26 tháng 4, 2013

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Hiểu đời

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày




Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)
Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…. Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn./.


(Chu Dung Cơ)

GÓC LÃNG ĐÃNG: Điệp khúc tháng Tư


Giờ đã cuối tháng Tư. Nắng tinh nghịch nhảy nhót ngoài thềm. Gió mang chút hanh nồng thả lên những con đường dài hun hút.



Tháng Tư… Trong ký ức của ta không có những bông hoa loa kèn thanh khiết hay những đóa hướng dương vàng rực. Miền nhớ tuổi thơ ta chỉ có màu hoa xoan bình dị. Những đứa trẻ quê ngày ấy xúng xính kết hoa xoan chơi trò cô dâu chú rể. Vòng vương miện màu tím khiến con bé nhà quê bỗng chốc hóa thành thiên thần trong ánh mắt ngỡ ngàng của đám bạn. Trong giấc ngủ trưa, “cô dâu” vẫn đội vòng hoa và nằm mơ được ở trong cung điện ngọc ngà. Tỉnh dậy “cô dâu” còn lâng lâng với giấc mơ xa…
Tháng Tư… Giữa trưa, ta ngồi trên bậc cửa đợi má về sau buổi chợ đông. Có lúc không đủ kiên nhẫn, ta chân đất đầu trần chạy đến cuối làng dõi mắt tìm kiếm bóng dáng thân thương của má. Hồi ấy, ta chỉ chăm chăm lục tìm gói kẹo cau ngọt lịm từ đôi quang gánh nặng trĩu mà quên mất những giọt mồ hôi trên trán má đang rơi.
Tháng Tư… Rạo rực nhớ cái thời cắp sách. Lớp học đang yên ắng bỗng có tiếng ve vang lên từ xa như báo hiệu thời khắc chớm mùa. Lũ học trò ngơ ngác hỏi nhau: “Mới tháng Tư mà lũ ve đã sốt ruột vậy rồi ư?”.
Tháng Tư… Nhớ thoáng rung động tinh khôi khi vô tình biết có ánh mắt nhìn ta thật lâu. Nhớ lúc mới yêu, giữa nắng tháng Tư, anh hào hứng đạp xe cả chục cây số đón đưa. Lòng ta hân hoan khó tả.
Tháng Tư… Nhớ cả nỗi buồn của nhỏ bạn thân. Nhớ giọt nước mắt lăn dài trên má khi nhỏ chia tay mối tình đầu vụng dại. Nhỏ bảo là sẽ chờ người ấy, cho tới khi nào hết nhớ. Đến bây giờ, đã bao tháng Tư trôi qua, nhưng nỗi nhớ của nhỏ vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Tháng Tư… Cô em út bé nhỏ của ta lo lắng nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Lại nhớ một thời ta cũng hồi hộp, hoang mang. Ngày mai, em sẽ đặt chân đến một chốn phồn hoa đô hội nào đó. Rồi em cũng như ta, sau bao năm bon chen giữa bộn bề phố thị sẽ có phút giây khao khát được trở về quê ăn một bữa cơm nhà.
Tháng Tư đi rồi trở lại như một cái hẹn của đất trời, như một điệp khúc dịu dàng của tạo hóa. Nhưng không bao giờ ta gặp lại tháng Tư của ngày xưa cũ, có chăng chỉ là chút kỷ niệm về những ngày tháng Tư xa được níu lại, trân trọng, nâng niu.
(St)

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Clip chuyện tình yêu thu hút hàng triệu cư dân mạng

Đoạn clip ngắn của nhóm Attraction từ cuộc thi Britain's Got Talentđã trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng. Chỉ trong thời gian ngắn, clip này đã thu hút hơn 9 triệu lượt xem, gần 74.000 lượt thích và 1.200 chia sẻ.

Nhóm nghệ sĩ đã khắc họa một câu chuyện tình yêu cảm động bằng nghệ thuật múa bóng.

Khắc họa lại những cung bậc tình yêu giàu xúc cảm, hạnh phúc, khổ đau, mất mát, tái sinh..., đoạn clip khiến bất kỳ ai cũng nghẹn ngào.

25 tháng 4, 2013

NHỊP SỐNG IRS: AN LẠC TỪ TÂM


Tín ngưỡng đối với mỗi người ít nhiều có một sự ảnh hưởng nhất định. Trong buổi chiều nhân ngày sinh nhật chị Hoàng Thị Hồng Hạnh, một Nhà đầu tư giỏi giang, thành đạt và cũng là một Phật tử tại gia, chúng tôi đã được lắng nghe những chia sẻ về niềm tin với Phật pháp của chị. Những điều mà theo chị, nhờ Phật pháp dẫn lối mà chị đã qua được thăng trầm, sóng gió của đời mình.



Phật giáo là một tôn giáo lớn và ở Việt Nam thì phần lớn dân số nước ta cũng hướng tâm theo Phật. Nhưng hầu như không phải ai cũng tìm đến ngọn nguồn, tìm hiểu và học hỏi để giác ngộ những điều răn dạy. Điển hình như là giới trẻ. Phần lớn những người trẻ thường không đủ kiên nhẫn để nghe kinh pháp, nhưng lại rất thích và rất chăm lên chùa, coi đó như một trào lưu. Vậy động lực nào đã giúp chị đến với Phật pháp và giữ được tín ngưỡng bấy lâu nay?

Người khác thì chị không biết, còn chị thì chị không đi theo trào lưu. Chị cảm thấy, khi chị theo Phật, chị được bình an. Nếu ai quen chị, hẳn cũng biết cuộc sống của chị đã từng ba chìm bảy nổi mới có được ngày hôm nay. Nhờ được soi lối, chị đã giác ngộ được nhiều điều và chấp nhận những điều không may đến với mình mà hoàn toàn cảm thấy bình thường. Đức tin đã giúp chị cảm thấy thanh thản, tự tại với mọi điều diễn ra trong cuộc sống dù là may mắn hay rủi ro.

Theo như em biết thì Đức Phật có dạy rằng “ Không tham lam” nhưng trong kinh doanh thì phải sử dụng nhiều chiêu trò, khi mình đạt được cái này đôi khi cũng đồng nghĩa với việc người khác mất đi cái đó. Trong chứng khoán, khi mình được, người khác mất, hay như cùng một mã chứng khoán, nhưng chị có lãi còn người khác lại không. Chị cảm thấy điều này có mâu thuẫn với những điều răn dạy của Phật hay không?

Theo chị thì không hề mâu thuẫn chút nào vì điều Phật vẫn luôn nhắc nhở đó là luôn phấn đấu, cố gắng lao động, chỉ cần không chà đạp lên các giá trị đạo đức mà thôi. Còn với chị, mỗi khi đầu tư một cái gì đó thì chị cũng phải bỏ ra chất xám sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó cũng cần đến 50% may mắn nữa thì mới có lãi được. Và khi có lãi rồi, tùy mỗi người có thể đi công đức hoặc từ thiện, hoặc làm gì đó để giúp đỡ cho xã hội hoặc cộng đồng. Với chị thì là như thế.

Với một Cư sỹ - Phật tử tại gia như chị thì chị có hay đến chùa và nghe giảng pháp hay không?

Thứ 7 hàng tuần, chị dành nguyên một ngày để lên chùa Hòe Nhai nghe giảng pháp cùng với đạo tràng chị tham gia. Ngoài ra, chị cũng mua thêm sách đĩa để về xem mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.

Trong cuộc sống, chị là một người rất năng động và nhanh nhạy. Tuy nhiên, theo em biết, những người đến với Phật cần có một sự tĩnh tại nhất định. Vậy có sự mâu thuẫn nào giữa cuộc sống của chị và thời gian chị dành ra để nghe giảng pháp hoặc đọc sách, nghe đĩa Phật dạy không?

Câu trả lời của chị là không hề. Vì cuộc sống của chị đã trải qua quá nhiều thăng trầm nên hiện tại khi dành thời gian cho Phật pháp với chị lại là để bù đắp cho những điều còn thiếu trong cuộc sống. Cũng không biết có phải là vì tùy duyên hay không mà khi đến với Phật pháp, chị càng học càng thấy ham mê.

Vậy theo chị, ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống là gì?

Đức Phật vẫn luôn răn dạy chúng sinh “Bỏ điều dữ, làm điều lành”. Mọi khổ đau của hiện tại là do nặng nghiệp từ kiếp trước, hoặc nhiều kiếp trước để lại. Hay gần hơn thì nguồn cơn xuất phát từ những tham lam và những thói hư tật xấu của bản thân. Và lúc đó mình cần phải thay đổi. Ví dụ như khi nóng nảy thì mình cần cố gắng kìm chế. Vì nóng nảy như các cụ vẫn nói, là đồng nghĩa với ngu si. Nên nhờ có Phật, mình học và giác ngộ được, mình sẽ tốt lên rất nhiều.

Chị là một người luôn hòa đồng và vui vẻ với mọi người cũng như luôn bình tĩnh trong mọi tình huống. Với những điều chướng tai gai mắt, chị có phương pháp nào để kìm nén cơn nóng giận của mình, bỏ bớt điều “sân”?

Phương pháp thì chị không có, nhưng chị vẫn đang cố gắng học cách giữ vững lập trường và tinh thần của mình trong mọi tình huống. Còn hiện tại, khi có chuyện gì đó không tốt xảy ra, chị nghĩ có thể là ở tiền kiếp mình mắc nợ người ta, thì kiếp này chị trả, nên chị rất thanh thản. Không quá so đo tính toán. Còn những lúc nóng giận căng thẳng quá mức, chị đọc sách về Phật, những điều răn dạy ấy sẽ kéo mình thoát khỏi vũng lầy mình đang mắc phải.

Vậy còn ngược lại? Khi mình cố gắng làm điều tốt mà người khác vẫn hiểu sai về mình thì sao? Chị sẽ làm thế nào? Lúc ấy chị có cảm thấy nóng giận hay khó chịu không?

Lúc ấy chị chỉ biết cố gắng tốt nhất, cố gắng bằng 100% khả năng của mình. Vì mình cũng chỉ là phàm phu tục tử, nên cũng sẽ có những lúc mắc sai lầm. Khi đã mắc sai lầm thì mình sẽ cố gắng sửa sai và tiếp tục vươn lên chứ không giận dỗi gì cả.

Với chị, người ta chưa hiểu hết mình nên người ta mới phản đối mình. Mình không thể giải thích mọi điều mình đang làm bằng lời nói. Mà cách tốt nhất để chứng minh là bằng cách sống, từ những điều nhỏ nhặt nhất như lời ăn tiếng nói. Muốn người khác hiểu và tin mình thì cũng cần có thời gian. Khi ta chứng minh cho người khác bằng hành động thì sớm hay muộn người ấy cũng sẽ hiểu thôi.

Chị đã giác ngộ được lâu chưa? Và theo chị, với những người không có điều kiện để thường xuyên đọc sách, nghe giảng kinh pháp hoặc đến chùa chiền tham gia đạo pháp thì làm thế nào để họ có thể vận hành những điều răn vào cuộc sống?

Chị mới chỉ giác ngộ được 2 năm nay thôi. Nhưng nếu có thể, chị rất, rất muốn được giác ngộ sớm hơn. Còn về cách thức để vận hành những điều răn vào cuộc sống khi không có điều kiện về thời gian thì chị nghĩ đơn giản như này “ Phật ở tại tâm”. Ta chỉ cần cố gắng sống, học tập và phấn đầu làm việc hết mình, không chà đạp, bon chen hay dùng bất cứ thủ đoạn nào chỉ để đạt mục đích và lợi ích của cá nhân mình đã là tốt rồi, chứ không nhất thiết phải ăn chay hay tụng kinh hàng ngày.

Theo em được biết thì hiện tại chị đang ăn chay trường. Nói thì dễ nhưng lúc thực hiện lại không hề đơn giản, nên nhiều người thường lựa chọn ăn chay vào mùng 1 hoặc ngày rằm hàng tháng. Với chị, khi bắt đầu ăn chay như thế này có gặp điều gì khó khăn?

Chị thì cảm thấy là không có khó khăn hay vấn đề gì hết. Chị chỉ mới bắt đầu ăn chay được hơn 1 năm nay nhưng sức khỏe của chị rất tốt. Ban đầu chị chỉ ăn mỗi tháng 4 ngày, rồi tăng lên 6 ngày và bây giờ là ăn chay trường luôn mà không gặp trở ngại gì cả. Hàng ngày ở nhà chị cũng ăn đơn giản như: đậu, lạc, các loại rau củ với cơm thôi.

Chị ăn chay như thế này có ảnh hưởng nhiều đến chế độ ăn của chồng con hay không? Hoặc khi đi ăn cưới, cỗ bàn, các đám lễ thì chị có ăn chay không? Hay là thuận theo mọi người?

Mình ăn chay là việc của mình, chị nghĩ là không nên để người khác khó xử vì những điều mình làm. Còn chuyện ăn uống thì đơn giản, đi cỗ bàn thì chị ăn chút xôi, chút rau bình thường vẫn vui vẻ mà. Với chồng con thì chị thuận được ở chỗ là chồng chị lại rất thích nấu ăn, nên gia đình cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Ban đầu cũng hơi có chút trở ngại vì người trong nhà chưa quen nhưng hiện tại thì đều đã ổn thỏa rồi.

Theo như chị nói thì chị hiện đang tham gia vào một đạo tràng, vậy mình sinh hoạt trong môi trường theo đạo có những điều gì tốt cho mình? Việc chị theo đạo như này liệu có phải là một cái nghiệp hay không?

Chị cảm thấy việc chị theo đạo như một cái nghiệp, mà nghiệp ở đây là nghiệp thuận. Ví dụ như nhiều người muốn chuyển sang ăn chay nhưng lại gặp khó khăn. Còn chị thì mọi chuyện lại diễn ra rất nhẹ nhàng và dễ dàng. Đây cũng là may mắn, là cơ duyên của chị.
Còn ở đạo tràng, sau mỗi giờ tu xong vào buổi trưa, chị và các bạn đạo chia sẻ với nhau những điều chiêm nghiệm ở cuộc đời bản thân và chị cảm thấy mình sáng ra rất nhiều. Mỗi lúc thấy lười nhác chị lại đọc sách, nghe đĩa để xốc lại tinh thần. Hàng ngày chị có 2 buổi tụng kinh là sáng sớm (vào khoảng 4 rưỡi sáng) sau khi quét dọn cổng giả tầm 1 tiếng hoặc hơn một chút. Còn buổi chiều thì tùy công việc mà mình sắp xếp thời gian.

Vâng, câu hỏi cuối cùng dành cho chị, là chị cảm thấy cuộc sống của mình đã viên mãn hay chưa?

Chị nghĩ như thế này: Khi mình biết chấp nhận thì sẽ là đủ. Chị biết bằng lòng, biết đón nhận cuộc sống của mình dù khi xét ra, có thể nó chưa hoàn hảo, chưa đủ tốt. Nhưng với chị, cảm thấy như vậy là được rồi!

Vâng, xin cảm ơn chị về buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúc chị luôn có được một cuộc sống yên ổn trong tâm hồn và một gia đình an lạc, cát tường!

KỸ NĂNG SỐNG: Cống hiến hết mình trong công việc chính là tinh thần Bồ-tát


Người ta thường nói: “Mở mắt đã thấy cần đến tiền”, nếu không có tiền con người chẳng làm gì được, tiền thù lao là điều kiện tối thiểu để trang trải cuộc sống hằng ngày, cũng nhờ thế mà bản thân công việc trở nên có ý nghĩa. 
Thử nghĩ kĩ, sự biếng nhác không phải là vấn đề ở công việc mà là sự quấy nhiễu sinh ra trong quá trình làm việc và tiếp xúc với mọi người. Trước đây, môi trường sống ở nông thôn khá đơn giản: sáng ra đồng làm việc, tối tắt mặt trời về nhà; đối tượng tiếp xúc của họ trên đồng chỉ có trời xanh mây trắng, mặt đất cỏ cây, hoa màu lúa mạ và những con vật nuôi của mình chứ không phải là con người với thiên hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, bất luận chúng ta làm nghề gì đều có một khung sẵn: trên có cấp trên quản lí, dưới có thuộc hạ, trái có bạn bè đồng nghiệp, trước mặt có đối tác làm ăn… Chúng ta phải tiếp xúc với đủ hạng người trên đời, dù không có ông chủ cấp cao của mình thì cũng phải tới lui, giao tiếp với đối tác, khách hàng hoặc các ban ngành quản lí của cơ quan nhà nước. Chính vì suốt ngày phải ứng xử với các mối quan hệ cực kì phức tạp đó mà con người hiện nay thường cảm thấy cuộc sống là một nỗi khổ, vì thế họ bỗng trở về mến mộ, thèm khát cuộc sống của người xưa, họ chỉ mong sao mỗi ngày chỉ tiếp xúc với ruộng đồng cây cỏ chứ chẳng cần phải tiếp xúc với những vấn đề đau đầu, nhức óc, phức tạp như hiện nay.
Sở dĩ sự giao tiếp giữa con người nảy sinh mâu thuẫn là vì mỗi người đều có cách nghĩ, lập trường khác nhau, trình độ văn hóa cũng khác nhau nên xung đột là điều khó tránh. Có lẽ bạn từng nghĩ rằng, trong lúc người khác mang lại phiền phức cho bạn thì đồng thời bạn cũng mang lại phiền phức cho họ, khi đó bạn cảm thấy bất lực và người khác cũng có cảm giác giống hệt bạn! Đấy không phải là một chuyện rất công bằng và tất yếu sao?
Bất luận theo đuổi một ngành nghề nào đều có nghĩa là bạn đang góp chút sức nhỏ bé của mình cho sự vận hành của xã hội, thực ra nó không chỉ mang ý nghĩa làm để lấy lương nuôi sống bản thân mà nó còn có ý nghĩa lớn lao khác, mọi người đang làm cho cuộc sống có ý nghĩa, góp một phần nhỏ của mình cho cuộc sống vẹn toàn. Chỉ cần chúng ta quan sát kĩ sẽ dễ dàng phát hiện ra từ việc ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ, đi đường và tất cả suối nguồn của cuộc sống con người đều đang dệt thành một mạng lưới, mỗi người có một công việc được xã hội phân công, xét trên mặt hiện tượng chúng có vẻ riêng lẻ nhưng thực ra đó là những mắt xích liên quan mật thiết với nhau, nhờ thế mà sự luân chuyển trong quan hệ cung cầu mới hài hòa, đồng đều. Cũng chính nhờ sự chăm chỉ chuyên cần lao động đó của từng người mà chúng ta mới có môi trường và điều kiện sống như hiện nay.
Chính vì thế, trong một xã hội phân công lao động, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau như hiện nay không một ai có thể sống mà chỉ nhờ vào sức lao động của cá nhân mình. Bất luận có nhận lương trợ cấp hay không, chỉ cần một người không tham gia lao động sản xuất thì bản thân họ đã trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong mối quan hệ hợp tác làm việc của xã hội loài người, chúng ta là một nhân tố tạo thành mạng lưới của xã hội đó, đóng góp một phần nhỏ vào mắt xích đó, thế nên nếu một người không làm việc, suốt ngày chỉ biết ăn chơi nhàn rỗi, tức đồng nghĩa với việc người đó đang trốn thoát khỏi trách nhiệm xã hội của mình.
Trong quá trình làm việc tập thể, có người có khả năng, trí tuệ, tay nghề vượt trội nhưng vẫn nhận tiền lương ngang bằng với những người kém hơn mình. Xét trên hiện tượng thì người đó làm nhiều nhưng hưởng ít, dường như mọi người đều cho đó là sự bất công, nhưng nếu chúng ta nghĩ ở một khía cạnh khác thì đó là việc làm gieo phúc cho mình, tạo phúc cho người, xem đó là thuận lợi để mình kết duyên với mọi người. Người có năng lực kết duyên với người kém hơn mình, cống hiến sức mình cho mọi người, đó chẳng phải là tinh thần và việc làm của một vị Bồ-tát sao?
Thế nên, chúng ta hãy thay đổi cách nhìn nhận đánh giá vấn đề thì lòng chúng ta thấy nhẹ nhàng thư thái, không còn so đo tính toán hơn thua với mọi người nữa! Giả sử bản thân người đó không muốn làm công hạnh của một vị Bồ-tát, nhưng làm thêm một chút tức là cống hiến thêm một chút, như thế nghĩa là bạn đã gieo phúc, thêm vào ngân hàng của cõi trời, cõi người, cõi Phật, cõi Bồ-tát nhiều hơn so với người khác một chút. Khi bạn gửi vào ngân hàng công đức đó càng nhiều thì phúc đức, phúc báo của bạn càng lớn, đấy cũng chính là một gặt hái ở quá trình làm việc của bạn!
Vì thế, con người sống trong xã hội cần không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực của mình, dốc hết sức lực và trí lực để phục vụ, cống hiến cho xã hội, đấy chính là chân ý nghĩa của công việc. Chỉ cần có cơ hội cho chúng ta cống hiến, đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình thì chúng ta nên vui vẻ làm, đồng thời phải thấy đó là niềm hạnh phúc. Xây dựng cho mình tinh thần làm việc phục vụ và dâng hiến giúp chúng ta xua tan cảm giác chán nản đối với công việc và chức vụ, Nhờ thế chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Từ đó, chúng ta mới thấy làm việc chính là niềm hạnh phúc, là ý nghĩa của sự sống.
Cho nhiều hơn nhận nghĩa là bạn đang tạo phúc cho chính mình và mọi người, là phương pháp gieo duyên lành để gắn kết mình với mọi người. Một người có năng lực, kết duyên với mọi người, đóng góp chút sức mọn của mình cho xã hội chính là công hạnh của một vị Bồ-tát. 
(Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm)

24 tháng 4, 2013

KHÔNG GIAN VĂN HÓA: Hoa ly khiến phố Hà Nội thơm mát






(St)

23 tháng 4, 2013

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Chồng 'ăn chả', khuyên vợ đi 'ăn nem'


Tôi ly thân anh ta gần 2 năm. Anh ta cũng khuyên tôi là cứ đi với bất cứ người đàn ông nào tôi muốn, và khẳng định "không bao giờ bỏ vợ bỏ con".


Tôi kết hôn 6 năm, có một bé gái và một bé trai. 5 năm đầu, kinh tế gia đình còn khó khăn vì chồng tôi phải vừa làm vừa học. Với đồng lương công chức ít ỏi, tôi phải tằn tiện chi tiêu mới lo đủ mọi sinh hoạt gia đình. Chồng tôi và tôi đều xuất thân từ con nhà nghèo nên ai cũng chịu thương chịu khó. Có điều chồng tôi hơi thô tục và nóng tính, thế nhưng không hiểu sao rất nhiều cô gái bị anh ấy giăng bẫy tình. Nhiều cô gái tin và lao vào anh ta, nhắn tin cho tôi đòi quyền lợi, chắc các cô đó bị anh ta dụ sẽ mua nhà, mua xe cho, trong khi con tôi thì không đủ tiền mua sữa uống.

Không biết chính xác chồng tôi có tính lăng nhăng từ khi nào nhưng tôi đã đau đớn phát hiện khi mang thai và sinh bé thứ hai. Tôi luôn chịu đựng, không than vãn, suốt ngày chỉ biết tiền học, tiền sữa, tiền điện, tiền gạo, tiền mắm…  không dám sắm sửa gì cho mình. Tôi cứ tưởng thế là chồng thương, nào ngờ trong khi tôi mang bầu và sinh con, anh ta đi gái thành lệ, lại còn về chê tôi "ăn mặc rách rưới" (thực sự tôi không đến nỗi nào) và còn bảo "xã hội bây giờ, đàn ông ai cũng thế".

Lần đầu biết chuyện này tôi đã tỏ thái độ căm ghét và muốn chia tay ngay lập tức. Tôi bị trầm cảm nặng vì con người sống quá bản năng. Trong đời sống vợ chồng tôi không  hào hứng nhiều và anh ta cũng không phải người có nhu cầu cao nên tôi không nghĩ có ngày anh ta lại như thế. 

Tôi ly thân anh ta gần 2 năm. Anh ta cũng khuyên tôi là cứ đi với bất cứ người đàn ông nào tôi muốn, và khẳng định "không bao giờ bỏ vợ bỏ con". Tôi  nên ly thân mãi như thế để các con có gia đình, hay cắt đứt để đau một lần còn hơn. Mong được chia sẻ! 
(St)

22 tháng 4, 2013

KỸ NĂNG SỐNG: Những thực phẩm tuyệt đối không dùng với sữa


Sữa có chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, magiê, chất đạm... rất có lợi cho cơ thể con người. Do vậy, nhiều người có xu hướng uống nhiều sữa. Tuy nhiên, rất ít trong số họ biết rằng có một số điều cấm kỵ khi uống sữa.


Dưới đây là một số loại thực phẩm không thể ăn kèm cùng với sữa.
Sữa và cam
Không nên ăn cam trong một giờ trước hoặc sau khi uống sữa. Bởi vì protein trong sữa kết hợp với axit trong cam, nó sẽ gây ra ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ sữa trong cơ thể con người. Hơn nữa, trong giai đoạn này, nó cũng là không thích hợp để ăn hoa quả có tính axit khác.
Sữa và trái cây
80% protein trong sữa là casein. Khi uống sữa cùng nước trái cây, một số lượng lớn casein sẽ tích lại và kết tủa trong cơ thể con người, gây khó khăn cho việc tiêu hóa và hấp thụ. Thậm chí nó có thể dẫn đến chứng khó tiêu hoặc tiêu chảy. Vì vậy, nó không thích hợp để thêm nước trái cây và đồ uống có tính axit khác trong sữa.
Sữa nóng và đường
Sữa có chứa lysine, sẽ phản ứng với fructose trong điều kiện nóng tạo ra độc fructose dựa trên lysine và gây hại cho cơ thể con người. Vì vậy, không thêm đường vào sữa tươi đun sôi. Bạn nên thêm đường vào sau khi sữa được làm lạnh.
Sữa và sô cô la
Sữa giàu protein và canxi, trong khi sô cô la chứa axit oxalic. Ăn hai loại thực phẩm này lại với nhau sẽ dẫn đến sự hình thành của canxi oxalat không hòa tan, sẽ mang lại ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu canxi. Ngoài ra, nó thậm chí có thể gây ra một số hiện tượng như tóc khô, tiêu chảy, tăng trưởng chậm…
Sữa và thuốc
Một số người thích uống sữa thay vì nước lọc khi họ uống thuốc. Trong thực tế, sữa có thể ảnh hưởng đáng kể sự hấp thu của thuốc trong cơ thể con người. Sữa là dễ dàng để tạo một màng mỏng trên bề mặt của thuốc. Do đó, canxi, magiê và các chất khoáng khác trong sữa sẽ có phản ứng hóa học với thuốc, và tạo nên chất không hòa tan trong nước, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Do đó, không uống sữa một giờ trước khi hoặc sau khi dùng thuốc.
Để đảm bảo hấp thụ chất dinh dưỡng trong sữa và sức khỏe, bạn hãy lưu ý những điều cấm kỵ trên và cẩn thận khi uống sữa, tránh tác động do những thói quen xấu gây ra.
(St)

MIẾNG VỠ MẢNH ĐỜI: Cảm động người chồng 10 năm chăm vợ bệnh nặng không ngơi nghỉ


10 năm qua, anh Cang vẫn làm việc quần quật ngày đêm, bởi anh hiểu chỉ một chút ngơi nghỉ thì tính mạng của vợ anh sẽ nguy kịch trước căn bệnh suy thận mãn hiểm nghèo, chỉ rình rập để cướp đi sự sống của chị bất cứ lúc nào.



Anh Dương Cang (47 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Diệu (49 tuổi) hiện đang ở đậu trên mảnh đất của một người dân trong xóm ngụ ấp 1, xã Vĩnh Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Khi anh Cang và chị Diệu lấy nhau, cha mẹ hai bên nghèo sơ nghèo sát nên chẳng có tài sản gì tặng cho vợ chồng anh chị Cang. Bởi vậy, quanh năm hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn sinh sống. Niềm hạnh phúc nhen nhóm khi cháu Dương Thị Cẩm Thu (đang học lớp 8) ra đời nhưng cũng là lúc chị Diệu phát hiện trong người mang chứng bệnh quái ác - bệnh suy thận mãn.
Khi chúng tôi đến nhà, chị Diệu cũng về tới sau chuyến chạy thận định kỳ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp. Chị Diệu mệt đừ người sau 3 giờ lọc máu và trải qua đoạn đường dài hơn 30 kilomet nên về tới nhà chị nằm sải trên chiếc giường cũ kỹ đặt trước nhà. Anh Cang kể: “Lúc mới phát bệnh, không cần chạy thận như bây giờ, khi nào đau nhức quá thì tui lên chùa hốt thuốc nam cho vợ uống. Từ 5 năm trở lại đây, các loại thuốc nam chẳng còn tác dụng gì, để kéo dài sự sống, vợ tui phải lọc máu 3 ngày/tuần và cách một, hai ngày là phải truyền máu 1 lần.”
Cũng chính vì “thâm niên” chạy thận quá dài nên các găng tay của chị nổi cuộn lên như những rễ cây chạy dài từ mu bàn tay đến cùi chỏ, có chỗ thâm tím, sưng to. Sức khoẻ chị Diệu cũng kiệt dần, từ người phụ nữ hơn 50 kg nhưng bây giờ chỉ còn hơn 30 kg, chẳng biết chị sẽ gắng gượng thêm được bao lâu nữa khi bệnh mỗi ngày một nặng hơn.
Chị Diệu thều thào: “Ban ngày anh Cang đi vác gạo thuê, đến khuya 2, 3 giờ sáng là thức dậy làm vịt, gà thuê cho mấy hộ bán gà vịt ở chợ… Tất cả tiền công ảnh chẳng dám chi xài để dành cho tui đi lọc máu. Cháu Thu năm nay học lớp 8 rồi, từ cuốn sách, cái áo,… tui có mua nổi cho nó đâu, đã vậy cháu nó còn thức sớm để phụ làm gà,vịt với cha nó! Nhiều lúc thấy chồng con vất vả, tui nghĩ quẫn muốn chết đi cho nhẹ gánh chồng con! Khổ quá chú ơi!”
Em Cẩm Thu đang lau mồ hôi cho mẹ, nghe chị Thu đòi chết, Thu khóc nức nở, em nói trong nước mắt: “Mẹ chết rồi con ở với ai, mẹ phải cố lên, con và ba sẽ cố gắng làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ! Dù gia đình mình có cực khổ, vất vả thế nào nhưng khi con đi học về thấy cha, thấy mẹ là con vui lắm rồi!”
Được biết, dù chị Diệu có bảo hiểm y tế nhưng mỗi lần lên bệnh viện chạy thận, cộng tiền xe cộ và thang thuốc không dưới 200.000 đồng. Nhưng túng bẫn nhất là những lúc chị Diều phải truyền máu, mỗi 250ml máu có giá đến 1.050.000 đồng, bởi vậy anh Cang phải dò la tìm người bán máu bên ngoài để mua rẻ hơn được phân nửa giá so với bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương – Chủ tịch Hộ chữ thập đỏ xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Do anh Cang có “hành nghề” phụ là giết mổ gà vịt nên nhiều lần địa phương giới thiệu hoàn cảnh của anh với các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm,… họ ái ngại, từ chối giúp đỡ vì cho rằng anh Cang sát sanh nhiều quá. Nếu từ bỏ nghề đó, người ta sẽ đến thăm, giúp đỡ nhưng với trường hợp của anh Cang, không vốn, không nghề thì biết chuyển qua nghề gì để làm vào ban đêm?”
Cũng do làm quá sức, mới đây căn bệnh viêm đa khớp của anh Cang đã tái phát trở lại. Chẳng biết anh Cang còn gắng gượng được bao lâu nữa khi sức lực bất đầu hao mòn, trở bệnh.
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 974: Anh Dương Cang - tổ 1, ấp 1 xã Vĩnh Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
ĐT: 0939.799.757 (chị Phương - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Vĩnh Hiệp)
(Dantri)

18 tháng 4, 2013

NHỊP SỐNG IRS: Nhường sân?!


Trước ngày sinh nhật của chị Nguyễn Thị Minh Hiếu – Trưởng Phòng Dịch vụ Chứng khoán, Phòng Marketing chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn ngắn về dự định sắp tới của chị. Những chia sẻ của chị cũng ngắn gọn và đơn giản như chính con người chị. 


- Được biết, thời gian tới chị sẽ nghỉ việc tại IRS, chị có thể cho mọi người biết lý do được không? 

- Thời gian tới chị bận một số việc gia đình, chỉ đơn giản là lí do cá nhân thôi. Sắp tới chị đưa cháu lớn đi học ở nước ngoài nên cần sắp xếp cho cháu sao hợp lí và hiệu quả nhất. Trước khi đưa cháu sang thì chị cũng cần phải đi tiền trạm nữa mà.

- Chị nắm giữ vị trí quan trọng ở Công ty, vậy theo chị, khi chị xa IRS thì có ảnh hưởng gì đến Công ty cũng như mọi người, về mặt công việc cũng như tâm lí?

- Chị nghĩ là sẽ không có thay đổi cũng như ảnh hưởng gì đến bất cứ ai đâu. Vì Công ty mình làm việc độc lập và năng động, nên chị đi cũng là cơ hội tốt để thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Chị có tuổi rồi còn các bạn trẻ bây giờ đều nhanh nhẹn, biết việc.

- Vậy khi đi rồi, chị có nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ quay trở lại IRS như nhiều bạn khác?

- Không, chị không nghĩ vậy. Không phải chị chán hay ghét bỏ mà không quay lại. Chị có tuổi rồi, không còn phù hợp nữa.

- “Gừng càng già càng cay”, không những thế, em thấy chị là người thông minh và cẩn thận thì hoàn toàn phù hợp chứ sao lại không?

- Lí do chính là chị nhiều tuổi rồi nên cần lui lại để cho các em trẻ có thêm cơ hội để khẳng định, để phát triển hơn thì tốt hơn nhiều chứ.

- Đi cùng với IRS qua năm tháng, chị có điều gì vấn vương, có những kỉ niệm vui buồn nào với IRS?

- Nhiều chứ. Mỗi ngày trôi qua chị đều có những khoảnh khắc lưu lại. Phần lớn là niềm vui, vui vì được đến Công ty, được gặp và trò chuyện với những nhà đầu tư. Điều chị thích nhất ở Công ty mình cũng là đội ngũ nhà đầu tư. Niềm vui của chị đơn giản vậy thôi. Đương nhiên là đôi khi cũng có nỗi buồn nhưng chị phải gạt ngay, không để đọng lại vì còn phải tiếp tục công việc của mình cho tốt.

- Em thấy chị lúc nào cũng lạc quan, luôn giữ được bình tĩnh xử lí mọi tình huống. Chị có thể cho biết bí quyết của chị là gì được không?

- Chị dành thời gian suy nghĩ và đưa ra những quyết định đúng đắn về những kế hoạch riêng, cho gia đình cũng như cho bản thân. Chính những quyết định ấy đã giúp chị luôn sáng suốt.

- Cho đến thời điểm này, có những điều gì chị cho rằng mình chưa đạt được hoặc mong muốn gì chưa được thực hiện tại Công ty hay không?

- Nói là mong muốn ở Công ty mình thì rộng quá, chị chỉ nói thu gọn ở phương diện Phòng thôi, đó là Phòng Giao dịch cần thể hiện tốt hơn. Nếu như chị ở lại, chị cũng cần có một số kế hoạch để phát triển phòng hơn nữa vì đặc thù của Phòng Giao dịch có những yêu cầu khắt khe hơn các phòng khác. Chị mong khi chị đi thì bữa ăn trưa chung tại Phòng sẽ vẫn được duy trì để có thể đảm bảo cho các em sức khỏe, sự tỉnh táo cho công việc buổi chiều.

- Là một nhân vật kì cựu ở công ty, qua những chiêm nghiệm cho bản thân mình, chị có lời khuyên nào cho các em?

- Chị chỉ có duy nhất một điều muốn gửi tới các em, đó là không ngừng nỗ lực, luôn luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình để Công ty có thể vững mạnh và phát triển hơn nữa. 

- Thời gian tới, Công ty có kế hoạch thành lập một câu lạc bộ dành cho tất cả các cựu nhân viên IRS để kết nối và chào đón tất cả những người đã từng làm ở IRS dù ra đi với bất cứ lí do gì. Chị sẽ tham gia chứ? Và ý kiến của chị về đề xuất này thế nào?

- Nếu có thể chị cũng sẽ tham gia. Theo chị đây là một hoạt động rất hay, sau này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cả công việc lẫn cuộc sống đời thường. Hơn nữa sự trao đổi như thế là cần thiết, làm cho Công ty của mình ngày càng tốt lên.

Vâng, cảm ơn chị về cuộc nói chuyện hôm nay. Chúc chị luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống!

CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Hôn nhân kỳ lạ và người vợ quái gở của tôi


Câu chuyện của tôi dài lắm, tôi chỉ có thể tóm tắt được thế này thôi. Tôi từng đổ vỡ gia đình bởi một cuộc hôn nhân kỳ lạ và một người vợ kỳ quặc. Nói thật có lẽ không ai tin nhưng tôi bị trắng mắt trong một cuộc hôn nhân vội vã, không tìm hiễu kỹ càng trước sau.


Tôi không biết tôi và vợ tôi ai bị ai lừa. Đến bây giờ, tôi vẫn hoang mang không hiểu nổi tại sao vợ tôi lại hành xử như vậy với tôi, chồng của cô ấy và với gia đình tôi, bố mẹ chồng cô ấy đã yêu thương tôn trọng và cưng chiều cô ấy hết mực có thể trong những ngày làm dâu ngắn ngủi. Tôi đi lao động ở Nga về. Ở Nga làm ăn khó khăn, tôi trở về nước. Lưng vốn ít ỏi, tôi gần như hai bàn tay trắng làm lại từ đầu. Tôi được cậu em rể chạy chọt xin vào làm lái xe của một công ty trong tỉnh. Ở công ty, tôi đã gặp và yêu một người con gái sau này trở thành người vợ gieo rắc đau khổ cho tôi.

Nói chính xác hơn thì vợ tôi đã để mắt tới tôi ngay khi tôi vừa vào nhận việc. Cho đến giờ ngồi nghĩ lại, tôi cũng không lý giải thấu đáo hành động của vợ tôi. Vợ tôi hám sắc? hay hám tiền? hay là tính tình của vợ tôi kỳ lạ, quái gở? Ngay khi gặp và nhìn thấy tôi, cô ấy đã chủ động lân la bắt chuyện, hỏi thăm và rủ đi ăn đi uống.

Vợ tôi cao ráo, trắng trẻo, phải nói là hình thức khá. Cô ấy làm hợp đồng ở phòng kế toán thuộc công ty này trước tôi độ 1 năm. Thú thật, với trăm thằng đàn ông, mấy ai không gục ngã trước sự chủ động tấn công của phụ nữ, bất kể người phụ nữ ấy hình thức chỉ ở mức trung bình thôi, huống hồ với tôi cô ấy lại quá xinh.

Mới về nước lơ ngơ, lại đi làm ngay, có người con gái xinh đẹp cặp kè tán chuyện ngay, tôi hoàn toàn đổ gục. Đến khi yêu rồi, công khai cả cơ quan và quyết định dẫn về nhà ra mắt bố mẹ họ hàng thì em rể tôi, tức là chồng của em gái tôi cũng là người chạy việc cho tôi vào lái xe ở công ty mới biết tôi yêu Hương và ra sức ngăn cản.

Cậu em rể tôi chỉ nói với tôi rằng, Hương trước đó làm kế toán, nhưng làm đâu được một năm thì bị đuổi khỏi vị trí kế toán vì dính chuyện tài chính không minh bạch, có vướng mắc gì đó. Với lại quan hệ nam nữ của cô rắc rối phức tạp bí hiểm, tôi không nên dính vào. Hỏi cặn kẽ cậu em rể cái cụm từ “rắc rối, phức tạp, bí hiểm” cụ thể nó là như thế nào thì em rể tôi bảo em cũng chỉ nghe dư luận trong cơ quan nói vậy.

Với lại em thấy cô này thế nào ấy, vừa làm việc đã bị đuổi thì tốt nhất là anh đừng dính vào. Nhà tôi bố mẹ thì về hưu ở nông thôn thuần phác chỉ biết con nói sao nghe vậy. Thấy tôi quyết tâm yêu và cưới thì bố mẹ cũng chỉ nhắc tôi cân nhắc xem xét ý kiến của em rể mà quyết định việc đại sự cho đúng kẻo sau này hối tiếc. Khổ nỗi cái trò trai gái đã dính vào nhau, đã mê nhau như điếu đổ rồi thì chẳng nghe ai khuyên răn ngăn cản đâu. Mặc kệ cho em rể tôi phân tích thiệt hơn phải trái, tôi vẫn quyết tâm bước qua dư luận để cưới Hương về làm vợ. 

Nhà bố mẹ tôi ở nông thôn, không khá giả gì nhưng cũng đủ để chuẩn bị cho tôi một đám cưới tươm tất. Các anh chị em của tôi cũng mừng cho tôi có vợ đẹp, và đều lo quà cưới thiết thực và chu đáo cho vợ chồng tôi. Bố mẹ tôi dốc toàn bộ tiền tích trữ để cho vợ chồng tôi sắm sửa một đám cưới có đủ cả xe hoa, váy áo cô dâu đưa rước đàng hoàng.

Cô dâu được nhà chồng tặng vòng kiềng nữ trang bằng vàng trong ngày về nhà chồng. Cưới nhau xong, Hương nghỉ việc ở công ty vì công việc kế toán của Hương đã bị cơ quan cho thôi việc, chuyển sang làm văn thư văn phòng. Chán việc mới, thu nhập thấp, Hương âm thầm tìm chỗ thuê mở một quán cà phê trên phố. Bao nhiêu tiền nữ trang bố mẹ chồng cho Hương bán hết để hùn vốn bán cà phê.

Tôi vét nốt những đồng tiền dành dụm cuối cùng đưa cho vợ tôi được ba chục triệu đồng. Không biết có phải vì chán tôi không năng động, đi tây về mà chỉ có chừng ấy tiền, hay do không tìm hiểu kỹ tài chính của tôi, hay tại cái mác đẹp trai của tôi lại vừa đi xuất khẩu lao động về làm cho vợ tôi lóa mắt, nên cô vội vàng quyến rũ và vội vàng đám cưới với tôi để rồi bây giờ thấy không như cô ấy mong mỏi, nên đâm ra thất vọng, chán nản tôi sau đám cưới, vợ tôi đổi tính, trở nên lạnh lùng, ít nói và tỏ ra bí hiểm trước tôi. Ngay cả khi tôi cáu gắt vì bức xúc không được giải toả, thì cô ấy cũng chỉ im lặng lạnh lùng mà không nói gì. Tôi thực sự choáng trước thái độ quay ngoắt 180 độ của cô ấy.

Vợ tôi xinh đẹp, nên quán cà phê khá đông. Đi làm về, tôi đến quán cà phê phụ giúp vợ và ngủ lại quán cùng vợ. Kỳ lạ, vợ tôi không thích chồng phụ giúp bất cứ việc gì ở quán. Quái gở hơn nữa vợ tôi càng không thích chồng ngủ lại quán, cứ đuổi tôi về nhà bố mẹ. Tóm lại là sau ngày cưới, cô ấy không muốn ngủ cùng chồng.

Tôi ngạc nhiên hết sức, vì lẽ ra vợ chồng mới cưới đời sống tình dục hôn nhân càng phải mặn nồng mới phải. Thế nhưng vợ tôi lắc đầu quầy quậy, lấy cớ công việc bận bịu ở quán, phải thức khuya dậy sớm nên vợ tôi ngủ lại luôn ở quán, còn bảo tôi về nhà bố mẹ tôi. Tôi giận lắm, bỏ về nhà bố mẹ, ngày đi làm, trưa lại lang thang vật vờ rồi tối trở về nhà bố mẹ cách thành phố 5km để ngủ.

Tôi quá choáng sốc sau đám cưới. Cả tuần tôi không gọi điện thoại cho vợ, cũng không ghé qua quán cà phê. Tôi cứ tưởng, tôi làm mặt giận như vậy vợ tôi sẽ thay đổi thái độ, sẽ cuống lên gọi điện tìm tôi chứ. Ai dè, một tuần tôi không liên lạc với vợ là vợ tôi cũng cắt đứt liên lạc với chồng luôn.

Không chịu nổi cảm giác vô lý lạ lùng này, tôi quay lại quán cà phê tìm vợ. Vợ tôi đã tuyển thêm 3 nhân viên nữ bán cà phê và cả 3 chị em ngủ ngay tại quán. Tôi càng không có lý do gì để ở lại quán khi tôi như vị khách không mời mà đến. Càng không thể ngủ lại trên chiếc giường của chúng tôi khi mà chủ nhân đã mời lên đó thêm 2 cô gái khác nữa để ngủ.

Tôi thật bối rối như gà mắc tóc. Tôi đã tìm đủ mọi cách để nói chuyện riêng với vợ tôi nhưng cô ấy cứ lấy cớ công việc khách khứa mà không chịu đối mặt một lần thẳng thắn với tôi sau tất cả những gì đã xảy ra. Tôi không thể nào nói chuyện với vợ tôi để hiểu được thực chất vợ tôi đang muốn gì, tại sao cô ta lại hành xử như vậy.

Chỉ sau ngày cưới chưa được 1 tháng, vợ tôi đã sinh chuyện. Không nói chuyện, không ngủ cùng, tránh mặt và lạnh nhạt như nước đá lạnh mỗi khi tôi lên quán. Quá ức chế tinh thần vì bỗng dưng vợ thay đổi tính nết kể từ sau ngày cưới, tôi tuyên bố thẳng thừng với Hương tôi sẽ ly hôn cô ấy. Không ngờ, dường như chỉ đợi có thế, cô ấy chìa đơn ly hôn luôn. Sẵn cơn tức giận bất cần, tôi ký đánh roẹt.

Vợ chồng tôi chia tay nhau tròn 3 tháng sau ngày cưới. Còn nhẹ hơn cả lông hồng. Đến tôi người trong cuộc còn không thể giải thích được nguyên nhân, còn không hiểu nổi điều gì đã xảy ra thì làm sao bố mẹ, anh chị em họ hàng hiểu nổi nguyên cớ đổ vỡ đùng đùng của vợ chồng tôi là gì. Tôi nói chuyện tất cả một lần với gia đình mà không ai tin tôi, mọi người cứ dò hỏi xem có phải lỗi tại tôi không, hay cô ấy có khiếm khuyết gì trên cơ thể nên bây giờ mới xảy ra cơ sự ấy.

Tôi không thể giải thích, cũng không buồn giải thích nữa, vì tôi ngập ngụa trong một cảm giác thương tổn và stress kinh khủng. Vừa đi ăn cỗ cưới chưa nóng chỗ nay đã nghe tin vợ chồng tôi ra tòa. Xử ly hôn, vợ tôi còn không đến tòa để tranh cãi hay nói lý do, hay để nhìn chồng mới cưới lấy một lần.

Cô ấy chỉ gặp thẩm phán một lần duy nhất và nói rằng tài sản hồi môn vòng nhẫn của nhà chồng cho cô ấy đã bán tất và mở hàng cà phê, bây giờ chưa thể lấy lại vốn. Tôi chia tay với vợ lãng xẹt và vô lý như vậy. Vợ tôi sau đó cũng đóng cửa quán cà phê nghe đâu lên biên giới làm ăn mở quán cà phê khác.

Từ đó trở đi, tôi chưa hề một lần gặp lại vợ mình. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa lấy lại được thăng bằng, vết thương lòng trong tôi vẫn chưa liền sẹo. Tôi nghĩ rất nhiều về vợ tôi và cuộc hôn nhân kỳ quái của chúng tôi mà cô ấy đã chủ động. Tôi không biết, không tìm được lý do vì sao Hương vội vã quyến rũ tôi, vội vã cưới tôi và cũng vội vã bỏ tôi như thế để làm gì.  Rõ ràng, cô ấy không giống như cô gái ở miền Tây làm đám cưới hàng loạt, lừa con trai hàng loạt để chiếm đoạt tiền. Cô ấy cũng không phải vì mê trai, vì bồ bịch mà bê trễ chồng và bỏ chồng đi với người khác.

Vì nói thực về ngoại hình, tôi khá đẹp trai, trẻ trung rất tương xứng với cô ấy. Cô ấy hành động cư xử quả là kỳ quặc. Nếu không yêu tôi thì mất công cưới tôi làm gì. Cô ấy xinh đẹp, thừa sức để lấy chồng khá giả, tại sao lại phải yêu và cưới vội, bỏ vội một người chồng để cả đời mang tiếng là hôn nhân gãy đổ từng qua một lần đò, từng có một đời chồng? Bao nhiêu câu hỏi không có lời giải đáp.

Bố mẹ tôi rất đau khổ và xấu hổ với hàng xóm láng giềng vì chuyện vợ tôi bỏ tôi. Cả nhà tôi đều ngại ngần xấu hổ không biết giải thích thế nào trước lời ong tiếng ve của xóm giềng. Bản thân tôi cũng trở nên mất tự tin sau cuộc hôn nhân kỳ quái ấy. Bạn bè tôi vì ấm ức cho tôi vẫn lân la thu thập thông tin về phía gia đình của Hương, hay bạn bè của Hương để báo lại với tôi.

Gia đình họ cũng không chia sẻ gì. Còn Hương chưa lấy chồng, chưa mang ai về nhà giới thiệu người yêu, nghe đâu lên biên giới làm ăn với bao điều thị phi và đồn đoán ở quê nhà.  Nhưng tôi biết, ở quê người ta cứ đoán già đoán non như vậy, còn thực chất như thế nào thì chỉ có Hương mới biết rõ.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân quái gở này đã biến tôi từ một kẻ yêu đời tự tin nay trở nên chán nản, mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút. Và điều kinh khủng là tinh thần tôi vô cùng bất ổn, cáu giận và lúc nào cũng mang cảm giác người khác đang tìm cách lừa gạt mình, đang thọc dao từ phía sau lưng mình. 
(CAND)

NHỊP SỐNG IRS: Chúc mừng sinh nhật chị Nguyễn Thị Minh Hiếu!


Chị là một thành viên đã nhiều năm gắn bó, đi suốt chặng đường cùng đại gia đình IRS. Chị được mọi người yêu quý, không những dày dặn trong tuổi đời, tuổi nghề mà chị còn là bậc thế để lớp trẻ như chúng tôi noi theo và học hỏi. Và hôm nay sinh nhật chị, một ngày thật đầy ý nghĩa. Chúng tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến với chị, chúc chị luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ yêu đời và hạnh phúc bên gia đình của mình.


Chúc mừng sinh nhật Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu.!!!


17 tháng 4, 2013

NHỊP SỐNG IRS: IRS thông báo về việc nghỉ giao dịch nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Giải Phóng Miền Nam và ngày Quốc Tế Lao Động

Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Giải phóng miền Nam 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HXN) sẽ nghỉ giao dịch vào các ngày sau:

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương:
  • Nghỉ giao dịch từ thứ Sáu, ngày 19/04/2013.
  • Tổ chức giao dịch bình thường trở lại kể từ thứ Hai, ngày 22/04/2013.
Ngày Giải phóng miền Nam và ngày Quốc tế Lao động:
  • Nghỉ giao dịch từ thứ Hai, ngày 29/04/2013 đến hết thứ Tư, ngày 01/05/2013.
  • Tổ chức giao dịch bình thường trở lại kể từ thứ Năm, ngày 02/05/2013.
Theo đó, Công ty Chứng khoán IRS cũng sẽ nghỉ vào các ngày nói trên theo thông báo của hai Sở.

IRS xin trân trọng thông báo tới Quý Nhà đầu tư. Chúc Quý Nhà đầu tư sẽ có những ngày nghỉ vui vẻ, hạnh phúc!

GỠ RỐI TƠ LÒNG: Tôi yêu chồng nhưng ghét cay ghét đắng nhà chồng!

Tôi thấy tủi thân vô cùng vì người ta lấy chồng được nhờ nhà chồng. Còn tôi đã không được nhờ lại còn bị bố mẹ, anh em nhà chồng nhờ vả thêm, mặc dù chúng tôi cũng đang khó khăn.


Tôi lấy chồng được 3 năm, tuy là chưa phải làm dâu vì vợ chồng tôi sống trên Hà Nội (quê chồng ở Hà Nam). Nhưng dần dần càng tiếp xúc và hiểu rõ về nhà chồng tôi lại càng ghét họ hơn.


Vì Hà Nam và Hà Nội không xa lắm nên cứ một tuần vợ chồng tôi lại về 1 lần thăm nhà. Dạo này bận công việc hơn trước nên vợ chồng tôi cũng ít về hơn. Chồng tôi giờ làm thêm mảng thiết kế nên công việc khá là bận rộn. Còn tôi thì làm thêm bán quần áo online ngoài việc làm văn phòng. Chính vì thế mà đợt này không về thăm ông bà được như trước, thế mà ông bà suốt ngày gọi điện trách móc làm tôi phát mệt.
Mọi người sẽ nghĩ tôi là người soi mói và để ý nhưng phải là người trong cuộc thì mới thấy tủi thân và thấm thía thế nào. Đi lấy chồng đồng nghĩa với việc phải lấy cả nhà chồng, vậy mà không thể yêu nhà chồng như nhà mình tôi thật sự thấy ngột ngạt.
Ngày yêu nhau, biết gia đình anh khó khăn nhưng tôi vẫn yêu và chấp nhận lấy anh vì tôi yêu và thương anh. Anh phải một mình tự lập hết, bố mẹ chả lo được gì cả. Biết là ông bà khó khăn nên tôi cũng chả dám đòi hỏi nhiều là ông bà phải cho cái này cái nọ. Nhưng đằng này ông bà lại chỉ thích xin xỏ, nhờ vả vào con, mặc dù vợ chồng tôi đang khó khăn, nhà cửa còn phải đi thuê, nay đây mai đó.
Ông bà ở quê mặc dù làm ruộng nhưng cũng có chút đồng lương hưu. Cộng với việc ông bà rất tiết kiệm, tôi thấy chả ăn tiêu gì, ăn uống thì đạm bạc. Nếu như bố mẹ nhà khác thương con thì tiết kiệm cho con, hoặc cùng nữa là để đỡ phải nhờ vả vào con. Đằng này từ cái thẻ điện thoại hay bất cứ vật dụng nào cần mua ông đều í ới cho con trai ở tận trên Hà Nội mua, không phải là ở quê không có mà là ông sợ tốn tiền của ông.
Tôi thấy tủi thân vô cùng vì người ta lấy chồng được nhờ nhà chồng. Còn tôi thì đã không được nhờ lại còn bị nhờ vả thêm mặc dù chúng tôi cũng đang khó khăn.
Nhà chồng có 3 con nhưng giờ có việc gì cũng cứ đổ hết lên đầu đứa con út (là chồng tôi). Tôi thương mình thì ít mà thương chồng thì nhiều. Chẳng bù cho bố mẹ đẻ của tôi không bao giờ lấy tiền của tôi cho mặc dù bố mẹ cũng khó khăn, vì bố mẹ hiểu giờ tôi còn có gia đình nhỏ của mình.
Chồng tôi bị bệnh, ông bà nội cũng chả lo được gì. Chỉ có mẹ tôi sốt ruột cứ đi chạy vạy đi tìm mua thuốc cho anh ấy. Nhiều lúc nghĩ thương mẹ mà chả làm gì được, trong khi bố mẹ chồng thì thờ ơ, có hỏi thăm thì cũng chỉ để cho có, còn "sống chết mặc bay".
Tôi thật không hiểu sao lại có bố mẹ không thương và lo cho con cái như bố mẹ chồng tôi? Thế mà chồng tôi chẳng chịu hiểu hay là cố tình không hiểu ra điều ấy. Tôi cứ nói câu nào là anh lại gạt đi. Trong đầu anh ấy bao giờ bố mẹ cũng là nhất, còn vợ như tôi chỉ là thứ yếu mà thôi. Ông bà nói gì anh cũng nghe.
Đã thế, thỉnh thoảng về, bố chồng lại gợi ý mua cái này cái nọ cho ông. Tôi về chơi có nửa ngày ông cũng bắt tôi ra chợ mua đồ ăn (ông kêu là thích ăn gì thì mua nhưng giờ tôi đã hiểu là hôm nào vợ chồng tôi về chơi thì tôi phải đi chợ để không phải tốn tiền của bố mẹ chồng).
Nhiều lúc tôi cũng tự nhủ và an ủi mình bằng những lý do khác nhau. Nhưng sự thực là càng ngày tôi càng nhận ra tính keo kiệt, bủn xỉn của bố chồng và tôi không thể nào yêu quý ông ấy cho được.
Đã thế, bố mẹ người khác chỉ muốn cho con cái đi ra làm ăn cho phát triển. Còn ông bà nội chỉ thích cho con cái ở nhà để có người hầu hạ, phục vụ ông ấy. Cứ hơi đau ốm tí là ông lại điện gấp cho ông con út quý hóa trên Hà Nội về gấp để chăm lo, để vòi vĩnh. Tôi thực sự ngán ngẩm với bố chồng.
Ngoài bố chồng ra thì anh em nhà chồng cũng chẳng khá hơn. Anh em nhà chồng ai cũng có nhà cửa rồi nhưng lại cứ vin vào cớ thất nghiệp với không có tiền vay mượn ông em út, trong khi ông em út thì đang thuê nhà.
Mà lạ đời ở chỗ, họ bảo vay nhưng không thèm trả mới hay chứ. Làm sao mà tôi không điên cho được. Lúc vợ chồng tôi hỏi vay mượn làm ăn chả bao giờ nhà an chồng cho vay được đồng nào. Đến bây giờ toàn quay ra vay vợ chồng tôi mà lần lữa không trả.
Không hiểu số tôi thế nào mà lại vớ phải nhà chồng chua chát như thế? Nghĩ mà chán cho cái thân phận và cuộc đời mình. Chả bù cho nhà tôi, anh em tuy không có nhiều nhưng anh chị rất hay giúp đỡ tôi vì thấy tôi chưa ổn định. Bố mẹ cũng không có nhưng không bao giờ lấy tiền của tôi, thậm chí còn tiết kiệm cho tôi nữa.
Càng so sánh giữa hai bên nội - ngoại, tôi lại càng thấy sự khập khiễng và chua chát. Đến bao giờ thì chồng tôi mới chịu hiểu đây?
(St)