3 tháng 1, 2013

CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT: Cuộc đời này còn ai khổ hơn chị chồng tôi? (P1)


Cuộc đời này mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những gì chị chồng tôi trải qua thì thật là hiếm gặp. Nếu như chị là một người ăn chơi, sống cho riêng mình thì phải chịu sự trả giá của cuộc đời, và như vậy có khổ đến mấy thì cũng không có gì đáng nói. Đằng này chị lại là một người hiền lành chịu thương chịu khó, nhẫn nhục vượt lên số phận không may mắn của mình.

Kính thưa quý báo!

Tôi là một người thường xuyên đọc Báo An ninh thế giới, đặc biệt là Báo An ninh thế giới Cuối tháng mà chuyên mục đầu tiên tôi tìm đọc là “Chuyện khó tin nhưng có thật”. Tôi rất thích tìm hiểu những gì khác thường mà có thật. Chính vì vậy mà hôm nay tôi mới viết câu chuyện này để kể về cuộc đời chị chồng tôi. Mặc dù trong câu chuyện, tôi không phải là nhân vật chính nhưng tôi xin cam đoan những gì tôi kể đây hoàn toàn là sự thật. Tôi thực sự thương và thông cảm cho chị chồng tôi những gì chị đã trải qua và gánh chịu một mình.

Cuộc đời này mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng những gì chị chồng tôi trải qua thì thật là hiếm gặp. Nếu như chị là một người ăn chơi, sống cho riêng mình thì phải chịu sự trả giá của cuộc đời, và như vậy có khổ đến mấy thì cũng không có gì đáng nói. Đằng này chị lại là một người hiền lành chịu thương chịu khó, nhẫn nhục vượt lên số phận không may mắn của mình.

Sau khi học xong cấp III, chị không đi học tiếp, mà xin đi làm ở Công ty Môi trường tại Hải Phòng, chị gặp anh V. người cùng huyện nhưng khác xã cũng đi làm tự do ở thành phố Cảng. Chị đưa anh V. về ra mắt họ hàng nhưng mọi người không ưng ý cho lắm nhưng vì chị đã quyết thì không ai ngăn cấm. Đám cưới vẫn diễn ra có sự chứng kiến của hai bên họ hàng. Cưới xong, hai vợ chồng thuê một căn hộ diện tích chỉ đủ kê 1 cái giường và 1 cái tủ đựng quần áo, ở gác 2 trên đường Đinh Tiên Hoàng. Rồi một cháu trai kháu khỉnh ra đời đặt tên là Đoàn Đức C..

Hằng ngày, chị vẫn đi làm ở Công ty Môi trường. Chị làm việc chăm chỉ, cực nhọc. Sau khi đi làm ở công ty, đến giờ nghỉ bất kể thời gian rảnh rỗi nào, có khi thời tiết nóng bức rồi lạnh giá, hoặc đêm đã về khuya, ai ai làm xong công việc cũng nhanh chóng trở về với tổ ấm của mình nhưng chị vẫn lầm lũi ngoài hang cùng ngõ hẻm để nhặt thêm những vỏ chai bia, vỏ hộp nhựa, hộp bìa các tông... mà người ta vứt bỏ trên đường phố, đại loại những gì có thể bán ra tiền để thêm thu nhập đồng rau, đồng mắm để phụ giúp cho gia đình. Còn anh ngày ngày đi làm xe ôm, tưởng chừng cuộc sống cứ thế là tạm ổn, hai vợ chồng tích cóp sẽ mơ ước mua một căn nhà riêng nho nhỏ làm chỗ trú nắng mưa cho cả nhà.

Nhưng có ngờ đâu cuộc đời sóng gió của chị bắt đầu xảy ra từ đây. Mặc dù làm cái nghề vất vả, song anh V. đổ đốn ra cặp bồ. Rất nhiều lần chị H. bắt quả tang và đánh ghen. Gia đình anh V. có người nhà đang cư trú tại nước Anh thấy ở nhà cuộc sống vợ chồng anh C. khó khăn, anh lại vướng bồ bịch, không thương lo vợ con, muốn đưa anh V. sang Anh làm ăn và tu chí. Anh V. sang bằng con đường xuất khẩu lao động, nhưng vẫn phải mất một khoản tiền khá lớn đối với anh chị. Thế là anh về bàn với vợ, đem toàn bộ món tiền dành dụm mua nhà của chị H. cho anh làm lộ phí đi Anh. Chị H. suy nghĩ, thôi cũng là cơ hội để tách anh V. với cô bồ và hi vọng sang bên ấy xa gia đình, anh sẽ nghĩ lại mà tu chí làm ăn có cơ hội sau này anh V. thay đổi cuộc đời kẻo làm xe ôm khổ mãi.

Vậy là trong nhà có bao nhiêu tiền anh chị tích cóp được, anh nói ngon ngọt với chị H. để cho anh ấy đi làm ăn sau này có tiền anh gửi về cho mẹ con chị mua nhà sau. Anh còn quả quyết, sang bên đó làm ăn được anh V. sẽ đưa hai mẹ con sang, đến lúc ấy, vợ chồng con cái đoàn tụ. Chị tin vào lời anh và dồn hết những gì anh chị tích cóp được cho anh với tất cả tình yêu thương, lo lắng tận tụy của một người vợ yêu thương chồng con.

Cảnh chị một mình nuôi con khá vất vả vì nghề của chị rất khó khăn về thời gian. Nếu làm ca sáng thì cứ 3 giờ, chị lặng lẽ khoá trái cửa ra đi, để con một mình ở trong nhà trọ. Đến sáng, chị tranh thủ đạp xe về cho con ăn và bế con đi gửi. Nếu làm ca chiều thì chị phải mang con đi gửi từ trưa ở nhà bác của cháu. Vất vảâ là thế mà chị không một lời kêu ca phàn nàn.


Ông bà ngoại (tức bố mẹ chồng tôi bây giờ) bảo chị cho cháu về quê ông bà trông nom cho, chứ để đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi ở nhà như thế tội nghiệp lắm nhưng chị không đồng ý, vì chị đã xa chồng rồi, không thể xa con được. Chị buồn nhớ lắm. Anh V. đi thì hàng tháng có gửi vài trăm nghìn về nuôi con nhưng lại gửi qua anh trai của anh ấy chứ không gửi trực tiếp cho chị. Chị cầm đồng tiền của chồng do anh trai anh V. đưa cho chị bao nhiêu chị biết bấy nhiêu chứ chị đâu có biết là anh gửi chính xác số tiền. Nhưng dẫu sao số tiền ít ỏi ấy tôi được biết thì chỉ đủ đóng tiền học mẫu giáo cho con, và với chị như thế là đã có niềm tin, hy vọng có được sự san sẻ từ chồng nơi phương xa.

Thời gian cứ thế trôi đi, chị một mình nuôi con trong sự chờ đợi vô vọng. Chị vẫn âm thầm chịu thương chịu khó, hy vọng một ngày nào đó anh V. làm ăn được sẽ đón hai mẹ con sang nước Anh. Chị không hề hay biết rằng, khi có tiền, anh V. đã tìm mọi cách đưa cô bồ trước đây sang bên ấy. Khi biết sự thật, chị vẫn bình tĩnh ở vậy nuôi con mà ngậm đắng nuốt cay, không một lời ta thán. Cháu Đoàn Đức C. ngày ngày được mẹ đưa đến Trường Mẫu giáo Sao Sáng số 5 để học, cháu đang học lớp 3 tuổi.

Một hôm đang đêm cháu lên cơn sốt cao, trong căn nhà thuê chật chội, hai mẹ con không biết xử lý thế nào. Chị cũng nghĩ cháu sốt bình thường như những đứa trẻ khác nên chị chỉ biết cho cháu uống thuốc hạ sốt rồi đến sáng mới tính. Gần sáng thấy cháu sốt quá chị ôm cháu vào lòng và khóc, cháu nói: “Mẹ ơi mẹ đừng khóc, con không chết đâu”. Sau câu nói đó, cháu nằm lịm đi li bì, Đến sáng, chị H. vội thuê xe cho cháu vào cấp cứu tại bệnh viện nhi Đức - Kiến An, thì cháu còn nói với mẹ: “Mẹ ơi, con phải sống sau này lớn lên con làm công an như cậu H., con đi bắt xe máy về cho mẹ”.

Trời ơi! Mọi người có ai ngờ được đó là câu nói cuối cùng của một đứa trẻ 3 tuổi. Mới 3 tuổi thôi nhưng cháu rất thông minh nhạy cảm. Cháu thấy mẹ hàng ngày đạp xe đi làm vất vả cháu đã thầm mơ ước có chiếc xe máy cho mẹ đi đỡ khổ. Sau khi nói câu nói đó xong thì cháu Đoàn Đức C. nằm bất động, bác sĩ dùng các loại máy móc có thể của bệnh viện để cứu cháu nhưng hoàn toàn tuyệt vọng, bơm sữa vào mồm cháu thì sữa bị đẩy ra. Đến ngày thứ ba, bác sĩ đã nói sự thật về tình trạng sức khoẻ của cháu với người nhà, gia đình cũng định cho cháu lên Hà Nội nhưng khi rút máy ra, thì cháu đã ngừng thở.

Chị đau khổ đến mức tê dại run rẩy, chồng thì ở phương trời xa, bên cạnh người đàn bà khác, không một nhắn tin, không có bất cứ một nghĩa tận nào với giọt máu của mình để lúc bất hạnh nhất, đau đớn nhất, chị có thể nương tựa vào chút tình cha con còn lại của chồng chị mà lấy sức để sống tiếp. Cuối cùng chính tay hai vợ chồng tôi (chồng tôi chính là em trai ruột của chị) thay quần áo cho đứa cháu mệnh bạc và ôm cháu về quê nội để linh hồn cháu được an nghỉ bên nghĩa trang dòng họ nội của cháu.

Những biến cố cuộc đời chị xảy ra như vậy tôi tưởng chị không đứng được dậy, gia đình tôi sợ chị hoá điên hoá dại thì khổ nhưng tôi đã phải khâm phục trước sự kìm nén đau khổ để lầm lũi tiếp tục bước tiếp trên con đường đời gian nan của chị. Chị xin phép công ty nghỉ để nhang khói cho con trai đúng 1 tuần, rồi trở lại ngôi nhà thuê cũ đi làm. Vì nếu suốt ngày ở nhà nhìn di ảnh con trai thì chị sẽ kiệt sức mà chết. Tôi cứ nghĩ sau những gì chị đã trải qua, chồng chị sẽ về bên chị và gia đình chồng chị sẽ phải thương xót chị hơn, chăm sóc động viên chị hơn, một người vợ bị bỏ rơi, một người mẹ bị mất con.

Thế nhưng gia đình chồng chị cho rằng cái chết của cháu C. là tại chị vụng về, không chăm sóc cháu cẩn thận mà để xảy ra như thế, rằng cháu chết oan. Anh V. chồng chị cũng không liên lạc và sau cái chết của con trai dường như anh cũng cắt đứt với vợ luôn từ đó. Chồng chị bắn tin qua gia đình rằng chị không xứng đáng để anh C. quay về.

Tôi đã nghĩ cứ cho rằng cháu C. lẽ ra không đáng phải chết, hay chết oan do mẹ cháu chăm sóc không chu đáo thì anh C. chồng chị và gia đình bên chồng chị cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của chị. Chị phải đi làm quên thời gian để kiếm tiền nuôi con khi bố cháu gần như không có trách nhiệm gì với hai mẹ con. Đằng này, mọi tội lỗi lại còn đổ ụp xuống đầu chị sau cái chết của con trai và họ cho rằng, chị là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết oan uổng của con trai chị. (Còn nữa).

0 comments: