31 tháng 5, 2010

Hãy hát lên lần nữa, chàng Đam San Y Moan!

NSƯT Y Moan năm 37 tuổi

Cú điện thoại của nhạc sĩ Nguyễn Cường lúc 7 giờ sáng 25/5 “Y Moan bị ung thư ở vòm bụng di căn giai đoạn cuối” khiến tôi bàng hoàng. Lá phổi đã cho anh tráng khí cao nguyên, giờ ruỗng vì nicotin. Dù thế tôi vẫn mong những điều diệu kỳ sẽ xảy ra và “chàng Đam San của âm nhạc Việt Nam” sẽ tiếp tục hát lên một và nhiều lần nữa.

Chỉ với Ơi M’Drak, Y Moan đã khắc vào tâm trí hàng triệu khán giả trong và ngoài nước, tầm vóc một nghệ sĩ hát. Nghe anh hát, người ta thấy yêu M’Drak, yêu cao nguyên đại ngàn, yêu đất nước mình. Tình yêu tự nhiên, mãnh liệt như khí chất của chàng Ê Đê đang bùng cháy những lời thiêng của Yàng (Trời) từ lồng ngực, từ máu thịt.

Trong Trường ca Đam San - linh hồn của dân tộc Ê Đê và Tây Nguyên, chàng Đam Sam khát vọng đến xứ sở Nữ thần Mặt trời, cướp nàng về làm vợ. Chàng vượt bao gian khổ, hiểm nguy đến xứ sở mơ ước ấy. Sức nóng của mặt trời đã thiêu cháy chàng, song khát vọng của Đam San không lụi tắt.

Y Moan là Đam San mới của Tây Nguyên. Mỗi lời chàng hát, là cất lên khát vọng ngút trời, của Y Moan, của Ê Đê.

Chàng “Đam San” Y Moan suốt 35 năm đã hát không ngừng những khát vọng ấy bằng giọng nam cao vang khỏe, đầy sinh lực vạm vỡ như xuyên đại ngàn, ào sông thác, vươn núi cao hùng vĩ. Một giọng hát không thể nhân bản, hoang dã và huyền bí. NSƯT Y Moan hát trên sân khấu, hát cho bạn bè, hát cho buôn làng, không bao giờ biết chối từ khi có người muốn nghe anh hát. Anh thường vào các buôn làng để sưu tập những làn điệu của kho tàng Tây Nguyên đang mai một, những bộ cồng chiêng “chảy máu” vì thất thoát bán - mua và để hát. Y Moan hát là làm một “tăng” 20 bài hát, nuốt khói lửa, muội đèn, ho ra máu, phải cấp cứu vì bệnh phổi.

Sáng 28/5, nghe tôi báo tin, nhà văn Trung Trung Đỉnh, một người am tường Tây Nguyên giật mình: “Thật ư? Mới ngày nào Y Moan còn hát bốc lửa cơ mà. Những năm 1980, tôi từng cùng Y Moan về các buôn. Y Moan đem theo guitar, hát dân ca Ê Đê rất rock. Bà con đến kéo đến nghe không biết chán. Anh hát liên tục, đứt cả dây đàn vẫn hát. Dân nghèo, mỗi nhà tặng vài quả trứng. Rời khỏi buôn, Y Moan có một gùi trứng đem về Đoàn liên hoan. Ngày ấy, sao đẹp quá!”

Hơn cả ý thức chuyên nghiệp, Moan lao động cật lực khi tập, khi trình diễn. Khác với chuyên nghiệp phải giữ giọng, luyện thanh trước khi hát, Y Moan hát hết sức. “Hát như thể hát lần cuối rồi giải nghệ. Hát như đánh bạc đến hào cuối cùng” (Nguyễn Cường). Khó ví von nào sinh động, sắc nét hơn thế!
...
(St)

Ơi M’Drak




2 comments:

Tôi đã từng may mắn được nghe Y Moan hát.
Quả thật là có một không hai. Nghe là đã thấy Tây Nguyên, đã thấy núi rừng, đã bừng bừng lửa hoang dã.
Kể cả con Y Moan là Y Vol và Y Garia cũng không thể bằng một góc, và cũng không thể mang lại cái âm hưởng lớn lao như vậy được.

Y Moan (hay gọi theo tiếng dân tộc là Y Mun), mất rồi, liệu bao giờ mới có một người hát nhạc Nguyễn Cường hay đến vậy đây?

Khi nghĩ về Tây Nguyên, người ta thường nhớ đến các ca khúc kiểu “Ơi M’Drak” của Nguyễn Cường. Bởi hình như có cảm giác, nó rất đặc trưng cho vùng đất cao nguyên. Âm hưởng bài hát chưa biết có phải bắt nguồn từ làn điệu dân tộc Ê đê hay không. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: nó mang đậm chất nhạc “rốc”- một thể loại nhạc hiện đại ở phương tây, rất xa lạ với văn hóa Tây Nguyên. Trước đây cũng có nhiều nhạc sỹ nhìn Tây Nguyên ở các góc độ khác: Cuộc sống êm đềm, thiên nhiên hiền hòa, phụ nữ dịu dàng…như “tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “tiếng đàn T’Rưng” “chiếc vòng cầu hôn”… Nhưng vẫn chưa có ca khúc nào thật sự đặc trưng cho vùng đất đỏ. Chỉ đến khi nhạc “rốc” được thổi vào, Tây Nguyên mới thực sự bùng cháy như là nó vốn có, với sức mạnh hoang dã của mình.

Thật khó hiểu. Các làn điệu của dân tộc Tây Nguyên rất sơ khai, đơn điệu và khác xa với thể loại “rốc”. Thế mà các ca sỹ ở đây như thể sinh ra đã chứa đầy tố chất để trình diễn “rốc”: gương mặt rắn rỏi, giọng hát vang, bay và dư đầy âm lượng, phong cách diễn hừng hực hơi lửa… Có lẽ cuộc sống trong núi rừng hoang sơ, mới sản sinh ra được giọng ca như vậy.