Với cái Tâm sáng của một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, anh Lê Trọng Nghĩa - nhà đầu tư thân thiết tại Sàn IRS đã có những trải lòng hết sức sâu sắc về những thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam và những bài học xương máu của chính mình trong suốt chặng đường gắn bó với nghề...
Nghề đầu tư và kinh doanh chứng khoán (CK) ở Việt Nam (VN) có
thể nói bắt đầu từ năm 2000 – là năm mà nhà nước Việt Nam chính thức cho mở sàn
giao dịch chứng khoán (GDCK) để giao dịch mua bán, kinh doanh đầu tư cổ phiếu của
các công ty cổ phần đủ mọi thành phần và ngành nghề trong xã hội. Cũng từ đó sự
thăng trầm, chìm nổi của các nhà đầu tư và kinh doanh CK bắt đầu. Trong cuộc
mưu sinh đó đã nhiều người tay trắng phất lên trở thành đại gia với số tiền
tính bằng cả ngàn tỷ, ngược lại cũng có những người từ đại gia ngàn tỷ trở
thành tay trắng hay chịu cảnh vỡ nợ, tù tội không bao giờ có khả năng và cơ hội
trở lại cuộc đua trên thương trường. Nói sơ qua thế mới thấy sự thăng trầm,
chìm nổi và khốc liệt của nghề/ lĩnh vực đầu tư chứng khoán (ĐTCK) – một nghề rất
non trẻ mới xuất hiện ở VN hơn 10 năm nay. Còn nếu so với tuổi đời của các sàn CK
như ở Mỹ, Châu Âu với vài trăm năm tuổi chỉ đáng tuổi chút chít chứ chưa được gọi
là hàng cháu.
Cách kể chuyện tốt nhất, sâu sát nhất và đầy đủ nhất cuộc đời
của các nhà ĐTCK hay mọi diễn biến nói chung của nghề ĐTCK không gì tốt hơn là nên
gắn với biểu đồ giao dịch CK của sàn GDCK TP HCM (HSX) từ năm 2000. Nhìn vào đó,
một người đầu tư CK chuyên nghiệp có thể hồi tưởng và kể lại một cách rõ ràng mọi
chuyện diễn ra xung quanh sàn giao dịch nếu như người đó tham gia từ những ngày
đầu hay đơn giản chỉ cần nhìn lại lịch sử giao dịch và nghe những người đã trải
qua kể lại là đủ.
Nhìn lại biểu đồ giao dịch CK sàn HNX và theo sự quan sát,
kinh nghiêm tham gia của bản thân tôi thấy một số thời điểm và điểm mốc đáng nhớ
như sau:
1)
Giai đoạn từ thời điểm mở sàn năm 2000 đến thời
điểm bùng nổ của năm 2001 (từ 100 điểm lên 571 điểm).
2)
Thời điểm từ 2001 đến tháng 10/2003 (điểm đáy
130 điểm của thị trường).
3)
Thời gian đi ngang và tích lũy từ đầu 2004 đến
cuối 2005.
4)
Thời kỳ
đi lên và bùng nổ từ 2006 đến tháng 3/2007 (đỉnh cao muôn trượng 2007 với điểm
số 1170 điểm).
5)
Thời kỳ downtrend từ 2007 đến tháng 2/2009 (từ
1170 điểm xuống đến 235 điểm).
6)
Thời kỳ hồi phục từ tháng 2/2009 đến ngày
23/10/2009 (từ 235 điểm đến 630 điểm).
7)
Thời kỳ đi ngang xuống đều đầy sôi động từ
10/2009 đến nay.
Đó là những mốc và quãng thời gian đáng nhớ có thể viết thành
sách với độ dày hàng trăm trang đối với nhà báo hay những ai sáng tác văn học,
còn đối với bản thân tôi, tôi chỉ có thể điểm lại hay kể lại một số câu chuyện
điển hình có liên quan đến nghề đầu tư và kinh doanh chứng khoán mà thôi.
Sở dĩ tôi nói là đầu tư và kinh doanh CK chứ không chỉ nói là đầu tư là vì sao? Đối với tôi, đầu tư là những động từ mỹ miều để giành cho những ai đầu tư CK theo trường phái dài hạn và theo những tiêu chí cơ bản giá trị của doanh nghiệp mà mình tham gia đầu tư (trên thế giới có tỷ phú Warren Buffet – Mỹ đại diện), còn kinh doanh là động từ được chỉ ra đối với những người mua bán ngắn hạn cổ phần cổ phiếu trên thị trường với thời hạn hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng. Cả hai trường phái đầu tư dài hạn hay kinh doanh ngắn hạn CK trên thị trường đều có những thăng trầm, được thua không chỉ riêng với những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mà ngay cả với những tổ chức hay quỹ đầu tư lớn có vốn tới cả ngàn tỷ VNĐ, nội có ngoại có, ít kinh nghiệm có hay sói già lâu năm đầy kinh nghiệm đến từ Anh Mỹ cũng có.
Chỉ nhìn biểu đồ CK trên sàn HNX một người có kiến thức sơ đẳng về kinh tế hay TTCK cũng có thể hình dung ra mức độ hưng phấn hay khốc liệt của nó.
Tình cờ bước chân vào thị trường từ tháng 10/2003 theo sự giới
thiệu của một người bạn (thời điểm chỉ số HSX khoảng 130 điểm ), tôi không ngờ
đó lại là điểm đáy của thị trường kể từ khi mở sàn và cho mãi tới gần 10 năm sau
này chưa bao giờ CK VN phá được đáy kỷ lục đó. Tuy vào đúng đáy của thị trường
thật nhưng lúc đó tôi chả biết gì cả, chỉ biết là CK VN rất rẻ theo lời nói của
một vài người hiểu biết, có kinh nghiệm và đã từng tham gia thị trường CK ở các
nước phát triển như Mỹ và Châu Âu. Tuy nghe vậy, biết vậy, nhưng chẳng dám mạo
hiểm, thêm nữa công chức nhà nước như tôi lấy đâu ra tiền mà đầu tư?! Tôi tham
gia thị trường CK với số vốn ít ỏi, hình như khoảng 5 chục triệu đồng thì phải để
thử, và từ thời điểm đó đến tháng 3/2004 thị trường tăng lên đến 270 điểm
(nghĩa là đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm tôi bắt đầu tham gia 130 điểm)
nhưng hình như tôi chả được lời lãi gì hay nói tóm lại tôi không có một cảm nhận
chút nào về việc được hay mất khi tham gia thì phải. Lúc đó ký ức của tôi về TTCK
rất mờ nhạt, mờ nhạt như lời lãi của tôi vậy, do vậy rất ít điều để nói trong
quãng thời gian này.
Trở lại quá khứ 2-3 năm trở về trước một chút từ thời điểm
thành lập TTCK (100 điểm khởi đầu của HSX) đến khi thị trường đạt đỉnh 571 điểm,
lúc đó tôi chưa tham gia thị trường nhưng nghe những người đã trải qua thị trường
kể lại thì lúc đó mới chỉ có 2 cổ phiếu của 2 công ty được phép niêm yết lên
sàn GD thời gian đó, tôi nhớ không nhầm thì là SAM, REE thì phải. Mới lạ, hấp dẫn,
cơ hội là những từ được miêu tả lại hồi đó. Cung quá ít, cầu quá nhiều, ai cũng
nghĩ đó là cơ hội đầu tư mới bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống nên đổ xô
vào mua, giá cứ tăng lên hàng ngày, mỗi ngày giá tăng từ 5-10%, một mức lãi suất
quá hấp dẫn do vậy việc “cháy hàng” là chuyện bình thường. Với những yếu tố tâm
lý đó, TTCK lúc đó cũng sôi sùng sục, hàng ngày các nhà đầu tư tranh nhau mua,
chỉ có mua mà không bán hay mua 10 bán 1, chênh lệch cung cầu tất yếu dẫn đến sự
tranh mua bằng được và do vậy nên chỉ số CK cứ thế là tăng từ 100 đến 571 điểm
(gấp hơn 5 lần chỉ trong hơn 1 năm). Và một hiện tượng ngược lại lại diễn ra
khi chỉ số giảm từ 571 đến 130 điểm cũng chỉ khoảng 2 năm. Đó là một giai đoạn
bùng nổ thứ nhất của TTCK VN theo nhận định của tôi, dù cho lúc đó qui mô tt
còn quá nhỏ, các nhà đầu tư quá ít, số cổ phiếu niêm yết chưa bằng số ngón tay
trên một bàn tay. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã làm cho nhiều người trở nên
giàu có nếu gặp may mua được cổ phiếu khi đang tăng và bán được cổ phiếu khi đã
đến đỉnh và không tham gia nữa, hay nhiều người trở nên trắng tay nếu gặp phải
đỉnh và không kịp thoát hàng. Lúc đó qui mô thị trường và số lượng người tham
gia còn ít nên dư âm để lại chắc cũng không quá lớn, do vậy tôi ít khi được
nghe kể về quãng thời gian đó.
(Còn nữa)
Lê Trọng Nghĩa