16 tháng 1, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Câu chuyện cảm động "Tiểu bảo mẫu Đinh Hương"

Do cha mẹ hai bên đều ở ngoài tỉnh, nên sau khi vợ tôi nghỉ hộ sản xong đi làm lại, tôi liền dự định sẽ mướn bảo mẫu chăm sóc con.


Ngày hôm sau, trung tâm môi giới đã dẫn đến nhà tôi một cô bé người Tứ Xuyên, tên là Đinh Hương. Cô bé vừa nhỏ nhắn lại gầy gò, nhìn dáng người độ khoảng 15 - 16 tuổi, cô bé mặc một chiếc áo sơ mi cũ, quá rộng so với người cô, lại thêm chiếc quần chật ních, nhìn thật không phù hợp chút nào. Xem kỹ, cô bé cũng thật thà, chất phát, tôi cũng có ý mướn, nhưng lại cảm thấy cô quá nhỏ nên còn do dự. Cô bé như hiểu được ý nghĩ của tôi, liền nói: “chú ơi, xin chú yên tâm, lúc bảy tuổi con đã bắt đầu nấu cơm cho cả nhà ăn rồi, có điều gì con không hiểu, thì chú chỉ dạy cho con, chú kêu con làm gì thì con làm nấy, con bảo đảm sẽ nghe lời chú.” Nghe cũng mủi lòng, tôi đồng ý nhận cô bé vào làm.

Ai ngờ, bữa cơm đầu tiên Đinh Hương nấu chẳng xong, nồi cơm khét lẹt. Hai vợ chồng tôi không nói gì, cô bé lại đau khổ khóc sướt mướt, nói: “Thường ngày ở nhà con chỉ ăn cao lương thôi, đây là lần đầu tiên con nấu cơm gạo tẻ, không biết nên để ít nước.” Vợ tôi nghe vậy liền nói: “Không có gì đâu con, từ từ rồi cũng quen.” Hai vợ chồng tôi cố ý giành nhau ăn cơm cháy, nhai rôm rốp, còn nói cơm cháy giúp tiêu hóa tốt, thấy vậy cô bé mới quẹt nước mũi mỉm cười.

Ngoài nấu nướng, chăm sóc em bé, Đinh Hương còn giành luôn cả việc giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Cô bé thích cười, lúc cười cô bé trông thật hồn nhiên ngây thơ. Hàng ngày, hai vợ chồng tôi làm việc mệt nhoài, nhưng về đến nhà, nhìn thấy sự hoạt bát dễ thương của Đinh Hương, nhìn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, em bé lại được chăm sóc cẩn thận chu đáo, bao nhiêu mệt nhọc như tan biến đi đâu hết.

Sống ở nhà tôi được một thời gian, tôi mới biết đôi chút về hoàn cảnh của cô bé. Nhà có ba chị em, cô bé là chị cả. Cha cô làm nông, năm cô bé mười tuổi thì cha bị ung thư gan. Vì kiếm tiền trị bệnh cho cha mà cả nhà lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Do không gánh vác nổi gia đình, mẹ cô hai năm trước đã bỏ nhà ra đi, để lại ba chị em cô, không lâu sau cha cô cũng mất. Vì nhà quá nghèo, mới học được nửa năm lớp sáu cô phải nghỉ học. Bây giờ ở nhà còn bà nội tám mươi tuổi và hai đứa em dại sống nương tựa vào nhau, tiền kiếm được mối tháng cô đều gởi về nhà để trang trải nợ nần và đắp đổi qua ngày.

Hôm đó vợ tôi hỏi nhỏ mỗi tháng tôi trả cho Đinh Hương bao nhiêu tiền. Tôi nói 500 đồng, vì xem tình hình bảo mẫu ở đây lương cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Vợ tôi thở dài một tiếng, sau đó lại dùng giọng điệu thương lượng nói với tôi: “Nhà cô bé quá khó khăn, chúng ta có thể trả thêm cho cô bé 200 đồng mỗi tháng hay không?” Tôi gật đầu.

Cuối tháng tôi đưa cho cô bé 700 đồng, cô bé liền hỏi: “Sao lại là 700 đồng mà không phải là 500 đồng vậy chú?” Tôi nói: “Con đừng lo nghĩ gì, trả tiền cho con thì con cứ nhận đi.” Thấy cô bé do dự không dám nhận tôi liền nói thêm: “Chắc là con nhớ nhầm rồi, lúc trước chú nói với con tiền công của con là 700 đồng lận!”

Đinh Hương ở nhà tôi làm bảo mẫu được một năm lẻ ba tháng. Hôm ấy, nhận được điện thoại ở quê gọi lên, người hàng xóm bảo nội cô bệnh nặng đang nằm viện, có lẽ không qua khỏi, muốn cô quay về quê gấp để chăm sóc bà và các em. Tôi bảo vợ mua cho cô bé một ít quần áo và một ít thức ăn, luôn thể tính lương cho cô bé. Hôm sau tôi đưa cô đến nhà ga, giúp cô bé mua vé xong, tôi lại đưa cô lên tàu. Lúc tàu chuyển bánh, từ toa tàu cô nhoài người ra vẫy vẫy tay với tôi, dáng vẻ như không nỡ rời xa.

Về đến nhà, tôi mới phát hiện bên cạnh chiếc gối trong phòng ngủ của cô bé có một mảnh giấy và còn có 3000 đồng. Trên giấy viết: “Chú ơi, không phải là con nhớ nhầm đâu, mà là chú nhớ nhầm rồi, lúc đầu chú nói mỗi tháng tiền công của con là 500 đồng. Nhưng mỗi khi chú đưa tiền cho con, con đều giả vờ như không biết. Con nghĩ có lẽ số tiền này sẽ giúp nội trị bệnh, giúp các em đóng học phí, nhưng con càng nghĩ càng thấy trong lòng không yên. Chú và cô đối với con ơn trọng như núi, con sợ sau này mỗi khi cô chú nhớ về con lại nghĩ Đinh Hương là đứa không có lương tâm! Hôm nay con đem số tiền dư gởi lại cho cô chú, cảm thấy trong lòng vô cùng nhẹ nhõm. Con hy vọng sau nay có cơ hội cô chú sẽ về quê con chơi. Đinh Hương.”

Đọc xong những dòng chữ đó, hai vợ chồng tôi thẫn thờ đứng cả buổi mà nói không nên lời…

(Trần Phụng Vưu - Trung Quốc; Nguyễn Ngọc Phụng - dịch)

0 comments: