Ngày...tháng...năm: Má dậy sớm nấu cơm và làm thịt gà. Anh lấy cái túi vải trắng bỏ cơm vào và nắm chặt. Anh nắm thành hai nắm. Anh bảo nắm cơm mang đi rừng cho chắc ăn. Rồi má cho mình đi cùng anh luồn rừng về Bù Đăng tìm binh trạm. Anh không muốn để mình đi theo. Anh bảo sẽ rất nguy hiểm cho em nếu gặp thám báo. Anh đi một mình được rồi. Mình không chịu, mình khóc. Anh lau nước mắt cho mình rồi ôm mình thật chặt. Anh bảo anh thương mình và quý má lắm. Giải phóng miền Nam anh sẽ quay lại xin phép má cho anh làm rể và đón mình về quê ra mắt bố mẹ. Rồi anh hôn mình. Lần đầu tiên mình được hôn. Hơi thở của anh ấm áp đến lạ lùng. Bên anh, mình cảm thấy yên tâm vô cùng. Mình vờ dỗi anh, anh lại xin lỗi và bảo: lần đâu tiên anh được hôn một người con gái. Em đừng giận anh mà tội nghiệp nghen. Rồi anh bắt mình trở lại. Mình đứng nhìn anh đi khuất mới lủi thủi trở lại. Mình đã yêu anh thật rồi! Tôi nhớ lại hôm ấy, sau hai ngày luồn rừng tôi tìm được đến Binh trạm của Trung ương Cục Miền Nam. Sau khi làm thủ tục khai báo. Họ cử giao liên đưa tôi về đơn vị cũ của mình. Tôi đã kể hết cho Thành, người bạn cùng quê nghe về câu chuyện thần kỳ của mình trong thời gian tá túc ở nhà má Sáu và Trang. Thời gian thấm thoắt trôi đi. Nhiều lần muốn về lại Phước Long thăm mẹ và em nhưng không thể. Đơn vị tôi chuyển địa điểm đóng quân liên tục. Muốn gửi thư cho Má và em nhưng không có ai về Phước Long để gửi. Nỗi nhớ mà và Trang cứ cồn cào trong lòng. Một buổi sáng miền Đông Nam bộ, trời xanh trong đến tận cùng. Chim rừng ríu ra ríu rít thật vui tai. Tôi và Thành được gọi lên Sư đoàn bộ gặp Chính ủy. Tôi lo lắng, không biết có việc gì đã xẩy ra với hai đứa. Hay ai đó tố cáo mình lăng nhăng với cô gái ở Phước Long trước đây. Thành có biết mà không báo cáo cho Sư đoàn nên bị vạ lây? Không! Mình biết ơn họ không hết vì họ đã cứu sống thì tại sao mình lại dám... Đang nghĩ vơ nghĩ vẩn thì đồng chí liên lạc bảo ngồi ở lán tiếp khách chờ thủ trưởng. Hai đứa chúng tôi nhìn nhau sốt ruột. - Chào hai đồng chí. Chúng tôi đứng bật dậy. Chính ủy mỉm cười và chỉ ghế bảo: - Ngồi xuống đi. Rồi ông hỏi chúng tôi có nhớ nhà không? Cuộc chiến đấu đã đến hồi quyết liệt, hai đồng chí có sợ không?v.v và v.v... . - Tôi cho mời hai đồng chí lên để giao nhiệm vụ mới đây. Hai đồng chí là người có thành tích trong chiến đấu. Nay sư chuyển đồng chí Thành đi học lớp lái xe cấp tốc để phục vụ ngoại giao đoàn. Đồng chí Thiên được chuyển sang làm trợ lý cho trưởng đoàn đại diện Mặt Trận trong ủy ban quân sự bốn bên tham gia hội nghị tại Pari vì đồng chí biết tiếng Nga và tiếng Pháp và chữ viết rất đẹp. Hai đứa chúng tôi ngỡ ngàng và mừng không tả nổi. Hội nghị lần này bàn về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam. Bốn phái đoàn tham dự gồm Hoa Kỳ, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Các phái đoàn giám sát quốc tế gồm Canađa, Bungari, Ba lan và Indonesia. Các đồng chí về làm thủ tục để đi nhận nhiệm vụ ngay trong ngày. Tôi được đi dự lớp tập huấn ngắn hạn do Trung ương Cục đào tạo và được biên chế vào Phái đoàn của Mặt trận. Từ đó tôi luôn có mặt trong các chuyến bay Paris-Hà nội-Lộc Ninh và ngược lại. Hiệp định Pari được ký vào ngày 27 tháng một năm 1973. Hai phái đoàn Miền Bắc và Mặt trận giải phóng ôm nhau nhảy múa vui như hội. Tháng 4 năm ấy, chúng tôi bay về Lộc Ninh để trao trả tù binh Mỹ. Trong thời gian chờ đợi, tôi xin phép đoàn về Phước Long thăm má Sáu và Trang. Trưởng đoàn đồng ý và bảo Thành lấy xe của đoàn đưa tôi về . Đến nơi, Thành chỉ kịp vào nhà chào gia đình rồi phải về ngay. Nhìn thấy Trang, Thành nheo mắt nhìn tôi và giơ ngón tay cái lên gật. Thành ghé tai tôi thầm thì: Tuyệt vời !Cố lên! Má đi thăm chị Hai. Chỉ mỗi mình Trang ở nhà. Chờ Thành lên xe, em ôm chặt lấy tôi làm tôi nghẹt thở. Em cười. Nụ cười làm lòng tôi rạo rực. Nước mắt em giàn giụa. Em trách tôi không về thăm má, không nhắn tin cho má và em. Rồi em đon đả đi bắt gà làm thịt nấu cơm cho tôi. Tôi không cho em đi đâu hết. Tôi bắt em ngồi trước mặt tôi hàng giờ để tôi ngắm em. Tôi nắm bàn tay thon nhỏ trắng mềm của em đặt lên má, lên cằm lởm chởm râu của mình. Tôi hôn bàn tay mềm mại của em. Trời tối mịt , hai đứa chúng tôi mới đi nấu cơm. Mừng quá, hai đứa không muốn ăn, chỉ ngồi nhìn nhau không thấy chán. Đêm ấy, trăng mười sáu tròn vành vạnh. Trời Phước Long không một gợn mây. Chúng tôi cứ ngồi bên nhau cho đến khi sương xuống lành lạnh. Tôi ngâm thơ và hát những bài hát viết về quê tôi cho em nghe. Em khen tôi ngâm thơ hay mà hát cũng hay. Tôi nhớ hôm đó tôi đọc cho em nghe bài thơ mà tôi không nhớ tác giả : “ Người yêu tôi chưa hai chục tuổi. Giọng hò trong như nước sông trong. Sông nước quê hương tắm mịn má hồng Áo trắng màu hoa sen trắng. Tóc rũ hàng dương , sông dài biển lặng Cuộn lên mưa nắng đợi chờ.” Tôi nhìn em và hỏi: “Em có đợi anh không? Giải phóng miền Nam, anh sẽ về xin phép má cho anh làm rể và anh sẽ xin má đưa em về quê ra mắt bố mẹ ạnh. Làm vợ anh em nhé”. Em ôm chặt tôi, đặt đôi môi nóng hổi lên môi tôi và thầm thì: “Em cũng không biết nữa...” Tôi tạm biệt em trở về nơi làm việc. Sau khi trao trả xong lính Mỹ ở Lộc Ninh, chúng tôi lại quay ra Gia Lâm để trao trả phi công Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi máy bay và bắt sống tại miền Bắc. Rồi chúng tôi lại vào Thạch Hãn – Quảng Trị để trao trả và tiếp nhận tù binh của hai phía. Chúng tôi trở lại chiến trường chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng vào sào huyệt của ngụy quân Sài Gòn. Từ Buôn Mê thuột đoàn quân của chúng tôi tiến như vũ bão về Nam Trung Bộ. Trước giờ G, tôi được Thành xin phép cấp trên lái xe đưa tôi về thăm Phước Long. Buổi trưa cuối Xuân , tiết trời Phước long oi ả. Tôi xuống xe, còn Thành tiếp tục lên Trà Khiết có việc. Má Sáu không có nhà. Em ra ngõ đón tôi. Em lộng lẫy trong chiếc áo trắng màu hoa sen rộng cổ. Chúng tôi ôm nhau trước những ánh mắt tò mò của người đi đường. Em hỏi tôi ở lại được lâu không ? Má nhắc anh hoài à. Má nhớ và thương anh lắm. Tôi bảo em chỉ gặp em được hai tiếng đồng hồ thôi. Anh phải về đơn vị ngay để chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng. Em lại khóc. Em nũng nịu: -Em không cho anh đi đâu. Và cái trưa hôm ấy đã mãi mãi đi vào nỗi nhớ trong tôi. Em đã giành cho tôi sự ngây thơ trong trắng của người con gái Phước Long. Chúng tôi đã trao nhau tất cả. Em ghé tai tôi: - Sau này có con, em sẽ đặt tên cho nó là Thiên Bình. Anh là Minh Thiên ( trời sáng ) con của chúng ta là Bầu trời bình yên . Anh thấy em đặt tên con như vầy có được không? Tôi gật đầu và cảm ơn em đã giành tất cả cho tôi và từ biệt em lên xe về cứ. Ngày 30 tháng Tư, từ Xuân Lộc đơn vị chúng tôi ào ạt tiến về sài Gòn. Khi vừa băng qua cầu Sài gòn tôi bị trúng đạn vào đầu bất tỉnh. Tôi được chở ngay đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Vết thương tạm ổn, tôi được chuyển ra bệnh viện Quân Khu B. điều trị. Hai năm trời ở bệnh viện, tôi lúc tỉnh lúc mê. Vết thương hồi phục, tôi được chuyển về điều dưỡng tại Trại thương binh nặng của Quân khu. Tôi hoàn toàn mất trí nhớ.. Năm sáu năm điều dưỡng ở đây trí nhớ của tôi mới dần dần hồi phục. Vợ của tôi bây giờ chính là người y sĩ đã từng chăm sóc cho tôi trong thời gian chữa trị ấy. Nhờ cô ấy mà trí nhớ của tôi mới trở lại như bây giờ. Chúng tôi cưới nhau khi tôi bước sang tuổi 40. Điện thoại của tôi đổ chuông. Bí Rợ gọi tôi. Cô ấy đi công tác về và thông báo cho tôi là cô ấy đã nhắn cho Thiên Bình đến nhà cô ấy. Cô ấy tấm tắc khen vẻ đẹp Thiên Bình chẳng khác gì thiên thần Cô ấy bảo: “Cháu xanh và ốm lắm. Giữ cháu ở lại để em chăm sóc nhưng cháu không chịu. Nó hỏi em đã gặp bác MT chưa? Bác ấy vào Sài Gòn tìm con thật hả hả má ? Tiếc qúa má ơi. Chắc là bác ấy buồn vì con lắm. Rồi nó ôm mặt khóc. Ai dỗ cũng không nín. Nó chỉ ở với em có nửa tiếng đồng hồ thôi. Nó bảo má đừng tìm nó. Khi nào cần nó nhắn má. Em đưa điện thoại bảo nó nói chuyện với anh mà nó hổng chịu. Thiệt là!... Tôi lại mở Blog Bông Hồng trắng ra đọc. Ngày...tháng...năm: Bỗng dưng nhớ anh đến lạ lùng. Nhớ từng tiếng láy khi anh ngâm thơ. Kiểu ngâm thơ Miền Trung của anh sao mà ngọt ngào ấm áp đến vậy. Anh bảo anh thích nhất bài thơ Quê hương của Giang nam. Còn mình thì thích anh ngâm bài thơ Vòng lá ngụy trang vì bài đó nói về người lính. Mình nhớ anh dạy mình thêu gối, dạy làm thơ và dạy cả câu cám ơn bằng tiếng Nga nữa. Ngày...tháng...năm: Chiều nay anh về. Má không có nhà. Đêm nay chỉ mỗi mình và anh trong ngôi nhà nhỏ. Anh bắt mình ngồi vào lòng và kể chuyện gia đình anh ngoài Bắc cho mình nghe. Anh không hề đòi hỏi ở mình bất cứ một điều gì. Kể cả cái điều mà mình rất sợ ấy. Anh thật trong sáng , thông minh và lãng mạn. ... Ngày...tháng...năm: Anh lên xe, mình chạy ùa vào nhà rồi khóc. Mình thương anh vất vả. Ngày mai đơn vị anh tiến vào giải phóng Sài gòn. Cầu mong anh bình an. Ngày kia má về lại, không biết má có hay trưa nay mình và anh đã... không nhỉ. Má mà biết chắc má giận lắm! Ngày...tháng...năm: Hình như giọt máu của anh đã lớn lên từng ngày trong mình. Ăn gì vào cũng buồn nôn, nhất là mùi tanh. Má nhìn mình thương hại hỏi : Thằng Tám đã biết hắn có con chưa ? Tôi không thể đọc được nữa. Tôi gọi cho Bí Rợ nhờ cô ấy đi tìm Thiên Bình về giúp. Bí Rợ ngái ngủ: Anh điên à. Bây giờ là nửa đêm, mà Sài Gòn mênh mông thế làm sao mà tìm được. Tôi xin lỗi Bí rợ và đi nằm. Tôi không ăn sáng. Vợ tôi không cho tôi vào mạng. Cô ấy bảo: Nhìn anh thê thảm lắm. Thế này thì đổ bệnh mất thôi. Tôi im lặng. Chờ cho vợ xách giỏ đi chợ, tôi lại bật máy lên và vào mạng. Đèn tín hiệu của Bông Hồng Trắng không bật. Tôi quay sang Blog của mình để viết một cái gì đó. Trên ô lưu bút có dòng chữ ngắn ngủi của Thiên Bình: “Ba đừng giận con nghe. Con không dám nói chuyện điện thoại với ba vì con chưa hề biết ba là ai. Con chỉ sợ ba cũng giống như ba dượng của con vậy. Xin lỗi ba!”. Không viết được gì vì đầu óc tôi cứ rối tung lên. Tôi chuyển sang trang của Thiên Bình để đọc. Ngày ... tháng ... 1975: Mình bắt xe lam về Sài gòn tìm anh. Khắp các đường phố Sài gòn rợp cờ đỏ sao vàng và cờ Giải phóng. Người xe đổ hết ra đường mừng chiến thắng. Tìm anh ở đâu bây giờ? Đúng rồi mình cứ vào chỗ Ủy ban quân quả hỏi chắc họ sẽ biết anh ở đâu. Đến nơi, họ không cho vào. Họ yêu cầu xuất trình giấy tờ. Mình không mang theo gì cả. Mình gặp một anh bộ đội đeo băng đỏ ở cánh tay: Anh Bộ đội ơi, cho em hỏi ở đây có anh Minh Thiên, người quê H. không? Anh ấy cười: “Em hỏi thế thì có thánh mà biết”. Đang đình quay đầu đi thì có một chiếc U oat biển số đỏ đỗ xịch bên cạnh. Anh tài xế bước ra, trên cánh tay phải anh ấy cũng đeo băng đỏ. Mình chạy chặn lại và hỏi: “Anh ơi , anh có biết anh Thành, lái xe cho Đoàn Ngoại Giao ở đâu không?” Anh hỏi lại: - Có phải anh Đồng Xuân Thành không? Mình gật đầu bừa vậy chứ biết anh ấy có phải họ Đồng hay Sắt gì đâu. Chờ một lúc thì anh Thành xuất hiện. Anh ấy không vui khi gặp mình. Linh tính mách bảo với mình sắp có chuyện rồi. Anh chìa tay bắt tay mình rất chặt với nét mặt trịnh trọng.: - Em hãy bình tĩnh nghe anh nói đây. Hôm tiến vào Sài gòn Thiên bị thương nặng được đưa cấp cứu rồi. Bây giờ anh cũng không biết cậu ấy ở đâu nữa. Chắc cậu ấy không sao đâu, em đừng lo lắng quá. Mình không còn nghe anh nói gì nữa. Đom đóm bay đầy trước mắt. Mình khuỵu xuống. Anh Thành và các bạn anh ấy đưa mình vào nhà khách của Ủy ban quân quản nghỉ ngơi. Đến chiều, anh Thành lấy xe đưa mình về nhà. Các anh ấy cho mình và má nhiều thuốc tây, cả thuốc bổ nữa. Má không chịu uống. Má bảo con uống thuốc cho khỏe cái thai trong bụng. Rồi Má lại khóc. Má thương anh, không biết anh sống chết thế nào. Biết anh ở đâu mà đến chăm sóc anh bây giờ? Ngày...tháng...năm: Chị Hai và chị Ba về. Biết mình mang bầu, các chị la dữ lắm. Chị Hai bắt mình đi phá thai. Chị bảo làng xóm mà biết mày chửa hoang, họ ị vào mặt má và mặt bọn tao cho mà xem. Mình chỉ biết khóc. Không đời nào mình lại nỡ vứt bỏ giọt máu của anh. Anh ơi, anh yên tâm chữa trị. Khổ mấy em cũng chịu được. Ngày...tháng...năm: Kể từ lần chia tay anh đến nay đã tròn 11 tháng, mình không có tin tức gì về anh. Anh Thành cũng không còn ở thành phố nữa rồi. Nghe đồn anh lại trở lại miền Tây Bình Phước. Hình như biên giới lại sắp có chiến tranh. Chẳng biết bây giờ anh thế nào. Anh đã biết con gái Thiên Bình của anh đã được tháng rưỡi và giống anh như lột không nhỉ? Có tiếng mở cửa, tôi nhìn ra thấy vợ đi chợ về. Cô ấy lên tiếng quát : - Lại chat chít à ? Em xin anh đấy! Huyết áp anh đang có vấn đề mà sao anh không nghỉ ngơi cho em nhờ? - Anh không sao đâu. Anh khỏe mà. – tôi trấn an vợ. - Thiên Bình có đó không anh? Con nó có nhắn gì anh không ? Câu hỏi nhẹ nhàng của cô ấy làm tôi thực sự cảm động. – không em!- tôi trả lời. Mấy hôm nay, bạn bè quen biết trên mạng gọi điện thoại cho tôi liên tục. Chúng nó tò mò muốn biết Bông Hồng Trắng có đúng là con gái tôi không? Tôi chỉ biết cám ơn bạn bè đã quan tâm đến tôi. Đêm đêm, tôi không ngủ được. Cứ thấy bóng đêm là nghĩ ngay đến Thiên Bình. Tôi dằn vặt tự hỏi: tại sao Thiên Bình lại rơi vào hoàn cảnh này. Liệu đây có đúng là Thiên Bình, con gái của tôi và Trang không? Trang của tôi bây giờ làm gì, ở đâu mà tôi và bạn bè tìm hoài không thấy. Bạn bè tôi chỉ mỗi Thành là người biết Trang và mối quan hệ của hai chúng tôi. Thành đã hy sinh trên đường đưa cán bộ của ta sang chiến trường K năm 1977. Tôi chẳng biết hỏi ai bây giờ. Gặp Thiên Bình để hỏi thì nó tránh mặt . Nhắn tin trên Blog thì nó chỉ trả lời cộc lốc không đâu vào đâu cả. Ruột gan tôi như kiến bò. Tôi lại điện cho Bí Rợ. Cô ấy cũng chẳng có tin tức gì về Thiên Bình. Tôi gọi điện nhờ anh bạn có nick KC lần theo địa chỉ ghi trong “trang thông tin cá nhân” của Bông Hồng Trắng để đến tận nơi xem thực hư ra sao. KC vui vẻ nhận lời và làm một chuyến lên Thủ Dầu Một. Ở đây không ai biết cô gái có tên Thiên Bình. KC là một doanh nhân nổi tiếng ở đất Sài Thành. Anh ấy quen biết rất nhiều nhà hàng khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh. KC đã nhờ bạn bè giúp đỡ tìm kiếm nhưng vì thông tin về cô gái có tên Thiên Bình quá ít ỏi, lại không có bức ảnh nào để xem nên càng mịt mù như hũ nút. Tôi vào trang blog của Hoa Hồng Trắng. Đèn tín hiệu không đỏ. Tôi viết vào chỗ góp ý dưới entry mới nhất: “Con hãy nói cho ba biết hiện giờ mẹ con đang ở đâu và làm gì? Dì Hai và Dì Ba con có khỏe không? Nhớ cho ba địa chỉ và số điện thoại của mẹ hay của các dì nghe con. Ba rất sốt ruột và lo lắng cho mẹ con. Con nói đi !” Hai hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của Thiên Bình: “ Ba là ai mà lại biết dì Hai và dì Ba con? Ba cho con địa chỉ E-mail của ba, con sẽ kể cho ba nghe.” Tôi vội vàng nhắn lại địa chỉ E-mail của mình cho Thiên Bình và hồi hộp chờ đợi. Một ngày, hai ngày rồi một tuần... rồi một tháng ,tôi không có bất cứ tin nhắn hai E-mail nào của Thiên Bình. Tôi thực sự lo lắng và thất vọng. Sau gần 5 tuần, Bí Rợ gọi điện cho tôi báo tin cô ấy nhận được tin nhắn Thiên Bình bị bệnh nặng nhưng không cho biết đang điều trị ở bệnh viện nào cả. Tôi lập tức thông báo tới các bạn tôi ở trong đó bủa đi đến các bệnh viện tìm Bông Hồng trắng giúp tôi. Sau mười ngày tìm kiếm, tất cả đều báo tin cho tôi: không thấy ! Tôi mệt mỏi và chán nản không muốn lên mạng và không muốn viết gì nữa. Một hôm, con gái tôi mở máy để lên mạng tìm số liệu cho bài kiểm tra. Trước khi tắt máy nó hỏi: - Ba ơi, ba có đọc báo không để con tắt máy? Tôi ngồi vào bàn và mở hộp thư ra xem. Hộp thư có một thư chưa đọc. Tôi reo lên: Đây rồi, thư con đây rồi! Thư Thiên Bình viết ngắn gọn, tôi đọc không bỏ sót một chữ: “ Ba, con đã ngờ ngợ và linh cảm rằng con đã tìm được cha đẻ của mình . Nhưng con lại tự hỏi: tại sao 32 năm nay, ba không về với mẹ và con ? Hay ba không thực lòng thương mẹ thương con và ba đã có một gia đình hạnh phúc khác rồi quên mẹ con con? Cô Bí Rợ đã khuyên con gặp ba và nói cho ba tất cả nhưng con không thể. Nếu thực con là giọt máu của ba thì dù sao khi biết rõ về hoàn cảnh của con ba sẽ đau lòng. Mà con thì không muốn điều đó xảy ra. Con biết ba con bị thương nặng lắm. Lúc đó mẹ đang mang bầu con . Vì vậy khi con lớn lên, Ngoại bảo con: ba mày chết rồi. Còn mẹ thì bảo rằng ba con còn sống và đang phiêu bạt ở đâu đó. Có thể ba đã mất mát một phần nào đó trên cơ thể nên không muốn về với mẹ con vì ba sợ mẹ khổ. Có phải thế không ba? Mẹ con không trách ba đâu. Mẹ chỉ buồn và nhớ ba thôi. Ba ơi, có lẽ con sẽ không bao giờ được nhìn thấy ba đẻ của mình nhưng con luôn nghĩ ba đẻ của con lúc nào cũng trăn trở và phiền muộn. Ba đẻ con là người rất phúc hậu. Có phải vậy không ba? Con không còn nhiều thời gian để post toàn bộ những trang nhật ký thấm đẫm nước mắt của mẹ lên blog. Con chỉ chọn những mốc thời gian với những kỷ niệm sâu sắc của mẹ để đưa vào Blog thôi. Nếu Ba là ba đẻ thật của con, con sẽ gởi lại cuốn nhật ký của mẹ cho ba khi nào điều kiện cho phép. Xin lỗi ba vì con không thể cho ba biết chỗ ở và công việc của con. Dạo này sức khỏe con đang có vấn đề nên thu nhập của con bị giảm sút. Không quan trọng đâu ba. Con tự khắc phục được. Ba không cần lo lắng cho con. Kính mong Ba khỏe. Con chào Ba Thiên Bình.” Đọc thư xong, ngực tôi như có ai bóp mạnh vào tim. Khó thở quá, tôi mở toang hết cửa sổ mà vẫn cảm thấy như không đủ không khí để thở. Mặt tôi đỏ gay đỏ gắt. Vợ tôi hốt hoảng và vội vàng đo huyết áp cho tôi. Chết rồi, huyết áp anh lại lên cao quá rồi 180/110. Cô ấy bỏ thuốc vào miệng tôi. Tôi không còn biết gì nữa. Tôi tỉnh dậy và thấy mình nằm ở phòng cấp cứu của bệnh viện. (Còn nữa)
13 tháng 12, 2010
CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT: Chương I: Cô gái bí ẩn (tiếp theo kỳ trước)
Phạm Văn Mão (theo tintuconline)
2 comments:
Truyện càng đọc càng xúc động...!!!
Bố bao giờ cũng yêu thương con gái nhất
Đăng nhận xét