17 tháng 2, 2011

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Ăn chay hay không ăn chay (trích nhật ký của một lần ghé thăm Ấn Độ)


Ngạn ngữ Anh có câu: "Travel broadens the mind", người Việt Nam cũng vẫn hay nói "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Dẫu vẫn biết trong nhịp sống hối hả của hiện tại, một chuyến du lịch là "Không để lại gì ngoài những dấu chân, không mang về gì ngoài những tấm ảnh". Tuy nhiên mỗi chúng ta vẫn hay để cho mình một tâm thế về những chuyến đi lấy được, thay vì tìm hiểu, và khám phá những phong tục, nét đẹp văn hóa của nơi mình đến. Đôi khi bên cạnh sống chậm lại thì đi chậm lại, cũng chính là một cách để chúng ta nuôi dưỡng và làm giàu thêm cho tâm hồn của mình...

BBT Blog IRS xin được giới thiệu một góc nhìn "Chậm" về phong tục ăn chay của người dân Ấn Độ, một trong những thiên đường du lịch của thế giới.


Ăn chay hay không ăn chay
Từ ăn chay … 



        Trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Delhi, khi nhìn vào thực đơn, thấy có các món chay và món bình thường, tôi cũng thấy chẳng có gì khác biệt lắm về sự phân biệt này. Nếu như ở Việt Nam, về ẩm thực, để phân biệt thì mọi người ta hay nói “người ăn bình thường” và “người ăn chay”, điều đó chứng tỏ những người ăn chay chỉ là số ít, và thậm chí rất ít so với số lượng người thường. Nhưng ở nơi này, thì cách phân biệt lại là “Người ăn chay” và “người không ăn chay”, và như thế, số lượng người không ăn chay, người thường, hay người ăn thịt lại là phần rất nhỏ. Tôi đã được trải nghiệm thế nào là ăn chay, với 2 ngày đầu tiên và cuối cùng với vài miếng thịt gà, và tất cả những ngày còn lại trong hành trình nửa tháng đều là ăn chay. 

Một bữa ăn chay Ấn Độ: bánh Chapati, sốt masala Cà ri, cơm rang và trà sữa 'Chai'


        Những ngày ở Jodhpur, khi đó, trong tâm niệm tôi vẫn đinh ninh là tất cả người dân Ấn đều ăn uống, ăn nhiều thịt giống ở Việt Nam mình, nên cũng không chú ý lắm về cách chế biến thực phẩm của họ. Có lần, đi qua một cửa hàng “bánh rán”, khi thấy những chiếc bánh bột được rán có hình chiếc đùi gà, và tôi vẫn chắc mẩm rằng: “ở đây ai cũng bán đùi gà rán với lườn gà rán tẩm bột như này thì KFC mà bán ở đây thì có mà sập tiệm”. Tôi kể chuyện này với những người bạn đồng hành, và họ phản đối và cho rằng đó không phải là một chiếc đùi gà. Tranh cãi một hồi, tôi quyết định tìm đến một cửa hàng bánh gần đó, mà mua ngay một chiếc bánh có hình đùi gà. Cắn một miếng, chưa thấy thịt đâu cả, cắn miếng nữa thấy hơi cay. Thêm một miếng, cay không chịu được. Thì ra bên trong chiếc bánh là một quả ớt xanh dài khoảng 10cm và không có một miếng thịt nào cả. Tất cả các loại bánh khác cũng thế, bánh khoai lang, bánh nghệ, bánh hành, … tất cả đều là rau quả, thực vật đều được tẩm bột rán. Sau này, khi về Bikaner, lúc đi dạo quanh khu phố cổ, thấy cả một gia đình quây quần ngồi chế biến đồ ăn cho năm mới, người thì rán bánh, người thì gọt khoai tây, người thì cạo nghệ, người nhặt hành, … Tôi mới tin tuyệt đối về sự ăn chay và những người Vegetarian này. 


Tất cả những loại dầu thực vật để rán những chiếc bánh đó được chiết xuất từ cải vàng. Những cánh đồng hoa cải vàng, giống như cải vàng từng khoanh được trồng bên Bắc Ninh, trải dài hàng trăm cây số. Nơi đâu cũng thấy sự hiện diện của loại cây này. Từ những hoa văn trong lăngmộ Tal Mahal, đến hoa văn trên tường ở Jodhpur, hay trong những bức tranh tỉ mỉ ở thành phố sa mạc Bikaner. Rõ ràng, đây là một loại cây rất quan trọng. 

… đến động vật ở khắp mọi nơi 

        Trước chuyến đi, tôi có đọc vài trang đầu trong cuốn sách Mùi hương trầm của tác giả Nguyễn Tường Bách, một thương gia người Việt sống và làm việc ở Đức và sang Ấn Độ để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Cuốn sách được viết lại trong thời gian tác giả ở Ấn Độ với sự diễn giải tuyệt vời về đạo Phật, những gì còn sót lại của Phật Giáo ở đất nước Tây Trúc này. Ngày nay, Phật giáo chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu tôn giáo nước này, chủ yếu là Phật Giáo Tây Tạng ở ven dãy núi Hymalaya. Ấn Độ ngày nay là của Hindu, của Muslim, của Sikh,… Nhưng những tư tưởng chống sát sinh của Phật Giáo vẫn được lan truyền qua hàng chục thế kỷ. Một bằng chứng dễ dàng được kiểm nghiệm là những người ăn chay và sự hiện diện của các loại động vật trong cuộc sống con người. Nếu lang thang ở một thành phố, bạn sẽ tranh đường đi với bò, bạn sẽ luôn ngoái đầu nhìn lên từng đàn bồ câu bay nháo nhác, cu gáy cúc cù cu, liếc mắt về đàn quạ kêu liên hồi, hay chơi đùa thỏa thích cùng lũ chim sẻ, hay đám sóc ven đường… Động vật ở khắp mọi nơi, các cây non được bảo vệ xung quanh bằng đá chắc chắc. Một sự hài hòa với thiên nhiên tuyệt vời. Khoảng hơn chục năm trước, tôi còn thấy ở xung quanh khu phố nhà mình, từng đàn bồ câu bay rộn ràng trên những con đường, chó chạy tung tăng khắp đường, gà tre vẫn bới đất tìm giun… Nhưng hiện tại, bất cứ con vật nào mà xảy chân ra đường là bị bắt, bị thịt với vô số quán nhậu chuyên thịt đặc sản. Không biết có phải vì đã lâu không thấy nhiều động vật, mà tôi cảm thấy rất thoải mái với thiên nhiên nơi này. Ở Việt Nam, thật khó và hầu như không thể chụp ảnh từng đàn chim với chiếc ống kính góc rộng 35mm, vì bạn phải đứng rất sát đàn chim đó, khoảng từ 1-2 mét. Nhưng ở đây, tôi đã dễ dàng chụp được, tôi như được sống với thiên nhiên, thiên nhiên không trốn chạy, không sợ hãi, thiên nhiên mở rộng tiếp đón tôi. 
Đàn Chim bồ câu ở Jodhpur – Blue City

Lại nói về ăn chay, ở mình thì ăn chay, tất nhiên là ăn thực vật, nhưng tất cả các món ăn đều được làm giống các món thịt. Nào là thịt lợn, thịt bò, thịt gà được làm từ các loại đậu, măng khô, đậu phụ rán, hay cái cánh gà với xương làm bằng cùi dừa già, trứng bằng đâu giã, mỡ thay bằng cùi bưởi… rất nhiều hương vị để làm giống như thật. Tất cả các món đều làm giả và giống các món thịt càng thật, từ hình dáng đến hương vị thì càng xuất sắc. Nhưng ở đất nước này, chay là chay, và thịt là thịt. Không có sự bắt chước nào cả. Một là ăn chay, và hai là không ăn chay. Ngay đến khi ở bếp một một ngôi nhà theo kiểu homestay, chúng tôi đã được gia chủ căn dặn rất kỹ là muốn tự nấu cũng được, nhưng đừng dính những thức ăn có thịt đến bếp. Họ không muốn tâm hồn bị dính dáng đến sự sự sát sinh này.

Chúng ta ăn chay, nhưng tâm ăn không chay. Ngay đến bản thân tôi, sau hơn chục ngày hừng hực thèm thịt và ăn những món chay no căng cả bụng mà không cảm thấy vị gì. Tôi mới nhận ra, tôi là một người ăn thịt, và tôi là một thành phần hủy hoại cuộc sống thiên nhiên xung quanh mình...

(Trích nhật kí của một chuyến du lịch Ấn Độ của Mr.Giang)

2 comments:

Cuộc sống hiện đại đôi khi tạo cho người ta quá nhiều cách để "Miệng nam mô, bụng bồ dao găm".
Cám ơn Blog IRS vì một bài viết hay.

“Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai là tu chợ, thứ ba là tu chùa”.
Ăn chay mà lại không chay.
Tu mà không tu.
Người viết bài viết này quả là một người sâu sắc.