8 tháng 11, 2011

KỸ NĂNG SỐNG: Những số điện thoại khẩn cấp cần thuộc lòng


Nhiều người không biết gọi 114 (số khẩn chữa cháy) khi cần cứu hộ cứu nạn. 113 lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh, 115 cấp cứu y tế, cũng là những số điện thoại khẩn (không cần bấm mã vùng) để gọi khi xảy ra sự cố.

Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn TP HCM Trần Triều Dương nhìn nhận, hiện nay đa phần người dân đã biết 114 là số khẩn cấp gọi cứu hỏa cứu nạn, song khi xảy ra sự cố người bị nạn tâm lý bấn loạn nên thường quên hoặc gọi nhầm số.

Như trường hợp vụ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra hồi năm ngoái tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM). Thay vì bấm ngay 114, chủ xí nghiệp lại gọi 113 và trung tâm điều hành khu công nghiệp... Sau hơn 30 phút gọi điện lòng vòng, đến khi lực lượng cứu hỏa có mặt tại hiện trường thì toàn bộ khu nhà xưởng thành phẩm diện tích gần 11.000 m2 đã bị ngọn lửa thiêu rụi gây thiệt hại nặng nề.

"Trong khi đó đơn vị phòng cháy chữa cháy quận Bình Tân chỉ cách đó một km. Nếu chủ cơ sở gọi ngay số 114 thì chỉ cần chưa đầy 5 phút là chiến sĩ chữa cháy đã có mặt", ông Dương nói.

Những người cứu hộ đưa nạn nhân vụ xe buýt lật xuống mương ở Khánh Hòa hôm 25/8. Lý giải về nguyên tắc hoạt động của đường dây nóng 114 (chữa cháy và cứu hộ cứu nạn), ông Dương cho biết, ở bất kỳ tỉnh thành nào khi người dân bấm số 114 (điện thoại bàn hoặc điện thoại di động cũng không cần bấm mã vùng), hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi về cho đơn vị địa phương gần nhất. Tổng đài này hoạt động 24/24h và có rất nhiều đường dây nên không lo bị quá tải khi nhận nhiều cuộc gọi một lúc.

Sau khi nhận được cuộc gọi, hệ thống bản đồ số sẽ được kích hoạt để xác định cụ thể vị trí người gọi điện. Tiếp theo điện thoại viên sẽ bấm chuông báo động. Và trong vòng chưa đến một phút, đội xe cứu hỏa sẽ được điều động rời trung tâm đến ngay hiện trường. Trong thời gian chờ lực lượng chữa cháy đến thì điện thoại viên sẽ giúp tư vấn cho người bị nạn về cách xử lý tình huống cụ thể để không bị ngạt thở vì khói, mất nước, hay bị đống đổ nát đè lên người...

Tại TP HCM hiện nay đã lắp đặt hệ thống camera trên các tòa nhà cao tầng bao phủ gần toàn bộ diện tích thành phố, giúp xác định chính xác vị trí xảy ra sự cố. Thêm vào đó, hệ thống phương tiện hỗ trợ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đã được bố trí ở hầu hết khu phố, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị...

"Vì thế khi xảy ra bất kỳ sự cố nào liên quan đến cháy nổ, đuối nước, sập nhà, kẹt thang máy... cả người bị nạn và người chứng kiến đừng chần chừ, hãy gọi ngay 114 (hoàn toàn miễn phí cước điện thoại) để được lực lượng cứu hỏa và cứu hộ cứu nạn đến giúp đỡ", ông Dương khuyên.

Khi nào gọi 113?

Khi xảy ra tai nạn giao thông, các vụ việc có yếu tố tội phạm, vi phạm trật tự an toàn xã hội, cướp giật, đánh nhau, bạo hành... thì gọi 113 để được cảnh sát phản ứng nhanh can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên rất ít người ý thức được tầm quan trọng của số điện thoại khẩn. Như trường hợp vụ bé Hào Anh (14 tuổi, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị vợ chồng ông bà chủ trại tôm giống dùng kìm bấm vào môi, bẻ răng, dùng bàn là nóng gí lên da thịt... Việc hành hạ diễn ra trong một thời gian dài, nhiều người xung quanh biết nhưng không gọi cho 113 để tố cáo hành vi hành hạ trẻ em của hai vợ chồng chủ trại tôm kia.

Vì thế ngoài những trường hợp nạn nhân hoặc nhân chứng phát hiện trộm cắp, vi phạm pháp luật, Trung tá Thân Ngọc Thụy, Đội trưởng tham mưu Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh (Cảnh sát 113, Công an TP HCM) khuyên mọi người nếu phát hiện trường hợp bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình hãy gọi ngay 113. Ngay khi có tin báo về việc trẻ em bị xâm hại, lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh gần nhất sẽ có mặt ngay để xử lý ban đầu, lập biên bản bàn giao lại cho công an địa phương và báo với Sở để phối hợp xử lý.

Tuy nhiên theo ông Thụy, tại TP HCM mặc dù từ ngày 23/8/1010 đã có sự thống nhất phối hợp giữa Sở Lao động, Thương binh, Xã hội và Công an thành phố trong trách nhiệm xử lý bạo hành gia đình, song đến nay cảnh sát 113 chưa hề nhận được bất cứ thông tin nào của người dân tố cáo. Điều này cho thấy ý thức tố cáo bạo hành trẻ em của người dân chưa cao, hoặc cũng có thể người dân nghĩ cảnh sát phản ứng nhanh chỉ giải quyết những vụ việc liên quan đến tội phạm nguy hiểm. Ông Thụy nói: "Vì thế rất mong người dân có ý thức tố cáo, điện thoại ngay cho 113 khi phát hiện có trường hợp bạo hành trẻ em trên địa bàn mình sinh sống".

Riêng trong trường hợp tai nạn giao thông có người chết hoặc bị thương, nhiều người dân vẫn băn khoăn không biết sẽ gọi cho cảnh sát 113 hay cấp cứu 115. Một chỉ huy cảnh sát cơ động TP HCM khuyên, nên gọi cho cảnh sát 113 trước vì liên quan đến tai nạn thì cảnh sát có trách nhiệm giải quyết tháo gỡ những vướng mắc về luật pháp, tố tụng hình sự và quyền lợi bảo hiểm khi xác định được ai phải, ai trái.

Vì thế khi chứng kiến tai nạn giao thông, mọi người tốt nhất là hãy giữ nguyên hiện trường rồi gọi điện cho cảnh sát 113, sau đó mới gọi cứu thương 115. "Hãy yên tâm là tất cả cảnh sát hoặc nhân viên dịch vụ công ích xã hội đều biết sơ cấp cứu. Vì thế không nên tự ý di chuyển nạn nhân khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế, bởi có thể bạn sẽ vô tình làm họ tử vong nếu xử lý không đúng cách", một chiến sĩ cảnh sát cơ động lưu ý.

Khi nào gọi 115?

Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP HCM (phụ trách đường dây nóng 115) cho biết, thông thường mặc định là những trường hợp nào có liên quan đến chấn thương, bệnh tật thì gọi 115. Tuy nhiên, riêng trường hợp thương tích có liên quan đến yếu tố phạm tội hoặc tai nạn giao thông thì mọi người hãy gọi cho 113 trước sau đó mới gọi 115.

Bác sĩ Chánh lưu ý, tổng đài 115 còn có nhân viên tư vấn sơ cấp cứu nên trong những trường hợp chấn thương mà xe cấp cứu chưa kịp thời có mặt thì nhân viên trực điện thoại sẽ hướng dẫn mọi người cách xử lý sơ cấp cứu tại chỗ để hạn chế thương vong và bảo toàn tính mạng con người.

Khi nào gọi 1800 1567?

Khi phát hiện vụ bạo hành trẻ em, phụ nữ, bạo hành gia đình hoặc có nhu cầu tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng gia đình, người dân có thể gọi đến đường dây nóng 1800 1567.

0 comments: