29 tháng 12, 2010

KHÓ TIN NHƯNG CÓ THỰC: TÔI CÓ NÊN NÓI CHUYỆN NÀY RA KHÔNG?

PHẦN III

Nhưng có lẽ, cuộc đời vẫn luôn trêu ngươi như vậy. Cha tôi vẫn phải nhớ đến sai lầm của mình hằng ngày hằng giờ khi sau cái vụ bắt thằng Hoánh, kỳ đại hội tiếp tới, cha tôi được tín nhiệm dân bầu lên làm Bí thư Đảng ủy xã. Mặc dầu trong lòng, cha tôi chưa chắc đã phải là người ham hố gì chức vụ ở một địa phương nhỏ bé, khi mà mọi công việc chỉ là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", thế nhưng số phận đã định đoạt vậy rồi.

Cha tôi lên chức Bí thư Đảng ủy xã được 5 năm, phát động bà con nhân dân trong xã đào kênh mương thuỷ lợi nội đồng, cải thiện việc sản xuất lúa nước, mùa màng thắng lợi, đưa lại cuộc sống ấm no cho dân. Cha tôi cũng là một trong những người đã góp phần khôi phục lại ngôi đình cổ ở làng đã bị bom Mỹ bắn phá.

Bằng lao động công ích, mỗi người dân trong làng người góp gạo, người góp gạch, người góp gỗ, người góp công để xây dựng lại đình làng to đẹp làm nơi sinh hoạt văn hoá của cả làng. Những công sức của cha tôi vì làng quê, bà con trong làng ai cũng biết ơn và kính trọng cha tôi. Có việc gì mọi người trong làng đều hỏi cha tôi và nhờ xin ý kiến.

Trong 5 năm làm Bí thư đảng ủy xã, nơi cha tôi hay đến nhất chính là nhà mẹ của thằng Hoánh đã chết năm xưa. Bà cụ mẹ thằng Hoánh chỉ có Hoánh là con trai độc nhất cùng với một cô con gái nữa. Chồng bà cụ mất sớm, một mình cụ ở vậy nuôi 2 con. Kể từ khi Hoánh chết, vợ Hoánh ôm con bỏ nhà ra đi biệt tăm, biệt tích, để lại bà cụ già sống trơ trọi một mình. Cô con gái lấy chồng xa, năm bữa, nửa tháng mới đáo qua nhà mẹ được một lát rồi lại chạy vội về nhà lo chồng con.

Cuộc sống của bà cụ mẹ Hoánh nhờ vào chính sách của xã và lòng hảo tâm của mọi người. Cha tôi là một trong những người hảo tâm đó, đã san sẻ bớt khẩu phần ăn của gia đình mang đến cho bà cụ. Cha tôi bỏ ra hàng giờ ngồi chuyện trò với cụ Hoánh. Những lần đến nhà cụ Hoánh, cha thường hay dắt tay tôi theo cùng. Mỗi lần gặp cha tôi, bà cụ lại khóc. Từ ngày mất con, mất cháu, cụ khóc nhiều quá, đôi mắt đã mù, nay càng nặng hơn.

Lần nào cha tôi đến, cụ Hoánh cũng lục dưới đáy rương những bức thư đã ố vàng đưa cho cha tôi và nhờ cha tôi đọc cho cụ nghe. Cụ bảo với cha tôi, thằng Hoánh đi bộ đội mãi mà không thấy về, nó chỉ gửi thư thôi, tôi không biết chữ, nhờ ông đọc hộ. Lần nào tôi cũng là người đọc những bức thư ố vàng nhoè nhoẹt chữ ấy cho cha tôi và bà Hoánh nghe.

Những bức thư làm cho cả cha tôi và bà Hoánh lặng người đi trong nỗi buồn. Tôi thường hay cùng cha đến nhà bà cụ Hoánh, đọc đi đọc lại mãi những bức thư ấy cho cụ Hoánh nghe, đến nỗi gần như nhập tâm trong người. Những bức thư mà chỉ đến lúc này, khi viết lại câu chuyện này, tôi mới hiểu hết tình đời trong đó.




Tôi nhớ có những đoạn Hoánh viết: "Mạ ơi, con đang hành quân ở trong rừng, nhớ mạ và nhớ vợ con lắm. Con trai của mạ sẽ cố gắng chiến đấu anh dũng để mạ thoả lòng mạ nhé...".

" Mạ ơi, mạ bảo vợ con viết thư cho con và báo tin cho con biết cô ấy đã có chửa chưa? Con nóng ruột lắm. Nhà mình, mạ chỉ có mình con là con trai duy nhất. Con đang ra trận, không biết khi nào về thăm mạ được. Nếu vợ con có thai, thì con mong vợ con đẻ con trai để mạ có cháu đích tôn. Có thằng cháu đích tôn ở bên cạnh mạ rồi, con mới an lòng...".

"Mạ ơi! mạ viết thư giục con về vì vợ con vẫn chưa có chửa. Chắc là không đúng ngày nên chưa đậu thai được, mạ đừng lo. Nhưng con không biết làm sao mà xin về được cả. Con đang hành quân ra trận. Biết mạ nóng ruột nhưng con chưa có cách gì, Con hứa mới mạ sẽ thu xếp để về nhà chỉ một đêm thôi cũng được. Con chỉ mong vợ con có thai thì con mới yên tâm ra trận được mạ nhé".

Có hai bức thư mục nát nhất, nhoè nhoẹt nhất mà tôi nhớ mãi. Chắc là vì người viết đã vừa viết vừa khóc, người nhận đã đọc đi đọc lại quá nhiều lần và cũng khóc rất nhiều nên bức thư mới nhàu nát đến vậy.

Đó là bức thư của vợ Hoánh viết cho Hoánh: "Anh Hoánh ơi! Em biết anh vì mẹ, vì em, vì con mà dẫn đến liên lụy. Em đã có thai cho anh một giọt máu, nhưng ở làng, mọi người đã đồn ầm lên là anh đào ngũ rồi. Em đoán sau lần anh bỏ về nhà để thăm mẹ và em, lên đơn vị anh đã bị kỷ luật phải không anh? Em đoán vì thương mẹ và em mà anh đã sa chân, lỡ bước. Nếu đơn vị kỷ luật thì anh cũng phải chấp nhận chứ đừng trốn tránh nữa anh nhé".

Chỉ có khoảng chục bức thư thôi, nhưng đọc những bức thư đó, cha tôi mới hiểu ngọn ngành việc Hoánh đào ngũ và vì sao Hoánh đi ăn trộm. Những bức thư nào cũng tình cảm nặng lòng cho thấy Hoánh rất yêu mẹ và vì mẹ, vì sợ mai này có thể hy sinh ở chiến trường mà Hoánh muốn để lại cho mẹ mình một giọt máu của mình để bà cụ đỡ tủi phận.

Chính vì mong muốn đó mà Hoánh đã phạm sai lầm, rồi kết cục là đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Trong những lần trốn về như vậy, Hoánh đã bị đơn vị kỷ luật. Chắc là không chịu nổi những ánh mắt kỳ thị của mọi người, hoặc giả bao nhiêu lý do nữa nên Hoánh đã rời khỏi quân ngũ sống cuộc đời chui lủi, trốn tránh, nhục nhã.

Nhưng có một lý do nữa để vì sao Hoánh trở thành người đi ăn trộm dây điện kể ra thật xót xa. Bà cụ mẹ của Hoánh từ ngày Hoánh bị chết, bà trở nên mất hẳn trí nhớ, lúc nào có ai đến nhà cũng than thở sao thằng Hoánh đi bộ đội lâu thế không về thăm mẹ.Chỉ có em gái của Hoánh là biết rõ vì sao anh mình suy đồi đến mức đi ăn cắp.
(Còn nữa)
Theo CAND

0 comments: