7 tháng 11, 2011

NHỊP SỐNG IRS - Chương trình Chatting Corner số 3: BỆNH VÔ CẢM

·        Trên xe Bus:
Hai cô sinh viên đang ngồi tán gẫu với nhau về các chàng hotboy ở trường, thấy một ông cụ bị khoèo chân, già cả, ăn mặc quê mùa run rẩy bước lên xe, thay vì đứng dậy nhường ghế cho ông cụ, hai cô nhăn mặt:
-         Khiếp, chân ông kia nhìn tởm quá!
·        Trên đường quốc lộ:
Hai thanh niên đang đi xe máy đánh võng trên đường:
-         Mày ơi, phía trước có con bé bị ngã xe, đang nằm vật xuống đường.
-         Mày nhặt cái di dộng nhé, để tao giằng cái túi.
Xong xuôi, cả hai phóng vút đi, để mặc cô bé nằm bất động trên vũng máu.
·        Trên Báo:
Hàng ngày, đập vào mắt người đọc là hàng trăm tít báo gây sốc:
-         Giữa Thủ đô Hà Nội, một cháu bé bị hành hạ, đánh đập dã man suốt hơn 13 năm trời mà không ai tố cáo.
-         Cổ vũ cho bạo lực học đường.
-         Người qua đường thờ ơ với bé gái 2 tuổi bị xe đâm…
Những hiện tượng này, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong đời sống hàng ngày và đó chính là những biểu hiện của căn bệnh thế kỷ: BỆNH VÔ CẢM.

“Vô cảm là không có cảm xúc trước bất cứ sự việc gì, không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra”, bạn Nguyễn Thị Minh – Phòng Kế toán chia sẻ.

Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với Clip bé gái 2 tuổi bị xe cán hai lần ở Trung Quốc. Lái xe đâm vào cháu thờ ơ, bỏ chạy. Gần hai mươi người đi đường nhìn thấy cháu cũng thờ ơ, bỏ mặc. Chỉ đến khi có một bà nhặt rác nhìn thấy cháu, cháu bé mới được đưa vào bệnh viện để cứu chữa, nhưng cuối cùng cháu bé đã tử vong.


Khi được hỏi về thái độ của những người qua đường, mẹ cháu bé trả lời: “Tôi không phán xét họ. Hãy để họ tự suy nghĩ. Nếu họ lập gia đình và có con cái, họ sẽ cảm nhận được”.
*****
Buổi nói chuyện của chúng tôi cũng không đi vào phán xét bất kỳ cá nhân nào. Thay vào đó, chúng tôi đi tìm nguyên nhân của căn bệnh.

Bạn Luyện Việt Hùng (Phòng IT) nhanh nhạy: “Theo mình, một trong những nguyên nhân của bệnh vô cảm là do thiếu đồng minh. Khi gặp một kẻ gian, nếu chỉ có một cá nhân đứng ra bảo vệ người bị nạn thì cá nhân ấy có thể bị trả thù, bị tấn công. Và để tránh tai họa, họ cũng hành động như đám đông “coi như không hay, không biết”.
“Hệ thống an ninh, y tế của chúng ta vẫn còn quá nhiều hạn chế. Gặp những trường hợp khẩn cấp, muốn báo đến các cơ quan chức năng nhiều khi phải giải thích dài dòng mất thời gian, thậm chí còn không liên lạc được” – Bạn Phương Anh (Phòng PR-HC-NS) cho biết.
“Không những thế, có rất nhiều hiện tượng giả được tạo ra gây mất niềm tin cho xã hội. Ví dụ như hiện tượng giả vờ cụt chân, cụt tay để ăn xin; hay cố tình tạo hiện trường tai nạn giả tạo để bắt đền, ăn vạ…” – Chị Mai Thị Kim Thu (Phòng Kế toán) nêu quan điểm...
*****
 Và đứng trước những nguyên do ấy, rất nhiều người trong chúng tuy có thái độ không vô cảm, nhưng hành động lại vô cảm. Nó giống như cuộc đấu tranh giữa lý trí và trái tim, nhưng trong những trường hợp này, lý trí luôn giành chiến thắng!
-         Trái tim: Nhìn em bé ăn xin kia tội nghiệp quá!
-         Lý trí: Mặc kệ đi. Kiểu gì em bé đó chẳng nằm trong một đường dây ăn xin chuyên nghiệp.
------
-         Trái tim: Chị kia bị thương nặng quá, hay mình gọi xe cấp cứu rồi đưa chị ấy đến bệnh viện nhỉ?
-         Lý trí: Không phải việc của mày, đi làm đi kẻo muộn. Kiểu gì chả có người đưa chị ấy đến bệnh viện.
-------
-    Trái tim: Có đứa đang móc túi kìa, mình phải hô hoán lên cho mọi người biết mới được.
-         Lý trí: Im lặng đi. Nó mà biết mình cản trở nó, nó đánh mình chết.

Thế nhưng, cuộc sống vẫn còn rất nhiều những con người giàu lòng nhân hậu và tốt bụng giống như bà Chen - hết mình cứu giúp cháu bé 2 tuổi bị xe cán ở Trung Quốc; vẫn có những bà bầu lao mình vào mũi tàu hỏa để cứu cháu nhỏ giống như chị Nhàn ở Bình Trị Thiên; vẫn có anh Tương (Đồng Nai) – một chiến sĩ cảnh sát hi sinh thân mình để bắt cướp…


*****
Căn bệnh vô cảm chỉ có thể được chữa trị bằng chính sự đồng cảm. Anh Hoàng (Phòng PR) cho rằng: “Vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng, ích kỷ và để chữa trị nó, ngoài việc khơi dậy những giá trị tinh thần, tình yêu thương đồng loại, cần có những hiểu biết về pháp luật cũng như trang bị thêm những kỹ năng sống và xử lý tình huống cần thiết”…

“Đừng nguyền rủa bóng đêm. Tốt hơn, mỗi chúng ta hãy thắp lên một ngọn lửa của sự sẻ chia, lòng yêu thương và tình thân ái”, bởi trong cuộc sống này, nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình người. 

11 comments:

Chương trình này bổ ích và thiết thực cần cho việc trang bị thêm kỹ năng sống và hiểu biết xã hội.

Khi mình là nạn nhân của bệnh vô cảm mình mới thấy hết sự nguy hiểm của nó thế nào. Khi mà chủ nghĩa cá nhân còn lên ngôi thì thói thờ ơ, vô trách nhiệm còn tồn tại

Vô cảm = khủng hoảng tình yêu thương

Hiền dữ đâu phải là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên

Phải thay đổi cách giáo dục từ trong gia đình, nhà trường. Người lớn hành động như thế nào, người trẻ sẽ nhìn đó để học tập.

Ở đâu cũng có thiện ác, vô cảm và đồng cảm. 1 căn phòng k cần đến 100 ngọn nến, chỉ một vài ngọn là đủ.

1 ct hay thiết thực và bổ ích cho tất cả mọi người

nhà dầu tư có tham gia dc k nhỉ?

Tham gia chương trình, tôi học hỏi được nhiều kỹ năng và kiến thức thiết thực trong cuộc sống. Cảm ơn chương trình.