26 tháng 2, 2010

Em đâu phải là người duy nhất

Em đâu phải là người duy nhất
thất bại trong tình yêu
Tình cứ đến trong ai
rồi đi...
những buổi chiều xạm bóng
Em đâu phải là người duy nhất
ôm giấc mộng
Để đến giờ
biển rộng quá
chơ vơ...

Phía chân trời ấy
mây quanh quẩn hững hờ
Văng nỗi nhớ càng xa bờ
tê tái...
Mảnh tình thừa nơi em
ngây dại...
quằn quại...
một niềm đau!...

Em đâu phải là người duy nhất
ôm mưa ngâu
Còn nhiều người như em
cũng u sầu
tuyệt vọng
mảnh tình họ mang theo
chỉ là chiếc bóng
không hơn!...

Họ làm gì
hay chỉ biết trách hờn?
Họ làm gì
hay chỉ biết gặm nhấm sự cô đơn sầu não?
Vẫn phải vượt qua!
Phải tự mình vượt qua!
Dù sự thật có muôn phần hung bạo
Gắng lên nào
Cơn bão sẽ hết thôi!

Thắp lên đi em
Niềm tin nơi bờ môi!

Song Duy

Hạnh phúc ở dưới chân


Trên thảo nguyên bát ngát, Cây và Cỏ luôn ở bên nhau, đồng hành và thân thiết.. Ngọn cỏ non đẹp dịu dàng như một nàng thiếu nữ đang uốn mình mềm mại với chiếc áo dài tha thướt xanh màu ngọc biếc, giản đơn và quyến rũ…

Cây cao lớn, sừng sững tựa một chàng trai lực lưỡng đang vươn những cánh tay dài chắc chắn, trải rộng tán lá khỏe mạnh ra xung quanh như bao bọc, chở che, như ôm lấy Cỏ vào lòng. Đầm ấm…

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi. Đến một ngày trời xanh hửng nắng, gió mát vi vu thổi, những áng mây trắng trôi bồng bềnh, phiêu lãng ở trên cao. Cây mơ màng, đưa mắt ngước nhìn lên phía những vì sao và nghĩ: “Đẹp quá, nơi đó phải chăng là thiên đàng?”. Cây quyết định sẽ đi đến đó, quyết định rời bỏ ngọn Cỏ, vươn cao mình lên phía những vì sao.

“Anh đi đâu vậy ?” - Cỏ cất tiếng hỏi khẽ.

“Tôi đi tìm những vì sao hạnh phúc” - Cây lạnh lùng đáp và cất bước ra đi. Cỏ im lặng nhìn theo, cúi đầu không nói. Cỏ ở lại một mình nơi triền đất thảo nguyên rộng lớn, còn Cây thì ngày càng vút cao và những cành lá ngày càng vươn xa. Bởi vì Cây mong một ngày đi đến bầu trời cao. Bởi vì Cây mơ ước một ngày được gặp các vì sao ngời sáng…

Khoảng cách của Cây và Cỏ cũng ngày càng xa hơn…

Cuộc sống lặng lẽ trôi đi. Cho đến một ngày, Cây đã trở thành bậc đại thụ sừng sững giữa thảo nguyên bát ngát nhưng vẫn chưa với được những vì sao cho riêng mình… Cỏ cũng không còn màu xanh nữa mà trở nên vàng úa, và lặng lẽ ở phía dưới cây cao.

Cây bắt đầu mệt mỏi nhận ra rằng mình không thể đi đến cái nơi bản thân vẫn cho là thiên đường hạnh phúc. Cây hối hận nhìn xuống phía dưới. Cỏ vẫn ngồi đó, vẫn đang vui đùa với những cánh hoa, vẫn đang thướt tha cùng muôn loài bướm.

Cây chợt cảm thấy nuối tiếc, hối hận khi hiểu: Hạnh phúc chính là điều mà Cây đã từng có và đánh mất. Cây buồn, nỗi buồn không thể nói cùng ai…

“Cây ở trên đó thế nào?” - Một ngày Cỏ cất tiếng hỏi thăm.

“Mọi thứ ở đây đều tốt. Được làm bạn với Gió và nghe tiếng chim hót líu lo. Cuộc sống muôn màu và rất là vui vẻ” - Cây ngẩng cao đầu trả lời ngọn Cỏ.

“Vậy là Cây đã tìm thấy những vì sao hạnh phúc ?” - Cỏ nhìn Cây hỏi tiếp.

Cây gật đầu đưa mắt nhìn Cỏ rồi khẽ mỉm cười quay đi, ngẩng cao đầu hướng về phía các vì sao lơ đãng. Không phải vì Cây muốn tiếp tục đi tìm hạnh phúc mà đơn giản, Cây đang cố tránh một ánh mắt nhìn. Vì Cây đang nói dối! Vì Cây biết mình cô độc. Vì Gió chỉ đến rồi Gió lại đi. Gió bỏ Cây ở lại và lả lơi thổi mãi chứ không bao giờ dừng lại. Và Chim cũng vậy, Chim không thể ở đó hót mãi cho Cây nghe.

Cây biết Cây là kẻ cô đơn nhưng cái bản tính kiêu căng vốn có đã không cho phép Cây hạ độ cao, thừa nhận sự nuối tiếc. Cây sợ phải xấu hổ, sợ tỏ ra mình yếu đuối. Vì thế, Cây mãi ngẩng cao đầu và không chịu nhìn xuống…

Cuộc sống lại lặng lẽ trôi đi… Cho đến một ngày, Bão đến! Cây đương đầu chống chọi. Bão gào rú, Cây ngả nghiêng rung chuyển. Bão thổi mạnh, Cây bật gốc lung lay. Bão cười, Bão đẩy nhẹ, Cây ngã xuống đổ gục, nằm yên trên thảo nguyên lạnh lẽo… Cây kiệt sức, lịm đi.

Hôm sau Bão hết, trời xanh lại hừng sáng. Cây mở mắt nhìn lên, bầu trời xa vời vợi, nhưng màu xanh của Cỏ thì lại thật gần, và ấm áp.

Cây chết, cỏ mọc xung quanh. Một thời gian sau nơi cây đổ xuống mọc lên một loài cây lạ. Và người ta đặt cho nó tên là cây Xấu Hổ. Một cây Xấu Hổ với cỏ mọc xung quanh.

"Đôi khi con người ta cứ mải mê lao mình vào cuộc kiếm tìm hạnh phúc để rồi có lúc chợt nhận ra rằng hạnh phúc đang ở ngay dưới chân mình nhưng lại không có đủ can đảm và không đủ dũng cảm để cúi xuống nhặt nó lên…"

(St)

Money Money Money (Kinh nghiệm cho người tham gia giao thông^^)

25 tháng 2, 2010

Chuyện vui năm Dần: Hổ ăn.. cám gà!


Cáo: Chào anh Hổ, năm nay là năm tuổi, đi đâu cẩn thận kẻo sứt nanh, mẻ móng, cụt râu đấy.

Hổ: “Náo”, thằng nào dám vuốt râu, sờ nanh hùm? Mà chú bằng vai phải lứa với anh từ bao giờ thế nhẩy?
Cáo: Em đâu dám, nhưng anh có nhớ cái lần em đi trước, anh theo sau, thiên hạ nhìn em chẳng sợ mất mật đấy à?

Hổ: Mày càng ngày càng “náo”, lần đó mày lừa tao, thiên hạ sợ tao, chứ sợ gì mày?
Cáo: Vâng, thì em chẳng bị mang tiếng “cáo mượn oai hùm” rồi là gì? Dưng mà thiên hạ cũng làm thế cả, đâu chỉ mình em. Bác có oai, thì em mượn tý. Mà cũng ơn... thần rừng, từ khi mượn được cái oai của bác, em làm ăn cũng phát tài, phát lộc.

Hổ: Mày mượn oai tao thì ơn tao, sao lại ơn cái lão thần đó?
Cáo: Thế không có rừng, bác sống ở đâu? Em mượn oai bác, bác sống nhờ rừng, thế là em ơn thần rừng. Em làm gì cũng có ngọn, có gốc, ăn quả nhớ kẻ... phun thuốc trừ sâu bác ạ!

Hổ: Mày chỉ hay lý sự, thế phát lộc, phát lá thế nào, nói anh nghe?
Cáo: Dạ, ơn bác, thế giới khủng hoảng, nhưng công ty em vẫn phi phăm phăm. Em còn được trao giải Ngôi sao thiên hà đấy bác ạ.

Hổ: Công ty chú sản xuất gì? Phim, băng đĩa hay là tranh?
Cáo: Dạ không ạ, mấy thứ đó cứ nghĩ đến là em buồn ngủ díp cả mắt, có hiểu gì đâu! Em làm... thức ăn chăn nuôi hiệu... Con Gà ạ!

Hổ: Ưm ưm, Hè hé he. Thức ăn Con Gà chứ con khủng long thì cũng liên quan gì đến Thiên hà?
Cáo: Bác đừng cười, vâng, em cũng như bác, chẳng hiểu sao người ta lại trao giải cho em. Hay họ nhầm hở bác? Mà bây giờ, mấy ông sản xuất tương ớt, nước mắm, bánh dày giò còn đoạt giải Trí tuệ, em có đoạt Ngôi sao thiên hà cũng là bình thường, bác ạ.

Hổ: Thôi thì kệ, thế chú mượn oai anh mà làm ăn được, bây giờ tính thế nào?
Cáo: Vụ đó em thanh lý sòng phẳng rồi mà. Bác không nhớ em đã chuyển mấy em... nai cho bác chén rồi còn gì?

Hổ: Nhỏ cái mồm, mày cho tao mấy cái đùi nai, chứ không phải cả con nai.
Cáo: Dạ, hơn bốn chục cái đấy bác ạ, mà đùi là chỗ ngon nhất rồi còn gì, như thế khác nào em biếu bác cả đàn nai. Em không đưa cả con cũng là vì bác đấy...

Hổ: Sao lại vì tao?
Cáo: Bác đúng là... “Luật rừng” đã quy định, nhận cả con nai là ăn hối lộ, nhưng nhận cái đùi thì chỉ là “tình cảm” thôi. Bác hiểu chửa?

Hổ: Hóa ra là vậy, nhưng không giết thịt con nai thì lấy đâu ra đùi?
Cáo: Thế mới hay, cái đó gọi là “lách”, lách luật đấy.

Hổ: Tóm lại là bây giờ chú có định “bồi dưỡng” anh gì không, vòng vo mãi.
Cáo: Ối giời cao đất đắt ơi, nhìn lại bản thân đi, bác bự thế kia, “bồi dưỡng” làm gì, ăn nhiều không sợ mắc bệnh béo phì à?

Hổ: Tức là không chứ gì? Từ nay đừng lôi tao ra dọa nạt, bắt thiên hạ phải xơi cái món thức ăn Con Gà của mày nữa nhé!
Cáo: Lại nóng rồi, là nói thế, thôi để em biếu bác mấy cây đa, cây si hay vài suất du học nhé?

Hổ: Những thứ đó trong rừng có mà đầy.
Cáo: Ối giời, bác ngây thơ quá. Bây giờ có cái cây bạc tỉ, có suất du học mấy chục ngàn Đô đấy, ông anh ạ.

Hổ: Thật thế à? Nhưng thôi, chú cứ cho anh cái gì... chén được luôn ấy. Mà này, mấy đùi nai bữa nọ ngon thật, trắng phau phau, cứ ngồn ngộn, nghễu nghện, bây giờ vẫn thấy thèm. Nhưng đưa gì thì kin kín vào, sau vụ đó, anh bị chúng nó dập cho te tua, bảo cho chừa cái thói ăn mảnh...
Cáo: Oanh liệt cỡ như bác mà bị chúng nó coi thường thế à, kể cũng ức. Nhưng hổ hay cáo cũng đều có số cả, bác đừng buồn. Mà cũng tại bác, ăn xong thì lau miệng, về rừng đi, xuống đồng bằng làm gì. Bác không nghe câu “hổ xuống đồng bằng bị chó khinh” à?

Hổ: Có nghe, nhưng nghe xong lại quên. Mà đồng bằng nó hấp dẫn quá, mời gọi quá. Chú tính, bao năm sống nơi rừng rú, tưởng là thiên đàng, chợt một ngày nhận ra, thiên đàng còn chưa đặt chân đến, cưỡng lại sao nổi?

Cáo: Hóa ra bác cũng như em. Có lần em xuống đồng bằng, thấy chùm nho, thèm chảy nước miếng, nhảy lên vồ, bươu cả trán, gẫy cả chân mà không được. Nhưng em có cái khác bác, lấy không được thì bỏ đi, chứ không cố quá thành quá cố.

Hổ: Riêng cái vụ đó anh không tin chú.
Cáo: Bác nghi em ở điểm nào?

Hổ: Cáo mà lại thích ăn nho? Chú vờ vịt thôi.
Cáo: Hô hô hô, chịu tài bác. Thôi thì em khai thật. Em có thích thú gì cái chùm nho đó, tại lúc ấy trời tối quá, nhìn chùm nho em cứ tưởng con gà tơ đang ngủ trên cây, vậy là nhẩy vào vồ. Vồ rồi mới biết, biết thì đã lỡ, lỡ rồi thì cho lỡ luôn. Thanh minh làm gì, thiên hạ lại bảo ngu. Với lại cáo mà ăn nho, cũng thấy sang cái mồm. Hoa quả thường thanh tao hơn thịt cá, bác ạ.

Hổ: Đúng là xảo trá như cáo. Anh không giống chú, anh thật thà như đếm.
Cáo: Nanh bác to thế, vuốt bác sắc thế, tiếng gầm bác hoành tráng thế, bác cần gì phải dối trá với ai? Phận cáo như em mới phải chui chỗ này, lách chỗ kia để có thể tồn tại chứ? Nói vậy, dưng mà em cũng chả tin bác lắm đâu. Có lần bác chả chui vào cốp xe, lẻn về đồng bằng là gì? Thiên hạ bảo bác xuôi cho biết, nhưng em biết tỏng bác về đó làm gì. Bây giờ bác biết bác có giá, nên cũng định lập lờ, tráo cao khỉ bảo cao hổ, kiếm chút đỉnh chứ gì?

Hổ: Oan, vụ đó là do mấy thằng buôn hổ, bán rắn thấy lợi mờ mắt, nó dùng kế “điệu hổ ly sơn”, tống anh vào xe, chứ anh có phải hổ điên đâu mà tự chui vào?
Cáo: Thế lúc ấy ông cụ nhà bác đâu?

Hổ: Ở rừng chứ đâu.
Cáo: Sao bác không tê – lê – phôn cho cụ một tiếng, cụ mà ra... chân thì có đứa mất mặt ấy chứ.

Hổ: Ừ, nhưng anh với cụ lại xung khắc, chung quy cũng chỉ vì thằng hổ em, nó chiếm lãnh địa của anh, anh vả cho một phát, vậy là ông cụ giận, từ luôn.
Cáo: Nhưng có câu “hổ dữ không ăn thịt con”?

Hổ: Thì cụ có ăn đâu, cụ để cho thằng khác ăn đấy chứ. Phận con nuôi như anh chỉ vậy thôi.
Cáo: Hoá ra con gì nuôi cũng đều làm thịt nhỉ? Rồi sao anh thoát được mà về với rừng?

Hổ: Khi anh trúng kế, mấy thằng đó bắt anh, trói lại. Một mình anh tuy khỏe, nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”, đành chịu thua. Sau có ông thầy tu đi qua, anh phải khóc lóc mãi, ông ấy mới cởi trói, lại cho mượn cái áo. Anh giả dạng thầy tu mới thoát được đấy. Nhưng sau bận ấy, thoát được về rừng, anh buồn lắm.
Cáo: Về rừng là về nhà, thỏa sức rong chơi, sao lại buồn?

Hổ: Bây giờ bọn muông thú không còn coi anh ra gì nữa, chúng bảo anh là con... hổ giấy, thế mới đau.
Cáo: Muông thú không sợ anh nữa à... Thảo nào thức ăn hiệu Con Gà của em dạo này bán chẳng thằng ma nào mua...

Hổ: Có chuyện đó nữa...
Cáo: Thôi bây giờ đi đâu, bác đi trước, em theo sau nhé?

Hổ: Sao phải vậy?
Cáo: Thì bác đã là con hổ giấy, em đi trước, nhỡ thằng nào ngứa mắt khực em một cái, em tiêu còn gì.

Hổ: Cả chú cũng vậy à? Còn mấy cái cây chú hứa cho anh thì sao?
Cáo: Dạ để em... về trồng, khi nào nó thành cổ thụ, em biếu bác nhé? Hay bác làm tí thức ăn hiệu Con Gà của em, thứ đó em đang... sẵn?

Hổ: Hổ mà ăn cám gà! Đúng thật là “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”!

(St)

24 tháng 2, 2010

Lịch "chơi hội" tháng Giêng


Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Ngoài một số lễ hội đã quá nổi tiếng như Lễ hội chùa Hương (từ 6/1(AL), Hội Lim (từ 13-15/1), chợ Viềng Nam Định (7-8/1), bà Chúa Kho (14/1)... vẫn còn rất nhiều lễ hội khác, không kém phần độc đáo. Mỗi năm có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ các loại, 80% số này là các lễ hội dân gian và đa số là diễn ra vào mùa Xuân. Hãy chọn cho mình một vài lễ hội trong những lễ hội dưới dây để khởi hành cho những chuyến du Xuân mới mẻ này.

- Lễ hội Cổ Loa (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) khai mạc từ hôm nay (6/1) và sẽ kéo dài đến 16/1. Đây là lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Hội có nhiều nghi thức và trò chơi như rước kỳ mục tế thần của 12 xóm, trò đánh đu, cờ người, hát chèo...

- Hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) thờ Thánh Gióng diễn ra từ mùng 6 - 8/1, trong đó có một màn độc đáo là lễ rước voi của nhân dân thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược (Sóc Sơn). Năm nay, lễ hội hứa hẹn sẽ vui hơn khi tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi Sóc đã được khởi công và sẽ khánh thành kịp 1.000 năm Thăng Long.

- Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ khai mạc vào mùng 10/1 và kéo dài trong 3 tháng mùa Xuân. Lễ hội là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử - chùa Ðồng.

- Hội đánh phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra từ 12 đến 13/1 là lễ hội tưởng nhớ công chúa Thiều Hoa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tương truyền tục này có từ thời bà Thiều Hoa dạy quân lính và dân làng chơi phết để rèn luyện tinh thần thượng võ. Quả phết tròn đẽo gọt bằng gốc tre được chủ tế hoặc ông từ đưa lên cúng trên hương án đình làng sau đó đưa ra bãi hội đặt xuống hố. Trai đinh hai làng được chia hai phe dùng gậy gốc tre có khoèo, khoèo ngoắc quả phết lên khỏi lỗ rồi hai bên xông vào cướp trong tiếng trống rền và dân làng hò reo rung động trời đất.

- Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) diễn ra từ 16-17/1. Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa nhất (tương truyền có từ thời Hùng Vương) còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính cay cú ăn thua của con người, không có việc trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược...

- Hội vật võ Liễu Đôi (xã Liêm Túc, Thanh Liêm, Hà Nam) diễn ra từ 5-10/1, thờ ông thánh hộ Đoàn, ông tổ vật võ của làng. Nghi thức có lễ rước thánh, lễ trao gươm, múa cờ tụ nghĩa...

- Hội đền Và (Sơn Tây, Hà Nội, gần làng cổ Đường Lâm) diễn ra vào ngày 15/1, là lễ hội tưởng nhớ Tản Viên Sơn Thánh. Hội có rước thần, tế thần, lễ hội đánh cá trên sông Tích...

- Hội đình Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) diễn ra từ 14- 23/1 tưởng niệm Hổ Lâm Lầu, người có công chống giặc Minh. Hội có thi lợn, dưa hấu và các trò diễn xướng dân gian. Theo tục lệ, dân làng phải kén giống và nuôi lợn sao cho thật béo để đem đi tế thần. Những con lợn này, thường được gọi là ông Ðô, dài trên một thước, béo mập, đều là loại lợn đen tuyền, ông Ðô nào chỉ có một chiếc lông trắng cũng bị loại.

- Hội Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) diễn ra từ 21-22/1 có rước xách, tế lễ, đấu vật, chọi gà và đặc biệt là hát quan họ. Thổ Hà được coi là một trong những làng quan họ gốc của tỉnh Bắc Giang, cho nên trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài trích diễn các tích tuồng cổ, quan họ từ nhiều nơi trong vùng cũng về tề tựu ca hát. Có lẽ cũng từ nét độc đáo đó mà lễ hội Thổ Hà còn được gọi là hội “đến hẹn lại lên”.

- Hội hoa Vị Khê (Nam Điền, Nam Trực, Nam Định): diễn ra từ 20-30/1 tại Vị Khê là nơi trồng hoa truyền thống lâu đời. Hội giới thiệu hoa, cây cảnh và có các trò vui như vật, chạy thi, biểu diễn nghệ thuật...

- Hội đền Bắc Lệ (Hữu Lũng, Lạng Sơn) diễn ra từ đầu tháng Giêng đến giữa tháng Hai. Chúa Bắc Lệ là bà chúa cai quản rừng xanh, một trong những vị thần của Đạo Mẫu, do đó có nhiều hoạt động lễ bái, lên đồng...

(St)

23 tháng 2, 2010

Khoảng lặng



Em đã nói em không thể yêu anh
em đã cố nhưng không thành duyên được
để mộng ước mãi chỉ là mộng ước
để bây giờ gió xối ngược vào tim

Dù thế nào anh cũng cảm ơn em
đã cho anh những phút giây mộng ước
dẫu bây giờ trên tay nhòa giọt nước
dẫu chẳng bao giờ nhịp bước bên nhau

Anh đã hiểu thế nào là nỗi đau
nhưng không trách không trách đâu em ạ
như mùa thu cây vẫn xa rời lá
phai sắc vàng cho phố xá buồn hơn

Tận đáy lòng anh muốn nói cảm ơn
cái thời khắc hoàng hôn về trên phố
sương lan man sương làm mềm lá cỏ
phố lên đèn càng rõ nửa vầng trăng

Càng về đêm sự vắng lặng càng tăng
đừng hỏi phố thức thao chằng chịt thế
tiếng sương rơi hay tiếng lòng đổ lệ
hư vô kia anh tự vẽ cho mình...

Song Duy

22 tháng 2, 2010

Hoa Đào ngày Xuân bên Lăng Bác






(Photo by H72)

Gửi người con gái anh yêu! (Tiếng cười đầu Xuân)


Hà nội một ngày buồn như con chuồn chuồn, tháng chán như con cá rán, năm đen như con mèo hen.

Em yêu dấu, người em như cái đấu, tóc em xù như lông gấu, tuy em hơi cá sấu nhưng anh vẫn yêu em nung nấu. Ðêm nay ngồi sửa xe mãi mà chẳng được, ngủ thì chẳng xong, nhìn trăng cao tít mít, anh quyết ngồi cong đít viết thư cho em, không gian bốn bề im ắng chỉ có tiếng ếch kêu và âm thanh như tiếng đàn violon du dương nhẹ nhàng của đàn muỗi đang vây quanh anh.

Em có biết rằng anh nhớ em nhiều lắm không? Anh ăn không ngon nhưng ngủ như điên, anh đi giầy quên đi tất, ăn sáng quên đánh răng, anh dùng xăng vo gạo, anh khờ khạo cũng chỉ vì yêu em đó.

Khổ thân anh khi chúng bạn toàn là những đứa không có nhà phải ở trong biệt thự, không có xe đạp mà phải ngồi lăncuđơ, không có tiền mà phải xài card.

Anh thì cái gì cũng có chỉ không có mỗi tiền. Anh xin tình nguyện dâng hiến cho em tấm thân trong trắng như tờ giấy than của anh cho em. Tấm thân của anh tuy đang mang trong người hai dòng máu nhưng vẫn còn là hàng xài được một số thứ. Anh chỉ muốn những gì của em là của anh và những gì của anh là của riêng, của nhầm là của chung. Em có biết rằng anh yêu em từ khi anh thấy em lon ton như con chó con cùng mấy đứa bạn cùng là lũ quỷ cái đánh một thằng bạn nhỏ xíu. Anh sẽ làm tất cả để cho em vui. Ranh ngôn có câu : "Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều, đào cống và lấp bể, cố làm cũng thành không".

Em đừng buồn vì những lời bạn anh nói nhé, nó nói em :" Nhìn xa cứ tưởng con người, nhìn gần mới biết đười ươi xổng chuồng". Anh đau lắm nhưng không sao, bôi cao sẽ khỏi, không khỏi ăn tỏi sẽ hết, không hết cho chết là vừa.

Về nhà anh không nuốt trôi cơm cố gắng lắm mới chỉ có 6 bát phở. Một lần và mãi mãi anh muốn nói với em rằng anh yêu em như que kem mút dở, như dưa bở với đường, như lọ tương ngâm cà pháo, như con báo với cánh rừng, như muối vừng với lạc, như lão Hạc với con chó vàng ...

Thôi mệt quá rồi anh đành phanh bút ở đây. Chào em và yêu em nhiều, chúc em gặp nhiều ác mộng, anh sẽ hiện ra để cùng em chạy trốn.

Hôn em như cún con hôn mèo con!

(St)

"BỘ SƯU TẬP"...LỜI CHÚC ĐẦU XUÂN !

1.
Năm hết,Tết đến
Rước lộc vào nhà
Quà cáp bao la
Cả nhà no đủ
Vàng bạc đầy tủ
Gia chủ phát tài
Già trẻ gái trai
Sum vầy hạnh phúc
Cầu tài chúc phúc
Vạn sự bình an
Năm mới an khang
Giàu sang phú quý

2.
Năm mới chúc nhau sức khỏe nhiều
Bạc tiền rủng rỉnh thoải mái tiêu
Gia đình hạnh phúc bè bạn quý
Thanh thản đi chơi mỗi buổi chiều

3.
Cốc cốc cốc cốc
Tài lộc đến nhà
Trâu vàng đi qua
Hổ vàng đã tới
Chúc mừng năm mới
Thịnh vượng an khang
Gia quyến bình an
Cát tường như ý
Vinh hoa phú quý
Cung hỷ tân xuân

4.
Happy New Year
1 năm như ý
4 quý như mơ
12 tháng bất ngờ
48 tuần hạnh phúc
365 ngày mạnh khỏe
8760 giờ tràn niềm vui
525600 phút ngập tiếng cười
31536000 giây đầy ý nghĩa
3153600000 tích tắc rực rỡ thành công

5.
Xuân Canh Dần, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới
1000 năm Thăng Long Hà Nội
120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
80 mùa xuân của Đảng
35 mùa Xuân trên TP HCM...
Và trên hết là mùa Xuân bất tận

6.
Chúc mừng năm mới
Một bầu trời sức khỏe
Một biển cả tình thương
Một đại dương tình bạn
Một điệp khúc tình yêu
Một người yêu chung thủy
Một sự nghiệp sáng ngời
Một gia đình thịnh vượng

7.
Cốc cốc cốc cốc
Canh Dần gõ cửa
Tiền lộc đầy nhà
Hạnh phúc chan hòa
Nụ cười rạng rỡ
Tình yêu rực lửa
Sức khỏe dồi dào
Làm ăn tấn tới

8.
Goodbye 2009. Welcome 2010!
Sức khỏe dồi dào
Hạnh phúc thêm cao
Tiền vào như nước
Thành công đến trước
Lộc rước theo sau
Tiền tài bảo nhau
Xếp hàng đi tới
May mắn tiếp nối
Bằng hữu khắp nơi...

9.
Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khỏe, tết an khang

10.
Một chúc phát lộc phát tài
Hai chúc tiền của mỗi ngày mỗi cao
Ba chúc sức khỏe dồi dào
Bốn chúc đi lại đường nào cũng thông
Năm chúc hạnh phúc mặn nồng
Sáu chúc may mắn ước mong đạt thành
Bảy chúc suôn sẻ kinh doanh
Tám chúc con cháu học hành tiến lên
Chín chúc giàu có lâu bền
Mười chúc trường thọ tuổi tên rạng ngời

11.
Canh Dần, chúa tể rừng xanh
Chúc một năm mới an lành, tươi vui
Buồn phiền, tật ách đẩy lùi
Vận may, tài lộc tự chui vào nhà
Bao nhiêu dự định đã qua
Năm nay kết trái, nở hoa đầy vườn

12.
Cung chúc Tân niên
Sức khỏe vô biên
Thành công liên miên
Túi luôn đầy tiền
Sung sướng như tiên
Trăm sự như ý
Nghìn việc như mơ
Vạn điều bất ngờ
Triệu lần hạnh phúc

12 tháng 2, 2010

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2010!






CUNG CHÚC TÂN XUÂN
VẠN SỰ NHƯ Ý

Bánh chưng Tranh Khúc - Đi tìm tuổi thơ tôi!

Có lẽ mình là một trong những người may mắn được là thế hệ cuối cùng được hưởng chế độ bao cấp, một chế độ mà ở đó mọi người được sống trong môi trường "định xuất". Cơm áo, gạo tiền, củi lửa... đều được phân phối qua chế độ tem phiếu. Gạo mỗi người được mua 13-15kg/tháng. Vải 4m/năm. Thịt 3 lạng/tháng (nếu ăn thịt thì thôi ăn mỡ, và ngược lại), mua dầu thì thôi mua củi, mua củi thì không được mua than. Mắm muối, tương cà, nước mắm, mì chính đều được mua tại cửa hàng thực phẩm của nhà nước bằng tem phiếu. Được ăn bữa cơm có thịt là sướng lắm rồi, nên cái kẹo lạc mua ở hàng nước vỉa hè nó ngon đến khó tả mỗi khi được ăn...

Vậy nên mỗi độ xuân về, tết đến, mỗi gia đình đều được mua một túi quà, gọi là quà Tết. Trong đó có một hộp mứt thập cẩm, một bao thuốc lá Thủ Đô, một gói trà, một miếng bóng, một túi mì chính nhỏ và một ít bánh quy...

Khi đó mình còn bé lắm nên rất thích Tết. Tết được may quần áo mới, được ăn bánh quy và đặc biệt được ăn mứt. Mứt hồi đó sao ngon thế, được miếng mứt bí không dám nhai, chỉ ngậm thôi. Ngậm càng lâu càng thích...

Chả bao giờ quên được cái viên mứt lạc, tròn như hòn bi ve, ăn chả dám ăn vì tiếc, cầm mân mê trong tay đến chảy nhão nhoét rồi mới dám ăn.

Trên tất cả, có lẽ nồi bánh chưng là mình thích nhất. Đầu phố nhà mình có cái vườn hoa bé thôi, cứ khi nào thấy người ta dựng lên ở đó một ngôi nhà tạm là mình biết Tết sắp đến rồi. Ngôi nhà đó họ để chuyên bán lá dong. Mua lá dong cũng phải có tem phiếu mới được. Vì là độc quyền nên khi mua cũng phải khéo nói với cô "mậu dịch viên" thì mới được bó lá to, còn không thì...ôi thôi, lá vừa bé lại vừa rách. Có lá rồi lại phải tính đến củi, củi hồi đó khan lắm nên người dân phải tính đến mùa lá rụng là phải tranh thủ gom lại rồi phơi khô để mà đun, nhà nào có cái ghế hỏng vứt ra đường thì lập tức sẽ có người ra lấy ngay để làm nhiên liệu đốt.

Củi lửa thì khan như thế mà nồi bánh chưng lại phải đun đến 10 tiếng đồng hồ nên năm nào cũng vậy, ngoài số củi được mua theo tiêu chuẩn thì bố mẹ mình lại lục tìm trong nhà xem có cái gì bỏ đi mà có thể đốt được thì mang ra hết. Nồi bánh chưng thì to, đun sôi ùng ục mà cũng phải khéo đun lắm thì mới tiết kiệm được củi.

Cả ngày từ sáng đến tối phải chuẩn bị nên không khí tết vui lắm, vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, tưởng đơn giản mà rất mất thời gian, đến khi gói thế nào mình cũng được gói riêng cho một cái bé bé xinh xinh vì là út của gia đình.

Mọi việc xong xuôi cũng phải 7h tối mới có thể bắc nồi lên được. Cả nhà phải thay phiên nhau để mà thức đun qua đêm. Nhớ lắm những lần ngồi trông nồi bánh chưng. Khuya rồi bố mẹ giục đi ngủ mà vẫn không nghe, cứ ngồi đấy để nghe kể chuyện cho đến khi ngủ quên lúc nào không biết. Sáng ra, bánh đã được vớt, ép, và treo khắp đầy nhà. Mà sao hồi đó ăn khỏe thế, nhà nào cũng gói từ 3 đến bốn chục cânm gạo, tính ra đến mấy chục cái bánh, mà cũng lạ, đẳng cấp giàu nghèo đều được tính bằng số bánh nhà đó gói trong dịp Tết...

Tuổi thơ qua đi, năm tháng cũng qua đi, người Hà Nội bây giờ ít nhà nào gói bánh chưng nữa mà chỉ ra chợ mua là có ngay. Nhà mình cũng vậy, có năm chỉ mua có 4,5 cái mà ăn không hết, để mốc xanh lại phải bỏ đi, phí của giời...

Tối hôm trước thấy VTV3 giới thiệu về làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, mình đã muốn về đây chụp ảnh rồi. Tối về làm ảnh trên máy, con gái đứng cạnh hỏi "Làm bánh chưng hả ba? Làm thế nào ba nói cho con biết đi...".

Từ câu nói đó của con gái mà mình mới có bài viết này...


































(Trích Blog một NĐT tại IRS)

Cảm xúc mùa xuân


Mùa xuân này sao đẹp thế em
Anh thấy lòng mình xao xuyến lạ
Có phải mùa xuân thắm trên chồi lá
Hay ấm lòng anh bởi có em

Anh đắm say trong sắc tươi nguyên
Của mùa xuân, của lòng em rạo rực

Xin em hãy cười
Đừng để khoé mắt
Gợn nét buồn che khuất vầng trăng

St

Bánh chưng trắng ở Đức


Chúng tôi đi ngủ lúc 11 giờ đêm, sau khi anh đã loay hoay giúp tôi với công cụ ép gỗ để ép ba cái bánh chưng cho rền. Tôi lên giường vẫn còn buồn cười mãi với câu hỏi và ánh mắt ái ngại của chồng: "Sao ở Việt Nam lại có một món ăn phải làm vất vả thế nhỉ?'

Xa quê nên trong tôi luôn có những nỗi nhớ chế ngự. Những món ăn, những bữa ăn khi còn ở nhà thật quá đỗi bình thường, thậm chí có lúc chỉ ăn cho xong việc, từ lúc nào đã thành ký ức mỗi khi nghĩ về quê nhà.

Càng về cuối năm, giữa những bản tin thời sự, thi thoảng đã xuất hiện dòng tin đồng bào trong nước nơi này, nơi kia chuẩn bị các hoạt động đón Tết. Tiếng hát ngộ nghĩnh "Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ" của các em bé khiến Tết như đã đến đâu đó ngoài cửa.

"Tết" - một từ ngắn ngủi mà gợi nhớ bao điều, nào hoa mai, hoa đào, nào giò, nào chả, nào mứt... Và nếu thiếu bánh chưng, Tết như mất hết phong vị của mình. Câu hát quen thuộc thôi thúc tôi nghĩ đến việc làm bánh chưng Tết.

Nghĩ là làm ngay, trong nhà có sẵn gạo nếp, thịt heo, chỉ tiếc không có đậu xanh Việt Nam, cũng đành thay bằng đậu vàng của Đức. Loại đậu này màu vàng, hạt tròn dẹt, ăn không thơm như đậu xanh của mình.

Đang thái thịt thì anh xuống rủ đi dạo. Tôi nói, đợi một lát. Anh bật tivi xem và kiên nhẫn chờ. Một lát của tôi hơi lâu, vì vừa làm vừa phải lần theo trang hướng dẫn gói bánh chưng tìm được trên Internet.

Phải mất gần một giờ vật liệu mới tạm ổn, này nhé: thịt ướp xong cất tủ lạnh, gạo nếp ngâm nước nóng, đậu vàng Đức cũng ngâm nước nóng, đãi vỏ. Sau ba giờ có lẽ sẽ gói được. Ngay từ đầu đã biết không có lá chuối hay lá dong, bánh chưng mà không có lá để gói có ra bánh không trời! Khốn khổ, đến dây gói cũng không có. Mặc kệ, công nhận tôi ứng biến cũng nhanh ra phết. Trong lúc bí bách, các sáng kiến cứ "xèn xẹt" trong đầu. Tôi đi lên tầng mái, ở đó cái thùng gỗ, nơi cất tất cả đồ trang trí cho cây thông Giáng sinh, trứng và thỏ cho ngày lễ Phục sinh. Tôi nhủ thầm với Ông già Noel "Xin phép ông cho em mượn đỡ cuộn dây gói quà để gói bánh". Một hộp nhựa nhỏ thay khuôn, giấy bạc thay lá dong, thêm một lớp nilon gói thực phẩm nữa. Xong khâu vỏ bánh.

Thời tiết tuyệt hảo cho chuyến đi dạo cuối tuần. Ánh mặt trời không gay gắt, gió nhẹ, hơi se lạnh. Anh muốn đi vòng anh thích nhất, nghĩa là xuống Bandorf vào bìa rừng, rồi quay về con đường ngang qua sân vận động. Tôi lại thích đi dọc theo sông Rhein, vì muốn lấy thêm ít hoa cỏ lau về làm hoa khô, một công đôi chuyện.

Mới ra khỏi nhà chừng 500 mét, hình ảnh mấy cái bánh chưng cứ lởn vởn trong đầu. Không biết lượng gạo và đỗ đủ chưa; gói bằng giấy bạc, luộc lâu như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe không; gói xong lấy gì ép bánh...

Càng đi càng phân tâm, không chú ý đến phong cảnh đã đành, mấy chuyện anh kể cũng lơ đãng. Đi thêm gần 1km nữa thì "bánh chưng" không chỉ lởn vởn mà đã bám chặt vào tâm trí tôi. Có lẽ trên internet ai đó sẽ có vài ý kiến hay về chuyện gói bánh trưng ở nước ngoài. Ý nghĩ được thân thể ủng hộ hay sao ấy, tự nhiên người tôi khó chịu, chân tay nặng như chì. "Anh ơi, em mệt, mình về đi". Nhìn chồng luyến tiếc buổi dạo chơi dang dở, tôi cũng có chút áy náy, nhưng nỗi háo hức khác đã áp đảo ngay.

Về nhà, việc đầu tiên tôi vào các diễn đàn của người Việt xa quê và không khó để đọc được vô số kinh nghiệm ứng biến. Tìm mãi, nhưng không hề thấy ai đó đã có kinh nghiệm gói bánh chưng bằng giấy bạc. Thôi, tôi đành làm người tiên phong vậy.

Đúng 5 giờ chiều, tôi có 3 cái bánh chưng vuông vức, sáng choang, sẵn sàng để đem luộc. Ở quê nhà cũng vậy, vào khoảng 28 hay 29 Tết, các anh chị của tôi dù bận đến mấy cũng gói bánh chưng, nên tôi nhớ hình như phải nấu từ tối đến sáng mới xong. Thế nhưng đấy là nói về chuyện gói bánh Tết cho cả nhà và làm quà tặng đến ba chục cái to đùng. Của tôi chỉ có 3 cái nhỏ, có lẽ luộc khoảng 5 giờ sẽ xong. Trong khi chuẩn bị bữa ăn tối, cứ nghe tiếng nước nồi bánh sôi sùng sục, lòng tôi cũng như có tiếng reo vui. Tôi sống lại trong ánh lửa bập bùng đêm cuối năm luộc bánh. Tiếng ba mẹ hối thúc đi ngủ, tiếng con trẻ í ới phản đối, vì phải thức chờ những chiếc bánh tí hon của chúng.

Chúng tôi đi ngủ lúc 11 giờ đêm, sau khi anh đã loay hoay giúp tôi với công cụ ép gỗ để ép ba cái bánh chưng cho rền. Tôi lên giường vẫn còn buồn cười mãi với câu hỏi và ánh mắt ái ngại của chồng: "Sao ở Việt Nam lại có một món ăn phải làm vất vả thế nhỉ?'

Năm nay, tôi đón Tết với bánh chưng... trắng. Chưa bóc nhưng tôi biết chắc thế rồi, vì giấy bạc không thể cho ra màu xanh non của lá in vào hạt nếp được. Thế đã sao nào! Tôi biết, tối nay tôi ngủ ngon vì được "no" nỗi nhớ và an lòng bởi cũng có Tết của riêng mình.

Grbinhnguyen sưu tầm

Clip giao lưu Tất niên (Phần II)



Quay phim: XT

Clip giao lưu Tất niên (Phần I)



Quay phim: XT

11 tháng 2, 2010

Vui như Tết


Mọi người vẫn ví vui như Tết. Vậy mà oái oăm thay, khối người lại bảo:
- Sợ nhất là ngày Tết.

Có người còn ước:

- Giá như mười năm mới có một lần Tết thì sướng biết bao...

Ờ, ý muốn của con người thật vô cùng, nói thế nào cũng được. Lạ thế, Tết được nghỉ ngơi, có thời gian đi thăm bạn bè, họ hàng mà lại bảo không sướng, lại còn sợ. Cái sướng cái khổ là tự mình mà ra cả, chứ cái Tết nó làm gì mà phải sợ nó.

Người nghèo sợ Tết vì tủi thân, khi thấy món quà năm mới biếu bên nội, bên ngoại không được đầy đặn. Thương ông bà, tổ tiên nơi chín suối tủi phận vì mâm cỗ của con cái nhà mình dâng không bằng của nhà hàng xóm. Thương cái áo mới của con mình xấu hơn con người. Tủi khi nhà mình vắng bóng đào quất...

Người ham địa vị vừa sợ mà cũng vừa thích ngày Tết. Sợ vì phải tất bật suốt mấy ngày trước Tết, lo chạy ngược chạy xuôi mang quà tặng sếp này biếu sếp kia chóng cả mặt, chẳng lo được việc gì cho gia đình. Sau Tết cũng chẳng được nghỉ ngơi lại phải đi chúc gặp mặt các sếp, mong sếp nhớ rõ mặt mình với tấm lòng thành của mình...

Sợ đấy, nhưng cũng thích. Vì Tết mới có dịp để bày tỏ tình cảm của mình với sếp. Vất vả, tốn kém để mua về sự phập phồng lo không biết có được cơm cháo gì không.

Người có địa vị cũng vừa sợ vừa mong cái Tết đến. Họ mong nhận được quà nhưng lại sợ phải đi ăn. Hết nơi này đến nơi kia, hết người này đến người khác mời ăn để tỏ lòng biết ơn.

Không đi không được. Phải đi để còn hứa hẹn sao cho xứng đáng với những phong bao mà mình đã nhận. Nhưng bụng nào mà nhét cho được. Người đói thì sợ đói. Nhưng người no thì sợ no gấp bội phần.

Người sợ Tết nhất phải kể đến cô em gái của tôi. Mới giữa năm cô nàng đã rên lên: Trời ơi, em sợ đến Tết quá... Ai cứu em với...

Năm nào cô cũng phải về quê chồng ăn Tết. Quê chồng cô cách Hà Nội gần 200 km. Ngày yêu nhau cô đâu có nghĩ đến kilômét, chỉ nghĩ đến mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Cô không thể tưởng tượng được cảnh đoạn trường sau này.

Cô mắc chứng say xe, say điên say đảo, chỉ ngửi mùi xe ô tô là đã say, lần nào về quê lên cô cũng sụt cân vì mất nước do nôn, vì không ăn uống được gì do say. Cô nôn ra mật xanh rồi đến mật vàng mà đường tới nhà chồng vẫn mịt mù xa lắc xa lơ.

Đã vậy, về được đến nơi hồn bay phách lạc nhưng đâu có dám nằm nghỉ. Riêng màn chào hỏi, xã giao đã đủ làm cho người khỏe chóng mặt, huống là cô. Thế là cô em tôi mỗi lần về quê chồng là tọng cho đủ loại thuốc bổ để tăng lực.

Nhưng điều làm cô em tôi khốn khổ hơn cả là cái toilet ở quê. Cô nàng bị mắc bệnh sạch. Đã liệt vào dạng bệnh có nghĩa là sự sạch ở cô đã quá nghiêm trọng rồi.

Anh chồng thấy vợ lao từ nhà xí ra rồi ôm lấy cây chuối nôn thốc, nôn tháo thì mừng hí hửng tưởng vợ có mang. Đến bữa cơm, mẹ chồng thấy nàng dâu vừa bưng bát cơm lên đã đặt vội xuống và lao ra gốc bưởi ọe khan, thì mừng ra mặt. Cô dâu quay vào nhà, nước mắt nước mũi còn đang nhòe nhoẹt thì mọi người ồ lên vui vẻ nâng cốc mừng: hai anh chị sinh quý tử - làm cô dâu thẹn chín người.

Quý tử thì chưa có nhưng lần nào về quê ra, cô em gái tôi cũng bị rối loạn tiêu hóa. Hai năm như thế, cậu em rể tôi thấy vợ vất vả khổ sở quá thì xót, nên quyết định về quê một mình. Tết là ngày xum họp gia đình, ai đi đâu cũng muốn về gần vợ gần con, đằng này Tết đến vợ chồng cô em tôi lại trở thành ông Ngâu bà Ngâu. Cô vợ ở nhà đón giao thừa một mình thì tủi thân, sụt sùi nhớ chồng. Anh chồng ở quê thấy ai cũng có đôi có lứa lại thương vợ ở nhà một mình nên cứ rối lòng, ở quê có một hôm đã quay về.

Cảnh Ngâu ăn Tết ấy chỉ có một lần. Thương vợ, năm sau anh chồng về quê trước Tết, chiều 30 Tết lại ra. Tưởng thế là ổn, được cả đôi đường, nhưng cô vợ thấy mấy ngày Tết chồng cứ luôn miệng nhắc nhỏm đến cha mẹ ở quê, đôi lúc lại buồn vu vơ thì áy náy.

Cô em tôi quyết tự chữa bệnh cho mình. Tình yêu có sức mạnh lạ kỳ. Để chữa chứng nôn, cô em của tôi không đi xe máy nữa mà đi xe bus. Phải mất mấy tháng trời cô mới quen được với xe.

Nói thì nghe dễ, nhưng với người bị chứng say xe như cô em tôi thì chẳng dễ chút nào, chỉ có tình yêu vô biên cô mới làm được. Hôm nào đi làm về cô cũng vật ra giường vì say xe. Không ăn nổi cơm. Nhưng cô vẫn không nản.

Nghĩ mà thương cô em tôi. Cô chữa bệnh sạch vô cùng kỳ công. Ở nhà được chiều là thế, chẳng phải làm gì, vậy mà vì yêu chồng, ngày nào cô cũng đến nhà trẻ, nơi cô bạn gái đang làm việc để xin giặt không công những quần áo bọn trẻ ị đùn, để cho quen với cái bẩn...

Anh chồng thấy vợ vất vả thì thương và nể - càng yêu vợ hơn. Bây giờ thì cô ấy chẳng còn than sợ Tết nữa rồi. Cũng nhờ thế mà năm nào nhà tôi cũng có bao nhiêu là quà quê của vợ chồng cô chú ấy mang ra. Nhìn cảnh hai vợ chồng đùm đùm gói gói mang quà về quê và tay xách nách mang quà từ quê ra với nét mặt vui như Tết mà thấy vui lây niềm hạnh phúc của họ.

Tôi thì thích Tết vô cùng. Thích không khí người người tấp nập bán mua. Thích màu xanh mướt của những lá non mơn mởn.

Thích cả những cơn mưa phùn lắc rắc. Thích cơn gió lạnh mang hơi ẩm mùa xuân. Thích cả những hạt mưa châm chích tê tê. Thích không khí mùa xuân trong lành thoang thoảng hương hoa... Thích nhất là đi vào vườn đào ngắm hoa. Ngắm từ khi hoa đào mới là những cái nụ con tí.

Trước Tết vài tuần, cứ hết giờ làm là tôi lại phóng xe đi ra chợ hoa như người nghiện. Đi xuôi rồi đi ngược, vài vòng như thế, chẳng mua, chẳng dừng lại hàng nào, chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà vẫn thích, chỉ cần ngửi mùi hương hoa lá là thấy lòng dịu đi những ưu phiền.

Trước Tết vài ngày thì tôi mới thực sự ngắm hoa để mua. Cái thú hỏi giá, mặc cả cũng thích vô cùng. Thích nhất là mua đắt về nhà nói rẻ để được vợ khen. Năm nào tôi cũng được vợ khen.

(St)

Xuân đã về...

Liên khúc xuân



Lời tỏ tình của mùa xuân


Xuân họp mặt



Mùa xuân đầu tiên


Mùa xuân nho nhỏ



Mùa chim én bay



Mùa xuân làng lúa làng hoa



Lắng nghe mùa xuân về



Điệp khúc mùa xuân

Tết đến trong tim mọi người ^^

10 tháng 2, 2010

Giao lưu tất niên cùng IRS



































9 tháng 2, 2010

Đánh cắp trái tim...


Có một lần đánh cắp trái tim anh
Em... nghịch ngợm nghĩ "Chẳng cần trả lại!"
Biết đâu rằng từ sau giây phút ấy
Tim anh thường ôm lấy trái tim em

Cây tình yêu tỏa hương nhẹ trong đêm
Dắt dìu em lãng du tìm về mộng
Khép vòng tay anh dần xua khoảng trống
Đêm nghiêng mình, môi nóng bỏng môi hôn

Rồi một hôm trời mưa ướt, đường trơn
Hai đứa giận khiến con đường cũng giận
Em nhủ thầm "Không thèm chi... vương vấn
Thế giới muôn màu, em chẳng... cần anh!"

Mà sao mưa làm đôi mắt long lanh
Giọt thủy tinh có mang ngầm vị mặn
Anh chẳng hiểu (anh... cù lần dữ lắm!)
Ghét anh nhiều sao em vẫn... mong tin

(Trái tim đau nhưng tự ái, làm thinh!)
Nếu gặp nhau, em sẽ nhìn xa lạ
Để anh biết anh không là tất cả
Hai đứa mình chỉ bất quá... người dưng

Ngăn vách lòng, em đóng cửa cài khung
Anh có qua, anh cũng đừng dừng lại
Kẻo không thôi, em sẽ... òa khóc đấy
Nước mắt nào dư để chảy cho anh

Ơ, tự nhiên... anh năn nĩ làm lành
Sao không đợi thêm vài trăm năm nữa?
Để mỗi ngày em tính, ghi vào sổ
Bắt anh về (trừ món nợ anh vay)

Ơ, tự nhiên... sao ấm quá vòng tay
Tay xiết nhẹ, nhớ đong đầy ánh mắt
Trên đôi môi vẫn nồng nàn hương mật
Chảy vào lòng, sông chất ngất yêu đương

Anh... cù lần mà cắc cớ em... thương
Tại duyên số, thôi hết đường cứu chữa
Nếu thời gian quay ngược về... thuở đó
Em một lần đánh cắp nữa, tim anh...

Thùy Chi sưu tầm