Thằng Hoánh đi bộ đội từ năm 1972, được 2 năm, Hoánh bỏ chạy khỏi quân ngũ và trong đêm hắn mò về trốn trong buồng vợ. Mẹ Hoánh thấy con trai trốn về thì ngay lập tức đi báo cáo với uỷ ban xã. Ngay sáng hôm sau, bên xã cử người đến động viên Hoánh trở lại quân ngũ. Hoánh ở nhà được 1 ngày, làng trên xóm dưới xôn xao chuyện Hoánh đào ngũ, chịu không được lời ong tiếng ve, Hoánh khoác ba lô trở lại chiến trường.
Nhưng sau khi đi, ủy ban xã nhận được giấy thông báo từ đơn vị của Hoánh chính thức thông báo Hoánh đã tự ý rời khỏi quân ngũ không có lý do. Hoà bình lập lại, vợ Hoánh và mẹ Hoánh cũng không thấy Hoánh trở về nhà. Hoánh đi biệt tích tới chừng ba năm nữa, mới đây hắn mới đột ngột trở về, tóc tai dài như dân thổ phỉ.
Trong xã, cha tôi đã năm lần bảy lượt mời Hoánh lên trụ sở uỷ ban làm việc để khai báo quá trình mất tích đi đâu làm gì của Hoánh nhưng Hoánh cứ lần lữa không chịu lên. Đùng một cái đêm nay, Hoánh trở thành thủ phạm trong một vụ trộm cắp động trời. Mà đây đơn thuần không phải là một vụ ăn cắp bình thường mà là một vụ phá hoại chủ nghĩa xã hội.
Chiếc loa phóng thanh của xã là biểu tượng của cuộc sống ấm no, hoà bình, là đời sống văn hoá dân trí của xã, ấy vậy mà Hoánh dám ăn trộm loa, cắt luôn cả cuộn dây điện dài cả nghìn mét. Hành động này là hành động phá hoại chủ nghĩa xã hội chứ còn gì nữa. Chắc chắn phải giải thằng phản động này lên huyện, lên tỉnh để điều tra cho ra nhẽ.
Đêm ấy, 3h sáng, cha tôi cùng hai bác đội viên giải Hoánh về nhà kho hợp tác xã. Trong lúc hai bác ấy về nhà kiếm ít rượu và khoai lang luộc mang ra để ăn cho ấm bụng, đồng thời mừng cả ba đêm nay đã lập được một công lớn là bắt được tên ăn cắp phản động thì một mình cha tôi ở lại nhà kho cùng tên Hoánh và làm công tác điều tra hỏi cung ban đầu.
Không biết có phải trời xui đất khiến, hay vì một lý do nào đó thì không biết, nhưng khi hai đội viên kia hí hửng mang rượu và cà muối mặn cùng rổ khoai lang lên thì thấy cha tôi ngồi gục mặt trong một góc bàn, còn dưới đất, Hoánh nằm sóng soài, mắt trợn ngược. Hoánh đã chết. Mọi người chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng quá bất ngờ này thì cha tôi đã chùng giọng xuống thú tội với hai đồng nghiệp.
"Tôi lỡ tay đánh chết thằng Hoánh rồi. Mẹ nó, tôi chỉ xô nó có một cái thôi mà thằng này như người giấy, nó ngã bổ chửng ra sàn nhà, mắt trợn ngược, người giật giật. Tôi tưởng hắn làm bộ, tôi ngồi yên đợi hắn ngồi dậy thì thấy nó ú ớ mấy tiếng rồi nằm lặng ngắt, tròng mắt thôi không đảo qua đảo lại nữa. Tôi giật mình cúi xuống xem hắn còn thở nữa không thì không thấy hắn thở nữa. Khốn nạn thật, đã kịp đánh đập gì đâu, mới xô một cái mà đã lăn quay ra chết".
Nói rồi cha tôi thở dài đánh sượt. Tất cả lặng ngắt hồi lâu, cha tôi lên tiếng: "Thôi các đồng chí đi báo Công an xã đi, tôi lỡ tay đánh chết người thì coi như tội của tôi. Việc ai làm người ấy chịu. Cái số tôi nó đen đủi, vào sinh ra tử không chết, cuối cùng lại chết bởi cái thằng Hoánh đào ngũ này. Thôi, hai đồng chí còng tay tôi lại đi rồi kêu người đến lập biên bản". Nói đến đấy rồi cha tôi khóc nức lên, hai vai rung bần bật.
Ngay trong đêm ấy, đến rạng sáng, đầy đủ Công an xã, và các ban bệ trong chính quyền xã có mặt lập biên bản và làm các thủ tục cần thiết. Hai đồng nghiệp của cha tôi đêm ấy đã dứt khoát không cho phép cha tôi thú nhận tội vô tình đánh chết người. Biên bản được lập ra, nguyên nhân gây chết người của thằng Hoánh là trong lúc ăn cắp loa phóng thanh đã bị điện giật chết.
Hai xã đội viên cùng trực với cha tôi bắt thằng Hoánh đêm ấy đã thuyết phục cha tôi rằng, đằng nào người chết thì cũng đã chết rồi, hơn nữa người chết lại là một tên trộm, một kẻ đào ngũ, không xứng đáng để cha tôi phải hy sinh cả cuộc đời của mình, tương lai tốt đẹp của mình vì một kẻ không xứng đáng. Với lại mọi việc xảy ra chẳng qua là không may mà thôi, chứ có phải cha tôi dùng nhục hình để đánh đập tra tấn Hoánh tới chết đâu.
Số của Hoánh chỉ đến vậy, chẳng qua cha tôi chỉ là một tác nhân tình cờ đẩy nhanh cái kết cục bi thảm của Hoánh. Nếu bây giờ cha tôi thú tội, Công an sẽ điều tra, việc để xảy ra chết người trong lúc thi hành nhiệm vụ dù là với nguyên nhân khách quan hay chủ quan đi chăng nữa, cha tôi cũng không thể thoát khỏi án tù, nhẹ thì dăm năm, nặng thì vài chục năm.
Nếu cha tôi mà đi tù thì quá khứ vinh quang của cha bị bôi bẩn, là nỗi nhục cho gia đình, vợ con, dòng họ, ông bà nội sẽ không sống nổi, vợ con không thể ngẩng mặt lên được nữa. Rồi mai này các con lớn lên, lý lịch sẽ bị bôi đen bởi quá khứ lỡ làng của cha. Cái chết của một tên đào ngũ, một kẻ cắp, kẻ phá hoại như Hoánh không đáng để cha tôi phải huỷ hoại cả cuộc đời lương thiện của mình.
Trong lúc hoảng loạn và hoang mang đến cực độ, cha tôi đã thuận theo tất cả những sự sắp đặt của 2 đồng nghiệp trong đêm hôm ấy.
Sự kiện thằng Hoánh, một kẻ đào ngũ, ăn cắp, phá hoại xã hội chết vì tai nạn không đủ sốc để gây nên một biến cố nào trong đời sống tình cảm, tinh thần và cuộc sống thường ngày của những người dân trong xóm làng tôi. Những xáo động nhỏ, tan biến ngay, và mọi người trong ngôi làng bình dị và yên ả này lại trở về với trật tự vốn có, thuộc quen với việc đồng áng nhà cửa. Không mấy ai nhớ đến Hoánh. Người ta dần dần xoá tên con người Hoánh ra khỏi ký ức làng...
Cuộc sống của cha tôi vẫn vậy, nhưng công việc của ông kể từ sau sự kiện bắt được tên đào ngũ phản động ăn cắp có vẻ như ngày một hanh thông hơn. Mọi người có thể quên con người Hoánh, nhưng chiến công của cha tôi thì ai cũng nhớ. Cuộc đời trớ trêu là vậy.
Khi cha tôi muốn quên Hoánh đi một cách nhanh nhất, để chạy trốn những mặc cảm ẩn ức của mình thì mỗi lần ông xuất hiện ở đâu, người ta đều nhắc đến Hoánh như một chiến công vang dội của ông khi đã góp phần loại bỏ những con sâu độc trong cộng đồng làng. Thật là khó nghĩ, khó ở cho cha tôi, bởi chỉ có ông biết rõ nhất vì sao Hoánh chết. Rõ ràng, ông cảm thấy giày vò, ân hận, cha tôi và 2 người đồng nghiệp kia biết rõ, vì sao Hoánh chết, và trong cái chết của Hoánh rõ ràng có sơ suất của cha.
(còn nữa)
Theo báo Công an nhân dân
0 comments:
Đăng nhận xét