5 tháng 1, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Chứng khoán về quê

Cơn lốc chứng khoán mấy năm qua không chỉ ào ạt kéo qua những thành phố lớn mà lan đến cả những vùng đất lặng lẽ như Thành cổ Sơn Tây.
Đầu tư theo phong trào, có người thắng lớn, có người thua đau. Nhưng một số "nhà đầu tư nông thôn" vẫn đang tự nâng cao kiến thức và trông chờ một ngày thị trường hồi phục để trở lại với niềm đam mê chứng khoán.
Theo chân một NĐT lâu năm, tôi về xứ Đoài giao lưu với một nhóm NĐT chứng khoán. Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới có mặt tiền rộng hơn chục mét trên đường 21A, bác Khoa khoe 3 cậu con trai của bác đều đã sang Angola làm ăn, chuyển cả xưởng gia công thép của gia đình sang đó.
Có vốn liếng kha khá sau mấy chục năm làm việc vất vả, kinh qua đủ nghề từ thầu xây dựng, gia công sắt thép, buôn bất động sản, có lúc thấy thiên hạ kiếm lời lớn từ đầu tư chứng khoán, bác Khoa cũng bỏ vốn vào đó khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng thua lỗ là chính.
Bác Khoa thú thật: "Lúc đầu, tôi chỉ hiểu đơn giản việc mua cổ phần là góp vốn vào DN đó, nếu họ làm ăn hiệu quả, tôi được trả cổ tức, nếu cổ phiếu tăng giá thì bán đi kiếm chút lãi".
Tuy nhiên, chỉ bằng những hiểu biết đơn giản thì khó có thể đi "buôn" chứng khoán thành công. Không cứ bác Khoa, những NĐT nông thôn đều phải dựa vào họ hàng, người thân ở Hà Nội để được tư vấn, đánh "con" này, bán "mã" kia.
Bác Khoa không mở tài khoản riêng mà chung luôn tài khoản của bà chị, hầu như việc mua bán mã cổ phiếu nào đều do chị bác quyết định. Lúc thị trường đi xuống, rút vốn ra, chỉ thu được 2/3 số vốn bỏ ra, chịu lỗ 500 triệu, nhưng bác Khoa đành ngậm ngùi: "Thất bại là mẹ thành công".
Chị Tâm, một giáo viên trẻ tiếc rẻ: "Tôi mua 15.000 cổ phiếu Thủy điện A Lưới từ hồi Công ty mới thành lập với giá 10.000 đồng/CP. Năm 2007, có lúc giá cổ phiếu này lên tới 32.000 - 34.000 đồng/CP, nếu bán thì lãi trê 300 triệu đồng. Sau đó, giá cứ xuống mãi. Đến giờ, tôi vẫn giữ cổ phiếu của nhà máy này".
Nếu chốt lời khi đó, chị có thể mua đến 3 căn nhà ở Sơn Tây. Còn bây giờ, chị cũng không rõ có thể bán cổ phiếu này với giá bao nhiêu, chỉ biết năm ngoái, một NĐT cùng với chị đã bán với giá 4.000 đồng/CP. Với cổ phiếu của Hanel, chị cũng chịu lỗ gần 100 triệu đồng vì chờ giá lên.
Những NĐT ở đây, tuy không ít đến độ thành quý hiếm, nhưng cũng không nhiều. Chị Tâm hay bác Khoa có thể kể vanh vách tên các gia đình có đầu tư chứng khoán, nhiều ít, thắng thua ra sao.
Như nhà ông Thắng bán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng, tham gia thị trường ở thời điểm cứ mua là thắng, ông Thắng cũng kiếm lãi kha khá và kịp thời rút ra để mua căn nhà mặt đường đang ở hiện nay rộng cả trăm mét vuông.
Rồi nhà bà Bình, giàu có tiếng ở đất Sơn Tây này, kinh doanh vàng bạc và cả resort, cũng bỏ ra mấy tỷ đồng mở tài khoản chứng khoán, chủ yếu là lướt sóng, có điều vốn lớn, thu lãi cũng lớn nhưng khi lỗ lại càng đau…
Dễ thấy, những nhà đầu tư chứng khoán ở thành cổ Sơn Tây hầu hết đều là những người có "máu mặt" ở đây, tức là đều đang tham gia hoạt động kinh doanh nào đó và có vốn liếng kha khá, bắt đầu với sự rủ rê của người thân, người quen và họ thường mở chung tài khoản.
Sở dĩ những NĐT ở vùng quê phải nhờ đầu tư còn vì ở đây chưa có phòng giao dịch, đại lý nhận lệnh, không phải ai cũng có điều kiện lên tận Hà Nội để giao dịch dù Sơn Tây chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km. Ngoài ra, sự hiểu biết hạn chế về thị trường chứng khoán cũng khiến NĐT phải nhờ tư vấn của người quen.
Tuy vậy, cũng có những NĐT trẻ, có điều kiện đi lại, thường lên tận trung tâm Hà Nội để giao dịch. Anh Nguyễn Văn Tuấn kể, năm 2007, anh mang vài chục triệu đồng tiết kiệm ra Hà Nội mở tài khoản đầu tư chứng khoán. Hồi đầu, anh cũng lãi liên tục, số vốn có lúc "nở" thành gần 200 triệu đồng. Nhưng vụ đầu tư vào PVI đã khiến anh mất gần hết số lãi thu được trước đó. "Tôi mua 1.000 cổ phiếu PVI với giá 170 nghìn đồng/CP. Nhưng khi lên sàn, giá lại xuống, cuối cùng, tôi bán ở giá 70.000 đồng/CP". 
Vào thời điểm ai tham gia thị trường cũng thắng thì điều mọi người quan tâm là có mua được không, mua giá bao nhiêu. Những vấn đề như lỗ lãi, tình hình công ty, đặc thù ngành, vị thế doanh nghiệp không được NĐT quan tâm đúng mức.
Chị Tâm tự cười mình: "Hồi mua cổ phiếu của Thủy điện A Lưới, tôi chẳng biết vốn điều lệ của Công ty là bao nhiêu, chỉ biết nó nằm đâu đó ở miền Trung, nói gì đến những thứ như báo cáo tài chính, phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật".
Sau này, chị cũng tham gia một khóa đào tạo kế toán ngắn hạn để nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính DN và đầu tư tài chính để có hành trang vững chắc trên đường trường đầu tư.
Đi qua thăng trầm của thị trường, những NĐT ở thành cổ Sơn Tây cũng trưởng thành hơn. Thua lỗ, dù ít dù nhiều đã khiến họ nhận thức đúng đắn hơn về thị trường, về giá trị của kiến thức, không còn coi chứng khoán là trò chơi cờ bạc.
Đến nay, tuy đã đóng tài khoản và đã là chủ doanh nghiệp quảng cáo, anh Tuấn vẫn không bỏ qua tin tức về thị trường. "Nó giống như niềm đam mê ăn vào máu rồi. Năm tới, khi kinh tế vĩ mô tốt lên, thị trường phục hồi, tôi sẽ quay lại chứng khoán", anh Tuấn chia sẻ.      
(ĐTCK)

0 comments: