27 tháng 11, 2012

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: BÀI HỌC TỪ BA NGƯỜI ĂN XIN

Mấy hôm nay, đi về qua đoạn ngã tư Tôn Đức Thắng- Văn Miếu- Cát Linh, tôi hay gặp một người đàn ông lê cái chân lở loét từng miếng đỏ ối cố tình lộ ra bằng chiếc quần cắt cụt một bên ống để xin tiền người dừng chờ đèn đỏ. Rất ít người cho, họ lặng lẽ quay đi, không dám nhìn.

Hát xẩm
“Hát rong”- tranh của họa sĩ Bùi Thanh Phương

Tôi cũng là một người trong số đó, không dám nhìn vào cái thân hình tồi tàn và những vết loét trên chiếc cẳng chân bẩn thỉu ấy, tôi cúi xuống, giả bộ như đang mải miết quan sát chiếc đồng hồ công tơ mét trên xe mình, giả như không thấy chiếc mũ lưỡi trai đen cáu chìa ra trước mặt. Phóng xe máy đi rồi, tôi lại tự trách mình, có phải mình đã cư xử tàn nhẫn máu lạnh quá không?
Ban sẽ làm thế nào nếu gặp những người ăn xin lê la bẩn thỉu trên đường phố, cầu xin lòng thương của thiên hạ bằng tất cả những vết lở loét kinh hoàng trên cơ thể họ? Bằng một chiếc chân được quấn bằng thứ giẻ đã bốc mùi, với ruồi nhặng vo ve? Thật là khó xử. Bởi tôi biết, có nhiều người đã cố tình để những vết thương đó không bao giờ liền lại, muốn nó mãi mãi là một chiếc cần câu, để kiếm tiền, nuôi những bộ phận khác trên cơ thể. Trừ vết thương.
Đó là một cách để người đời rủ lòng thương rất hiệu quả. Nhưng tôi cho rằng, nó là sự xỉ nhục vào lòng tự trọng. Tôi kính phục những người khiếm thị hát rong, những người có thương tật trên cơ thể nhưng chỉ bằng lòng nhận chút tiền bố thí của thiên hạ khi họ làm được một điều gì đó có ích.
Gần khu chợ nhà tôi, có một người đàn bà có một cái bướu cổ to tướng, và hàng trăm những cục bướu khác rải rác khắp người, nhưng bà cố che giấu nó bằng áo quần, bằng chiếc khăn quấn kín mít hè nóng chảy mỡ cũng như đông lạnh sắt se. Để không ai phải kinh hãi khi nhìn thấy những dấu vết của một số phận không may mắn trên cơ thể mình.
Hàng ngày bà quét tước, dọn dẹp ở chợ, ai sai bảo việc gì thì làm, làm xong thì nhận tiền công, không một lời nài nỉ, van xin, phàn nàn nhiều hay ít. Không biết tên bà, tôi thầm gọi bà là “người đàn bà kín mít”.
Tôi còn biết cha con một người khiếm thị, thằng bé lên 5 hoặc 6, ngày nào cũng dắt cha nó vào chợ. Cha nó đánh đàn, nó dắt cha bằng một sợi dây buộc vào tay ông, rồi nó gân cái cần cổ mảnh mai gầy guộc lên hát hết bài này sang bài khác. “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh” rồi “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba”, cái liên khúc lần nào cũng làm tôi bật khóc.
Tôi thương thằng bé con, chắc mẹ nó bỏ đi rồi, hoặc là đã chết. Nó bé thế nhưng phải nuôi cha, bằng cái giọng hát bé thơ non nớt, bằng những ca khúc về gia đình mà nó học lóm ở đâu đó. Thằng bé hát như một nghệ sĩ thực thụ, như thể nghĩa vụ thiêng liêng nhất trên đời của nó là hát, chứ không phải hát để có vài đồng tiền lẻ cho cha mù con dại rau cháo qua ngày.
Hôm nào tôi đi chợ cũng chờ để được gặp cha con thằng bé. Nó không mở miệng xin ai một đồng nào, chỉ chuyên tâm vào hát thôi, và những người có lòng sẽ khẽ khàng đặt vào cái vỏ hộp bánh quy bằng sắt tây nó ôm trước ngực một vài đồng tiền. Khuôn mặt nó cũng chẳng biểu lộ nét buồn hay vui, chỉ rướn cổ hát và hát thôi, với một tâm hồn nghệ sĩ đáng kính trọng.
Cuộc sống đôi lúc khó khăn, đã nhiều khi tâm trạng bị rơi xuống gần chạm đáy, nhưng nhìn ngắm một đứa trẻ hát bằng tất cả niềm yêu thích và say mê ấy, tôi lại tự vực mình dậy và học ở chàng nghệ sĩ tí hon một tinh thần quật cường để đối diện với mọi ổ voi ổ gà trên đường đời. Chợt nghĩ nếu mình chịu thua thì mình không xứng đáng là một- người- trưởng- thành trước đứa trẻ ấy.
Tôi học rất nhiều ở “người đàn bà kín mít” và chàng nghệ sĩ tí hon. Học ở họ tấm lòng lương thiện. Học ở họ lòng tự trọng. Học ở họ cách đối diện với cuộc đời. Và mỗi đồng bạc lẻ tôi tặng họ mỗi lần, không phải tiền bố thí cho người kém may mắn, mà là tiền học phí cho những bài học mà họ đã thay mặt cuộc đời dạy cho tôi.
Rằng nếu một khi Trời đã cho mình một số phận không may, cho mình suất vé hẩm hiu nhất trên chuyến tàu chạy suốt cuộc đời, không có ghế ngồi, chỉ bám cheo leo vào thành tàu mà sơ sểnh một chút liền rớt xuống đường ray, thì mình cũng phải dũng cảm đón nhận nó. Sẽ không phô ra cho ai thấy chỗ hẩm hiu ấy để mưu cầu lòng thương hại, sẽ tìm mọi cách che giấu nó để được tự thấy mình cũng bình đẳng như ai.
Thật đáng thương cho những ai, giống như người đàn ông tôi gặp ở ngã tư phố đông ấy, thay vì tự tìm cách mà chữa chạy, thì vạch áo khoe ra những vết lở loét trong tâm hồn mình, chỉ để xin đời một chút thương hại, không phải nhằm xóa lành vết thương, mà duy trì nó như một mục đích cho đời sống.
Ba người ăn xin đã dạy cho tôi ba bài học quý giá biết nhường nào.
(Sưu tầm)

0 comments: