24 tháng 8, 2010

Sự tích Vu Lan

Tại một ngôi chùa nhỏ ở thành phố Hạ Long, lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức trước ngày rằm tháng 7. Trong khi hành lễ, các vị sư thường tụng kinh Vu Lan và một số bài văn tế khác.

Người dân khi đến chùa được các nhà sư giảng về sự tích lễ Vu Lan gắn liền với truyền thuyết về một Đại đệ tử của Đức Phật Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ mình khỏi chốn ngạ quỷ. Tôn giả Mục Kiền Liên lả đại đệ tử của Đức Phật nổi tiếng là có thần thông bậc nhất. Sau khi chứng A La Hán, Ngài nghĩ đến mẹ là bà Thanh Đề.

Khi còn sống, bà sống không lương thiện, tính tình keo kiệt tham lam, Tôn Giả sợ bà thác sinh vào đường ác, nên dùng thiên nhãn thông để xem bà sinh ở cõi nào. Tôn Giả nhìn đến cõi ngạ quỉ thấy bà đang làm quỉ đói thân hình tiều tụy vô cùng đói khổ, động lòng thương, Tôn Giả đi khất thực được một bát cơm, liền vận thần thông đem dâng cho mẹ. Bà vốn là kẻ đầy lòng tham lam và bủn xỉn, khi vừa được bát cơm một tay bà bốc cơm một tay che lại, sợ kẻ khác thấy giật cơm của bà. Do tham lam bủn xỉn còn đầy dẫy trong lòng bà, nên cơm vừa đưa tới miệng thì hóa thành lửa, bà không ăn được, vẫn đói khổ. Nếu lúc đó bà phát tâm hỉ xả, thì chắc cơm không hóa thành lửa. Tôn Giả Mục Kiền Liên trông thấy cảnh khổ của mẹ, Ngài không biết làm sao cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỉ, bèn trở về Phật bạch tự sự. Thế Tôn dạy: "Một mình ông không đủ oai lực chuyển tâm niệm của mẹ ông. Vậy nhân ngày chúng tăng hội về tự tứ, ông hãy sắm sửa trai nghi để cúng dường các vị Thánh Tăng, và nhờ cầu nguyện khiến cho mẹ ông chuyển tâm tham lam bủn xỉn thì sẽ thoát kiếp ngạ quỉ."

Vào đúng vào ngày rằm tháng bảy, ngài lập đàn cầu nguyện, với những nỗ lực lớn lao, ngài đã cứu được mẹ mình về với cõi lành. Từ đó, ngày rằm tháng bảy được chọn là ngày Đại lễ báo hiếu. Về sau, Ngài Mục Kiền Liên không chỉ không nỡ nhìn cảnh mẹ mình chịu khổ, mà cũng không nỡ nhìn thấy mẹ của tất cả chúng sinh chịu khổ, cho nên Ngài phát nguyện làm Địa Tạng Vương đi vào địa ngục, trông coi tình hình ở địa ngục. Phật tử từ đó vẫn quen gọi Ngài là "Địa Tạng Vương Bồ Tát". 

Đại đức Thích Tuệ Sỹ, Trụ trì chùa Hợp Long, Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: “Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu là một trong những lễ thể hiện tinh thần tri ân và báo ân, thể hiện sự hòa nhập, hòa quyện của văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Đó là một trong những tinh thần nhân bản của Phật giáo và lễ Vu Lan gọi là lễ của những người con hiếu. Hạnh hiếu là hạnh đứng đầu muôn hạnh tốt. Tri ân và báo ân, là dịp để những công dân VN thể hiện lòng tri ân với Tổ quốc, những người con tri ân và báo ân với đấng sinh thành”.

Khái niệm “Xá tội vong nhân” bắt nguồn từ truyền thuyết về ngài Anan - cũng là một đệ tử của đức Phật đã cúng bố thí cho loài quỷ đói. Tục cúng cô hồn ra đời từ đó và được dân gian quan niệm cúng bố thí cho những người đã khuất nhưng không còn ai thờ cúng. Trong ngày này, nhiều ngôi chùa ở miền Bắc thường đổ cháo ra lá đa để bố thí chúng sinh.

Tuy cùng diễn ra vào ngày rằm tháng bảy, nhưng lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân là hai lễ cúng khác nhau, một liên quan đến chuyện ngài Mục Liên - báo hiếu, một liên quan đến chuyện ngài Anan - làm phước.

Theo PGS- TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam: “Cả khía cạnh đạo đức Phật giáo tạo ra động lực khuyến khích con người hành động hướng thiện. Quan trọng nhất thông qua hoạt động như vậy, người đang sống phải xác định thái độ đối xử của mình với cha mẹ thế nào là đúng để đến khi cha mẹ khuất núi để không hối tiếc, để không có chuyện tranh giành nhà cửa để bố mẹ ốm mà không chăm sóc… Những hiện tượng ấy nó đang diễn ra, tôi nghĩ rằng, lễ Vu Lan và quan niệm dân gian về Xá tội vong nhân, làm được nó sẽ khuyến khích tâm thiện của con người lên rất nhiều”.

Ngày rằm tháng Bảy đã thấm sâu vào tâm thức người Việt. Và ngày nay khi mà cuộc sống thường nhật ngày càng gấp gáp hơn, thì ngày rằm đặc biệt này là khoảng lặng để mỗi người, đặc biệt là lớp trẻ nhìn lại chữ hiếu và ý thức rõ hơn về trách nhiệm với tiền nhân. Ngày rằm tháng bảy vì thế mà đã trở thành một ngày đặc biệt thấm đẫm tinh thần nhân văn.

(Sưu tầm và biên soạn )

0 comments: