25 tháng 2, 2011

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: The Bird of Wounds (Paul Mauriat)

The Bird of Wounds là một trong những bản hoà tấu xuất sắc nhất của Paul Mauriat. Không biết tác phẩm ra đời từ lúc nào, chỉ nhớ là vào khoảng năm 1996-1997, nó đã làm mưa làm gió đối với thính giả thích thể loại hoà tấu bán cổ điển. Bản nhạc này, trong giai đoạn đó, thường được dùng làm nhạc nền cho nhiều chương trình trên TV (giống như những năm gần đây, người ta thường lấy nhạc của Yanni làm nhạc nền cho nhiều chương trình vậy). Đồng thời, nó cũng được phát đi phát lại nhiều lần trong chương trình nhạc nhẹ không lời lúc 12 giờ trưa trên làn sóng FM 99,9 MHz… Thường được dịch là “Cánh chim thương tích”, thông qua sáo điện (flute), nó tạo cho người nghe một cảm giác như vừa gọi mời vừa xa lánh, đau thương nhưng nhẹ nhàng, buồn bã mà chơi vơi. Đặc biệt, lúc nhạc công vừa lướt vừa nhấp nhiều lần trên lỗ sáo khiến cho thính giả tự hỏi đó là tiếng kêu vô vọng của một loài chim đang lạc lõng tìm chốn nương thân hay đó là lời thì thầm tha thiết mong chờ ai đến cùng chia sẻ nỗi đau thương sâu kín…


“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó dời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi mà lắng nghe, và chính Thượng đế trên Thiên Đàng cũng mỉm cười…

Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra là truyền thuyết nói như vậy…”

“Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên. Bản thân nó không biết sức mạnh nào buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng, đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết. Chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế…

Hãy để cho những con người mới lặp lại cái vòng tuần hoàn. Chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai. Và không tiếc nuối về một phút nào cả…”.