16 tháng 2, 2011

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Dập dìu đi chợ cầu may


Theo một con số thống kê, đất Việt ta mỗi năm có gần 600 lễ hội. Thế nên có thể tự hào mà rằng, mình thuộc loại lắm lễ, lắm hội nhất thế giới. Nhất là vào dịp đầu Xuân, nhiều bà, nhiều chị rỗi việc, đi lễ, đi hội “quần quật”.

Mà cũng đến nhiều lễ hội hay ho. Hội choảng nhau, tục gọi là Hội chợ Chuộng ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Nhiều ông đến hội bị đánh đến hộc máu mũi vẫn sướng. Rồi thì Hội cướp phết, Hội đền đụ đị ở Lâm Thao, Phú Thọ… vân vân và vân vân…

Mình vốn chẳng phải dân chứng khoán chuyên nghiệp, cái khoản thành tâm cũng vừa vừa, nhưng “hoàn cảnh xô đẩy”, nghe theo lời rủ rê của mấy ông bạn sàn, bạn bia, tối mùng 7 vừa rồi trực chỉ thành Nam, đi Hội chợ Viềng Vụ Bản… Nghe kể rằng, chợ Viềng còn có tên là chợ Cầu May. Ngày xưa, người ta đi chợ Viềng chẳng ai mặc cả, chỉ cốt mua, bán lấy khước, gọi là bán rủi, mua may. Thôi nay ta chẳng biết bán rủi cho ai, chỉ cầu mua lấy điều may vậy.

7 giờ tối, con đường từ TP. Nam Định đến xã Trung Thành, Vụ Bản chật như nêm. Nhìn dòng người nườm nượp đổ về đã thấy nản. Nhưng chả lẽ lại học theo cái bài thuê người lễ hộ của nhiều vị đi đền bà Chúa kho năm nay. Vậy là gửi xe, cuốc bộ vài cây số, chúng tôi vào chợ…

Người ta bảo hàng chợ Viềng chỉ có… hạ cám hình như đúng thật. Chỗ này, có chị bán một nhúm mảnh sành, mảnh chum vỡ, bảo là đồ cổ thời Lê; chỗ kia một bác bê mẹt tiền xu mốc xanh, mốc đỏ, đồng nào cũng quát tiền trăm, tiền triệu… Có cây khế chua được quảng cáo là mang dáng hình con cá sấu, được quát ngót... 2 tỷ. Mình thì chả thấy giống sấu tí nào, chỉ giống giun…

Vậy nên, cái thời hàng chợ Viềng mua không mặc cả chắc đã đi về nơi xa lắm. Về điểm này thì chợ Viềng giống chợ chứng năm qua. Hàng hóa đổ lên sàn ùn ùn. Mới đầu còn nói thách, càng về sau càng rẻ. Mà dăm bảy trăm thứ hàng là dăm bảy trăm loại hệ thống quản lý chất lượng khác nhau. Chợ tỉnh, chợ quê chứng khoán đều thế cả. Mình cũng đã nhiều lần dính vào mấy mã… hạ cám được dán tem bảo hành ISO không không… biết này rồi.

Nghe than thở thế, ông bạn đi cùng lại vặc: ông chỉ cái thói được voi đòi… quản tượng. Hàng họ nhiều chọn lựa chả sướng, lại bảo thượng vàng hạ cám. Mà nhiều thì cũng chẳng đến mức phải đi bán dạo cổ phiếu như mấy ông táo, ông ổi nhà đài bêu riếu cuối năm qua. Còn thích quý hiếm thì sang bên Lào mà làm nhà đầu tư ngoại. Có nhõn hai mã, lựa chọn kiểu gì?

Này, đừng có chê chợ Lào. Bên ấy mới lập chợ nhưng ban quản lý đã thoáng hơn xứ ta nhiều. Từ món T+2, mua bán trong phiên đến mở nhiều tài khoản…, có phải là phượng hoàng sơ sinh hơn lão ô… thập tuế không?
Một ông vừa sà vào hàng cây xanh vừa góp chuyện: các bác ở ta thận trọng. Cái gì chắc mới làm, chưa quản được thì cấm cho nó lành. Còn anh em mình dân đầu tư kim chỉ đá lửa đừng so sánh thế, nhạy cảm lắm, chỉ mong Xuân mới, bảng điện xứ ta cứ “teo hẳn phía bên phải” thì mới đúng là bán rủi, mua may.

Không quản được thì cấm, nhưng có cấm được không? Các ông không thấy chợ Viềng năm nay xôm tụ nhất món đỏ đen à. Cách cả cây số đã có hàng tôm cua cá. Rồi thì xóc đĩa, đố vui có thưởng, ba tám tám ba đến món giả danh truyền thống kiểu như bịp mắt đập niêu… vân vân và vân vân… Mà xét về lý thuyết thì ban quản lý chợ cũng… cấm ngặt ra phết đấy!

Thôi thôi, vặc nhau ít thôi. Lo mà giữ thân, giữ túi. Chợ Viềng này, dân hai ngón cũng là đặc sản đấy các ông ạ. Thỉnh thoảng lại có người hoặc hốt hoảng kêu la, hoặc bần thần sờ túi, hoặc quanh quẩn ngó nghiêng. Có khác gì cảnh sàn chứng khoán phiên đổ đèo? Chợ nào thì việc đầu tiền cũng phải chắc túi cái đã rồi hẵng tính chuyện bán, mua!
Được cái năm nay đi chợ Viềng được gặp nhiều gương mặt chứng cổ quen quen. Chắc hẳn là kỳ này chợ Viềng đắt khách hơn đền bà Chúa. Vì cũng phải thôi, năm qua trần sao âm vậy. Trên dương thế, lãi suất huy động, lãi suất cho vay tăng vùn vụt. Ông nào vay tiền chơi chứng là chết dập mặt.

Thế nên bà Chúa cũng đỡ lo khoản khất nợ rồi vay thêm của con dân chứng khoán quá nhiều.
Nửa đêm về sáng, người ta bảo ồn như cái chợ vỡ chẳng sai tí nào. Kẻ bán, người mua lấy được. Mà chợ nào thì cái sự mua bán cũng giống nhau thì phải. Bác áo da, bụng phệ kia rõ là đại gia. Mua cái bình gốm được quảng cáo là gốm cổ Bát Tràng giá hơn chục triệu dễ như mình tiện tay nhón cành xương rồng dăm nghìn. Mà cái bình ấy nhìn qua cũng biết là đồ Tàu liên doanh với… Trung Quốc, đổ chút axit loãng vào rồi vùi xuống đất vài tháng. Nhưng mua may thì kể gì. Cứ xem trên chợ chứng, các bác Tây hơn hớn mua cổ phiếu BVH thì rõ!

Lại có bà, có chị khẽ khàng nhặt mấy đồng tiền xu lên rồi đặt xuống, vòng đi vòng lại mấy lần. Ông bạn đi cùng bấm tay, đúng là dân nhỏ lẻ giống mình. Cò kè thế này có khi quyếnh quáng lại mua phải đồ vứt đi cho xem…

Loanh quanh 3h sáng mới thất thểu ra xe. Tổng kết lại hóa ra 10 vị đi thì cả 10 mua nhõn mấy cây xanh. Nhưng cả nhóm tặc lưỡi, âu cũng là điềm lành vì biết đâu sắc Xuân, sắc xanh năm nay lại nảy khắp sàn thì sao!?

Duy chỉ có ông lái xe thì cứ nằng nặc: chẳng phải điềm gì đâu. Cả chợ chỉ thấy toàn cây là cây, vừa dễ mua, vừa rẻ tiền. Các ông nhìn mặt bạc phếch ra vì chứng cổ năm qua thì cũng chẳng phải dư dả gì. Tư tưởng… bé gặp nhau nên làm cái cây cho ra dáng đi chợ Viềng…

Cả bọn nhìn nhau. Ừ nhỉ, có lẽ đúng thế thật. Nhưng năm mới có nhất thiết phải… xát muối vào lòng nhau thế không???

(ĐTCK)

0 comments: