Ngày tôi quyết định lấy Thăng, ai cũng can ngăn. Nhưng khi ấy, lý do mọi người đưa ra chỉ là vì anh đã có một đời vợ và một đứa con. Đối với tôi điều đó không quan trọng bởi từ lâu, tôi đã xem con anh như con cháu trong nhà. Thằng bé cũng quý tôi như ruột thịt của nó.
Lần đầu tiên tôi gặp cha con Thăng là khi đi đón đứa cháu ở trường mẫu giáo. Hôm đó bà chị tôi bận nên nhờ tôi đón dùm. Loay hoay thế nào, tôi quên mất, khi nhớ ra chạy đến trường thì đã gần 18 giờ. Sân trường vắng hoe, chỉ còn lại cháu tôi và một đứa bạn của nó cùng vị phụ huynh. Vừa trông thấy tôi, anh nói ngay: “Cô giáo của cháu có việc bận đột xuất nên nhờ tôi trông giúp”.
Vậy là chúng tôi quen nhau. Anh xin số điện thoại của tôi, thỉnh thoảng gọi hỏi thăm tôi. Trong một lần chuyện trò vô tình tôi biết anh đã ly hôn nên sau đó mạnh dạn nhận lời đi xem phim, đi uống cà phê với anh. Được hơn một năm thì anh ngỏ lời yêu tôi. Tôi không quá bất ngờ với lời tỏ tình của anh bởi tôi đã nhận ra tình cảm của anh ngay từ những lần đầu anh gọi điện cho tôi. Trong thâm tâm, tôi cũng chờ mong điều đó.
Thăng làm công chức hải quan nhưng trong mắt tôi, anh không giống những người làm công việc này mà tôi từng biết đến. Ba mẹ anh đã nghỉ hưu, sống thanh bạch cùng con cháu trong một ngôi nhà nhỏ mà lần đầu đến nhà chơi, tôi không nhớ đường về vì nó nằm sâu trong một con hẻm. Trên Thăng còn có hai người chị, dưới anh còn hai người em trai chưa lập gia đình.
Khi chúng tôi chuẩn bị cưới, ba tôi nói: “Nếu ba mẹ thằng Thăng cho phép thì tụi con xin ra ở riêng vì ba thấy nhà cửa bên ấy chật chội quá…”. Mẹ tôi thì bảo coi chỗ nào bán nhà trả góp thì mua một căn, mẹ cho mượn tiền.
Tôi chọn phương án của mẹ nhưng vay thêm một số tiền của các anh chị để trả đủ. Vậy là ngay sau đám cưới, chúng tôi dọn ra ở riêng. Trong chuyện này, anh là người sung sướng nhất. Anh bảo: “Công nhận vợ anh giỏi thật. Trước giờ anh chưa khi nào thoải mái như vầy. Mẹ thằng Tuấn cũng vì chung đụng va chạm nên bọn anh mới ly dị”.
Chúng tôi cưới nhau được 2 năm nhưng tôi vẫn chưa có bầu. Mẹ tôi giục: “Lớn tuổi rồi, đừng có kế hoạch nữa. Không đẻ bây giờ, mai mốt nó nín luôn thì hối hận con à”. Tôi nói với mẹ là tôi không có kế hoạch, chẳng qua là vì tôi chậm con thôi. Trong thâm tâm, tôi nghĩ chuyện này có nguyên nhân từ bản thân mình, bởi anh đã có thằng Tuấn nên chắc chắn không thể do anh.
“Không có cũng không sao em à. Anh không quan trọng chuyện đó đâu. Không có con, anh vẫn thương em mà”- khi tôi đề cập đến chuyện chậm con, anh nói vậy. Nghe thế, tôi không dám bảo anh đến bệnh viện với mình. Tôi càng thương và nể anh hơn. Gặp đàn ông khác lấy phải vợ vô sinh, có khi họ đã bỏ…
Mặc dù vậy, trong lòng tôi, nỗi khao khát có một đứa con của mình vẫn không lúc nào nguôi ngoai. Tôi tự đến bệnh viện một mình để kiểm tra. Các kết quả đều cho thấy tôi hoàn toàn bình thường. Vậy mà mãi cái que thử vẫn chỉ có một vạch…
Ngay lúc đó thì thằng Tuấn phát bệnh. Thoạt đầu nó ho, sốt, khó thở… tôi nghĩ nó bị cảm bình thường nên ra hiệu thuốc mua thuốc về cho nó uống. Thế nhưng bệnh không giảm. Đến bệnh viện thì mới phát hiện nó bị suy tim rất nặng. Thế là bao nhiêu tội lỗi, anh đổ hết lên đầu tôi. “Chỉ có mỗi chuyện trông con mà làm cũng không xong. Thằng Tuấn mà có bề gì, em không yên với tôi đâu”- anh quát lên ở bệnh viện.
Anh nói thế thì oan cho tôi quá. Tôi còn công việc ở công ty phải lo; còn chuyện nhà cửa, cơm nước và mọi thứ trong nhà nữa chứ đâu phải chỉ ngồi đó mà giữ con cho anh? Thằng Tuấn cũng đã lớn, nó đau bệnh ở chỗ nào thì phải nói tôi mới biết chứ tôi đâu phải bác sĩ mà thấy nó ho, khò khè thì biết có liên quan tới bệnh tim?
Thằng Tuấn được chuyển qua Viện Tim. Một người quen của tôi cho biết, giải pháp tốt nhất để điều trị di chứng van tim do thấp là phẫu thuật. Nhưng Thăng không chịu. Anh bảo, thằng Tuấn còn bé thế mà mổ xẻ nó không chịu nổi. Chỉ chuyện này mà chúng tôi gây nhau liên tục. Đến nỗi tôi bực quá, hét lên: “Thằng Tuấn đã 7 tuổi rồi chớ nhỏ nhít gì nữa đâu? Bác sĩ bảo mổ chớ có phải em nói đâu?”. Nghe vậy, anh cười nhạt: “Tôi biết bác sĩ nào rồi. Thôi, dẹp, tôi đem con ra nước ngoài chữa trị”.
Tôi tức thiếu điều… lộn ruột. Anh nói vậy là muốn ám chỉ vị bác sĩ bạn tôi. Hèn chi mấy hôm nay thấy thái độ của anh rất lạ. “Nè, anh đừng có ăn nói bậy bạ nghen. Không phải ai cũng xấu xa như anh đâu”- tôi bực bội bỏ ra ngoài.
Anh nhờ người quen làm thủ tục đưa thằng Tuấn sang Singapore. Xong đâu đó, anh bảo tôi: “Em chuẩn bị cho anh 50.000 đô”. Tôi tưởng mình nghe nhầm: “Cái gì? Em lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?”. Anh hất hàm: “Thì tiền tôi đưa em từ mấy năm nay chớ ở đâu? Tôi có ghi chép cả đấy”.
Có điên không chứ? Tiền đó không đủ lo cho cha con anh ăn uống, tiêu xài; lấy đâu ra mà dư? Mấy năm nay, tôi phải tằn tiện chi tiêu, dành dụm từ phần thu nhập của mình để trả nợ mua nhà. Vậy mà cũng mới trả hết cho mấy chị, còn số tiền nợ mẹ vẫn chưa trả được xu nào. Giờ anh nói vậy, tôi hết biết con người anh ra sao rồi!
Trong lúc nóng giận, tôi bắt đầu kể lể những điều đó. Thăng sượng sùng nhưng sau đó chống chế rằng cha con anh “không ăn nhiều như vậy”. Tuy nhiên, tôi không phải là kẻ hẹp hòi. Tôi cũng rất thương thằng Tuấn. Vậy là tôi quyết định bán nhà. Tôi đưa cho anh 1 tỉ đồng, số còn lại vừa đủ tôi trả cho mẹ. Tôi bảo anh: “Anh cứ lo chữa bệnh cho con đi, chuyện gì rồi sau này tính”.
Tôi không hi vọng gì với số tiền ấy mà có thể chữa bệnh cho con ở nước ngoài nhưng anh đã muốn thì cứ để anh làm cho hả dạ. Và thực tế đúng như vậy. Qua Singapore được đúng 1 tuần lễ thì anh quay về. Lúc đó tôi vẫn còn ở trong ngôi nhà đã bán vì chủ nhà cho phép tôi ở lại một thời gian trong khi chưa tìm được chỗ ở mới.
Anh bảo tôi: “Chi phí bên đó mắc quá, thôi đành phải trị ở đây vậy. Em nói dùm với anh bạn một tiếng…”. Tôi nhờ anh bạn lo thủ tục nhập viện và xếp lịch mổ. Thằng Tuấn đã đuối lắm rồi. Nhìn con, tôi chịu không nổi nên tiếp tục nhờ người quen thu xếp để mổ sớm. Thằng Tuấn được đưa bệnh viện Tâm Đức để mổ. Tổng chi phí chưa tới 100 triệu đồng.
Tôi lo chu toàn mọi thứ. Cho đến khi thằng Tuấn xuất viện, anh đòi đưa về ngôi nhà đã bán, tôi không chịu: “Cha con anh về nhà nội đi, tuần sau người ta lấy nhà rồi”. Anh ngập ngừng: “Vậy rồi… còn em?”. “Tạm thời em về nhà cha mẹ. À, hôm anh đi vắng, vợ anh, à mà không, mẹ thằng Tuấn có về đấy. Chị ấy bảo anh có cần thì liên hệ theo số điện thoại này…”- tôi đưa cho anh mảnh giấy ghi số điện thoại. Anh nhìn lướt qua rồi hỏi tôi: “Cô ấy có nói gì không?”. Tôi nhìn anh, bất giác mỉm cười: “Chị ấy bảo, ai biểu ngu ráng chịu!”.
Rồi không chờ anh ngạc nhiên, tôi đưa cho anh cái sơ-mi đựng giấy tờ: “Cái này của anh, em thấy trong tủ hôm dọn đồ đạc để chuẩn bị giao nhà. Thôi, hai cha con về đi. Xe tới rồi”.
Tôi nhìn theo chiếc taxi chở hai con người đã gắn bó với tôi hơn 5 năm qua kể từ buổi chiều ở trường mẫu giáo. Từ giờ trở đi, có thể họ sẽ thành xa lạ. Trong sơ-mi hồ sơ tôi đưa cho Thăng, có mấy cái đơn thuốc và giấy hẹn tái khám. Nếu không dọn nhà, tôi sẽ không bao giờ biết, anh đã bí mật đi thắt ống dẫn tinh. Tôi không hiểu vì sao anh lại muốn tướt đoạt quyền làm mẹ của tôi. Nhưng sau những gì vừa xảy ra, tôi đã nghĩ đến tờ đơn ly hôn.
“Ai biểu ngu ráng chịu!”. Tôi chua chát nghĩ tới câu nói của mẹ thằng Tuấn. Chị ta đã không chịu nổi sự tính toán của người đàn ông ấy và ly hôn. Còn tôi thì lại lao đầu vào.
Có ai đã từng yêu và ngu như tôi không?
Thục Quyên
0 comments:
Đăng nhận xét