6 tháng 1, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: TÔI CHẤP NHẬN KHÔNG CÓ CON

PHẦN II
Ngày ra Hà Nội nhận tin con bị đuổi học khỏi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi mới biết con tôi bị đám sinh viên con nhà giàu ăn chơi đua đòi ở trường rủ rê tham gia vào hút chích ma tuý, chơi cờ bạc và cá độ bóng đá. Tôi không hiểu tại sao cháu lại sa ngã nhanh đến thế, mới chỉ ở những tháng ngày đầu tiên của năm thứ hai trên giảng đường đại học mà cháu đã kịp bập vào đủ loại trò bậy bạ. Cháu ham chơi đến độ thiếu tiền phải cắm thẻ sinh viên vay nặng lãi ở hiệu cầm đồ, và cắm không biết bao nhiêu xe đạp của các bạn. (Những năm đầu tiên của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sinh viên nhà giàu mới có xe đạp đi).

Chắc hẳn mọi người còn nhớ, vào những năm đó, cơn bão ma tuý tràn về Việt Nam, tràn vào các trường đại học, thậm chí tràn về những thị trấn, phố huyện và những làng quê heo hút tàn sát biết bao số phận thanh niên đang là niềm hy vọng của gia đình và xã hội. Vậy mà, con trai hiền ngoan của tôi lại là một nạn nhân của cơn bão ma tuý đó.

Sau bao nhiêu đêm tuyệt vọng vì quá sốc, mất ngủ vì không tin nổi con trai mình lại như thế, cuối cùng cả vợ chồng tôi đều ngậm ngùi chua xót nói với nhau rằng, có lẽ tại vợ tôi nuôi con, bao bọc con trong một cái tổ kén quá trong suốt nên khi rời khỏi vòng tay của mẹ, rời khỏi gia đình, cháu không đủ bản lĩnh và từng trải để đứng trước những cám dỗ của cuộc sống. Và cũng tại cháu hiền ngoan quá, rụt rè quá, sống trong một thế giới bình lặng quá, khi vào ngưỡng cửa đại học, xa bố mẹ, xa gia đình, hoà nhập ở một môi trường hoàn toàn mới, ngay tại thủ đô Hà Nội vốn hoa lệ và nhiều cám dỗ, nên cháu đã bị sốc môi trường sống và sinh hoạt ngay từ đầu.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi mới té ngửa ra rằng, điều rủi ro nhất cho cháu, cho vợ chồng tôi là cháu chơi với một người anh lớn hơn cháu 2 tuổi, con của một đôi vợ chồng thầy cô giáo ở trong trường vợ tôi dạy học. Bạn cháu từng là học sinh đoạt giải Toán quốc gia năm lớp 12, được vào thẳng đại học nhưng cháu quyết định thi vào trường mình yêu thích, đó là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Con trai tôi từ nhỏ ở nhà đã thần tượng hóa người anh học trên mình hai khoá, cháu thi vào Trường Kinh tế Quốc dân cũng là muốn phấn đấu được như hình mẫu mà mình mơ ước.


Khi cháu lơ ngơ bước vào trường, được gặp lại anh bạn, nhìn anh bạn như nhìn một thần tượng mà không biết rằng, anh bạn của mình giờ đã hư hỏng, biến chất do môi trường đua đòi trong một bộ phận sinh viên và trở thành một hotboy nổi loạn ở trường. Được anh rủ rê đi chơi, dẫn dắt và từng bước đưa con trai tôi bập sâu vào bùn lầy của đám sinh viên hư hỏng lúc nào không hay.

Sau này tôi mới biết, bạn của con tôi nghiện ma tuý nặng, và chính anh ta đã rủ rê con tôi tham gia vào những trò bậy bạ này. Bố mẹ của anh ta cũng quá sốc, như vợ chồng chúng tôi khi biết rõ sự thật. Chỉ tiếc rằng, khi biết được sự thật thì tất cả đã quá muộn, không còn cơ hội cứu vãn. Chúng tôi đã tự vấn lương tâm, tự dằn vặt mình không trang bị cho con những kiến thức cơ bản về cuộc sống, chúng tôi đã nuôi con trong tổ kén, và chính cái tổ kén ấy đã làm hại con trai tôi khi cháu bước ra khỏi tổ và hoà nhập vào cuộc sống. Con tôi như cây non không trụ lại được trước bão dông ma túy và cờ bạc.

Tôi và vợ tôi đã ân hận biết bao, đã bất lực đau đớn trong tuyệt vọng. Bắt đầu từ đó là một hành trình cứu con từ vực thẳm. Chúng tôi bán bớt nửa phần mảnh vườn để ra Hà Nội trả nợ đậy cho con trai và đưa con trở về quê để việc đầu tiên là cai nghiện ma tuý. Lúc đầu tôi còn giấu giếm làng trên xóm dưới, nói là con bị bệnh phải xin nghỉ học để về nhà điều trị cho bố mẹ chăm sóc và điều trị. Nhưng sự đời, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, huống hồ là trong nhà có một con nghiện ma tuý.

Tôi đã cắt phép hai tháng liền, trình bày hoàn cảnh với đơn vị để ở nhà cai nghiện cho con. Bị xích lại trong nhà để cai nghiện, con tôi không chịu nổi. Cháu la hét, đập phá, kêu gào thảm thiết. Nhiều lần nhìn thấy con sùi bọt mép, vệ sinh ra cả quần, van lạy bố mẹ như tế sao xin thả con ra, vợ tôi đã khóc ròng mà muốn buông xuôi tất cả vì thương con. Nhưng tôi kiên quyết phải cứu con bằng được. Mặc dù trong lòng tuyệt vọng ê chề, nhưng tôi tự hứa với mình phải cứu bằng được con trai tôi.

Sau hai tháng cai nghiện, cháu đã xa rời được ma tuý. Tôi vẫn không dám cho con tự do, mà nhất thiết phải bảo mẹ cháu canh chừng con không cho nó ra khỏi nhà trong thời gian sau cai. Tôi buộc vợ tôi về hưu non để dành thời gian cứu con khỏi ma tuý. Vợ chồng tôi đã làm tất cả vì con. Không biết bao nhiêu lần cai nghiện tại nhà, bao nhiêu lần mẹ con cùng khóc và tự hứa rời xa ma tuý. Nhưng chỉ được năm bữa nửa tháng, cháu nghiện lại do đám bạn bè xấu rủ rê lôi kéo, tuồn ma tuý đến tận nhà cho cháu hút chích.

Tôi và vợ tôi đã đưa cháu lên trại cai nghiện để nhờ các y bác sỹ cai nghiện theo đúng quy trình chuẩn. Nhưng chỉ sau khi tôi lên đơn vị được mấy hôm, vợ tôi đã mếu máo khóc cho tôi hay tin con trai tôi đã bỏ nhà ra đi. Từ đấy là hành trình tìm con trong tủi nhục và đau đớn. Bất kể ai từ làng trên xóm dưới, con trai tôi đều vay mượn tiền, thậm chí cắm xe đạp, xe máy... để hút chích.

Vợ chồng tôi lại tất tả ngược xuôi dày mặt nhục nhã đi trả nợ cho con trong sự thị phi của người đời. Khi trong nhà không còn gì đáng giá hơn nữa thì cháu quay tiền của mẹ mỗi lần trở về nhà, rồi lại đi. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là con trai tôi sau nửa năm đi lang thang, quay trở về với thân tàn ma dại và đòi mẹ bán nhà để chia cho cháu ít tiền làm kế sinh nhai, coi như là phần của hồi môn của cháu. Vợ tôi vì suy sụp quá đã bị tai biến mạch máu não và phải vào nằm viện mất hai tháng trời. Sau sự cố đó, tôi quyết định xin nghỉ hưu sớm để trở về nhà tiếp tục hành trình cứu con trong xót xa.

Những ngày tháng vợ tôi nằm viện, con trai tôi duy nhất một lần tới thăm mẹ. Thật ra không phải tới thăm mà cháu tới để lấy trộm tiền chữa bệnh của mẹ. Đến nước đó, tôi đành phải gạt nước mắt nhờ các chú công an đưa cháu đi lên trại cai nghiện bắt buộc. Hai năm trời cháu ở trại cai nghiện bắt buộc, vợ chồng tôi bán căn nhà và mảnh vườn còn lại để chuyển lên thành phố mua một căn hộ chung cư nhỏ hơn, và còn lại bao nhiêu tiền dành để chăm nuôi con trong thời gian ở trại…
(Còn nữa)

0 comments: