17 tháng 2, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chợ Chờ, ai vẫn chờ ai!


Chợ Chờ chính gốc ở Yên Phong, Bắc Ninh, nhưng cứ lên chợ chứng lại hình dung ra chợ Chờ. Cả năm qua, cái từ “Chờ” ám ảnh cả thị trường.

Mấy hôm nay thấy dân tình thủ đô thở than cái sáng kiến đổi giờ của bác tư lệnh ngành giao thông quá. Nào là “Nháo nhào đón con trễ, đi chợ đêm”, rồi thì “Học đến 19h: Giáo viên nản, học sinh uể oải”; hay là kể nghịch cảnh “Học sinh THPT tập thể dục vào… buổi tối” và dọa dẫm “Thiếu điện trầm trọng, nguy cơ cận thị tăng cao”… vân vân và vân vân…

Riêng mình trái lại, nhiệt liệt ủng hộ. Cứ làm đi đã, rồi thì sai đó sửa đâu, à quên, sai đâu sửa đó. Cái mới, cái lạ bao giờ chả dễ bị cảnh ở trên trông xuống, người ta trông vào. Trăm người mười ý, vừa lòng hết thảy có họa là… người giời! Ngay như nhà cháu đây, vì ủng hộ cái, mới lạ của các bác mà còn bị gấu mẹ lườm không trật nhát nào nữa là. Mà đâu chỉ lườm nguýt, chẳng hiểu là do sáng đi sớm, tối về muộn vì một nách hai đứa, một bé, một lớn nên đâm bẳn tính, hay chiến dịch chào mừng ngày 8.3 ra quân sớm, mà mẹ cháu ra sắc lệnh: thằng lớn (là mình) từ nay phải đi chợ, nấu cơm, tôi lo đón con mệt lắm rồi! Vậy là ăn Tết chửa hết rằm đã phải từ giã anh em, đầu tắt mặt tối xách làn đi chợ, vào cuộc chẳng kém gì tinh thần “quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu” của lãnh đạo các DN niêm yết…

Trước khi ấp làn ra chợ, vợ đã dặn, đừng có dại mà nhảy xổ vào mua mua bán bán. Nhìn cái mặt ngây ngây thơ thơ của ông thì họ chém cho phần phật. Lại còn phải cảnh giác thịt ôi, rau héo nữa. Tết vừa rồi, số ca ngộ độc thực phẩm, đón xuân trong viện vượt 3,5 lần so cùng kỳ đấy… Cứ rình rình đi sau các bà, các chị. Họ mua giá nào, chọn cái gì, mình theo thế (bí kíp này, ông nào có hoàn cảnh đáng thương như mình thì ráng mà học). Nhưng chợ đầu năm, võ này không ổn, vì đến chị em cũng bị cắt. Có chị bảo, đi chợ về thấy… như vừa bị mất cắp. Lại chị khác than, biết thế này, vào siêu thị cho xong, vừa sang vừa rẻ! Mà không phải dọa suông, cuối tuần rồi, nhà đài đã phải phát phóng sự kêu cứu cho chợ cóc Sài Gòn đấy!

Nhưng phong trào tăng giá chợ cóc không lấy đó làm gương mà còn lan “bệnh” sang cả chợ chứng. Cái chợ vốn im lìm cả năm, nay bỗng dưng sống dậy cả chục phiên. Đã lác đác có lời cảnh báo rằng, nghe trong hơi nóng thấy cả mùi khen khét đánh xuống, đánh lên. Cái này cũng chẳng trách được bà con. Kiểu như đói góp lâu ngày, bây giờ miếng ăn bày ra trước mắt. Thấy thiên hạ ùn ùn cũng sấn lại xem sao. Mà cỡ mắt nhắm mắt mở như mình thì ôi thiu cũng dễ làm liều, dù vốn còm, chưa đi đến chợ đã sợ hết tiền!

Vì vậy cho nên việc siêu thị HOSE cho ra mắt cái VN30 quả là hợp thời. Thôi thì người ta tuyển hàng cho rồi, mình chẳng phải là “người tiêu dùng thông minh”, cứ hàng tuyển mà ôm, chắc cũng bớt lo… ngộ độc thực phẩm. Siêu thị lại còn có nhã ý họp thêm phiên chiều ngay cuối tháng này để cho bà con rộng dài thời gian mà ngắm nghía, chọn lựa. Âu cũng là một cách vui lòng người bán, đẹp lòng kẻ mua. Tổ xé vé cũng lợi vì hàng họ bán được, mấy ai tiếc vài đồng lệ phí. Thế nhưng, nghe chừng dân xé vé (môi giới) chợ chứng lại có vẻ không ưng cái bụng. Hỏi kỹ ra thì họ cũng có cái lý của mình. Chợ búa sôi động là do người mua chứ chẳng bởi kẻ bán. Cửa cho dân chứng còn hẹp thì chợ họp càng dài, cái anh soát vé càng ê chề, bất an…

Lan man mãi chợ chứng, giờ quay lại chuyện chợ đời. Đúng là đàn ông đàn ang xách làn đi chợ, quả thật mệt mỏi. Làm sao mà thong dong, lắm sắc nhiều màu được như cái chợ Tết của cụ Đoàn Văn Cừ:

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”

Đấy là chưa nói đến cái vui vẻ, háo hức, ngựa xe như nước, áo quần như nêm của những người sung sướng được đi chợ Viềng, chợ Chữ... Mà ngày xuân ở xứ ta có đến là lắm chợ lạ, cả năm mới họp một lần. Chợ Âm Phủ ở Bắc Ninh, đồn rằng nơi người chết và người sống có thể gặp nhau, Chợ Bến ở Quảng Bình, mua bán chẳng ai mặc cả... Chợ Lượn ở Cao Bằng, đã đến rồi chẳng ai muốn… lượn!

Riêng mình thì lại nhớ nhất… chợ Chờ cũng chỉ vì cái tên. Đã chợ Chờ lại họp cạnh… bến đò Lo. Tương truyền rằng, ngày xưa, dân vùng Yên Phong, Bắc Ninh thường sang bên kia sông Cà Lồ buôn bán. Bên sông, có con vật thành tinh hay biến thành gái đẹp ghẹo người, nhất là những tay yếu bóng vía thì bị trêu cợt cho sợ mất mật. Dần dần, người ta không dám đi chợ một mình mà phải chờ nhau để họp lại thành một nhóm cách bến đò xa xa mà vẫn sợ. Chợ Chờ và bến đò Lo có tên từ đấy.

Cái lẽ nhớ nhung còn vì chợ Chờ chính gốc thì ở Yên Phong Bắc Ninh, nhưng cứ lên chợ chứng lại hình dung ra chợ Chờ. Cả năm qua, cái từ “Chờ” ám ảnh cả thị trường. Nào là đại gia chứng khoán chờ duyệt danh sách hộ nghèo, TTCK chờ hà hơi tiếp sức, khối CTCK chờ một cuộc tái cấu trúc, huy động vốn chờ một phép màu… Mà chợ chứng cứ “Chờ” thì dân tình dễ lên Cao Bằng mà đi… chợ Lượn lắm. Nhưng ra tết bỗng thấy chợ chứng… trở chứng lắm sắc, nhiều màu: “Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người… ấp chứng tưng bừng đi chợ Tết”. Tự dưng lại thấy cảnh giác như kẻ đi chợ đã nhiều lần... bị móc túi!

Cũng tạ lỗi với cụ Cừ, mấy câu thơ về chợ Tết tuyệt đẹp của cụ lại bị cái đầu bất kham nhà cháu chuyển thành chuyện nhảm. Nhưng cứ thoắt vui, thoắt buồn như chứng Việt thế này, bỗng thấy chờn chợn. Y như đi qua bến đò Lo, sợ yêu tinh biến thành gái đẹp. Thôi thì dẫu có lỡ tàu, cũng xin được họp phiên chợ Chờ đầu năm vậy!
(ĐTCK)

0 comments: