9 tháng 1, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Tọa sơn quan thị trường…

Cuộc đời có những mối duyên gặp gỡ rất ngộ. Hình như tất thảy đều được định bởi chữ “duyên” mà ra…
Đấy là cái cảm giác của mình khi lần đầu quen anh trong quán cà phê kế sàn chứng khoán… Mấy ông bạn vàng đang ba hoa, hết Tọa sơn quan hổ đấu, lại xoay sang Binh pháp Tôn Tử, từ Vô trung sinh hữu, Du long chuyển phượng đến Tiên phát chế nhân…
Tóm lại là anh em khí thế hể hả. Phen này vơ tiền chứng khoán dễ như lão ông vơ tay tóm gọn cả cò lẫn ngao… Bàn bên bỗng có tiếng cười xen lẫn câu nói bâng quơ, hình như học vấn giúp người ta sai lầm một cách bài bản hơn thì phải!?
Mình xưa nay vẫn mang cái “tự hão” ngấm ngầm của kẻ thích tầm chương trích cú, thấy khó chịu liền ngó sang, thấy anh chàng cỡ tứ thập, dáng vẻ phong trần, vừa lơ đãng nhả khói vừa cười:
- Anh thấy các chú bàn chuyện xem hổ đánh nhau, tự nhiên có hứng. Thế chú có biết cái chữ nào nó quan trọng nhất trong cái kế sách ấy không?
Chả đợi ai trả lời, anh bảo, cái gốc chính là chữ “quan” ấy đấy. Ngồi xem không có nghĩa là bất động. Xem hai hổ hay bò gấu, thậm chí mèo chó đánh nhau, nếu biết “quan” đúng cách thì thú như nhau cả…
- Bọn em cũng rình rập ghê lắm rồi đấy bác ạ. Chả phải nghe các chuyên gia phân tích bàn suông, tay trưởng phòng môi giới gộc chỗ em mở tài khoản cũng bán nhà, bán xe đổ tiền vào thị trường đợt này đấy.
- Tay ấy bảo các chú rằng, VN-Index sẽ lên đến 800 điểm đúng không? Cuối năm nay, anh em mình lại ngồi đúng chỗ này. Index chỉ 600 điểm thôi thì anh mời cả bọn bữa nhậu… một chỉ!
- Rồi, anh hứa đấy. Bọn em mà “một chỉ” vào thẳng Long Đình ăn rùa vàng, súp yến… thì mặt bác đừng có nhăn như lỡ sóng…
Chúng tôi đã bắt đầu quen và thân nhau từ bài học “ngồi im mà không bất động” như thế... Rồi anh em thỉnh thoảng la cà sàn xới vẫn gặp nhau. Tịnh không thấy anh nhắc nhở gì đến cái dự đoán trúng phóc ấy. Tối tất niên vừa rồi, ngồi lại với nhau, không nhịn được, mình mới thẽ thọt bảo, cả mâm này năm nay chỉ mỗi bác thắng. Cứ ngồi tọa sơn “quan” cá mập, thờn bơn rỉa thịt nhau rồi tự ăn thịt mình…
- Uhm... Anh ừ một tiếng dài. Kinh chứng phải tụng cả đời các chú ạ. Anh lấy tĩnh chế động được đến giữa tháng 9. Thấy cái chart phân tích tạo hình “cái cốc tai cầm” hấp dẫn quá... Thế là quất ngay!?
- Rồi sau đó ra sao?
Ối giời ơi... Sao với giăng gì! Từ đó đến nay, báo chí các chú suốt ngày “Chết đứng trên sàn”, rồi thì “Đại gia gặp đại hạ giá...”, “Bắc thang lên hỏi ông trời”...
- Nhưng tả thế có sai đâu anh. Tôi cười cười...
- Anh cũng cười cười: nhưng nhà đầu tư giờ cũng như cái anh ca sĩ nhiều lần bị fan cuồng hành hung. Can đảm lắm mới dám lên sân khấu, cứ dợm hát, lại có ông ở dưới vừa hét vừa giơ nửa hòn gạch lên dọa… Có mà hát lối giời...
- Rồi... Rồi anh ra làm sao?
- Hỏi chú chứ, tiền thì đã đổ vào chứng rồi... Ngày ngày lên sàn, về đến nhà nằm vật ra, cơm không nuốt nổi, ngủ không yên! Lọ mọ đi tới đi lui sáng đêm...
- Thì bọn em cũng có khác gì. Lúc nào cũng cảm thấy rã rời. Sáng vừa làm việc vừa canh bảng điện. Chiều vừa làm nốt việc đọng ban sáng, vừa tranh thủ lướt web tìm kiếm thông tin, chém gió trên các diễn đàn. Tối về, vừa ăn cơm vừa xem bản tin tài chính… Lâu ngày người cứ dật dờ như cái bóng!
- Cũng phải thôi, cơm áo gạo tiền....Cái áp lực đó khó vượt qua lắm...
Hóa ra bậc thầy lướt lát như anh mà vẫn chìm xuồng như thường. Chơi cổ phiếu đúng là một nghệ thuật hàn lâm. Chả nghe ai được, mình phải tự đi con đường mình thôi - tôi nhủ thầm trong bụng!
Như đi guốc vào bụng nhau, anh cười cười: 
- Nói thế thôi chứ mức thua lỗ của anh còn chịu được. Đúng là mỗi người phải có một con đường riêng cho mình, nhưng chứng khoán cũng như một khu rừng chỉ có 3 lối vào thôi. Đường thứ nhất dành cho nhà đầu tư, dễ đi nhưng khô cằn. Con đường thứ hai dành cho những tay lướt sóng, dẫn đến tâm của khu rừng. Nhiều người mất tích, nhưng những người thoát ra đều có vẻ giàu có. Con đường còn lại dành cho những con bạc, là lối đi tắt đến đầm lầy.
- Thật anh, bọn em toàn ăn theo nói leo. Chả đủ thông minh hay dũng cảm để có thể tự tìm đường. Cùng lắm là bước theo lối mòn của các bác thôi.
- Anh chẳng khác gì chú và giống 90% bà con trên thị trường, chúng ta nếu phấn đấu lắm thì cũng chỉ trở thành một tay lướt sóng thông minh thôi. Có hai cách để “thông minh”. Một là mua khi sóng mới chỉ gợn lăn tăn. Muốn vậy thì đòi hỏi phải nhanh tay, nhanh mắt. Hai là đi ngược sóng. Muốn vậy thì một là phải “vạm vỡ”, hai là chọn lúc sóng yêu yếu thôi hẵng giơ ngực ra mà đỡ.
- Anh nói nghe giống các chuyên gia phân tích sóng ấy nhỉ?
- Trở thành một nhà phân tích giỏi là khó, nhưng để trở thành một tay lướt sóng giỏi còn khó hơn nhiều. Con buôn nghiệp dư chỉ nghĩ khi nào thì tham gia vào thị trường, còn nhà buôn chuyên nghiệp dành nhiều thời gian để tính chuyện thoát ra...
- Em cũng biết thời điểm bán quan trọng hơn thời điểm mua. Nhưng ngồi một mình thì quyết tâm lắm. Đến khi lên sàn lại chép miệng, lại tặc lưỡi, lại tất tay... Cảm giác như mấy cái mũi tên xanh đỏ nó thôi miên mình như nhà ảo thuật thôi miên con rắn ấy. Giá nhảy càng nhanh, cảm xúc càng mãnh liệt anh ạ.
- Thế thì chú chả phải dân đầu tư, chả phải dân đầu cơ, chú gần hơn với thành phần thứ ba là những con bạc. Mà trên thực tế, hầu hết chúng ta đều từng cờ bạc. Phần lớn để giải trí, một số bị nghiện, còn một số rất ít trở nên chuyên nghiệp và kiếm tiền bằng cờ bạc.
- Em nghi ngờ cái gọi là giải trí này anh ạ. Cũng là một kiểu AQ thôi. Kiểu như lướt sóng bị chìm rồi lại chống chế, “tôi là nhà đầu tư dài hạn, chỉ mua và nắm giữ dài hạn”, hoặc là “mặc kệ giá xuống, kiểu gì cuối năm giá chả lên”…
- Chú có biết tiếng định nghĩa nguyên bản về nhà đầu tư và nhà đầu cơ như thế nào không? Nhà đầu tư là một con bạc khát nước, họ đặt hết tiền vào một cửa và theo đuổi cửa đó đến cùng! Còn nhà đầu cơ là người luôn theo sát và quan sát diễn biến thị trường, họ luôn quyết định có lợi nhất cho bản thân, mặc kệ thị trường nghĩ gì.
- Đúng là bọn em cũng có thời suốt ngày khuyên nhau: “Bán làm gì, bán ra là lỗ thật, kiểu gì sau này nó chẳng lên lại”, hay “Cổ phiếu đang lên ầm ầm, bán rồi lại phải mua lại”, “Xuống rồi lại lên, mua đi bán lại suốt ngày chỉ phí tiền hồ”…
- Toàn những lời hay ý đẹp phải không - anh cười. Riêng anh, anh chả bao giờ mong mình gặp tình huống phải nghiến răng “buy and hold”. Và anh rút ra một điều rằng, cách thua lỗ nhanh nhất là yêu một cổ phiếu.
– Nhưng có những điều đúng với người này mà lại sai bét với kẻ khác!?
- Có những nguyên tắc bất di bất dịch. Các chú có xem phim Holywood không? Các cao thủ cao bồi miền Tây khi đối mặt đấu súng, khả năng rút súng nhanh chỉ hơn kém nhau vài phần trăm giây là phải trả giá bằng mạng sống. Ở thị trường xứ ta, tài khoản của chú cũng phải trả giá nếu chú bước vào thị trường bằng niềm tin son sắt rằng, chậm và chắc kiểu gì rồi cũng chiến thắng.
- À, câu chuyện rùa và thỏ…
- Nhưng quan trọng là thỏ ngày nay rất ít khi ngủ quên trước khi chiến thắng. Thỏ chứng khoán thì lấy lẽ sống bằng việc chớp thời cơ. Ít có chuyện rong chơi, hoa lá cành mà quên đi cái đích phải đến lắm chú ạ.
- Nhưng cứ suốt ngày chúi mũi vào cái đích phải đến thì đời còn ý nghĩa gì nữa?
- Đúng là nhiều khi anh cũng tự hỏi, giá trị cuộc đời nằm ở cái đích phải đến hay đường đi đến đích? Anh em mình phần lớn có đủ tiền để làm một số thứ, đồng thời thiếu tiền để làm mọi thứ. Nhưng nói thật là đa số chúng ta đều sống và đi theo một lối mòn, con đường đó có thể dốc lên hoặc dốc xuống tùy thuộc vào tài năng. Đến một tầm tuổi nào đó, sẽ thấy rất khó để sống khác đi. Lấy một ví dụ, khi đã ngấm quá sâu chứng khoán, ta chỉ có thể bỏ khi đã nhẵn túi.
- Các cụ bảo tam thập nhi lập. Như bọn em tiêu hết cái quỹ thời gian lập thân rồi mà chưa làm nên cái gì. Tối ngủ nghĩ đến lại toát mồ hôi hột. Như ông ngồi bên cạnh đây còn thảm hơn, chữ nghĩa, học vấn đầy mình. Từng coi mình là đại bàng bay lượn trên trời xanh, trong nháy mắt biến thành con vịt bầu cần mẫn ngồi rỉa lông đợi vợ, đón con, vì trót bỏ việc chơi chứng full time?
Thôi, các chú ạ, Đức Phật đã dạy “Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng”. Ngày xưa Quỷ cốc tiên sinh ngồi xem hai con hổ đánh nhau mà nghĩ ra thế “Tọa sơn quan hổ đấu”, nay anh nghĩ mình dù phận ruồi nhép nhưng ngồi ngắm nghía thị trường cũng thấy nhiều điều đáng để ngẫm ngợi. Và cuối cùng anh rút ra một điều: ngay sau khi đám lửa tàn bao giờ cũng xuất hiện những chồi xanh.
Nói rồi anh cười - nụ cười ấm áp trong cái tiết đại hàn cuối năm!
(ĐTCK)

0 comments: