Ban biên tập Blog IRS xin gửi tới thành viên một tấm gương về đức hy sinh cao cả, trong phút sinh tử nhường áo phao cho người khác để mãi mãi ra đi... (Vụ đắm tàu tại Huyện Cần Giờ ngày 2/8/2013).
Sáng sớm 5/8, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ xác 9 nạn nhân vụ đắm tàu thảm khốc ở Cần Giờ tối thứ Sáu tuần trước, trong đó có anh Trần Hữu Hiệp, người đã cởi áo phao nhường cho một phụ nữ để rồi mãi mãi ra đi ở tuổi 25.
Những người trở về bật khóc khi nhớ đến giờ phút sinh tử, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, và đau đáu nhìn xa xăm về phía dòng sông, nơi Trần Hữu Hiệp, người đã trao tặng họ cuộc sống này thêm một lần nữa vẫn còn đâu đó ngoài kia, chưa tìm thấy thi thể.
Trong tích tắc đối đầu với sóng dữ nguy hiểm nhất, Trần Hữu Hiệp dũng cảm cởi chiếc áo phao trên người, trao cho một người phụ nữ đang hấp hối giữa dòng nước, nhường sự sống cho người phụ nữ kia mà không một giây mảy may đắn đo, suy nghĩ, để rồi chính anh kiệt sức, bị cuốn trôi giữa dòng nước xoáy.
Tiếng bom rơi đạn lạc trên mảnh đất này đã đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, mà ngày hôm nay, đi giữa thời bình, câu thơ năm nào của nhà thơ Lê Bá Dương vẫn đau đến quặn lòng:
…Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Chàng thanh niên 25 tuổi Trần Hữu Hiệp vẫn đâu đó dưới lòng sông kia, đã ba ngày nay, mọi cố gắng nỗ lực tìm thi thể vẫn chưa có kết quả. Anh gửi lại lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời mình cùng sóng nước, gửi trao cả mạng sống và tuổi thanh xuân còn biết bao hoài bão cho người trở về.
Tôi không còn gọi đó đơn thuần là sự dũng cảm của một người anh hùng, mà cao hơn tất cả, đó là sự vĩ đại của một con người vĩ đại.
Người ta đã nói rất nhiều về người trẻ ngày hôm nay, trong đó có sự hoài nghi vào một thế hệ được sinh ra, lớn lên trong hòa bình và đủ đầy, một thế hệ không thấy quá day dứt khi bắt gặp những số phận kém may mắn hơn mình. Và người ta cũng đang lo ngại về một xã hội với những giá trị đạo đức đang bị đảo lộn.
Nhưng Trần Hữu Hiệp đã chứng minh điều ngược lại. Anh để lại bài học về lòng nhân ái cao thượng, đức hy sinh cao cả không gì so sánh được của con người với con người.
Hẳn chúng ta còn nhớ cậu học trò Nguyễn Văn Nam đi vào đề thi tốt nghiệp như một huyền thoại còn sống mãi trong lòng những người ở lại.
18 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, chàng thanh niên của mảnh đất Đô Lương anh hùng đã dũng cảm hy sinh mạng sống của mình để cứu 5 cậu bé giữa dòng nước xoáy.
Đã ai quên được những tấm gương của Lê Văn Được, Phạm Văn Di, Phạm Quang Vĩnh…những cậu bé học lớp 7, lớp 9 trường làng không sợ hãi hiểm nguy cứu bạn đang chới với giữa sự sống và cái chết.
Thế hệ cha ông ta đã viết nên khúc khải hoàn bất diệt khi không tiếc tuổi thanh xuân và máu xương để gìn giữ nước non này, thì những người tiếp lửa ngày hôm nay, những Nguyễn Văn Nam, Trần Hữu Hiệp cũng viết nên bài ca bất tử về lòng dũng cảm và sự yêu thương con người cao hơn tất thảy.
Tôi tự hỏi, giữa những ồn ào xuôi ngược của cuộc sống, giữa những bon chen ích kỷ của danh lợi, toan tính, thậm chí của những mưu mô xảo quyệt, sẽ có bao nhiêu Trần Hữu Hiệp dũng cảm chọn cái chết về phần mình cho người khác được sống? Bao nhiêu người dám từ bỏ tuổi thanh xuân nhiều ước vọng để người khác được nhìn thấy bầu trời cao xanh và viết tiếp những ước mơ?
Nghĩ về Trần Hữu Hiệp, sẽ có bao nhiêu người không khỏi xấu hổ với chính mình khi hàng ngày chỉ quẩn quanh với bon chen ích kỷ, danh lợi và những điều nhỏ nhặt của cuộc sống?
‘Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?’. Đứng trước đức hy sinh cao cả của một con người, tôi chỉ biết kính cẩn nghiêng mình, và thấy mình thật nhỏ bé.
Câu trả lời cho câu hỏi ‘sẽ có bao nhiêu sự lựa chọn dũng cảm như Trần Hữu Hiệp?’, có lẽ chỉ có thể nằm trong trái tim mỗi con người. Nhưng tôi tin, lòng trắc ẩn, nhân ái vẫn luôn tồn tại, và nó sẽ bừng sáng vào những giờ phút của thử thách, khi người ta phải ra quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng về quyết định đó của mình.
Còn nhớ, khi gấp lại những trang cuối cùng của ‘Mãi mãi tuổi 20’ Nguyễn Văn Thạc từng viết: ‘Nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc….’
Tôi tin rằng Trần Hữu Hiệp, không phải không lường trước được cái chết của mình khi nhường cơ hội sống cuối cùng cho người khác, nhưng anh vẫn chắc chắn với quyết định của mình, bởi đó là khi lòng cao thượng và nhân ái tỏa sáng.
Tôi cũng tin rằng, giống như Nguyễn Văn Thạc, dù không bao giờ còn trở lại, nhưng Trần Hữu Hiệp đã để những dòng sau, về lòng dũng cảm cho người ở lại viết tiếp…
Theo vtc.vn
0 comments:
Đăng nhận xét