25 tháng 4, 2013

NHỊP SỐNG IRS: AN LẠC TỪ TÂM


Tín ngưỡng đối với mỗi người ít nhiều có một sự ảnh hưởng nhất định. Trong buổi chiều nhân ngày sinh nhật chị Hoàng Thị Hồng Hạnh, một Nhà đầu tư giỏi giang, thành đạt và cũng là một Phật tử tại gia, chúng tôi đã được lắng nghe những chia sẻ về niềm tin với Phật pháp của chị. Những điều mà theo chị, nhờ Phật pháp dẫn lối mà chị đã qua được thăng trầm, sóng gió của đời mình.



Phật giáo là một tôn giáo lớn và ở Việt Nam thì phần lớn dân số nước ta cũng hướng tâm theo Phật. Nhưng hầu như không phải ai cũng tìm đến ngọn nguồn, tìm hiểu và học hỏi để giác ngộ những điều răn dạy. Điển hình như là giới trẻ. Phần lớn những người trẻ thường không đủ kiên nhẫn để nghe kinh pháp, nhưng lại rất thích và rất chăm lên chùa, coi đó như một trào lưu. Vậy động lực nào đã giúp chị đến với Phật pháp và giữ được tín ngưỡng bấy lâu nay?

Người khác thì chị không biết, còn chị thì chị không đi theo trào lưu. Chị cảm thấy, khi chị theo Phật, chị được bình an. Nếu ai quen chị, hẳn cũng biết cuộc sống của chị đã từng ba chìm bảy nổi mới có được ngày hôm nay. Nhờ được soi lối, chị đã giác ngộ được nhiều điều và chấp nhận những điều không may đến với mình mà hoàn toàn cảm thấy bình thường. Đức tin đã giúp chị cảm thấy thanh thản, tự tại với mọi điều diễn ra trong cuộc sống dù là may mắn hay rủi ro.

Theo như em biết thì Đức Phật có dạy rằng “ Không tham lam” nhưng trong kinh doanh thì phải sử dụng nhiều chiêu trò, khi mình đạt được cái này đôi khi cũng đồng nghĩa với việc người khác mất đi cái đó. Trong chứng khoán, khi mình được, người khác mất, hay như cùng một mã chứng khoán, nhưng chị có lãi còn người khác lại không. Chị cảm thấy điều này có mâu thuẫn với những điều răn dạy của Phật hay không?

Theo chị thì không hề mâu thuẫn chút nào vì điều Phật vẫn luôn nhắc nhở đó là luôn phấn đấu, cố gắng lao động, chỉ cần không chà đạp lên các giá trị đạo đức mà thôi. Còn với chị, mỗi khi đầu tư một cái gì đó thì chị cũng phải bỏ ra chất xám sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó cũng cần đến 50% may mắn nữa thì mới có lãi được. Và khi có lãi rồi, tùy mỗi người có thể đi công đức hoặc từ thiện, hoặc làm gì đó để giúp đỡ cho xã hội hoặc cộng đồng. Với chị thì là như thế.

Với một Cư sỹ - Phật tử tại gia như chị thì chị có hay đến chùa và nghe giảng pháp hay không?

Thứ 7 hàng tuần, chị dành nguyên một ngày để lên chùa Hòe Nhai nghe giảng pháp cùng với đạo tràng chị tham gia. Ngoài ra, chị cũng mua thêm sách đĩa để về xem mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.

Trong cuộc sống, chị là một người rất năng động và nhanh nhạy. Tuy nhiên, theo em biết, những người đến với Phật cần có một sự tĩnh tại nhất định. Vậy có sự mâu thuẫn nào giữa cuộc sống của chị và thời gian chị dành ra để nghe giảng pháp hoặc đọc sách, nghe đĩa Phật dạy không?

Câu trả lời của chị là không hề. Vì cuộc sống của chị đã trải qua quá nhiều thăng trầm nên hiện tại khi dành thời gian cho Phật pháp với chị lại là để bù đắp cho những điều còn thiếu trong cuộc sống. Cũng không biết có phải là vì tùy duyên hay không mà khi đến với Phật pháp, chị càng học càng thấy ham mê.

Vậy theo chị, ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống là gì?

Đức Phật vẫn luôn răn dạy chúng sinh “Bỏ điều dữ, làm điều lành”. Mọi khổ đau của hiện tại là do nặng nghiệp từ kiếp trước, hoặc nhiều kiếp trước để lại. Hay gần hơn thì nguồn cơn xuất phát từ những tham lam và những thói hư tật xấu của bản thân. Và lúc đó mình cần phải thay đổi. Ví dụ như khi nóng nảy thì mình cần cố gắng kìm chế. Vì nóng nảy như các cụ vẫn nói, là đồng nghĩa với ngu si. Nên nhờ có Phật, mình học và giác ngộ được, mình sẽ tốt lên rất nhiều.

Chị là một người luôn hòa đồng và vui vẻ với mọi người cũng như luôn bình tĩnh trong mọi tình huống. Với những điều chướng tai gai mắt, chị có phương pháp nào để kìm nén cơn nóng giận của mình, bỏ bớt điều “sân”?

Phương pháp thì chị không có, nhưng chị vẫn đang cố gắng học cách giữ vững lập trường và tinh thần của mình trong mọi tình huống. Còn hiện tại, khi có chuyện gì đó không tốt xảy ra, chị nghĩ có thể là ở tiền kiếp mình mắc nợ người ta, thì kiếp này chị trả, nên chị rất thanh thản. Không quá so đo tính toán. Còn những lúc nóng giận căng thẳng quá mức, chị đọc sách về Phật, những điều răn dạy ấy sẽ kéo mình thoát khỏi vũng lầy mình đang mắc phải.

Vậy còn ngược lại? Khi mình cố gắng làm điều tốt mà người khác vẫn hiểu sai về mình thì sao? Chị sẽ làm thế nào? Lúc ấy chị có cảm thấy nóng giận hay khó chịu không?

Lúc ấy chị chỉ biết cố gắng tốt nhất, cố gắng bằng 100% khả năng của mình. Vì mình cũng chỉ là phàm phu tục tử, nên cũng sẽ có những lúc mắc sai lầm. Khi đã mắc sai lầm thì mình sẽ cố gắng sửa sai và tiếp tục vươn lên chứ không giận dỗi gì cả.

Với chị, người ta chưa hiểu hết mình nên người ta mới phản đối mình. Mình không thể giải thích mọi điều mình đang làm bằng lời nói. Mà cách tốt nhất để chứng minh là bằng cách sống, từ những điều nhỏ nhặt nhất như lời ăn tiếng nói. Muốn người khác hiểu và tin mình thì cũng cần có thời gian. Khi ta chứng minh cho người khác bằng hành động thì sớm hay muộn người ấy cũng sẽ hiểu thôi.

Chị đã giác ngộ được lâu chưa? Và theo chị, với những người không có điều kiện để thường xuyên đọc sách, nghe giảng kinh pháp hoặc đến chùa chiền tham gia đạo pháp thì làm thế nào để họ có thể vận hành những điều răn vào cuộc sống?

Chị mới chỉ giác ngộ được 2 năm nay thôi. Nhưng nếu có thể, chị rất, rất muốn được giác ngộ sớm hơn. Còn về cách thức để vận hành những điều răn vào cuộc sống khi không có điều kiện về thời gian thì chị nghĩ đơn giản như này “ Phật ở tại tâm”. Ta chỉ cần cố gắng sống, học tập và phấn đầu làm việc hết mình, không chà đạp, bon chen hay dùng bất cứ thủ đoạn nào chỉ để đạt mục đích và lợi ích của cá nhân mình đã là tốt rồi, chứ không nhất thiết phải ăn chay hay tụng kinh hàng ngày.

Theo em được biết thì hiện tại chị đang ăn chay trường. Nói thì dễ nhưng lúc thực hiện lại không hề đơn giản, nên nhiều người thường lựa chọn ăn chay vào mùng 1 hoặc ngày rằm hàng tháng. Với chị, khi bắt đầu ăn chay như thế này có gặp điều gì khó khăn?

Chị thì cảm thấy là không có khó khăn hay vấn đề gì hết. Chị chỉ mới bắt đầu ăn chay được hơn 1 năm nay nhưng sức khỏe của chị rất tốt. Ban đầu chị chỉ ăn mỗi tháng 4 ngày, rồi tăng lên 6 ngày và bây giờ là ăn chay trường luôn mà không gặp trở ngại gì cả. Hàng ngày ở nhà chị cũng ăn đơn giản như: đậu, lạc, các loại rau củ với cơm thôi.

Chị ăn chay như thế này có ảnh hưởng nhiều đến chế độ ăn của chồng con hay không? Hoặc khi đi ăn cưới, cỗ bàn, các đám lễ thì chị có ăn chay không? Hay là thuận theo mọi người?

Mình ăn chay là việc của mình, chị nghĩ là không nên để người khác khó xử vì những điều mình làm. Còn chuyện ăn uống thì đơn giản, đi cỗ bàn thì chị ăn chút xôi, chút rau bình thường vẫn vui vẻ mà. Với chồng con thì chị thuận được ở chỗ là chồng chị lại rất thích nấu ăn, nên gia đình cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Ban đầu cũng hơi có chút trở ngại vì người trong nhà chưa quen nhưng hiện tại thì đều đã ổn thỏa rồi.

Theo như chị nói thì chị hiện đang tham gia vào một đạo tràng, vậy mình sinh hoạt trong môi trường theo đạo có những điều gì tốt cho mình? Việc chị theo đạo như này liệu có phải là một cái nghiệp hay không?

Chị cảm thấy việc chị theo đạo như một cái nghiệp, mà nghiệp ở đây là nghiệp thuận. Ví dụ như nhiều người muốn chuyển sang ăn chay nhưng lại gặp khó khăn. Còn chị thì mọi chuyện lại diễn ra rất nhẹ nhàng và dễ dàng. Đây cũng là may mắn, là cơ duyên của chị.
Còn ở đạo tràng, sau mỗi giờ tu xong vào buổi trưa, chị và các bạn đạo chia sẻ với nhau những điều chiêm nghiệm ở cuộc đời bản thân và chị cảm thấy mình sáng ra rất nhiều. Mỗi lúc thấy lười nhác chị lại đọc sách, nghe đĩa để xốc lại tinh thần. Hàng ngày chị có 2 buổi tụng kinh là sáng sớm (vào khoảng 4 rưỡi sáng) sau khi quét dọn cổng giả tầm 1 tiếng hoặc hơn một chút. Còn buổi chiều thì tùy công việc mà mình sắp xếp thời gian.

Vâng, câu hỏi cuối cùng dành cho chị, là chị cảm thấy cuộc sống của mình đã viên mãn hay chưa?

Chị nghĩ như thế này: Khi mình biết chấp nhận thì sẽ là đủ. Chị biết bằng lòng, biết đón nhận cuộc sống của mình dù khi xét ra, có thể nó chưa hoàn hảo, chưa đủ tốt. Nhưng với chị, cảm thấy như vậy là được rồi!

Vâng, xin cảm ơn chị về buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúc chị luôn có được một cuộc sống yên ổn trong tâm hồn và một gia đình an lạc, cát tường!

0 comments: