12 tháng 2, 2010

Bánh chưng trắng ở Đức


Chúng tôi đi ngủ lúc 11 giờ đêm, sau khi anh đã loay hoay giúp tôi với công cụ ép gỗ để ép ba cái bánh chưng cho rền. Tôi lên giường vẫn còn buồn cười mãi với câu hỏi và ánh mắt ái ngại của chồng: "Sao ở Việt Nam lại có một món ăn phải làm vất vả thế nhỉ?'

Xa quê nên trong tôi luôn có những nỗi nhớ chế ngự. Những món ăn, những bữa ăn khi còn ở nhà thật quá đỗi bình thường, thậm chí có lúc chỉ ăn cho xong việc, từ lúc nào đã thành ký ức mỗi khi nghĩ về quê nhà.

Càng về cuối năm, giữa những bản tin thời sự, thi thoảng đã xuất hiện dòng tin đồng bào trong nước nơi này, nơi kia chuẩn bị các hoạt động đón Tết. Tiếng hát ngộ nghĩnh "Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ" của các em bé khiến Tết như đã đến đâu đó ngoài cửa.

"Tết" - một từ ngắn ngủi mà gợi nhớ bao điều, nào hoa mai, hoa đào, nào giò, nào chả, nào mứt... Và nếu thiếu bánh chưng, Tết như mất hết phong vị của mình. Câu hát quen thuộc thôi thúc tôi nghĩ đến việc làm bánh chưng Tết.

Nghĩ là làm ngay, trong nhà có sẵn gạo nếp, thịt heo, chỉ tiếc không có đậu xanh Việt Nam, cũng đành thay bằng đậu vàng của Đức. Loại đậu này màu vàng, hạt tròn dẹt, ăn không thơm như đậu xanh của mình.

Đang thái thịt thì anh xuống rủ đi dạo. Tôi nói, đợi một lát. Anh bật tivi xem và kiên nhẫn chờ. Một lát của tôi hơi lâu, vì vừa làm vừa phải lần theo trang hướng dẫn gói bánh chưng tìm được trên Internet.

Phải mất gần một giờ vật liệu mới tạm ổn, này nhé: thịt ướp xong cất tủ lạnh, gạo nếp ngâm nước nóng, đậu vàng Đức cũng ngâm nước nóng, đãi vỏ. Sau ba giờ có lẽ sẽ gói được. Ngay từ đầu đã biết không có lá chuối hay lá dong, bánh chưng mà không có lá để gói có ra bánh không trời! Khốn khổ, đến dây gói cũng không có. Mặc kệ, công nhận tôi ứng biến cũng nhanh ra phết. Trong lúc bí bách, các sáng kiến cứ "xèn xẹt" trong đầu. Tôi đi lên tầng mái, ở đó cái thùng gỗ, nơi cất tất cả đồ trang trí cho cây thông Giáng sinh, trứng và thỏ cho ngày lễ Phục sinh. Tôi nhủ thầm với Ông già Noel "Xin phép ông cho em mượn đỡ cuộn dây gói quà để gói bánh". Một hộp nhựa nhỏ thay khuôn, giấy bạc thay lá dong, thêm một lớp nilon gói thực phẩm nữa. Xong khâu vỏ bánh.

Thời tiết tuyệt hảo cho chuyến đi dạo cuối tuần. Ánh mặt trời không gay gắt, gió nhẹ, hơi se lạnh. Anh muốn đi vòng anh thích nhất, nghĩa là xuống Bandorf vào bìa rừng, rồi quay về con đường ngang qua sân vận động. Tôi lại thích đi dọc theo sông Rhein, vì muốn lấy thêm ít hoa cỏ lau về làm hoa khô, một công đôi chuyện.

Mới ra khỏi nhà chừng 500 mét, hình ảnh mấy cái bánh chưng cứ lởn vởn trong đầu. Không biết lượng gạo và đỗ đủ chưa; gói bằng giấy bạc, luộc lâu như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe không; gói xong lấy gì ép bánh...

Càng đi càng phân tâm, không chú ý đến phong cảnh đã đành, mấy chuyện anh kể cũng lơ đãng. Đi thêm gần 1km nữa thì "bánh chưng" không chỉ lởn vởn mà đã bám chặt vào tâm trí tôi. Có lẽ trên internet ai đó sẽ có vài ý kiến hay về chuyện gói bánh trưng ở nước ngoài. Ý nghĩ được thân thể ủng hộ hay sao ấy, tự nhiên người tôi khó chịu, chân tay nặng như chì. "Anh ơi, em mệt, mình về đi". Nhìn chồng luyến tiếc buổi dạo chơi dang dở, tôi cũng có chút áy náy, nhưng nỗi háo hức khác đã áp đảo ngay.

Về nhà, việc đầu tiên tôi vào các diễn đàn của người Việt xa quê và không khó để đọc được vô số kinh nghiệm ứng biến. Tìm mãi, nhưng không hề thấy ai đó đã có kinh nghiệm gói bánh chưng bằng giấy bạc. Thôi, tôi đành làm người tiên phong vậy.

Đúng 5 giờ chiều, tôi có 3 cái bánh chưng vuông vức, sáng choang, sẵn sàng để đem luộc. Ở quê nhà cũng vậy, vào khoảng 28 hay 29 Tết, các anh chị của tôi dù bận đến mấy cũng gói bánh chưng, nên tôi nhớ hình như phải nấu từ tối đến sáng mới xong. Thế nhưng đấy là nói về chuyện gói bánh Tết cho cả nhà và làm quà tặng đến ba chục cái to đùng. Của tôi chỉ có 3 cái nhỏ, có lẽ luộc khoảng 5 giờ sẽ xong. Trong khi chuẩn bị bữa ăn tối, cứ nghe tiếng nước nồi bánh sôi sùng sục, lòng tôi cũng như có tiếng reo vui. Tôi sống lại trong ánh lửa bập bùng đêm cuối năm luộc bánh. Tiếng ba mẹ hối thúc đi ngủ, tiếng con trẻ í ới phản đối, vì phải thức chờ những chiếc bánh tí hon của chúng.

Chúng tôi đi ngủ lúc 11 giờ đêm, sau khi anh đã loay hoay giúp tôi với công cụ ép gỗ để ép ba cái bánh chưng cho rền. Tôi lên giường vẫn còn buồn cười mãi với câu hỏi và ánh mắt ái ngại của chồng: "Sao ở Việt Nam lại có một món ăn phải làm vất vả thế nhỉ?'

Năm nay, tôi đón Tết với bánh chưng... trắng. Chưa bóc nhưng tôi biết chắc thế rồi, vì giấy bạc không thể cho ra màu xanh non của lá in vào hạt nếp được. Thế đã sao nào! Tôi biết, tối nay tôi ngủ ngon vì được "no" nỗi nhớ và an lòng bởi cũng có Tết của riêng mình.

Grbinhnguyen sưu tầm

0 comments: