12 tháng 2, 2010

Bánh chưng Tranh Khúc - Đi tìm tuổi thơ tôi!

Có lẽ mình là một trong những người may mắn được là thế hệ cuối cùng được hưởng chế độ bao cấp, một chế độ mà ở đó mọi người được sống trong môi trường "định xuất". Cơm áo, gạo tiền, củi lửa... đều được phân phối qua chế độ tem phiếu. Gạo mỗi người được mua 13-15kg/tháng. Vải 4m/năm. Thịt 3 lạng/tháng (nếu ăn thịt thì thôi ăn mỡ, và ngược lại), mua dầu thì thôi mua củi, mua củi thì không được mua than. Mắm muối, tương cà, nước mắm, mì chính đều được mua tại cửa hàng thực phẩm của nhà nước bằng tem phiếu. Được ăn bữa cơm có thịt là sướng lắm rồi, nên cái kẹo lạc mua ở hàng nước vỉa hè nó ngon đến khó tả mỗi khi được ăn...

Vậy nên mỗi độ xuân về, tết đến, mỗi gia đình đều được mua một túi quà, gọi là quà Tết. Trong đó có một hộp mứt thập cẩm, một bao thuốc lá Thủ Đô, một gói trà, một miếng bóng, một túi mì chính nhỏ và một ít bánh quy...

Khi đó mình còn bé lắm nên rất thích Tết. Tết được may quần áo mới, được ăn bánh quy và đặc biệt được ăn mứt. Mứt hồi đó sao ngon thế, được miếng mứt bí không dám nhai, chỉ ngậm thôi. Ngậm càng lâu càng thích...

Chả bao giờ quên được cái viên mứt lạc, tròn như hòn bi ve, ăn chả dám ăn vì tiếc, cầm mân mê trong tay đến chảy nhão nhoét rồi mới dám ăn.

Trên tất cả, có lẽ nồi bánh chưng là mình thích nhất. Đầu phố nhà mình có cái vườn hoa bé thôi, cứ khi nào thấy người ta dựng lên ở đó một ngôi nhà tạm là mình biết Tết sắp đến rồi. Ngôi nhà đó họ để chuyên bán lá dong. Mua lá dong cũng phải có tem phiếu mới được. Vì là độc quyền nên khi mua cũng phải khéo nói với cô "mậu dịch viên" thì mới được bó lá to, còn không thì...ôi thôi, lá vừa bé lại vừa rách. Có lá rồi lại phải tính đến củi, củi hồi đó khan lắm nên người dân phải tính đến mùa lá rụng là phải tranh thủ gom lại rồi phơi khô để mà đun, nhà nào có cái ghế hỏng vứt ra đường thì lập tức sẽ có người ra lấy ngay để làm nhiên liệu đốt.

Củi lửa thì khan như thế mà nồi bánh chưng lại phải đun đến 10 tiếng đồng hồ nên năm nào cũng vậy, ngoài số củi được mua theo tiêu chuẩn thì bố mẹ mình lại lục tìm trong nhà xem có cái gì bỏ đi mà có thể đốt được thì mang ra hết. Nồi bánh chưng thì to, đun sôi ùng ục mà cũng phải khéo đun lắm thì mới tiết kiệm được củi.

Cả ngày từ sáng đến tối phải chuẩn bị nên không khí tết vui lắm, vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, tưởng đơn giản mà rất mất thời gian, đến khi gói thế nào mình cũng được gói riêng cho một cái bé bé xinh xinh vì là út của gia đình.

Mọi việc xong xuôi cũng phải 7h tối mới có thể bắc nồi lên được. Cả nhà phải thay phiên nhau để mà thức đun qua đêm. Nhớ lắm những lần ngồi trông nồi bánh chưng. Khuya rồi bố mẹ giục đi ngủ mà vẫn không nghe, cứ ngồi đấy để nghe kể chuyện cho đến khi ngủ quên lúc nào không biết. Sáng ra, bánh đã được vớt, ép, và treo khắp đầy nhà. Mà sao hồi đó ăn khỏe thế, nhà nào cũng gói từ 3 đến bốn chục cânm gạo, tính ra đến mấy chục cái bánh, mà cũng lạ, đẳng cấp giàu nghèo đều được tính bằng số bánh nhà đó gói trong dịp Tết...

Tuổi thơ qua đi, năm tháng cũng qua đi, người Hà Nội bây giờ ít nhà nào gói bánh chưng nữa mà chỉ ra chợ mua là có ngay. Nhà mình cũng vậy, có năm chỉ mua có 4,5 cái mà ăn không hết, để mốc xanh lại phải bỏ đi, phí của giời...

Tối hôm trước thấy VTV3 giới thiệu về làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, mình đã muốn về đây chụp ảnh rồi. Tối về làm ảnh trên máy, con gái đứng cạnh hỏi "Làm bánh chưng hả ba? Làm thế nào ba nói cho con biết đi...".

Từ câu nói đó của con gái mà mình mới có bài viết này...


































(Trích Blog một NĐT tại IRS)

0 comments: