27 tháng 8, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Nhân trường hợp bỏ bóng đá người!

Nhân trường hợp bỏ bóng, đá VFF này, mình lại thấy sự giống nhau đến kỳ lạ giữa nền bóng đá và chứng khoán Việt.

    Khi bầu Thụy nhượng lại đội bóng cho bầu em năm ngoái, mình đã ngờ ngợ. Một phần bởi vì ngày 12.12.2012 được chọn để công bố rời chức thật là độc. Đúng là người sang, đến cái hắt hơi cũng phải chọn giờ hoàng đạo.
    Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ. Cái chính là ông Thụy vốn mê bóng đá lắm. Người ta bảo trận bóng nào ông cũng có mặt ở khu kỹ thuật, chỉ đạo chiến thuật vun vút, giỏi hơn cả… huấn luyện viên. Cầu thủ trong sân sửng cồ, ông cũng nhẩy vào sửng cồ, đúng phong độ của bậc hảo hán vậy!
    Lại nhớ trước đây, bầu Thụy cũng có hứng với chứng khoán. Ông bảo mình hứng vì có duyên. Đã chơi là thắng, dù “toàn mua ở vỉa hè”. Tất nhiên, chơi chứng kiểu ông cũng là cho vui, như nhã hứng của bác nhà giàu đi câu hay anh công chức thả mươi nghìn tiền đề, chứ chả băm bổ chơi vì tiền như nhà đầu tư còi cỡ mình. Cũng vì đam mê nên ông mua nguyên cả CTCK về chơi cho oách, chả phải đi “mở tài khoản nhờ” bố con ông nào…  Duyên nợ với làng chứng thế mà ông cũng dứt tình. Nhớ cái đận đầu năm vừa rồi, ông đăng ký bán phứt mấy chục triệu cổ Chứng khoán Xuân Thành. Nhưng hình như làng chứng thì khó bỏ cổ… chạy lấy người hơn làng bóng thì phải, nên đến giờ số cổ định bán vẫn gần nguyên. Chỉ có điều nhân trường hợp bỏ bóng, đá VFF này, mình lại thấy sự giống nhau đến kỳ lạ giữa nền bóng đá và chứng khoán Việt. Mạo muội liệt kê mấy điểm trùng hợp xem sao.

    Bóng đá xứ ta vốn nổi tiếng là lò xay huấn luyện viên. Ông già gân Ferguson có sang Việt Nam làm huấn luyện viên thì cũng chả có cửa để thể hiện cái chân lý “Đẳng cấp là mãi mãi…”. Cũng như cụ Buffett có lên sàn Việt mà chót dại “tham lam” khi thiên hạ tất tần tật sợ hãi thì chỉ có nước bị chen cho khỏi xếp hàng. 

    Chứng khoán hiển nhiên là cái chợ cổ phiếu. Làng bóng xứ ta cũng gần giống cái chợ, nhất là từ khi xuất hiện các bầu. Thích thì chơi, chán là bỏ. Chả phải riêng bầu Thụy, còn bầu Thọ, bầu Trường, bầu Hương… cũng tiếng bấc tiếng chì “em chán bóng banh rồi”. Chợ đông kiếm được thì chợ tết cũng chả bằng chợ chứng, mới ngả sang chiều cái là các bác hết “tôi đứng im là tôi đang tiến công”, hoặc ngộ ra rằng mình chả muốn làm kinh doanh mà thích nghề gõ đầu trẻ… vân vân và vân vân…

    Chuyện rằng, có ông bố đang băm bèo cho lợn, nghe tin Công Vinh vừa mua Audi, ông lật đật chạy vào nhà bảo thằng cu con, mày học làm gì lắm, ra sân mà đá bóng đi. Nhân viên ngành chứng khoán một thời cũng oách lắm. Mình nhớ hồi chơi cổ phiếu OTC, muốn sang tên mấy nghìn cổ Xi măng Bút Sơn mới đấu được, anh nhân viên CTCK hất hàm, “mấy ngàn cổ, hơn trăm triệu, ồn hết cả lên, từ từ”. Lại nhớ cái hôm đi đấu giá cổ phiếu Cao su Đồng Phú, có chị vừa ôm cả bao tải tiền lặc lè chạy theo em nhân viên CTCK ở Kim Mã, vừa em ôi em ồi… xin xếp lốt. Than ôi, một thời lên voi, để giờ…

    4 Không phân biệt già trẻ, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt trình độ văn hóa, trọng lượng cơ thể, tình trạng vệ sinh, hoàn cảnh xuất thân..., tất cả mọi người Việt Nam đều có thể trở thành huấn luyện viên đội tuyển quốc gia. Cũng chừng ấy thứ không phân biệt thế, các nhà đầu tư Việt đều có thể trở thành chuyên gia phân tích, nhà bình luận kinh tế - tài chính - chứng khoán, thậm chí nhà chiêm tinh học…

    Người ta thích bóng đá vì ai cũng thấy nó quá dễ hiểu. Phần lớn dân đá bóng chả có năng khiếu gì, nhưng anh nào kể lại thời thơ bé cũng tự hào là đáng ra họ đã thành một ngôi sao lớn, chỉ vì số phận mà rẽ ngang sang nghề khác. Với nhà đầu tư Việt Nam cũng vậy, họ luôn là những nhà đầu tư đại tài cho đến khi tài khoản ở trạng thái… rỗng.

    Phút 89 làm nên chuyện luôn là mơ ước của người hâm mộ đội tuyển Việt Nam, nhất là trong những trận đấu với tuyển… Thái Lan. Cuối phiên bật dậy luôn là ước mơ của những nhà đầu tư có cổ phiếu nằm sàn.

    7 Quả bóng và cổ phiếu xứ ta là hai món mà khi người cầm trong tay, mong muốn duy nhất là được đá cho kẻ khác, đá càng mạnh càng thú.

    8 Hãy nhớ lại các trận bóng làng. Luôn luôn là những đứa giỏi nhất (hoặc có uy nhất) sẽ được đá tiền đạo, kém hơn một ít thì ở giữa làm tiền vệ, lau nhau cho làm hậu vệ, còn đứa nào tệ nhất đẩy xuống thủ môn. Đơn giản: chỉ tiền đạo mới có bóng để ghi bàn và dễ ghi bàn nhất. Vậy là đứa nào cũng hau háu lao lên để ghi bàn hoặc thể hiện kỹ thuật cá nhân, mong “đại ca” nhìn nhận lại. Cái cảm giác “ghi bàn” thường xuyên trong chứng khoán cũng thế. Nó ma lực lắm, gây ngứa ngáy chân tay lắm!

    9 Chơi chứng khoán ở Việt Nam, cái được để ý nhiều nhất là động thái của… ông lướt sóng chứ không phải dân dài hạn. Chơi bóng ở Việt Nam, đội được để ý nhất không phải là đội có cơ vô địch mà là cái anh bị đồn là ứng cử viên xuống hạng. Cả làng cứ tập trung “đập chết” hai anh một mùa là thoải mái kê cao gối mà ngủ.

    Vĩ thanh: Còn rất nhiều điểm trùng hợp thú vị nữa, xin bạn đọc bổ sung tiếp. Còn bây giờ có một tin vui xin được thông báo là ngay trước thềm đại hội VFF, anh Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc CTCP Thể thao - Bóng đá Bình Dương đã được Becamex IDC chính thức đề cử làm ứng viên Ban chấp hành VFF. Mình rất hy vọng bác Cao Chóng được vào Liên đoàn, có khi lại là cái điềm để bóng đá Việt Nam… chóng cao! Để rồi biết đâu đến ngày hoàng đạo 22.2.2022, ta lại được chứng kiến những cuộc tái hợp hoành tráng của người cũ, cảnh xưa.
    (ĐTCK)

0 comments: