1 tháng 11, 2012

CHUYỆN KHÓ TIN CÓ THẬT: Tôi không thể giải mã cuộc đời mình (P2)


Tôi đắng ngắt. Mọi chuyện đơn giản thế sao. Không có một thế lực siêu nhiên nào, không có một phép mầu nào, tôi chỉ là người đàn bà bị bản năng dục vọng điều khiển, kéo xuống vũng lầy...


Các anh các chị ạ,

Báu vật bất ngờ mà tạo hóa ban cho đã làm cho cuộc đời tôi hoàn toàn đổi khác. Tôi quen dần với việc có con, tập dần với những công việc làm mẹ thường ngày. Đúng là trời sinh, trời dưỡng, trộm vía con trai tôi cứng cáp, hay ăn chóng lớn. Cháu rất ngoan, chẳng mấy khi quấy khóc, cũng ít ốm đau như những em bé cùng lứa khác.

Tôi thường nghe mọi người nói “trời sinh voi sinh cỏ”, ngẫm vào bản thân mình thấy đúng. Tôi đơn thân, một mình một xứ, xa nhà xa cha mẹ xa cả quê hương bản quán, nói dại mồm nếu con trai tôi mà đau yếu bệnh tật thì không biết tôi sẽ xoay xở thế nào. Nhiều khi ngồi ôm con, trong cái se lạnh dịu dàng của khí trời miền Tây Bắc, ngắm khuôn mặt bầu bĩnh đang say giấc nồng, đôi môi nhỏ xíu thỉnh thoảng lại chụt chụt đáng yêu, tôi vẫn chưa hết bần thần. Phép mầu nào đã đem con lại cho tôi, hay cuộc sống này thực sự tồn tại chuyện thần tiên và những điều ước luôn trở thành sự thật. Ngoài những khoảnh khắc chìm trong cảm giác ảo mộng mơ màng, khi lý trí hiện hữu, tôi đã cố gắng phân giải mọi chuyện theo hướng xác thực nhất, nhưng bất lực. Dần dần, tôi không còn tự hoài nghi dằn vặt mình nữa, tôi chấp nhận cuộc sống của tôi như nó vốn có, vui với hạnh phúc làm mẹ, bận rộn trong toan lo dành cho sinh linh bé bỏng và thời gian cứ thế cuốn tôi đi, theo sự khôn lớn từng ngày của con trai tôi, thiên thần hộ mệnh mà tôi may mắn được dang tay đón nhận.

Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, những lời thủ thỉ của bố mẹ nhiều năm trước luôn cồn cào, trở đi trở lại trong tôi. Từ ngày có con, tôi lại nhớ cha mẹ hơn, thương cha mẹ hơn bao giờ hết. Khi con trai tôi được 5 tuổi, tôi bế con về quê thăm ông bà. Khỏi phải nói cha mẹ đã mừng thế nào khi gặp tôi và cháu ngoại. Bố mẹ tôi đều về hưu, ông bà già đi nhiều và đã luôn tìm thông tin về tôi trong bằng ấy năm ròng. May mắn là bố mẹ không hỏi về cuộc sống đã qua của tôi, ông bà thấy tôi không nhắc gì đến chồng, nên cũng tránh đi không quan tâm tìm hiểu.

Lần đầu tiên con trai tôi được về thành phố, sống giữa vòng tay của ông bà, các cậu các bác nên bé rất phấn khích, vui sướng. Khi tôi về lại trường, bố mẹ ngỏ ý muốn giữ con trai tôi lại để nuôi, cho cháu được hưởng một cuộc sống đủ đầy hơn, nhưng tôi từ chối. Làm sao tôi có thể xa con, xa niềm an ủi lớn trong đời. Bố mẹ lại quay sang ý định muốn tôi chuyển về thành phố, nhưng tôi cũng lắc đầu. Tôi hứa sẽ thường xuyên đưa con về chơi với ông bà, còn xa rời hẳn mảnh đất ấy, mái trường ấy, tôi chưa một lần nghĩ tới. Tôi cần phải ở lại đó, neo đời mình với cái miền núi non hiểm trở ấy để mong một ngày nào đó, tôi sẽ tự giải mã được cuộc đời mình, sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi, con trai tôi do thiên thần nào phái tới.

Mỗi bà mẹ có con đều hướng cuộc sống tới cái đích là con mình, tôi cũng như các bà mẹ khác, coi con trai là định hướng duy nhất. Vì con, khi con tôi gần đến tuổi tới trường, muốn con có một hành trang vào đời bình thường và rành rẽ, tôi đã đồng ý làm vợ một người đàn ông góa vợ. Anh ấy là người Mông, làm cán bộ ở huyện, tốt tính và rất nhiệt tình với mẹ con tôi. Lúc này tôi mới làm khai sinh cho con, dành cho con một cái lý lịch trọn vẹn để con tôi đường hoàng bước vào trường học.

Ngày đó định kiến cá nhân còn khắt khe với người mẹ đơn thân, và pháp luật cũng chưa cởi mở cho người đàn bà sinh con ngoài giá thú nên tôi chép miệng, coi cuộc hôn nhân của mình là sự hy sinh cho tương lai con trai. Nhưng, mừng thay, may mắn một lần nữa lại gõ cửa căn nhà nhỏ của mẹ con tôi. Chồng tôi là người tử tế, anh ấy từng có nhiều mất mát trong cuộc sống nên luôn biết quý trọng mỗi giây phút bên gia đình. Anh thực sự coi con trai tôi cũng như con anh ấy, chăm sóc cháu như một người cha thực thụ. Con tôi cũng nghiễm nhiên nghĩ anh ấy là bố, không bao giờ phân vân hay nghi hoặc.

Tôi tận tụy với chồng, yêu thương cả người con riêng của anh ấy, bởi vậy gia đình luôn tràn ngập tiếng cười và sự cảm thông gắn bó. Lâu lâu cả bốn chúng tôi lại về xuôi thăm bố mẹ tôi, và có lần chúng tôi còn đón ông bà lên tận miền sơn cước để tận mắt chứng kiến cuộc sống của gia đình dân tộc, như cách bố mẹ tôi thường trêu. Nhìn cách chồng tôi chăm sóc tôi, con tôi và con anh ấy đều ngoan ngoãn biết nghe lời, bố mẹ tôi càng yên tâm hơn. Bên cạnh mái ấm riêng, công việc của tôi cũng dần dần thăng tiến. Tôi được bổ nhiệm trưởng bộ môn, phụ trách khối, và đến bây giờ, tôi đang là hiệu trưởng ở ngay ngôi trường tôi đã gắn bó trọn tuổi thanh xuân của mình.

Đúng là thời gian không ngừng trôi, tháng năm nhanh như một chớp mắt. Tôi gần đến tuổi về hưu. Con trai tôi đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc và sinh sống ở thành phố với ông bà ngoại. Con riêng của chồng tôi cũng xây dựng gia đình, có cuộc sống ổn thỏa. Rốt cục chỉ còn hai vợ chồng tôi lọ mọ hàng ngày với nhau ở thị trấn ba bề bốn bên là mây giăng và núi ngủ. Câu hỏi về con trai đã tắt lịm, chìm khuất tận cõi sâu nào, tôi không còn đặt ra cho mình những nghi vấn không thể tìm nổi đáp án nữa. Tôi cũng chưa một lần nào hé lộ cho con trai tôi về bí mật thầm kín của tôi và cháu. Con trai tôi luôn hạnh phúc với cuộc sống của mình, với gia đình và người cha mà cháu hết sức yêu thương, quý trọng. Tôi những tưởng mình cứ sống yên bình thế này, cho tới ngày già đi, rồi khuất núi ở ngay cái phố huyện nhỏ bé yên lành. Nhưng số phận lại không buông tha tôi. Hay nói cách khác, tôi thấy mỗi con người không thể chạy trốn được quá khứ của mình, không bao giờ tách bạch hiện tại và tương lai ra khỏi những năm tháng cũ.

Một buổi sáng tôi ngồi trong phòng giám hiệu, vừa ngả lưng thoải mái vì giải quyết xong mớ công văn giấy tờ thì cửa phòng bật mở. Một người đàn ông bước vào. Tôi thoáng ngạc nhiên, vì không ai vào phòng tôi mà lại không gõ cửa. Tôi ngẩng lên, đang định cau mày bộc lộ sự khó chịu, chợt tôi khựng lại, cái điện thoại cầm trên tay buông rơi xuống bàn, nẩy lên tiếng kêu sắc lạnh. Trái tim tôi nghẹn thắt, như bất động. Tôi không thể thốt lên câu nói nào. Người đàn ông tự nhiên tiến lại phía tôi, tự nhiên kéo ghế ngồi, nhìn tôi chăm chú rồi cất giọng: Chào bà, chúng ta đều già hết cả rồi. Tôi chuếnh choáng, sự tự chủ vẫn chưa thể tìm về. Người đàn ông dường như hiểu được điều ấy, ông ta vẫn tự nhiên như chính ông ta mới là chủ, rót nước cho tôi rồi nhẹ nhàng nói: Bà uống đi, uống một chút nước vào sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Tôi làm theo ông ta như cái máy, ánh mắt vẫn bám chặt vào ông ta.

Người đàn ông lại hỏi tiếp, không ra cười không ra thách thức, mà như một sự tự hào xen lẫn hài hước: Tôi giống nó lắm đúng không. Tôi như nhũn người ra, càng thấy nghẹt thở. Ngay từ lúc người đàn ông bước chân vào phòng, nhìn thấy vóc dáng cao lớn và khuôn mặt chữ điền cương nghị, tôi đã muốn gục xuống. Lạ kỳ, thật lạ kỳ, ông ta giống con trai tôi như đúc. Cũng sống mũi thẳng và đầu mũi hơi hếch, cũng khuôn miệng rộng có làn môi dày nồng ấm. Cả lọn tóc mai nhọn, dính bết lấy thái dương cũng như tạc từ con trai tôi ra cùng một khuôn mẫu. Chỉ khác là mái tóc bồng bềnh đã hoa râm, và đôi mắt ông ta thì nhiều vết chân chim hằn sâu ở vệt đuôi dài. 

Phải một lúc lâu tôi mới trấn tĩnh. Người đàn ông ngồi nguyên một tư thế tựa cằm, mắt nhắm lại, nhẫn nại đợi tôi qua cơn xúc động. Tôi chầm bặp hỏi ông ta, mà cả cơ thể mình chao đảo, như thuộc về thế giới khác: “Ông là ai, sao ông lại tới đây?”. Ông ta chậm chạp mở mắt, nhìn tôi ra chiều mệt mỏi: “Đáng nhẽ tôi phải về tìm mẹ con bà từ lâu rồi”. Tôi vẫn thảng thốt: “Sao ông lại phải tìm mẹ con tôi, ông liên quan gì đến chúng tôi?”.

Người đàn ông lại ngả người trên ghế tựa, ông ta lại lim dim mắt, giọng nói bỗng dưng lạc đi, thành ra lào phào: “Bà còn nhớ ngày trước trên đỉnh núi kia có đặt một trạm khí tượng thủy văn không. Tôi là cán bộ đo gió ở trạm khí tượng ấy”. Tôi nhớ, nhưng lâu rồi, trạm khí tượng ấy đã dời đến vùng khác, tôi nghe nói là để các cán bộ khoa học có điều kiện làm việc tối ưu hơn. Thời tôi mới lên ở đấy có 3 người đàn ông, mọi người xì xào còn độc thân, vì có lần tôi thấy cô bạn cùng phòng cứ trêu tôi với những con người độc thân ấy.

Nhưng bằng ấy năm không hiểu sao tôi chưa gặp những người đàn ông ấy bao giờ, chỉ loáng thoáng thấy dáng điệu khi họ thay phiên nhau xuống núi mua đồ và vào trường nghỉ chân, lúc thì ăn cơm nhờ, có cả những lúc lỡ tối trời, ngủ nhờ qua đêm chờ sáng. Thì ra ông ta là một trong ba chàng trai trẻ ấy. Ông ta vẫn nói, cái giọng liêu trai, như ma như sói: “Ngày đó thỉnh thoảng tôi tạt vào trường, nhìn thấy bà trên bục giảng và từng rất ngạc nhiên, sao một cô gái thành phố lại lên tận nơi thâm sơn cùng cốc này dạy học. Thực ra nhiều lúc tôi muốn tới làm quen với bà, nhưng thấy bà nghiêm nghị quá, tôi ngại. Lúc nào bà cũng buồn buồn thành ra tôi chả dám gần. Cho đến một ngày, tôi xuống thành phố về muộn, trời quá khuya nên tôi rẽ vào trường định tìm chỗ ngủ nhờ. Tôi đi các phòng, thấy hầu hết đều khóa cửa vì lúc đó các thầy cô đang kỳ nghỉ hè. Đi qua phòng bà, có le lói ánh điện nên tôi đẩy cửa bước vào. Mà thực ra tôi cũng không nghĩ bà lại ở căn phòng ấy. Thâm tâm tôi chỉ định tìm mảnh chiếu rách trải ra ngả lưng đợi trời sáng tìm đường về trạm chứ không dám có ý nghĩ xấu xa gì. Vậy nên tôi cứ tự nhiên tắm rửa mà bà ngủ say quá, không biết gì. Tôi thấy bà nằm dưới tấm chăn mỏng, bà ngủ mà như đang mơ gì đấy. Tôi đã thao thức gần suốt đêm nhìn bà, cho đến lúc không kìm lòng được, tôi len lén ghé lưng xuống bên cạnh bà. Vô tình lúc ấy bà quờ tay qua phía tôi, và tôi không thể nào làm chủ được mình nữa”.

Tôi đắng ngắt. Mọi chuyện đơn giản thế sao. Không có một thế lực siêu nhiên nào, không có một phép mầu nào, tôi chỉ là người đàn bà bị bản năng dục vọng điều khiển, kéo xuống vũng lầy. Người đàn ông như hiểu được nỗi đớn đau trong tôi, ông ấy tiếp tục câu chuyện, mà lại như tự sự với riêng mình: “Hôm ấy tôi đã rất hạnh phúc. Tôi cảm nhận được bà cũng thế. Tôi nghĩ chúng ta không có gì phải ân hận, giày vò, chúng ta đã có được điều quý giá nhất trong đời là con trai chúng ta. Tôi biết tôi hèn nhát vì đã không ra mặt tạ lỗi với bà ngay thời điểm ấy, không dũng cảm nhận con và chịu trách nhiệm với chính mình. Lúc đó tôi đang chuẩn bị được đề bạt trạm trưởng, và cơ hội để về xuôi là rất lớn. Tôi chỉ nghĩ đến mỗi điều ấy. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã quá xa rồi. Tôi đã gặp con trai mình, nó làm việc ngay cơ quan mà tôi đang quản lý. Tôi thật tự hào về nó. Tôi cảm ơn bà vì đã nuôi dạy chăm sóc để nó trở thành một người đàn ông đàng hoàng như thế”. Ông ta còn nói nhiều, nhưng tôi nghe không rõ. Mọi thứ cứ âm âm u u. Tôi chỉ láng máng ông ta nói rằng muốn tôi nói cho con trai biết sự thật về cha nó, muốn bố con nhận nhau, về già ông ta muốn được sống với con trai tôi ở thành phố.

Có ai rơi vào cảnh ngộ như tôi. Gần đến tuổi về hưu, tôi vẫn không thể quyết được chuyện đời mình. (hết)

Theo ANTGCT