Anh trai đang làm việc bên Nhật có tâm sự rằng:
- Trong 2 tháng tới anh phải hoàn thành khối lượng công việc mà nếu ở Việt Nam thì trong 2 năm mới có thể hoàn tất.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Vậy anh có thể làm được chứ?
- Thời gian đầu vô cùng vất vả nhưng làm việc trong môi trường này, nhìn những người kỹ sư Nhật làm việc thì anh nghĩ rằng, mình cũng có thể làm được như họ
Sự tò mò đã giúp tôi hiểu được một trong những nguyên nhân khiến cho đất nước Nhật Bản lại có thể vực dậy nhanh chóng sau mỗi lần có biến cố. Đó chính là TINH THẦN LÀM VIỆC
Lao động là tài sản quý giá nhất
Nhật Bản là nước nghèo về tài nguyên khoáng sản nên không thể làm giàu bằng tài nguyên thiên nhiên hay xuất khẩu nông sản như các nước khác. Chính vì ý thức được điều đó nên họ nhận thấy rằng chỉ có lao động chăm chỉ và nghiên cứu mới tạo ra của cải, làm giàu cho bản thân và cho đất nước. Với người Nhật, lao động là nguồn tài sản quý giá nhất, dồi dào nhất.
Người Nhật đã từng không chăm chỉ
Thời kỳ đầu của công cuộc hiện đại hoá đất nước, người Nhật đã không chăm chỉ như bây giờ. Không những vậy, họ còn có vẻ rất thích được nghỉ ngơi nhiều hơn là làm việc. Hàng tháng, viên chức thời đại Edo lấy ngày 1, 15, 28 là ngày nghỉ. Ngoài ra, còn có những ngày nghỉ do công ty hoặc các liên đoàn quy định. Bước vào thời Minh Trị, thời gian làm việc của công nhân, thương nhân là 8 tiếng/ngày (từ 8h - 16h) và được nghỉ giải lao vào lúc 10h , 12h, 15h mỗi ngày. Chế độ "Ngày nghỉ 1, 6" (hàng tháng nghỉ các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26) cũng được người dân hưởng ứng và lấy làm ngày nghỉ truyền thống của mình.
Làm việc cần mẫn vì thời gian là vàng bạc
Những ngày nghỉ của Nhật chỉ giảm khi chính sách "Phú quốc cường binh" và "Phục hồi tăng năng lực sản xuất" của thời Minh Trị ra đời. Đó là kết quả của những kỷ luật mang tính quân sự và lao động trong các nhà máy. Khi bước vào thời đại Showa, truyền thống "Ngày nghỉ 1, 6" đã không còn được áp dụng, thay vào đó những khẩu hiệu "Thời gian của quân đội và chiến tranh", " Nhịp sống công nghiệp", "Thời gian nơi công sở" đã chi phối mạnh mẽ tới đời sống của người dân. "Chăm chỉ là đức tính của người Nhật" chỉ bắt đầu khi Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sở dĩ có được tốc độ phát triển như vậy là do người Nhật đã làm việc với quyết tâm theo kịp các nước Âu Mỹ.
Ý thức tập thể, tôn trọng thứ bậc và địa vị
Tập thể đóng một vai trò quan trọng đối với người Nhật. Trong công việc, người Nhật thường gạt cái tôi lại để đề cao cái chung, tìm sự hòa hợp giữa mình và những người xung quanh. Các tập thể có thể cạnh tranh với nhau rất gay gắt song sẵn sàng bắt tay với nhau để có thể đạt được mục đích chung. Vì vậy, điều tối kỵ là làm mất danh dự của tập thể. Ý thức tôn trọng thứ bậc có lẽ đã có từ lâu trong đời sống của người Nhật. Ngày nay, ý thức tôn trọng thứ bậc vẫn được thể hiện trong công việc và đời sống hàng ngày. Chính từ những yếu tố này mà tinh thần đoàn kết và lòng trung thành của người Nhật được phát huy, và nhờ đó mà việc thực hiện mục tiêu của tập thể tương đối dễ dàng.
Gắn bó dài lâu với công việc mình chọn lựa
Chính sách tuyển dụng của Nhật Bản như tăng lương theo thâm niên hay tuyển dụng suốt đời là một trong những yếu tố giúp cho nền kinh tế nước này tăng trưởng cao sau chiến tranh. Theo đó, càng làm việc lâu năm cho một công ty thì lương càng cao và thường họ làm việc tại một công ty cho tới lúc nghỉ hưu. Yếu tố này khiến cho người lao động yên tâm làm việc và có được lòng trung thành đối với công ty họ lựa chọn.
Hiện nay, ý thức cống hiến suốt đời cho công ty trong giới trẻ không còn như xưa, tuy nhiên, so với những nước có nền kinh tế phát triển thì tỉ lệ người lao động nghỉ việc sau 3 - 5 năm ở Nhật Bản còn rất thấp.
Mặc dù có sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng người Nhật luôn yêu mến công việc của mình, họ thường trung thành với lựa chọn và có ý thức gắn bó lâu dài, cống hiến cho công ty cũng như cho cộng đồng. Cũng có trường hợp công việc không được như mong muốn nhưng không vì thế mà nghỉ việc, họ sẽ tìm ra những mặt chưa hài lòng, chưa được để rồi tìm biện pháp giải quyết và cải thiện nó. Với tinh thần đó, càng ngày họ càng tiếp thu, trau dồi được trình độ kỹ thuật và cung cấp sản phẩm tốt nhất cho thế giới
(Tổng hợp từ interne)
1 comments:
Like..
Đăng nhận xét