1 tháng 11, 2011

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Tôi có nên cho cháu nhận cha không ?


Đã nhiều lần tôi định viết câu chuyện của đời mình để gửi tới các anh chị nhưng rồi tôi lại không đủ can đảm. Tôi đang đứng trước một việc thật khó xử, có nguy cơ làm đảo lộn tất cả những gì yên ổn trong gia đình tôi từ mấy chục năm nay. Sự việc ấy có liên quan đến một lỗi lầm của tôi mà các con tôi không hề biết. Hôm nay tôi quyết định viết thư này gửi các anh chị để được giãi bày lòng mình và cũng muốn xin các anh chị một lời khuyên.


Kính gửi: Các anh chị trong Ban biên tập An ninh thế giới Cuối tháng

Tôi là giáo viên trung học đã về hưu, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 18 tuổi, tôi rời quê Cần Thơ, lên Sài Gòn theo học đại học. Như là định mệnh và duyên số, tại đây tôi đã gặp gỡ và yêu tha thiết một giáo viên trung học, quê ở Phan Thiết, đang dạy ở Sài Gòn. Anh tên là Nam.

Những năm yêu nhau, tôi không hề biết từ lâu anh đã tham gia hoạt động cách mạng bí mật ở nội thành Sài Gòn. Mãi về sau, trong một lần cùng anh về thăm nhà ở Phan Thiết, anh mới cho tôi biết chuyện này. Cha anh là người đã dẫn dắt anh hoạt động cách mạng. Học xong đại học, do bố mẹ tôi già yếu, muốn con gái ở gần, hơn nữa tôi lại là con một, nên tôi quyết định về quê dạy học, còn anh vẫn ở Sài Gòn. Một năm sau hai chúng tôi làm lễ cưới.

Năm 1970, khi tôi có thai bốn tháng thì được tin sét đánh: Chồng tôi bị bắt do cơ sở bị lộ. Tôi như người mất hồn, bỏ cả dạy học, bụng mang dạ chửa về Sài Gòn và ra cả Phan Thiết quê anh để dò thăm tin tức của anh. Đau đớn hơn, cũng vào thời điểm đó, trong một trận chiến đấu ngay tại quê nhà, cha anh bị thương nặng và hy sinh. Chưa kịp gặp chồng thì tôi được tin anh bị đày ra Côn Đảo. Trước hai cái tin đau đớn, chồng hy sinh, con duy nhất bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, mẹ anh ngã bệnh, mắt mờ dần rồi mù hẳn, một năm sau thì bà mất. Những ngày chồng tôi bị tù Côn Đảo, tôi sinh cháu đầu lòng, đặt tên là Quỳnh. Khi cha hy sinh, mẹ mất, chồng tôi cũng không được về chịu tang.

Mẹ chồng tôi mất được một thời gian ngắn thì lần lượt bố mẹ đẻ của tôi cũng qua đời. Buồn bã và quá cô đơn, tuyệt vọng, năm 1972 tôi bỏ dạy học, bồng đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi về Sài Gòn kiếm việc làm. Chính những ngày khó khăn, tuyệt vọng ấy, tình cờ tôi gặp lại Thanh, một người bạn cũ, có người bà con làm hiệu trưởng một trường tư thục ở vùng ven Sài Gòn. Thanh đã nhiệt tình giúp tôi xin vào đó dạy học. Ngày cùng học đại học ở Sài Gòn, Thanh yêu tôi tha thiết, nhưng tôi lại không yêu anh. Khi ấy, tôi yêu Nam, chồng tôi bây giờ. Từ ngày gặp lại tôi, Thanh năng đi lại thăm hai mẹ con tôi, lặng lẽ giúp tôi mọi việc, nhất là những lúc hai mẹ con tôi ốm đau, túng thiếu. Lúc gặp lại Thanh, tôi không biết thật rõ Thanh làm gì, chỉ nghe anh nói làm công chức mà thôi.

Một lần con tôi bị viêm phế quản cấp, phải vào bệnh viện cấp cứu, sau bị biến chứng phải nằm viện điều trị dài ngày. Những ngày ấy, Thanh luôn có mặt bên cạnh mẹ con tôi, khi cháu được ra viện, anh lại thuê xe đón mẹ con tôi về nhà. Một hôm, Thanh đến thăm mẹ con tôi sau giờ tan sở vào buổi chiều, ở lại ăn cơm cùng mẹ con tôi. Tối hôm đó, Sài Gòn mưa như trút nước. Sau bữa cơm tối, con gái tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ, ngoài trời mưa vẫn đổ ào ào. Tôi và Thanh ngồi im lặng trong căn nhà nhỏ khi trời đã sắp chuyển về sáng. Bỗng Thanh đứng lên, đến bên tôi. Anh nhẹ nhàng đặt bàn tay vào tay tôi, nhìn tôi say đắm.

Một nỗi lo sợ vu vơ trong tôi từ ngày gặp lại anh giờ đây như đang hiển hiện trước mặt. Người tôi run run. Tôi khẽ rút tay ra khỏi bàn tay Thanh, nhưng anh giữ lại. Rồi bất ngờ Thanh quàng hai tay ôm chặt lấy tôi, miệng thì thào: "Hương, anh yêu em! Anh yêu em!…". Tôi như rơi vào một cơn say sóng, chỉ còn nghe như đâu đó vẫn có tiếng mưa rơi…

Những ngày sau đó tôi sống trong tâm trạng dằn vặt vì có lỗi với chồng. Từ ngày anh bị đày ra Côn Đảo, thỉnh thoảng tôi nhận được thư anh. Những dòng thư ngắn ngủi anh gửi về chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương anh dành cho hai mẹ con tôi, nhất là dành cho cháu Quỳnh, đứa con đầu lòng mà anh chưa biết mặt. Sau cái đêm mưa gió đó, nhiều lúc tôi giận mình, biết mình không chỉ có lỗi với chồng mà còn có lỗi với cả con tôi. Tối tối, ôm cháu Quỳnh vào lòng, nghĩ tới chồng mà nhiều lúc tôi ứa nước mắt, vừa tủi thân vừa xấu hổ với anh, xấu hổ với con.

Những ngày sau đó, tôi cố tìm cách lánh mặt Thanh, cố quên đi những gì đã xảy ra. Nhưng rồi, có cố mấy vẫn không thể được, nhất là khi tôi biết mình đã mang thai đứa con trong bụng với Thanh. Rồi một lần Thanh ngỏ ý, nếu tôi ly hôn với chồng, anh ấy sẽ cưới tôi làm vợ. Sau bao nhiêu đêm mất ngủ, dằn vặt, suy nghĩ, thấy mình không còn xứng đáng với chồng, tôi quyết định viết đơn ly hôn, gửi ra Côn Đảo cho anh. Tôi đợi, đợi mãi mà không thấy anh trả lời.

Đầu năm 1973, tôi sinh cháu thứ hai, đứa con của tôi và Thanh, đặt tên cháu là Trang nhưng lấy họ của chồng tôi để khai sinh cho cháu. Những ngày sinh con, tôi mòn mỏi trông ngóng nhưng không hiểu sao lại không thấy Thanh đến thăm mẹ con tôi. Sau khi sinh cháu Trang được vài tháng, tôi nhận được thư của chồng tôi. Thật bất ngờ, lá thư không phải gửi từ Côn Đảo về mà là từ chiến khu về cho tôi. Anh cho biết, sau Hiệp định Paris về Việt Nam, anh cùng nhiều anh chị em tù chính trị được trao trả về với cách mạng. Trong thư gửi cho tôi, anh nói đã nhận được đơn ly hôn, nhưng anh không ký. Không những thế, qua bạn bè của anh, anh còn biết tôi mới sinh đứa con thứ hai. Anh động viên ba mẹ con tôi cố vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chờ anh về.

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, chồng tôi trở về quê Phan Thiết làm việc trong Ủy ban quân quản thị xã. Tôi vừa vui vừa buồn, xen lẫn cả lo lắng, nhưng không dám đi gặp chồng ngay. Chần chừ mãi, cuối cùng tôi quyết định dắt theo hai con ra Phan Thiết ở nhờ nhà một người bà con để tìm anh, định bụng nếu thấy anh đã thay đổi tình cảm, không nhận mẹ con tôi nữa thì tôi sẽ về lại ngay Sài Gòn.

Ra tới Phan Thiết, tôi nhờ một người em họ biết chuyện của tôi, hết sức thông cảm với tôi, tìm gặp anh, thăm dò thái độ của anh. Khi biết tin mẹ con tôi đang ở Phan Thiết, anh tìm đến với mẹ con tôi ngay. Tôi đang bế cháu Trang, sững sờ khi nhìn thấy anh sau gần sáu năm xa cách, nước mắt cứ giàn giụa. Lúc ấy cháu Quỳnh đang nép bên tôi. Anh nhìn tôi âu yếm, choàng tay ôm tôi. Rồi anh nhẹ nhàng đón cháu Trang từ tay tôi, cúi xuống kéo cháu Quỳnh vào lòng. Cổ họng tôi như mắc nghẹn, nói không thành lời: "Ba về đó, các con!".

Đêm đó, anh an ủi, động viên tôi nhiều. Anh nói, anh hiểu và tha thứ mọi lỗi lầm của tôi, chẳng qua chỉ vì chiến tranh, xa cách. Từ nay, anh coi Trang là con đẻ, và thực tế cháu cũng đã mang họ của anh, chẳng có ai nghi ngờ gì. Anh nói, cả anh và tôi sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện cũ, nhất là không được để cho các con tôi, nhất là Trang, biết chuyện gì đã xảy ra.

Hai năm sau, vợ chồng tôi có thêm cháu thứ ba, đặt tên là Nhung. Tôi tiếp tục dạy học ở TP Hồ Chí Minh, còn anh sau mấy năm công tác ở Phan Thiết, được chuyển vào TP Hồ Chí Minh rồi được điều ra Trung ương làm việc, một mình ở Hà Nội. Năm 2002 chồng tôi được nghỉ hưu. Cách đây ba năm, chồng tôi bị ung thư phổi. Sau một thời gian điều trị, không còn cách nào giữ được anh ở lại với bốn mẹ con tôi và các cháu, anh đã ra đi, để lại bao tiếc thương cho chúng tôi. Trước khi mất, một lần nữa anh dặn tôi đừng bao giờ để cho các cháu biết Trang không phải là con của anh.

Đầu năm nay, vào những ngày giáp Tết âm lịch, ở tuổi 35, Trang, con gái thứ hai của tôi báo tin cháu sắp lấy chồng. Trước đó, chị Quỳnh và em Nhung của cháu đã có gia đình riêng và tôi cũng đã có ba cháu ngoại. Từ ngày được cháu báo tin, nhiều đêm tôi mất ngủ. Tôi vui trước hạnh phúc muộn mằn của con, nhưng lại buồn, lại day dứt vì sắp phải xa con, đứa con được sinh ra trong một hoàn cảnh éo le mà đến nay cháu vẫn không hề biết. Cuộc đời có nhiều điều bất ngờ không ai có thể lường trước được.

Cách đây ít ngày, sau mấy chục năm bặt tin tức, Thanh lại đường đột xuất hiện trong cuộc đời tôi. Thì ra, đến lúc này tôi mới biết, Thanh vốn là một sĩ quan tâm lý chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa, sau đó làm việc trong một cơ quan thông tin chiêu hồi của chính quyền Sài Gòn. Năm 1973, trong một lần đi công cán ra miền Trung, xe ôtô của Thanh và những người cùng đi đã bị quân giải phóng phục kích, Thanh bị thương nặng và bị quân giải phóng bắt làm tù binh. Sau ngày 30/4/1975, được ra khỏi trại tù binh, Thanh vượt biên sang Mỹ. Thanh mới về Việt Nam lần đầu để chịu tang mẹ, gần 90 tuổi, mới mất ở Huế. Trở vào Sài Gòn, qua bạn bè cũ, Thanh hỏi thăm tin tức và tìm gặp tôi, khẩn khoản cho Thanh được gặp đứa con của mình, được nhận là cha của cháu.

Cuộc gặp gỡ với Thanh đã khơi lại cái ký ức đau đớn đã ngủ quên trong tôi bấy lâu, thực sự trong lòng tôi là một nỗi nhục nhã chua chát. Tôi biết tôi đã rất hận Thanh khi chiếm đoạt tôi, làm cho tôi có thai, xúi giục tôi ly hôn chồng, cuối cùng Thanh lại bỏ tôi trơ trọi với cái thai trong bụng. Giờ đây sau năm tháng bỏ mặc tôi và đứa con thơ dại sống chết ra sao, Thanh đột ngột trở về và quỳ xuống khóc lóc xin tôi tha thứ và xin nhận con.

Thanh nói với tôi, qua Mỹ, Thanh đã ly dị tới hai lần, lập gia đình tới lần thứ 3 nhưng kỳ lạ, không người vợ nào của Thanh kể cả tây, ta sinh được cho Thanh mụn con. Tuyệt vọng Thanh đã lần tìm địa chỉ của tôi, qua bạn bè Thanh đã tìm đến tôi để cầu xin tôi tha thứ. Gặp tôi, Thanh chỉ biết gục đầu khóc. Thanh nói rằng: "Xin em hãy thương anh, cho anh được nhận con, anh đưa con về thắp hương cho ông bà nội nén nhang để tạ tội với ông bà và để ông bà còn được nhận cháu, dưới kia ông bà cũng không đến nỗi tủi phận. Xin em hãy cứu vớt cuộc đời anh. Không được nhận con, anh chết không nhắm mắt được". Nghe Thanh nói mà lòng người mẹ trong tôi như tơ vò, không biết phải làm sao!

Tôi có nên cho Thanh gặp cháu Trang hay không, vì chỉ còn ít ngày nữa là Thanh lại quay về Mỹ. Cho Thanh gặp con có thể tôi sẽ mất con và bí mật cuộc đời tôi, lỗi lầm của tôi với chồng con mà tôi đã đào sâu chôn chặt mấy chục năm nay sẽ được phơi bày trước các con tôi, điều mà cả tôi và chồng tôi khi anh còn sống đều không muốn. Tôi sợ sau khi nhận con, Thanh sẽ tìm cách đưa cháu sang Mỹ, sợ tình cảm của chị em chúng bị sứt mẻ, sợ gia đình sẽ ly tán… Và còn con tôi, cháu Trang, nếu tôi từ chối cho cha cháu gặp cháu, điều đó có đúng hay không, có phải đạo với con tôi không?… 

Giữa lúc bối rối này, tôi xin các anh chị một lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn.


Vũ Thị Vân Hương (quận Gò Vấp, TP HCM)
Theo ANTG

6 comments:

k nên cho nhận lại, ông này tư tưởng phản động lắm, rồi lại lôi thôi

nhận lại cũng dc chứ sao, bà này vẫn còn 2 con cơ mà. Cô này dc quyền bit sự thật

Đã giấu lâu rùi thì giấu lun đi, khơi ra làm ji cho đau khổ

Chị Vũ Thị Vân Hương kính mến

Thật lòng chúng tôi không biết khuyên chị thế nào cho phải. Theo chúng tôi, cháu Trang bây giờ đã là một người phụ nữ trưởng thành, cháu có quyền được biết sự thật của cuộc đời mình. Việc cháu có nhận bố đẻ hay không, có về với bố như chị lo sợ hay không, đó là quyền của cháu, không ai có thể ép buộc được. Ở tuổi 35, chúng tôi nghĩ cháu Trang đủ sức đón nhận và chịu đựng những gì là sự thật của cuộc đời cháu mà suốt bao nhiêu năm nay cháu đã không được biết, dù sự thật ấy có trớ trêu đến mức nào!

Chúng tôi nghĩ, cháu Trang và cả hai cháu Quỳnh, Nhung đủ tỉnh táo và lòng thương yêu để tha thứ cho lỗi lầm của chị, như chính chồng chị, một người chồng tử tế và tốt bụng hiếm có đã làm. Bởi vì, xét cho cùng, chị và chồng chị đã dành cho các cháu tất cả tình thương yêu mà không phải bất cứ người con nào cũng có được

Hãy xóa quá khứ đi và sống với hiện tại thôi. Người đàn ông tên Thanh đó không tốt, ích kỷ lắm. Mà chị Trang kia cũng lớn rồi, trước chị ý cũng có cha, cũng được cha yêu thương chứ không phải thiếu thốn gì. Tại sao giờ phải nhận cha? nhận rồi thì có tốt gì hơn đâu? Ngoài ông Thanh kia thì chả ai có lợi gì, cuộc sống xáo trộn, thù hận tăng lên, nhiều người đau khổ nữa...Chốt lại là không nhận, không nói gì về quá khứ hết.

Cho nhan thoi . Roi moi chuyen lai tot dep y ma. Dung la dan ba chang biet dau ma lan.