canh gà với nụ cười ngô nghê trên gương mặt không cảm xúc.
Tôi dậy được, bắt đầu ăn được những bát canh thuốc bắc đầu tiên. Da tôi hồng lại, tóc bắt đầu mọc xanh ra, môi đã thắm hồng… (còn nữa)
Lời BBT
Đọc đi đọc lại câu chuyện này, có đôi lúc chúng tôi buộc phải thốt lên câu hỏi với bà Quỳnh Nga. Tại sao bà lại lựa chọn một cuộc đời như thế? Tại sao không xách túi trở về ngay lập tức cùng với bố đẻ của mình khi phát hiện ra câu chuyện lừa dối chú rể của nhà bố mẹ chồng một cách vô lương tâm như thế này.
Tại sao bà lại chôn chân ở lại trong cái mớ bòng bong rối rắm và phức tạp kia. Tại sao bà không thoát ra khỏi bể khổ của đời mình ngay lúc vừa mới chớm bước vào??? Tại sao và tại sao??? Những câu hỏi cứ vang lên trong đầu chúng tôi mà không có câu trả lời.
Và sau những câu hỏi không lời giải ấy, chúng tôi trầm ngâm suy nghĩ về những cảnh đời, những thân phận người mà chúng tôi đã bắt gặp đâu đó trong cuộc sống này. Chúng tôi cũng hiểu rằng, tại sao ở phía sau những cánh đồng làng, sau lũy tre xanh có biết bao thân phận người phụ nữ bị vùi dập, bị đau khổ, bị chính bánh xe của số phận nghiền nát cuộc đời mình. Phía sau những lũy tre xanh, phía sau cánh cổng làng cổ kính có bao nhiêu những cuộc hôn nhân sắp đặt.
Những cuộc hôn nhân mà cha mẹ lo cho đứa con tật nguyền hoặc bị thiểu năng trí tuệ. Cái ước mong lo cho con một gia đình cho bằng chị bằng em, bằng bạn bằng bè dẫu đứa con của mình bị khiếm khuyết tật nguyền không như những người bình thường khác đã đẩy biết bao đôi trẻ vào cảnh dở khóc dở cười. Người biết chấp nhận số phận thì sống một đời buồn tủi. Người cưỡng lại số phận thì lạc vào phong ba bão táp của cuộc đời.
Nhưng phần lớn những cuộc hôn nhân sắp đặt này, người phụ nữ chịu thiệt thòi trong đường tình duyên do quá lứa, do kém nhan sắc, do muộn chồng họ không bước qua được những lời dị nghị của xóm làng, hoặc không dám đối mặt với hoàn cảnh của mình nên chấp nhận sự sắp đặt như chấp nhận số phận hẩm hiu của mình. Nhưng riêng với trường hợp của bà Quỳnh Nga thì lại khác…
Trở lại câu chuyện đời bất hạnh của bà Quỳnh Nga, chúng tôi xin phép được để ngỏ phần 3, phần tiếp theo song cũng là phần cuối cùng của câu chuyện đời bà. Mời quý độc giả theo dõi ở số báo tới.
|
(CAND)
0 comments:
Đăng nhận xét