21 tháng 2, 2011

KỸ NĂNG SỐNG: LUẬN BÀN VỀ CĂN BỆNH ẢO TƯỞNG CỦA MỘT BỘ PHẬN GIỚI TRẺ

Phần 2: Ảo tưởng trong thế giới thực

Khoe khoang, thích phô trương cũng là một căn bệnh khá phổ biến đang tồn tại trong giới trẻ hiện nay. Có nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, tuy chưa tìm được một công việc tạm ổn đã vội đăng ký học thêm văn bằng hai, học cao học chỉ để khoe mẽ trong khi họ đâu có biết rằng, học trong công việc mới chính là cái họ đang cần. Nhiều người thì học đòi, mới đi làm đã thích sắm di động, máy ảnh đời mới, laptop xịn… Đó là căn bệnh hám thành tích, căn bệnh tự huyễn hoặc mình, ảo tưởng với bản thân, dẫn đến một số bạn trẻ không tự nhận ra chân giá trị của mình.

Ngược lại, cũng có nhiều bạn trẻ, khi gặp phải vấn đề hóc búa không dám nêu ra ý kiến hoặc phản biện về bất cứ điều gì. Họ không đề xuất được những ý tưởng mới, vì sợ trách nhiệm, sợ thất bại, khi có khó khăn nảy sinh thì tìm cách đùn đẩy, “đá bóng” sang cho đồng nghiệp. Họ lo lắng, mất tự tin và hoài nghi về cuộc sống, họ không xác định được khả năng của bản thân, ý nghĩa và mục đích sống của chính mình. Đó là chân dung những bạn trẻ thiếu bản lĩnh, chỉ biết an phận thủ thường.

Nhìn lại chính mình là điều cần thiết của giới trẻ hiện nay  

Các bạn trẻ cần biết rằng, hoài bão và ước mơ là đúng nhưng chưa đủ, mà bạn còn phải hành động tích cực để thực hiện nó nữa. Không lẽ một số bạn trẻ chỉ ngủ vùi trong giấc mộng ảo tưởng để rồi khi tỉnh giấc, thấy mình đã đánh mất chính bản thân? Sống là phải biết đối diện với sự thật, biết chấp nhận mình để vượt qua và bước tiếp.

Thời của thế giới phẳng và kỹ thuật số, con người ta tất tả chạy theo lối sống gấp và thực dụng, quay cuồng với các bon chen khiến dễ mắc bệnh cùn mòn cảm xúc, thiếu đi những phút giây tĩnh lặng với tâm hồn - những phút giây để tìm về chính con người thật của họ, để ngẫm mình, suy nghĩ về cuộc sống, về mục đích thực sự mà họ cần hướng tới. Đó là sự cho và nhận, sự được và mất, hạnh phúc và khổ đau…Dường như ở những đối tượng này, họ có quá nhiều những tham vọng, nhưng chúng đã vượt qua ranh giới và khả năng của họ, khiến họ trở nên duy ý chí và hành động thiếu suy nghĩ.

Dù gì đi nữa, bạn trẻ vẫn là một con người bằng xương bằng thịt và bạn đang sống trong một thế giới thật, đừng để thế giới thật lãng quên chính bạn! Để rồi một ngày nào đó...giữa những con người thật, trách nhiệm thật, nhân cách thật, tự trọng thật … liệu bạn có hoang mang cho rằng "Mình là ai? Mình muốn gì? Và mình có tồn tại với những giá trị thật của mình hay không?"

Các bạn trẻ thân mến! Chúng ta là những người trẻ tuổi, chúng ta có lý tưởng, có khao khát và có ước mơ. Nhưng chúng ta cũng cần biết đứng trên đôi chân của chính mình, cần một lối về bình yên thật sự. Đừng ảo tưởng để rồi khi lạc lối quá xa, chúng ta mới ngộ ra sự nhầm lẫn của chính mình, đến lúc đó, e rằng đã là quá muộn.

NTH

14 comments:

"Mình là ai? Mình muốn gì? Và mình có tồn tại với những giá trị thật của mình hay không?"
To be or not to be???

Đúng là Hamlet của Shakespeare.
Hy vọng căn bệnh này sẽ không bao giờ biến thành bi kịch như vậy đối với giới trẻ

Hãy sống thật với chính mình, với tất cả những khả năng thực mà mình có, đừng có mà giàu trí tưởng bở.
CK cũng vậy, đâu dễ kiếm tiền!

Ảo tưởng là chơi CK chỉ có lãi. hix

Đừng ảo tưởng là CK lãi 50% như ngày xưa nứa, xưa như Diễm rùi

Tham vọng + Ảo tưởng = Chết
Đề nghị bài viết nói về ảo tưởng trong đầu tư chứng nữa

Đọc mà thấy lo cho con cái của mình quá, k biết dạy dỗ thế nào cho đúng trong xã hội này? Ai chấp nhận trả giá? Con cái hay bố mẹ?

tôi thấy rất hay, diễn đàn cần có những ý kiến chia sẻ như thế này để mọi người cùng quan tâm

Thôi lo cũng chẳng được, đành để dòng đời xô đẩy. đôi khi cũng phải chấp nhận trả giá thôi.
Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần?
Có khi già rồi mà vẫn dại, chẳng cứ gì trẻ

cứ sống như ông bà cha mẹ ngày xưa lại thik, mặt trái của kinh tế thị trường kinh wa

Con hư tại bố mẹ, cháu hư tại ông bà! Thử hỏi những bệnh ấy( Hình thức, tham vọng, tìm việc nhàn nhã…) từ đâu ra? Có phải từ người lớn không? Chắc hẳn họ không thể chối bỏ được trách nhiệm. Suy rộng nữa, nếu tệ nạn xã hội tràn lan, xã hội ấy có vô can đứng ngoài được không? Tất nhiên là không. Vậy thì giới trẻ chỉ là nạn nhân của mặt trái xã hội vì mỗi tội là tiếp thu nhanh. Một câu hỏi nữa – Ai phải trả giá, người lớn hay bọn trẻ? Bọn trẻ chưa bao giờ biết hỏi câu này, đương nhiên chúng phải trả giá, tất nhiên là sau này. Nhưng trước mắt, chính những bậc làm cha, làm mẹ mới là người phải day dứt nhiều nhất và cái giá phải trả không nhỏ. Lớn hơn nữa, xã hội phải trả giá vì đã sản sinh ra những thành viên kìm hãm sự phát triển lành mạnh của cộng đồng.

Giải quyết vấn đề này thật đơn giản nhưng vô cùng khó là phải dạy dỗ làm sao cho bọn trẻ biết quan tâm đến người khác từ việc nhỏ nhất. Chỉ có lao động và hưởng thụ không vượt quá khả năng của mình mới tạo nên nhân cách con người.

Nói thánh, nói tướng thì dễ thực hiện được mới là khó. GEN và môi trường sống trong gia đình cũng là phần không thể thiếu ảnh hướng tới nhân cách lớn nhất của trẻ. Sống trong gia đình buôn bán thì tính cách trẻ sẽ khác so với sống trong gia đình mẫu hệ...

Từ bài viết của NTH, đọc các lời nhận xét của độc giả ,tôi thấy tất cả mọi ý đều trùng nhau dưới mọi góc nhìn.Tôi đúc kết lại một vấn đề xuyên suốt hai phần của bài viết thế này:
Thời gian và cách sống của mỗi gia đình ,sẽ mang lại cho con cái của chúng ta ,những tố chất làm nên một phong cách sống.Trong cuộc đời của mỗi con người ,ai cũng trải qua tuổi trẻ,nông nổi.... nhưng mái ấm gia đình sẽ theo cùng thời gian,gọt dũa cho ta đi theo quỹ đạo chuẩn mực .Có như vậy con người sẽ không rơi vào ảo tưởng.Sống theo đúng nghĩa của nó. XIN CẢM ƠN TÂT CẢ CÁC ĐỌC GIẢ TRÊN BLOG CỦA IRS.CHÚC MỌI NGƯỜI MẠNH KHỎE,HẠNH PHÚC VÀ MAY MẮN TRONG CUỘC SỐNG!