Đầu năm mới Nhâm Thìn, IRS và CLB NĐT tổ chức chương trình du xuân "VỀ MIỀN QUAN HỌ" với hành trình về với Hội Lim, Chùa Phật Tích và Đền Đô vào Thứ 7, 4/2/2012.
Thời gian khởi hành: 7h00 sáng tại VP IRS, số 30 Nguyễn Du.
Kính mời Quý NĐT đăng ký tham gia chương trình với BTC Phòng PR (Mrs Chung: 0982 177 807) hoặc
Phòng Giao dịch (Mrs Hiếu: 0904 149 955)
Phòng Tư vấn - CSKH (Mrs Hằng: 0977 072 888)
Lưu ý: IRS hỗ trợ một chuyến xe ôtô 45 chỗ đi lại. NĐT đăng ký tham dự nộp 200.000 đồng chi phí ăn trưa và lễ trước 17h30 Thứ 5, 2/2/2012.
Đền Đô nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Di tích lịch sử văn hoá đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn hoá Thông tin - Thể thao và Du lịch.
Là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 - 1028); Lý Thái Tông (1028 - 1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông (1072 - 1128); Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210) và Lý Huệ Tông (1210 - 1224). Đền Đô - còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ 11 (1030), trên khu đất phía đông nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng). Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua. Đền được dựng trên nền đất. Khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt, đền được mở rộng nhất vào thế kỷ 17 (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên. Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của nhân dân Đình Bảng và tấm lòng công đức của nhân dân thập phương, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền năm 1602 với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m²), nhà chuyền Bồng (80m²), nhà Kiệu (130m²), nhà để Ngựa (130m²), Thuỷ đình, Phương đình... Căn cứ vào các dấu tích, các nguồn tài liệu và các hạng mục công trình đã được dựng lại cho phép chúng ta hình dung tổng thể kiến trúc di tích đền Đô như sau: Đền Đô có diện tích 31.250m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trung tâm là điện thờ, nơi đặt bài vị và tượng của Tám vị vua nhà Lý, xung quanh có nhà chuyền Bồng, nhà Tiền tế, nhà Phương Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa, nhà Thuỷ Đình... Kiến trúc Đền đô được chia làm hai khu vực nội thành và ngoại thành. Khu vực nội thành có diện tích 4.320m² , bố trí theo kiểu “Nội công ngoại quốc” bao quanh là tường gạch cao 3m, rộng 1m (hai bên xây gạch, ở giữa đổ đất) có hai cửa ra vào. Nội thành được chia thành Nội thất và Ngoại thất. Nội thất bao gồm các công trình: Nhà Hậu cung- Nơi đặt ngai và bài vị thờ Tám vị vua Nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm tám mái, các đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu,... tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo. Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (đền thờ Lý Chiêu Hoàng) Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca “ Đền Đô kiến trúc tuyệt vời Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm” |
Chùa Phật Tích là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia còn gìn giữ được di vật cổ của Phật giáo với số lượng lớn và đa dạng. Chùa tọa lạc trên sườn núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, xưa kia mang tên Vạn Phúc Tự được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII - X.
Lạn Kha có nghĩa là "cán búa nát", nổi danh bởi tích truyện Vương Chất lên núi đốn củi gặp hai ông tiên đánh cờ, mải mê xem không hay rằng cán búa đã mục nát vì thời gian trần thế trôi qua đã hàng trăm năm.
Sách “Đại Việt Sử Ký toàn thư” viết: “Mùa đông, tháng 10 (năm 1041), vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7.560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc cùng hai vị Bồ tát Hải Thanh và công đức cùng chuông để ở viện”.
Chùa được xây dựng đại quy mô vào triều Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu, văn bia “Vạn Phúc Đại Thiền tự” chép: “Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) cất lên cây tháp quý ngàn trượng, xây một trăm tòa thờ Phật, lại dựng pho tượng mình vàng cao 6 xích”. Năm 1057, Vua Lý Thánh Tông du ngoạn cảnh chùa, người cảm khái tự tay viết chữ “Phật” dài 1 trượng 6 thước, truyền thợ khắc vào bia đá.
Tới thời Trần, Vua Trần Nghệ Tông cho xây điện Bảo Hòa và thư viện Lạn Kha, đồng thời mở kỳ thi Thái học sinh tại chùa. Năm Chính Hòa thứ 7, bà chúa Trần Thị Ngọc Am (đệ nhất cung tần của Thanh Đô vương Trịnh Tráng) về đây tu hành, nâng cấp chùa với quy mô đồ sộ. Năm 1947, do chiến tranh chùa bị phá hủy hoàn toàn, năm 1986 được dựng lại lần đầu nhưng đến năm 1991, chùa mới được phục dựng theo quy mô kiến trúc cổ và hiện nay trở thành nơi thánh tích ngàn năm của Phật giáo.
Chùa Phật Tích không xa chùa Dâu, nằm trên vùng đất diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt Nam có từ đầu công nguyên, trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo Dâu - Luy lâu.
Vào đầu thế kỷ XVI, chùa Phật Tích cùng với chùa Bút Tháp là cái nôi của dòng thiền Lâm Tế. Năm 1633, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành phiêu dạt sang phương Nam, tới kinh đô Đại Việt. Thầy trò thiền sư đã được vua Lê, chúa Trịnh cùng hoàng thân quốc thích Lê triều mộ đạo sùng tín. Tổ sư Chuyết Chuyết về trụ trì chùa Phật Tích gần 10 năm, tới năm Dương Hòa thứ 8 (1642) mới chuyển sang trụ trì chùa Bút Tháp.
Với số lượng di sản vật thể vô cùng nhiều và phong phú, chùa được xếp vị trí hàng đầu về giá trị cổ vật. Tiêu biểu phải kể đến: tượng Phật A Di Đà (1057); chân cột chạm dàn nhạc (1057); hàng thú trước sân chùa (thời Lý); pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (thế kỷ XVII – thế kỷ XX)...
Khai quật khuôn viên chùa Phật Tích vào những năm 1949-1951, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ, đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; pho tượng Kim cương bảo vệ Phật pháp thế kỷ XI; tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước thế kỷ XI; tượng nữ thần chim; mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ...
Tượng Kim cương bảo vệ Phật pháp được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử trong tư thế đứng, khoác áo long cổn, hai tay để trước ngực, pho tượng này cùng với tượng Phật A Di Đà (hiện vẫn tôn trí ở chùa Phật Tích) đều tạc năm 1057, là những pho tượng cổ nhất miền Bắc.
Một trong những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu tìm thấy từ chùa Phật Tích là tượng nữ thần chim, niên đại 1057. Nữ thần được tạc trong tư thế bán thân, với đôi tay đã được thay bằng đôi cánh mang đầy tính sáng tạo nghệ thuật.
Nghệ thuật chạm khắc hoa văn cánh sen xuất hiện sớm nhất trên những tảng đá kê chân cột ở chùa Phật Tích, và đạt tới trình độ điêu luyện. Tại Bảo tàng Lịch sử cũng trưng bày một tảng đá kê chân cột cỡ lớn còn nguyên vẹn, niên đại 1057. Tảng đá hình vuông, kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi vô cùng tinh tế, với 16 cánh sen chính, cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ.
Mỗi cánh sen chính trông giống như những mai rùa, trên mặt chạm đôi rồng đối xứng hai bên ẩn hiện trong mây, ôm lấy lạc thư ở giữa. Đây cũng là một kiệt tác điêu khắc đá, mở đầu và đại diện cho môtíp kiến trúc: tảng đá kê chân cột chạm cánh sen, một dòng chảy văn hóa Phật giáo lan truyền rộng khắp vùng Bắc Bộ.
Pho tượng A Di Đà ngự tại Thượng Điện chùa, chiếm vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật dân gian ở nước ta. Đây là pho tượng cổ nhất miền Bắc (niên đại 1057), đã được công nhận kỷ lục Phật giáo, đồng thời tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này.
Pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích là bảo vật quốc gia có kích thước tương đối lớn, cao 1,85m, nếu tính cả bệ là 2,8m. Thân tượng biểu đạt một vị Phật đang ngồi tọa thiền, mắt khép hờ trong thiền định, làm nên khí sắc thanh tịnh tươi nhuần. Vẻ mặt thể hiện nội tâm cân bằng giữa động và tĩnh. Đầu tượng kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ, tuổi thọ vô lượng. Hai bên má đầy đặn trông phúc hậu, nhân ái. Hai tai dài rộng, thành quách rõ ràng, dái tai tròn mọng chảy sệ xuống. Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng.
Thân tượng mặc áo pháp rộng rãi, cách điệu kiểu lá sen, những nếp áo mảnh đồng thời cũng là gân lá sen, bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải, nương nhẹ vào đan điền làm nên nét uyển chuyển. Hai chân xếp bằng theo lối kiết già vững chãi.
Tòa sen là đóa hoa mãn khai với hai tầng cánh, ngự trên bệ đá tám cạnh hình tháp. Đài sen không cùng niên đại với tượng mà được tạc muộn hơn, thế kỷ XVII, nhưng thủ pháp đục chạm của bệ hài hòa với thân tượng. Bệ bát giác được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc mây lửa. Mặt trên của hai tầng diềm là những chùm hoa dây xoắn, trên cuống hoa có những người bé tí hon leo trèo.
Chùa Phật Tích có một công trình ao rồng (Long Trì) hình chữ nhật có chiều dài 7m, rộng 5m, sâu 2,2m, bốn bờ được kè đá tảng thẳng đứng dưới đáy ao. Đáy có thềm đá hình bán nguyệt đường kính 3,8m, chỗ nhô cao nhất 1,9m, ở mỗi nửa thềm đá chạm nổi một con rồng khá lớn, giữa thềm đá chạm nổi hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Chùa còn một chiếc giếng cổ được nhắc tới rất nhiều trong những truyền thuyết về chùa Phật Tích, tương truyền đáy giếng có rồng sống.
Truyền thuyết thực hư tới đâu chưa ai biết, nhưng có một sự kiện khá lý thú, vào chiều 14/3/2003, trong khi khơi giếng, những người dân ở đây đã phát hiện một chiếc đầu rồng bằng đá dưới đáy giếng, đầu rồng dài 53cm, rộng 20cm, có móng và miệng ngậm ngọc. Các nhà nghiên cứu cho rằng đầu rồng này có cùng niên đại với những di vật đá quý khác tại đây (năm 1057).
Cuối năm 2005, Trung tâm Tu tập Phật Tích và Quán Âm Viện đi vào hoạt động. Rất nhiều hoạt động thiết thực được nhà chùa tổ chức đã tạo được tiếng vang: Lớp tin học miễn phí của chùa Phật Tích đang đóng góp lớn vào chương trình phổ cập tin học cho học sinh ở Tiên Du.
Núi Tiên Du nổi danh bởi truyền thuyết “Từ Thức gặp tiên”, truyện kể về quan tri huyện Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp một tiên nữ đang bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức cởi áo xin tha cho tiên nữ. Xưa kia, nơi đây là cả một rừng hoa mẫu đơn, hội chùa Phật Tích còn gọi là hội “khán hoa mẫu đơn”, nhằm ngày mồng bốn tháng giêng hàng năm, nhân dân nô nức tới xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ.
Trên núi giờ đây hoa chỉ còn lác đác, nhà chùa vẫn chăm sóc để hoa nở vào dịp tết. Lễ hội ngày nay còn duy trì nghi lễ cúng Phật đầu xuân, cùng nhiều trò chơi dân gian: chơi cờ tướng, chọi gà, hát quan họ... Hai năm trở lại đây, nhà chùa phối hợp với chính quyền xã khôi phục hoạt động thi thơ, bình thơ trong lễ hội.
Trong tương lai, núi Lạn Kha - chùa Phật Tích sẽ trở thành một đại danh lam của đất nước. Một quy hoạch tổng thể quy mô, với 10 ha sắp được khởi công xây dựng. Tâm điểm của thắng tích sẽ là một Đại Phật Thành cao 27m, quay mặt hướng Tây Nam, phục dựng theo nguyên mẫu Bảo tượng A Di Đà của chùa (Bảo tượng thời Lý, báu vật hàng đầu của quốc gia, kỷ lục PG). Rừng thông tâm linh sẽ bao phủ toàn bộ vùng thắng tích.
Một trục tâm linh xuyên suốt cõi người – cõi tiên – cõi Phật, con đường vận chuyển nguyên liệu để thi công sẽ trở thành con đường hành hương đến cõi Giác. Cảnh Từ Thức gặp tiên sẽ được phục dựng, là nơi con người đã giải thoát nhưng chưa triệt để, biểu tượng cho cõi tiên. Tháp “Vạn Phật đài” biểu trưng cho sự giải thoát hoàn toàn. Một vườn hoa mẫu đơn bao quanh Đại Phật thành tỏa hương thanh tao.
Vùng quy hoạch sẽ là sự hài hòa của rất nhiều di tích quan trọng: cụm đá mào phượng; khu vực tháp cổ; Quan Âm Viện; Trung tâm Tu tập Phật Tích; sân hội tụ; bậc thang lên đại Phật; vườn đá thiên nhiên; hệ thống đường đạo trong rừng tâm linh; chùa Phật Tích cổ để phục vụ đông đảo nhân dân.
0 comments:
Đăng nhận xét