Hôm trước đọc báo, thấy bảo ở Hy Lạp bây giờ, nguy hiểm nhất là nghề thu thuế. Dân tình ở đây vốn quen sống trên đỉnh Olympus nên coi thuế má như trò tiêu khiển.
Nay xứ sở của các vị thần sắp phá sản đến nơi, văn phòng thuế quốc gia thường xuyên nhận “phong bao” khủng bố. Có vị giám đốc phòng thuế sau khi từ chức đã than thở rằng, Chính phủ Hy Lạp cần một kẻ giết người cho công việc này, bởi dân Hy Lạp đã được “di truyền” cái thói “cù nhầy” khi đóng thuế. Chả bù cho ở xứ ta. Cậu bạn tôi có vợ vừa thi đỗ công chức ngành thuế, thấy bảo “không mất gì” mà bạn bè ai gặp cũng tấm tắc khen thầm.
Nhưng ở ta bây giờ, nghề gì nguy hiểm nhất, các anh các chị? Với ai không biết, chứ với tôi, nó là nghề bảo vệ. Chuyện thì dài, để từ từ tôi kể cho nghe.
Hồi đó năm chín mấy, mới hết năm thứ hai đại học, mảnh tình vắt vai chả có, lại đói ăn nên toàn ru rú ký túc. Thế nên được một ông anh rủ, “mày có đi làm bảo vệ đêm không, lương bốn trăm một tháng” là mừng hú. Bốn trăm nghìn hồi ấy là gấp đôi số tiền các cụ ở quê tiếp tế rồi.
Lão anh còn gạ, mày làm bảo vệ cũng như con nghê đá. Suốt ngày ngồi cổng, nhàn tản là. Ai ngờ nhọc lắm các anh các chị ạ. Tuần gác 5 đêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng ở cái công trình xây dở ngay sau Bệnh viện E, gần mạn Cổ Nhuế. Chả biết mấy ông chủ hết tiền hay gặp kiện cáo gì mà xây thô gần xong thì để mốc meo ra, lởm chởm sắt thép với bê tông.
Thế là cần phải có mấy con nghê ngồi cổng để canh cho bọn nghiện với dân đồng nát khỏi vào xà xẻo. Tiếng là bảo vệ nhưng phòng ốc chả có. Thôi thì tìm chỗ khô ráo, kín gió là cái gầm cầu thang mà đóng đô. Ôi giời, mỗi đêm là một đoạn trường, sao mà mong cho chóng sáng để chuồn. Sức vóc thanh niên dễ ngủ, dễ đói, càng thức, cái bụng càng cồn cào.
À quên chưa kể, cùng ca đêm với tôi còn một anh nữa, hình như là dân trường mỏ bị trượt giai đoạn, nôm na gọi là tuột xích. Anh này thì thuộc loại cáo rồi. Cứ đến “sở làm” là mắt trước mắt sau chuồn sang trường sư phạm tán gái, hoặc mò sang đánh phỏm với mấy tay bảo vệ bệnh viện. Võ của anh là trong túi lúc nào cũng thủ một vài vỉ thuốc. Có lần trốn đi chơi bị ông chủ bắt gặp, anh ho sù sụ chìa ra, ý bảo tôi vừa chạy đi mua thuốc.
Thế nhưng, đi đêm lắm có ngày gặp ma. Một hôm, quá nửa đêm anh mò về. Đang lạch cạch thì ông chủ thò ra bảo, “tao cũng đang ốm, chờ mày đi mua thuốc từ 7 giờ để xin mấy viên. Hiệu thuốc xa nhỉ!?”. Vậy là anh “tuột xích” thêm lần nữa.
Nói chuyện gặp ma. Có hôm tôi đang ngồi miên man chờ đợi cho qua đêm dài công tác thì chợt thấy hai bên sườn lạnh toát. Hóa ra hai ông nghiện bò vào xin tí sắt thép. Nhìn thấy cái xiranh hoa lên bóng nhoáng, tôi nhũn hết cả tay chân ra. Thế là từ hôm đó cứ thần hồn nát thần tính. Khu sau bệnh viện là cái nhà xác lắm cây to. Sau 12 giờ đêm, nhìn lên lúc nào cũng cảm thấy có ông trắng trắng núp trên cây.
Bảo vệ đêm vốn nhọc. Nhưng vừa rồi gặp mấy chuyện mới thấy, bảo vệ ngày có khi còn nguy hiểm hơn. Chả là gần nhà tôi có một cái chung cư xây dở, để mưa nắng dãi dầu mấy năm nay. Dân xung quanh gọi nó là công trình thế kỷ. Cỡ công trình thế kỷ này dạo này nhan nhản. Chỗ nào cũng giống chỗ nào, dăm ba anh bảo vệ ngồi đánh cờ hay uống trà vặt giữa xi măng, cỏ lác ngút đầu.
Hôm rồi đi làm, vừa phóng xe đến công trình thế kỷ thì thấy đám đông hò hét đuổi đánh hai anh bảo vệ. Một anh bị tóm đang ăn đòn hội đồng, còn anh nữa đang vắt chân lên cổ chạy. Nghĩ tình nghê đá ngày xưa, mình bảo, ông nhẩy lên xe tôi. Yên vị rồi, tay bảo vệ hổn hển kể:
- Đen quá bác ạ. Đầu chả phải đầu lại phải tai.
- Chắc các ông lại nợ nần gì người ta. Dân bảo vệ nhàn cư nên lắm trò lắm.
- Khổ quá, trò trống gì đâu bác. Họ đến đòi nhà. Tôi mới bảo, các bác đến gặp ông giám đốc mà đòi. Bọn tôi ở đây chỉ biết trông coi, sáng bảnh mắt ra các bác ầm ĩ, mất cả ngủ. Thế là họ bảo bọn tôi là quân láo toét, lừa đảo, thông đồng với mấy thằng tội phạm ăn cướp mồ hôi xương máu của dân. Thế là ăn đòn…
- À, thì ra thế. Cảnh của các bác cũng giống dân bảo vệ ở mấy CTCK vừa rồi. Khách hàng đến đòi tiền, mấy ông lãnh đạo trốn biệt cho bảo vệ ra tiếp. Giận cá chém thớt, thế là họ chửi. Xem ra muốn làm bảo vệ thì phải treo chữ nhẫn bằng cái mẹt trước ngực nhỉ.
- Chả phải “Nhẫn” riêng với khách đâu ạ. Mấy tháng nay, tôi nhịn ông chủ như nhịn cơm sống vì chưa có lương đây. Hỏi thì ông ấy nửa đùa nửa thật bảo sẽ trả bằng quyền mua chung cư giá rẻ. Chung cư kiểu này có cho không thì tôi cũng chả có tiền hoàn thiện.
Tôi an ủi: các bác bị nợ lương nhưng ông chủ còn trọng vọng. Tôi còn biết có vụ một công ty ở Hải Phòng vừa rồi, giám đốc với chủ tịch thuê xã hội đen dàn trận đánh nhau. Mấy ông bảo vệ chân chỉ hạt bột đứng giữa ăn đòn hội chợ của cả hai phía.
- Chết chết, nguy hiểm quá. Chả lẽ phải đi thuê bảo vệ trông nom bảo vệ. Thành phố dạo này oi bức, nóng nực hay sao mà ngày càng lắm người… nóng tính thế!
- Chả cứ thành phố đâu bác ạ. Bác chưa nghe nhỉ, ở trên xứ Ba Bể thoáng mát, trong lành là thế mà tại đại hội của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (BKC), có cổ đông còn đe tát vào mặt ông chủ tịch vì “can tội” nghỉ ốm không báo đấy.
- Ôi giời, thế thì có phải riêng cái nghề nghê đá mới nguy hiểm đâu. Hóa ra lúc xấu giời, người ta hay nói chuyện với nhau bằng nắm đấm “sở trường” của dân bảo vệ nhỉ.
(ĐTCK)
0 comments:
Đăng nhận xét