17 tháng 11, 2011

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Kỳ 3 - Tha thứ hay không thể tha thứ (tiếp theo và hết)


Dù linh tính đã báo trước, và dù tôi, cả nhà tôi, bố mẹ tôi, thậm chí vợ sau của tôi đã làm công tác tư tưởng đẻ tôi có thể bình tâm hơn mà đối diện với bất kỳ tình huống nào, kể cả tình huống  xấu nhất. Thế nhưng khi cầm trên tay bộ hồ sơ của vợ tôi từ người phụ trách hồ sơ TTON của Bệnh viện phụ sản, tôi vẫn hoa mắt chóng mặt và tụt huyết áp. 

Gắng gượng lê bước lại chiếc ghế đợi ngồi nghỉ, tai tôi lùng bùng tiếng bác sỹ vang lên: “Vợ anh đã thụ tinh ống nghiệm thành công bé trai. Vợ anh chưa sinh nở, cơ thể bình thường nên xác suất thành công là rất lớn. Hiếm sản phụ nào thành công ngay trong lần thụ tinh đầu tiên và đứa bé sinh ra rất khỏe mạnh như con trai anh chị. Còn nguồn tinh trùng mà chúng tôi cung cấp cho vợ chồng anh từ ngân hàng tinh trùng được hiến tặng của bệnh viện. Chúng tôi không thể cung cấp hồ sơ người hiến tinh trùng vì bệnh viện đã có một cam kết giữa người hiến tặng và bệnh viện là không bao giờ cung cấp địa chỉ những đứa con sinh ra từ ống nghiệm cho người hiến tinh trùng vì những hệ lụy máu mủ sau đó sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người hiến tặng”.

Tôi lê bước ra bờ hồ ngồi một mình trên chiếc ghế đá lạnh trơ. Cảm giác từng cơn đau cứ quặn lên, quặn lên, rứt từng mảnh thịt ở khắc người tôi, rứt từng mảnh tim trong lồng ngực tôi, đau buốt, tê nhức. Tôi úp mặt vào hai lòng tay mặc cho nước mắt rơi. Sự thật vẫn là sự thật, dù sự thật ấy đáng sợ đến bao nhiêu và mang lại giá lạnh và đau đớn đến cỡ nào cho tất cả những ai đã muốn trốn chạy sự thật. Tôi thấy xung quanh mình lạnh lẽo, tâm hồn tôi giá lạnh, trí óc tôi trống rỗng, và trong tôi chỉ còn lại những cơn đau nhức buốt. 

Cuối cùng thì tôi cũng trở về được căn nhà của bố mẹ tôi trước khi thêm một trận ốm nặng nữa. Gia đình tôi phải đưa tôi vào viện truyền nước và các loại vitamin do tôi bị suy nhược thần kinh khá trầm trọng. Vợ tôi bay về TP HCM vì công việc không thể nghỉ lâu hơn được. Bố mẹ tôi giờ tóc bạc trắng, lưng còng, mắt mờ, vẫn lọ mọ vào viện chăm nom tôi. Hai ông bà giờ gánh thêm nỗi đau của con trai, nên càng ưu phiền. Hầu như bố mẹ tôi không trách móc tôi, chỉ lặng lẽ chăm tôi từng miếng cơm, viên thuốc và động viên tôi vượt qua nỗi đau tinh thần.

Tôi biết giờ bố mẹ tôi cũng đang rất khó nghĩ, khó xử. Bố mẹ tôi là những người mẫu mực, ông bà biết con trai đã phạm phải một sai lầm nguy hiểm mà hệ lụy của nó là khôn lường. Nhưng để giải quyết vấn đề của con trai như thế nào cho đúng lại là bài toán hóc búa. Rõ ràng, vì những hiểu lầm tai hại mà trong cơn thịnh nộ, tôi đã gián tiếp gây ra cái chết đau đớn của vợ tôi. Tôi đã trở thành một kẻ phạm tội giết người, mà nạn nhân lại là người vợ rất mực thương yêu chồng, vì chồng mà hy sinh, mà thụ tinh ống nghiệm để sinh cho chồng một đứa con, để chồng không phải buồn khổ, tự ti về việc anh ta không có khả năng sinh con. 

Tại sao một người vợ cao thượng như vậy, tốt như vậy, yêu chồng đến hy sinh cả bản thân mình như vậy, mà người chồng là tôi lại khốn nạn đến thế. Không những khốn nạn mà tôi đã phạm tội giết vợ. Tệ hại hơn nữa, tôi bỏ rơi giọt máu của vợ tôi vì tôi chịu đựng hy sinh, sinh ra cho cuộc hôn nhân của chúng tôi một đứa con cho vẹn tròn hạnh phúc gia đình. Tôi đã bỏ rơi đứa con tội nghiệp của tôi sau khi đã tước đoạt đi  mạng sống của mẹ nó. Trời ơi, tôi còn gieo vào bố mẹ vợ tôi một nỗi sỷ nhục khủng khiếp nhất, khiến cho bố vợ tôi vì choáng váng mà tai biến mạch máu não. Tôi đã làm gì thế này, tôi đã gây ra bao nhiêu tội lỗi trên đời. Giờ tôi phải làm gì đây, tôi có đáng được tha thứ không, hay tôi không bao giờ và không thể được tha thứ.

Tôi nằm viện mất một tuần, có ai ngờ mẹ vợ tôi nghe tin tôi ốm đã lọ mọ đến bệnh viện thăm tôi. Mẹ vợ tôi sau bấy nhiêu năm tháng, kể từ ngày con gái mất đột ngột trong tức tưởi, chồng lại bị tai biến mạch máu não nằm liệt một chỗ, giờ đây trông bà trở nên già nua và gầy mòn đi nhiều quá. Tôi chỉ biết nức nở khóc khi nhì thấy bà. Nước mắt cứ thế trào ra giàn giụa, từ trên giường bệnh, tôi tụt xuống quỳ dưới chân bà trong sự ngạc nhiên tột độ của bà và chỉ nói được một câu: “Mẹ ơi, con có tội với bố mẹ, con xin mẹ hãy tha thứ cho con”. Mẹ vợ tôi không hiểu gì cả, thấy tôi khóc, thấy mẹ tôi khóc, bà hốt hoảng hỏi tình trạng bệnh tật của tôi có sao không. Rồi khi biết tôi chỉ bị stress, không nguy hiểm đến tính mạng, bà mới an lòng  rồi cũng khóc theo. 

Bà nói với tôi: “Con đừng nghĩ ngợi nhiều mà bệnh tật. Mẹ biết con giận gia đình mẹ, giận hương hồn con H lắm, nhưng mẹ vẫn đến đây thăm con để mong con hãy xá tội cho nó, để cho linh hồn nó đỡ quẩn quanh, siêu thoát được lên thiêng đàng. Con đừng giận nó nữa nhé. Mẹ thỉnh thoảng lại nằm mơ thấy nó về và hỏi mẹ, chồng con có còn giận con nữa hay không hả mẹ. Mẹ có linh cảm là con giận nó, lên linh hồn nó cứ luẩn quẩn vướng mắc cái gì đó, không thể siêu thoát được. Mẹ rất buồn nhưng mẹ đến đây để xin con, có lúc nào đó con có thể cúng xá tội cho hương hồn vợ con. Người chết thì cũng đã chết rồi, mọi sai lầm thì giờ cũng đã qua đi, con đã có gia đình mới. Mẹ chỉ mong con làm việc phước đức này để linh hồn vợ cũ của con đỡ tủi mà siêu thoát được nơi thiên đàng mát mẻ con ạ. Tội nghiệp thằng D, từ khi con bỏ đi, nó luôn hỏi bà ngoại sao từ ngày mẹ mất, bố không trở về nữa hả bà. Sao bố đi công tác lâu thế. Những lời con trẻ hỏi như xát muối vào lòng ông bà con à. Nếu có thể được, con về thăm cháu một lần và nói cho cháu hiểu bố bận công tác xa, không thể mang con đi cùng được đành gửi lại ông bà nuôi hộ. Mẹ phải nói với con những lời này cũng là không còn cách gì khác hơn. Mong con hiểu cho”.

Kính thưa các anh các chị!
Tôi đã có cảm giác ghê tởm bản thân mình sau lần bà mẹ vợ tôi đến thăm tôi và tâm sự với tôi những điều gan ruột. Cảm giác ớn lạnh và ghê sợ bản thân ngày càng lớn dần lên. Không hiểu sao, tôi không thể bước sang căn nhà của bố mẹ vợ tôi để thắp hương cho H được. Tôi ở lỳ trong nhà, không muốn đi đâu, không cảm giác gì, chỉ thấy sợ triền miên những cơn gió lạnh thổi hun hút qua người tôi, làm buốt óc, trái tim đang rét run cầp cập của tôi. Tha thứ hay không tha thứ, tôi có thể được tha thứ không. 

Trước tình trạng của tôi, bố tôi đã có một buổi nói chuyện trực tiếp với tôi: “Bố biết là những ngày qua, con đã phải chịu đựng rất nhiều, sự giày vò, ân hận vì tất cả những việc không đúng con đã làm đối với vợ con. Không ai trách con cả, bố tin là vợ con cũng không trách con, vợ con đã tha thứ cho mọi sai lầm rồi, mọi chuyện cũng đã qua lâu rồi, nhưng là đàn ông, con phải dám đối diện với sự thật, đối diện với tất cả và dũng cảm bước qua khó khăn, cho dù sự thật ấy đến với con khó muộn mằn. Bố chỉ khuyên con nên sang nhà ông bà ngoại, nói hết sự thật với ông bà, xin ông bà tha thứ cho con và đón con trai con về nuôi. Phải sửa sai khi chưa quá muộn, đừng để gia đình ta phải sống trong ân hận cả đời con ạ. Còn việc của con có phải trả giá trước pháp luật hay không, đó là tùy con cân nhắc. Chuyện cũ đã qua, việc quan trọng nhất là vợ con đã tha thứ cho con tất cả, tha thứ ngay khi con  gây ra tai nạn cho vợ con và vợ con biết mình không thể qua khỏi. Trái tim nhân hậu của vợ con lẽ ra phải thức tỉnh lương tri của người đàn ông ích kỷ và gia trưởng trong con chứ. Theo bố, đừng xới lại vụ việc cũ nữa. Hãy để cho thời gian chữa lành mọi viết thương lòng… Việc cần làm ngay của con là phải sang nhà ông bà ngoại. Con hãy tha thứ cho bản thân mình đi như vợ con đã từng tha thứ cho con để làm tiếp những việc cần làm. Tự con sẽ phải biết những việc tiếp theo. Giờ con cứ sang nhà ông bà ngoại đi đã".

Các anh các chị ơi! Tôi đã không thể sang được, và không thể bước qua nổi cơn tràm cảm của mình. Tôi phải làm gì đây, tôi có thể nhận được sự tha thứ không, hay là không thể được tha thư?

Lời BBT:

Sau khi liên lạc với chủ nhân của bức thư này, chúng tôi rất mừng khi được biết anh đã chữa được căn bệnh trầm cảm trong 3 năm liền và cuối cùng thì anh đã chiến thắng bệnh tật. Thật xúc động hơn khi anh đưa chúng tôi đến gặp bố mẹ vợ  cũ của anh. Chính ông bà cũng khuyên anh không nên khơi lại chuyện cũ, nhất là việc anh gián tiếp gây ra cái chết của con gái họ. Bố mẹ vợ anh cho rằng, con gái của họ trước khi nhắm mắt đã tha thứ cho chồng, người gây ra bao đau đớn tội lỗi cho con gái họ, thì không có lý do gì để họ không tha thứ cho anh. Con gái họ đã thiệt mạng rồi, họ cũng chẳng vui thú gì khi anh lại vướng vào vòng lao lý. Chính bố mẹ vợ cũ của anh đã nhất quyết bảo vệ anh đến cùng, và giúp anh để cho quá khứ tội lỗi được ngủ yên, những ám ảnh tội lỗi trong anh được nhẹ bớt.

Chúng tôi còn được biết thêm một bí mật xúc động từ câu chuyện AND quá tàn nhẫn này. Khi anh Q đến nhà bố mẹ vợ, cậu con trai đã lớn của anh ôm chầm lấy bố và nói: “Bố ơi, con vừa nhận được thư của bố hôm qua, nói bố đang đi công tác biệt phái sang New York, thế mà bố về Việt Nam nhanh thế à”. Nhìn cậu con trai hơn 10 tuổi có gương mặt, đôi mắt và nụ cười giống mẹ như đúc, anh Q đã ôm lấy con thổn thức khóc. Thì ra, các cậu, dì trong suốt mấy năm trời kể từ khi tai nạn của mẹ cháu xảy ra, và bố cháu thì bỏ đi đã thay mặt bố cháu để viết thư cho cháu kẻo cháu tủi thân, hay bị sốc trước hoàn cảnh tan nát mất mẹ, rồi xa luôn cả bố. Vì cháu còn nhỏ dại quá, chưa thể hiểu chuyện người lớn, mới 5 tuổi bỗng dưng mồ côi mẹ, mất mẹ, giờ mất nốt cả bố nữa thì đau lòng quá. Thế nên mọi người đã đóng vai bố của bé D để viết thư cho cháu, coi như bố cháu ở xa, không về thăm cháu được.

Chúng tôi càng cảm thấy an lòng và hạnh phúc hơn khi cháu D đã tìm lại được bố và cháu lại được sống trong tình yêu thương của người mẹ mới. Hai vợ chồng anh Q đã đón con trai về nuôi và đưa cháu vào TP HCM. Chính ông bà ngoại đã gạt nước mắt trao bé D cho anh Q với một tình thương và lòng nhân hậu vô bờ bến! Tất cả đều tha thứ cho anh Q, tha thứ và yêu thương, chỉ mình anh Q sống trong dằn vặt, đau khổ vì trong sâu thẳm, anh dù đã cố nhưng vẫn không dễ tha thứ cho chính bản thân mình. Nhưng đó lại là chuyện cá nhân của anh Q và không ai có thể giúp anh xóa đi ký ức được. Anh Q vẫn phải sống trong tình yêu thương, hạnh phúc của mọi người xung quanh trao tặng anh, xen lẫn nỗi dằn vặt. Trái tim anh Q vẫn có một góc giá lạnh, rỉ máu đau đớn cho những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Theo ANTG

0 comments: